Câu tiếp theo của Cảm Ứng Thiên dạy chúng ta “tích đức lũy công” (tích góp công đức). Ở trong tiểu chú, câu đầu tiên giải thích thế nào là đức? Thế nào là công?
Câu tiếp theo của Cảm Ứng Thiên dạy chúng ta “tích đức lũy công” (tích góp công đức). Ở trong tiểu chú, câu đầu tiên giải thích thế nào là đức? Thế nào là công? Giữ tâm là “đức”, thực hiện trên sự tướng gọi là “công”. Đức không tích thì không dày, công không bồi thì không lớn. Chúng ta thấy chư Phật Bồ-tát, từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp, những điều mà họ làm, bốn chữ này đã bao gồm hết rồi, việc mà họ làm chính là “tích công lũy đức”. Vì ai mà tích công? Vì ai mà lũy đức? Vì tất cả chúng sanh, không vì chính mình, như vậy mới đích thực là đại công đại đức. Chúng ta cần noi theo chư Phật Bồ-tát. Chư Phật Bồ-tát vì sao phải làm như vậy? Họ hiểu rõ một chân tướng sự thật, tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là chính mình, cho nên họ mới làm. Chúng ta không biết chân tướng sự thật cho nên mới có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chỉ lo cho bản thân, không quan tâm tới mọi người, luôn cho rằng mình và mọi người là hai việc khác nhau. Chỉ biết lợi mình, không biết lợi người. Không biết được là lợi người mới là chân thật lợi mình, lợi mình thực tế chính là tự hại, chỉ có lợi người mới là lợi chính mình. Cái hại của lợi mình chính là lục đạo luân hồi, chính là tam đồ ác đạo.
Nội dung bộ Cảm Ứng Thiên Vựng Biên vô cùng phong phú, quyển chú giải dẫn chứng là trải qua mấy đời không ngừng thêm vào. Ngày nay chúng ta thấy bản này là bản tương đối hoàn thiện, cần đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, cần cố gắng nỗ lực học tập. Học Phật, học Bồ-tát là bắt đầu học từ chỗ này. Tâm của chúng ta có giống Bồ-tát hay chưa? Hành vi của chúng ta có giống Bồ-tát hay không? Thường xuyên nghĩ về điều này. Khởi tâm động niệm liền suy nghĩ cái ý niệm này của ta Phật Bồ-tát có cho phép hay không? Lời nói này ta có nên nói hay không? Cái việc này ta có nên làm hay không? Đây là cái tiêu chuẩn. Cảm Ứng Thiên Vựng Biên là cái tiêu chuẩn thấp nhất. Học Phật là bắt đầu học từ chỗ này. Ấn Tổ cả đời cực lực đề xướng, đạo lý là ở chỗ này.
Các vị đồng học. Câu “tích đức lũy công” này, phần chú giải của Vựng Biên, trong đoạn thứ nhất có mấy câu rất quan trọng. Người ta đều ưa thích làm việc tốt, đều mong đợi mình ở trong đời này lập nên công tích (công trạng, thành tích), đạt được thành tựu. Nhưng vì tự mình luôn luôn qua loa cẩu thả, không phấn đấu mà đọa lạc thôi. Cho nên ở đây dạy chúng ta, bất luận làm việc gì, nhất định phải đặt ra một kỳ hạn, nhất định phải hoàn thành trong kỳ hạn này, làm như vậy mới có tiến bộ. Thí dụ đọc sách, bộ sách này ta phải dùng bao nhiêu thời gian để đọc xong nó, như vậy mới thu được hiệu quả. Nếu là thời gian dài vô kỳ hạn thì nhân tâm bị phân tán, tinh thần ý chí sẽ không thể tập trung. Rất nhiều người thất bại là do nguyên nhân này. Cho nên học, có học kỳ, có kỳ hạn, chúng ta đến trường đi học cũng là như vậy. Bạn học đại học thời hạn là bốn năm bạn phải học xong nó, như vậy mới có thể tốt nghiệp.
