Nhân quả luân hồi là một vấn đề cực kì sâu xa, cần phải có trí tuệ của Đức Phật mới thấy hết được ngọn ngành, vì Ngài thấu suốt vô biên vô lượng kiếp sinh tử của mọi chúng sinh.
Thời Đức Phật, có một người đồ tể đi đến gặp vua A-xà-thế cầu xin một ước nguyện. Vua bảo: – Ngươi cầu xin điều gì?
Anh ta thưa: – Khi ngài mở hội cúng tế, cần mổ giết súc vật, nếu vua chấp nhận tôi sẽ tận tâm làm việc ấy.
Vua nói: – Mổ giết là việc ít ai ưa, vì sao ngươi lại muốn làm?
Thưa: – Tôi kiếp xưa vốn là người nghèo, chuyên nghề giết dê bán để tự sinh sống. Nhờ việc làm đó, sau khi chết được sinh cõi trời Tứ Thiên vương. Hết tuổi thọ ở cõi trời, sinh trở lại làm người, tiếp tục làm nghề giết dê. Khi chết lại được sinh lên cõi trời lần thứ hai. Như vậy sáu đời ở dương gian làm nghề giết dê, nhờ đó mà sáu lần được sinh lên cõi trời, thọ phước không thể lường được. Vì lý do như vậy nên tôi đến đây xin vua làm việc mổ giết ấy.
Vua nói: – Ngươi đặt bày nói dối như vậy, chứ ngươi làm sao biết được?
Anh ta thưa: – Tôi biết được việc kiếp trước.
Vua nghe không thể tin, cho là nói dối, vua suy nghĩ: “Kẻ hạ tiện như vậy làm sao có thể biết được tiền kiếp?”. Sau đó, vua được gặp Đức Phật, liền đem việc ấy thưa hỏi.
Đức Phật dạy:
– Thật như lời anh ấy nói, không phải hư dối. Vị này đời trước đã từng gặp được Bích-chi-phật. Anh ta thấy vị Bích-chi-phật lòng hoan hỷ, chí tâm quán sát kỹ, chiêm ngưỡng từ đầu cho đến chân, rồi liền phát sinh tâm lành. Do nhân duyên đó mà được phước sáu lần sinh lên cõi trời, sáu lần trở lại nhân gian, tự biết được túc mạng.
Do phước đức đã thuần thục nên chưa đến lúc phải thọ quả khổ. Khi hết thân này, mới đọa vào địa ngục chịu tội đã giết dê. Tội ở địa ngục mãn, sẽ phải sinh làm dê nhiều lần để thường mạng.
Tên đồ tể ấy chỉ biết một ít đời trước, thấy sáu lần được sinh lên trời mà không biết được đời thứ bảy: Khi thọ thân người thì phước đã tạo trước đó rồi, nên mới hiểu lầm rằng: “Nhờ giết dê mà được sinh lên cõi trời.” Như vậy chỉ biết được đời trước, chẳng phải thần thông mà cũng chẳng phải là người sáng suốt đâu!
Vì thế nên người tu hành khi tạo công đức phải phát nguyện, chớ có buông thả, khiến quả báo không rõ ràng. Lấy chuyện thí dụ này để có thể chiêm nghiệm vậy.
(Trích “CHÚNG KINH TUYỂN TẠP THÍ DỤ” – Sưu tập: Tỳ-kheo Đạo Lược – Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập)
Lạm bàn:
Nhân quả luân hồi là một vấn đề cực kì sâu xa, cần phải có trí tuệ của Đức Phật mới thấy hết được ngọn ngành, vì Ngài thấu suốt vô biên vô lượng kiếp sinh tử của mọi chúng sinh.
Còn thỉnh thoảng cũng có một số người có khả năng thấy một vài kiếp trước, hay thậm chí như Ma vương Ba Tuần cũng có thể biết đến hàng ngàn kiếp sinh tử của chúng sinh, xong như thế chưa đủ để thông đạt được ngọn ngành của Đạo lí, vẫn còn mang nhiều tà kiến.
