Nội dung quyển Nghi thức Kinh tụng hàng ngày này, gồm nghi thức tụng Kinh A Di Đà, Kinh Phổ Môn, Sám Hối Hồng Danh… Thầy Thích Phước Tiến biên soạn.
Lời nói đầu
Quyển Kinh Tụng Hằng Ngày dành cho người cư sĩ Phật tử mà quý vị đang cầm trên tay là sự ấp ủ hoài vọng của tôi trong nhiều năm qua. Trên bước đường làm Phật sự tôi gặp rất nhiều cư sĩ Phật tử băn khoăn, trăn trở về việc tụng đọc kinh điển tại nhà.
Khi được hỏi, thưa thầy, hằng ngày, ở nhà con tụng kinh gì cho phù hợp? Câu hỏi rất đơn giản nhưng đó lại là một thách thức rất lớn đối với việc giúp họ tu học đúng theo chánh pháp. Bởi có rất nhiều nghi thức đọc tụng không đúng chánh pháp mà người cư sĩ không phân biệt được nên họ hành trì một cách mù quáng theo lời quảng cáo của một người hướng dẫn nào đó.
Bên cạnh đó, không phải là không có nhiều kinh nhật tụng để giới thiệu cho Phật tử tại gia nhưng liệu họ được lợi ích bao nhiêu trong việc hành trì một bản kinh toàn là văn Hán?
Đứng về mặt tín ngưỡng, chúng ta có thể nói, đọc kinh gì cũng có phước, nhưng những bản kinh còn nguyên văn Hán Việt, chưa được thuần Việt, thì liệu có làm cho người đọc tụng kinh bị mù mờ đối với việc tu học không? Hoặc có những bản kinh tụng hằng ngày đã được ấn hành nhưng chưa thật sự phổ biến đến với mọi người hoặc chưa phù hợp với nguyện vọng của họ?!
Nhu cầu tụng đọc kinh điển của người Phật tử là việc rất cần thiết, bởi vì việc tụng đọc đó giúp cho mọi người nhận thức đúng đắn hơn về lời Phật dạy, đồng thời có thể vận dụng lời dạy ấy trong việc chuyển hóa thân tâm, nhờ đó mà từng bước họ được thảnh thơi an lạc, tăng thêm phước huệ. Nhờ lời kinh tiếng kệ, mõ sớm chuông chiều, người dân sẽ ý thức hơn về đạo đức, khởi phát tâm thiện, vì đức Phật vẫn còn giá trị thiêng liêng với hầu hết người bình dân hướng Phật.
Nội dung quyển kinh tụng này, ngoài những bản kinh thuần Việt theo truyền thống mà các chùa Bắc tông hướng dẫn Phật tử đọc tụng hằng ngày, như: Kinh A Di Đà, Kinh Phổ Môn, Sám Hối Hồng Danh… chúng tôi tham khảo và trích lục một số bản kinh đã được biên soạn và xuất bản, như: Nghi Thức Tụng Niệm (Tỳ Kheo Thích Đồng Văn), Kinh Nhật Tụng Đại Toàn (Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh), Kinh Tụng Hằng Ngày (Thượng Tọa Thích Nhật Từ), Kinh Tụng Hằng Ngày (Tỳ Kheo Thích Phước Đại), đồng thời chúng tôi kết hợp giữa nghi thức xưa và nay, hệ thống hóa thành bản Nghi Thức Kinh Tụng Hằng Ngày, vừa mang giá trị tín ngưỡng, vừa mang tính triết lý, giúp người cư sĩ Phật tử tăng thêm tín tâm và phát triển trí tuệ trong việc đọc tụng kinh điển.
Mời quý bạn đọc tụng trọn bộ Nghi thức Kinh tụng hàng ngày – Thầy Thích Phước Tiến biên soạn tại file PDF dưới đây.