Tất cả việc thế xuất thế gian đều phải lập ra một kỳ hạn và hoàn thành đúng thời hạn. “Tích đức lũy công” cũng là như vậy. Mỗi ngày có thể làm một việc thiện, sau ba năm thì có thể hoàn thành 1.000 việc thiện, đây gọi là “nhật hành nhất thiện” (mỗi ngày làm một việc thiện). Nếu có thể tinh tấn nỗ lực, mỗi này làm thêm được vài việc thiện, như tiên sinh Viên Liễu Phàm, mới đầu phát nguyện là làm 3.000 việc thiện, mười năm sau mới hoàn thành. Lần thứ hai phát nguyện làm 3.000 việc thiện thì sau ba năm đã hoàn thành rồi. Đây chính là nhất định phải có một thời hạn.
Trong Phật pháp, pháp môn niệm Phật là “khắc kỳ cầu chứng” (định thời hạn để cầu thành tựu). Trong kinh nêu ra ví dụ, hoặc một ngày, hoặc hai ngày cho đến bảy ngày. Các kinh Đại Thừa hay nói mười ngày, một trăm ngày. Một trăm ngày tức là ba tháng, như vậy mới thấy được hiệu quả rõ ràng. Trong pháp môn Tịnh Độ, các vị thường hay nghe nói pháp sự Phật thất có bảy ngày. Trên thực tế, Phật ở trong kinh nói bảy ngày là bảy ngày đêm. Chúng ta hiện nay niệm Phật bảy ngày vẫn cảm giác thấy vô cùng phân tâm. Nguyên nhân là chưa làm được thật hoàn toàn, không phải bảy ngày bảy đêm. Nếu bảy ngày bảy đêm chuyên tâm nhất chí thì nhất định sẽ có cảm ứng, sẽ có thành tựu. Phải thật sự buông xả vạn duyên thì công phu mới có thể đắc lực. Hơi có một chút xen tạp thì công phu không đắc lực rồi.
Hôm nay có một vị đồng học là thầy Chứng Dương, thầy đã hỏi một vấn đề, vấn đề của thầy là công phu ở trong Niệm Phật Đường không đắc lực. Đây là thầy chưa có tỉ mỉ phản tỉnh nguyên nhân của việc không đắc lực. Đa phần đều là xen tạp, lại còn nghi hoặc. Hiện nay vì giảng đường hằng ngày có giảng kinh nên vấn đề nghi hoặc không lớn, mà vấn đề xen tạp lớn. Hễ có một mảy may xen tạp, ở trong tâm chưa buông xả thì sẽ có rất nhiều chướng ngại, chúng ta gọi là ma chướng hiện tiền. Ở trong Niệm Phật Đường bảy ngày bảy đêm buông xả triệt để. Nếu có thể làm giống như Viên Liễu Phàm không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Một câu Phật hiệu này bạn niệm đến cùng thì đâu có lý nào công phu không đắc lực chứ? Cho nên phải buông xả. Không buông xả thì chúng ta sẽ bị thiệt thòi lớn. Cho nên cần phát tâm dũng mãnh, tâm chân thật tin tưởng, tinh tấn nỗ lực.
Trong đời sống hằng ngày, chỗ này khuyên dạy chúng ta không nên keo kiệt, nên hoan hỷ bố thí. Bố thí chính là buông xả cái ý niệm keo kiệt này, hoan hỷ mà bố thí. Không nên sợ người khác chế giễu, vì như vậy là chúng ta đã hoài nghi rồi. Có một số người không hiểu rõ đạo lý này, loại chế giễu này là thuộc về hiểu lầm. Có một số người thuộc dạng đố kỵ nên cố ý đến gây chướng ngại, đến phá hoại. Bất luận dụng ý của họ là như thế nào, họ dùng cái tâm gì, chúng ta thảy đều không thèm để ý đến. Chỗ mà chúng ta căn cứ là trên kinh giáo, là lời giáo huấn của Phật-đà, làm theo lời Đức Phật dạy. Đến khi chúng ta thật sự làm ra được thành tích rồi thì những người này tự nhiên sẽ hổ thẹn thôi. Cho nên tuyệt đối không sợ người khác chê cười, sẽ làm tín tâm của chúng ta dao động. Càng phải hăng hái mà nỗ lực.