Nếu như chấp vào việc biết được vài kiếp quá khứ, mà đưa ra nhận định này, kết luận kia, thì sẽ thật phiến diện và nguy hiểm.
Giống như trong truyện trên, người đồ tể mới nhìn được 6 kiếp trước, kiếp nào cũng giết dê, kiếp nào cũng sinh cõi trời, mà vội kết luận ”giết dê sẽ được sinh cõi trời”, chứ đâu biết được việc 7 kiếp trước, từng cung kính một vị Bích Chi Phật nên mới được sinh cõi trời, chứ đâu phải do giết dê?!
Thời nay, thỉnh thoảng cũng có một số người bằng cách nào đó thấy được tiền kiếp, xong không phải thấy được vô lượng kiếp như Đức Phật, mà chỉ là vài kiếp, hay vài chục kiếp là cùng.
Dựa vào đó mà cũng đưa ra kết luận này kia, ngược với lời Phật dạy, giống anh chàng đồ tể trên, thật hết sức nguy hại cho những ai nghe theo, sẽ rơi vào tà kiến mà tạo ra tội lỗi chất chồng. Cả người gieo rắc tà kiến và những người nghe theo đều sẽ phải kết thúc trong những quả báo khủng khiếp.
Thế nên người có trí tuệ, không nên đặt niềm tin của mình một cách dễ dãi, mà nên nương theo lời Đức Phật dạy, vì chỉ có Đức Phật mới đủ trí tuệ thấu suốt vô biên vô lượng kiếp luân hồi, đồng thời thông đạt mọi Đạo lí trong đó.
Nay đã vào thời Mạt Pháp, Đức Phật đã tuyên bố trước là tà kiến thời nay rất nhiều, không phải một hai tà sư, mà là trăm ngàn tà sư sẽ nối nhau tung ra tà kiến, nhiễu loạn thế gian.
Điều đáng tiếc là những người ít chịu khó tìm hiểu, nghiền ngẫm sâu xa giáo lý Phật Pháp, chỉ thích những chuyện linh ứng “cầu được ước thấy”, luôn cố gắng đơn giản hóa vấn đề, sẽ không thể nào phân biệt nổi thật giả, đâu là đúng, đâu là sai, rồi bị lôi kéo vào những tà kiến, đi sai đường mà không thể tự mình nhận ra được.
VẬY NẾU MUỐN PHÂN ĐỊNH ĐƯỢC ĐÚNG SAI, THẬT GIẢ, TA NÊN LÀM NHƯ THẾ NÀO?
Đây là một vấn đề rất hóc búa đối với mọi người học Đạo. Tôi cũng từng trăn trở rất lâu vì vấn đề này.
Giáo lý vô biên, bao nhiêu vị cùng giảng giải, ai nói cũng hay cả, nhưng nhiều khi lại ngược hẳn nhau, chẳng biết lấy đâu làm “cột mốc” mà phân định đúng sai nổi. Vậy làm thế nào để biết mình nên đi theo đường nào?
Cuối cùng, sau nhiều năm trăn trở suy xét, tôi cũng tìm ra được, ít nhất 2 NGUỒN CHÂN LÝ cực kì quan trọng để có thể căn cứ vào đó đối chiếu tất cả, phân định đúng sai thật giả mọi vấn đề trong Phật Pháp. Tất nhiên, đây chỉ là phương pháp của bản thân tôi, mọi người nếu thấy không ổn có thể bỏ qua, còn thấy hợp lý có thể áp dụng.
*Nguồn Thứ Nhất – KINH ĐIỂN CỦA PHẬT:
Xin mọi người hãy nhớ một điều, Đức Phật mới là đấng trí tuệ bậc nhất, Đức Phật mới chính là giáo chủ lập ra Phật giáo, dù cho ai nổi tiếng thế nào trong Đạo Phật thì cũng chỉ là đệ tử đời sau của Phật, trí tuệ chẳng thể so sánh với Đức Phật.