Thật sự mà nói, trên đường Bồ-đề, chướng ngại lớn nhất là không buông xả tư dục, tự tư tự lợi, ái dục, thị hiếu, đây mới là chướng ngại thật sự của chúng ta, chúng ta phải thường xuyên phản tỉnh. Chướng ngại của chúng ta rốt cuộc là ở chỗ nào? Sau khi tìm ra rồi thì phải triệt để buông bỏ nó, phải có tâm dũng mãnh để đối trị thì ở trên đường Bồ-đề chướng ngại của chúng ta sẽ giảm nhẹ đi. Trong kinh Phật thường nói “thân người khó được, Phật pháp khó được nghe”. Cơ duyên gặp được Phật pháp tương đối không dễ dàng. Tự bản thân không thể khắc phục được phiền não, cho nên các Đại Đức xưa đề xướng cộng tu. Cộng tu là nương tựa vào mọi người, dựa vào mọi người để khích lệ mình, để cảnh tỉnh, sách tấn mình, đây là biện pháp tốt để đối trị. Cho nên mới có mọi người cùng tu chung với nhau.
Tịnh Tông Học Hội ở Brisbane, Úc Châu vào ngày 18 tháng Bảy sau bắt đầu tổ chức mười Phật thất, là bảy mươi ngày. Trong Phật thất bảy mươi ngày này, chúng ta niệm Phật 24 giờ mỗi ngày, niệm như vậy bảy mươi ngày, hiện nay họ đang tích cực chuẩn bị. Trong Phật thất này, ngoài các đồng tu ở khu vực Úc Châu, còn có đồng tu niệm Phật ở các khu vực khác đến tham gia, có đồng tu từ Singapore, từ Đài Loan, từ Hồng Kông, từ Mỹ đến. Chúng ta đều hoan nghênh những ai thật sự phát tâm buông xả tất cả, nỗ lực dụng công.
Ở trong chú giải có mấy câu, tôi đọc qua một chút cho mọi người nghe: “Chớ nói ngọt ngào sáo rỗng, để rồi hành vi chẳng phù hợp sự thật”. Hy vọng chúng ta đều có thể nói được làm được, phải bền chí, phải trước sau như một. Có rất nhiều người mới đầu rất tốt, rất chuẩn mực, nhưng thời gian lâu sau thì giải đãi, phóng dật. Chúng ta không tránh khỏi sự hiềm nghi, cũng không tránh khỏi bị oan ức. Chớ chần chừ, chớ gián đoạn. Pháp thế xuất thế gian, các vị đều phải biết, cái gọi là “làm việc tốt gặp lắm giày vò”. Đặc biệt là vào thời đại này là thời kỳ mạt pháp. Chúng ta đọc thấy ở trong kinh điển, khi Thế Tôn năm xưa còn tại thế, ma vương Ba-tuần đã nói với Phật-đà rất rõ ràng, ma có ý muốn phá hoại Phật pháp. Dùng phương pháp gì vậy? Vào thời kỳ mạt pháp, ma vương bảo ma con, ma cháu của mình xuất gia, khoác áo cà-sa để phá hoại Phật pháp. Thế Tôn sau khi nghe ma nói xong đành rơi nước mắt, chẳng nói câu nào.
Cho nên chúng ta ngày nay nếu muốn thật sự dụng công, thật sự tu hành, người đến làm chướng ngại rất nhiều, bao gồm cả người trong chính cửa Phật chúng ta. Người của chúng ta là ai? Chúng ta biết là con cháu của ma Ba-tuần. Họ xuất gia không phải vì cái khác, chính là để phá hoại Phật pháp. Trong tâm chúng ta hiểu rõ ràng minh bạch rồi, Phật nói cho chúng ta biết, đối với những người này nên dùng thái độ gì? “Mặc tẫn”, “mặc tẫn” tức là không để ý. Chúng ta chính mình phải dụng công, không để ý đến họ thì được rồi, là tốt. Chớ chần chừ, chớ gián đoạn, không cầu danh, không cầu lợi, thật sự làm cũng không cầu quả báo. Phàm gặp phải hết thảy những việc có lợi ích cho xã hội, cho chúng sanh thì chúng ta cố gắng nỗ lực mà làm. Khi chịu oan ức thì phải uyển chuyển mà làm, để tránh chướng ngại. Đại đức thời cận đại đã dạy chúng ta, làm với thái độ hạ mình.
Vì sao làm một việc tốt, việc lợi ích cho xã hội, cho chúng sanh mà phải làm với thái độ hạ mình? Là để ngăn ngừa một số đố kỵ, chướng ngại. Chúng tôi gần đây phát tâm giúp đỡ một viện dưỡng lão ở bên Úc Châu, sự việc này làm không thành công. Nguyên nhân là gì? Người làm chướng ngại quá nhiều. Đây là do bản thân chúng tôi sơ ý. Nếu như lúc đó dùng thái độ hạ mình để làm việc này thì đã làm viên mãn rồi. Điều này đã cho chúng tôi một bài học rất tốt. Cũng thật sự chứng thực “làm việc tốt gặp lắm giày vò”. Chúng tôi có sự lĩnh hội rất sâu, suy nghĩ thật kỹ lời giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền thật sự là đại học vấn, không thể không đọc những câu chuyện kinh nghiệm chân thực, cần phải nên theo lời dạy mà làm, phải cố gắng học tập.
Vào thời xưa, dân gian Trung Quốc đều biết đến một người tên Đậu Yên Sơn, chuyện này có trong Tam Tự Kinh. Ông ta “giáo ngũ tử, danh câu dương” (dạy năm con, đều thành danh), Đậu Yên Sơn sống vào thời Ngũ Đại. Ông đã kết hôn nhiều năm mà đến lúc 30 tuổi vẫn chưa có con. Việc này thì người xưa thường sinh phiền não. Có một hôm, ông nằm mộng thấy ông nội ông nói với ông rằng trong mạng của ông không có con cái, hơn nữa còn chết sớm. Ông nội ông dạy ông nên tu thiện, tích đức, cần tu tích công đức. Ông từ sau khi nằm mộng thấy ông nội mình dạy rồi thì vô cùng gắng sức. Trong mạng ông không có con, về sau có được năm người con, đây là ông cầu được, giống như Viên Liễu Phàm vậy.
Trong mạng của Viên Liễu Phàm không có con, về sau ông có được hai người con, đã chứng thực “hữu cầu tất ứng”, đây mới gọi là cầu được. Cho nên cầu thì phải dùng thiện tâm thiện hạnh, phải dùng công đức chân thật để làm vốn mà cầu. Bạn không có thiện tâm thiện hạnh, không có công đức thì bạn lấy gì để cầu chứ? Dứt khoát không phải là ở trước Phật Bồ-tát, hằng ngày quỳ lạy thắp mấy nén nhang, cúng một ít hoa thơm trái cây là cầu được. Làm gì dễ dàng như vậy được chứ! Nhất định phải chăm chỉ tu hành. Đạo lý “hữu cầu tất ứng” là đạo lý nhân quả. Đó gọi là gieo nhân thiện nhất định được quả thiện, tạo nhân ác nhất định có ác báo, nhân duyên quả báo tơ hào chẳng sai. Phật pháp cũng không thể làm trái ngược cái đạo lý này.
Phật dạy chúng ta cầu, cũng dạy chúng ta phát tâm, phát tâm Bồ-đề, dạy chúng ta đi làm sự nghiệp có lợi ích cho chúng sanh, không nên đi làm những việc chỉ lợi ích cho riêng mình, như vậy mới là chân thật đoạn ác tu thiện. Lợi ích cho chính mình là việc bên ác. Lợi ích cho xã hội, cho chúng sanh thì đó mới là việc bên thiện. Có như vậy chúng ta mới lĩnh hội được ý nghĩa của đoạn ác tu thiện. Có thể tổn mình mà lợi người, đây là đại thiện, quả báo không cần phải cầu mà cũng tự nhiên hiện tiền, vì nhân thiện thì quả thiện. Nếu hành vi tạo tác của chúng ta đối với xã hội, đối với chúng sanh là bất lợi, là có hại, đối với bản thân là có lợi ích, tuy trước mắt bạn có được một chút lợi ích rất nhỏ, thế nhưng tai nạn lớn đã ở ngay sau đó rồi. Tai nạn lớn nhất là sau khi chết rồi phải chịu khổ báo ở trong tam đồ, nhất định không thể tránh khỏi. Những đạo lý này người hiện nay hiểu được càng ngày càng ít đi. Những chân tướng sự thật này, Phật ở trong kinh luận tuy đã nói ra, nhưng người hiện nay mở quyển kinh ra xem, liền cười cho là mê tín, họ không thể tiếp nhận. Đến sau khi mình chết rồi đọa lạc tam đồ, đến lúc đó hối hận cũng không còn kịp nữa rồi. Cho nên “tích công lũy đức”, bậc Thánh Hiền thế xuất thế gian đều dạy chúng ta như vậy, chúng ta nên tin tưởng. Người tin tưởng, người làm theo thì có phước.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.
A Di Đà Phật!
Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 13