Vậy Đức Phật đã dạy những gì? Ta đi đâu để tìm được những lời của Đức Phật đã dạy tận những hơn 2500 năm trước?
Xin thưa, lời Phật dạy chính là nằm trong Kinh Phật. Hãy nghiền ngẫm kinh kiển của Phật để lại, ta sẽ phát hiện ra một nguồn trí tuệ vô song, siêu tuyệt, soi lối cho mọi vấn đề từ Đời đến Đạo.
May mắn cho chúng ta là thời nay kinh Phật vẫn còn rất nhiều. Từ các bộ kinh A Hàm, Nikaya, đến các kinh Đại Thừa… đều là của Đức Phật thuyết.
Xong thực tế một số người ngại đọc kinh vì thấy kinh Phật rất khó hiểu.
Không sao, hãy đi từ thấp lên cao. Nếu thấy khó hiểu ta có thể đọc những kinh dễ hiểu một chút như kinh Địa Tạng, kinh Vô Lượng Thọ, phẩm Phổ Môn, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, kinh Thiện Ác Nhân Quả, rồi dần dần nghiên cứu những kinh cao siêu hơn như kinh Lăng Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm, kinh Đại Bát Niết Bàn.v.v…
*Nguồn thứ 2 – THỰC TẾ:
Vì nếu bất cứ lí thuyết nào đúng, thì nó phải có kết quả trong thực tế, chứ lí thuyết trên giấy, trên môi lưỡi, dù hay thế nào mà trong thực tế mà sai thì cũng nên dẹp bỏ ngay.
Và Đạo Phật là Đạo của sự thật. Sự thật như thế nào thấy đúng như thế, không thêm, không bớt. Vậy nên Phật Pháp hoàn toàn không lo sợ kiểm chứng thực tế. Càng kiểm chứng thì người ta sẽ càng thấy Phật Pháp đúng một cách vi diệu.
Nhiều giáo lý được dạy trong kinh Phật nghe qua có thể khó mà tiếp nhận ngay, vì có nhiều điều nằm ngoài tầm hiểu biết của con người bình thường. Xong ta không nên cứ cái gì nằm ngoài hiểu biết của mình, vội cho là không đúng, là không có thật, đó là cách làm của những kẻ thiển cận.
Hãy cứ thong thả, không ai bắt ta phải tin ngay, hay phản đối ngay, ta có thể để lại điều đó tìm hiểu sau. Hãy đi tìm trong thực tế, xem có trường hợp nào đúng như điều trong kinh nói không.
Ví dụ Phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa có dạy: khi người nào lâm vào hoạn nạn, nguy hiểm, nhất tâm xưng niệm “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát” thì sẽ thoát nạn.
Nhiều người nghe thế, chẳng có đi kiểm chứng lại thực tế ra sao, vội vàng phản bác, lí luận đưa ra thì nhiều lắm, sắc bén lắm… tuy nhiên lí luận không thể nào vượt qua được Thực tế. Lí lẽ nghe thuyết phục như thế nào chăng nữa, chỉ cần trong thực tế cho ra kết quả sai, thì lí lẽ ấy coi như vứt bỏ.
Sự thật thì những chuyện thoát nạn nhờ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát quá nhiều từ ngàn xưa đến thời hiện đại nay, Quang Tử cũng đã đăng quá nhiều trên facebook, youtube,… Và đó là sự kiểm chứng của Thực tế.
Người khôn ngoan thật sự, sẽ căn cứ vào Thực tế chứ không lạc lối trong các lập luận, lí lẽ, vì rằng lí lẽ hay như thế nào, bản chất cũng chỉ là những ý nghĩ trong đầu của con người. Một số người có năng khiếu lập luận, lời họ nói nghe rất thuyết phục, xong điều đó không có đảm bảo là họ nói đúng. ĐÚNG HAY SAI PHẢI DO THỰC TẾ QUYẾT ĐỊNH.
Người khôn ngoan sẽ đi tìm thử xem, có ai từng lâm cảnh nguy hiểm mà niệm “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát “ rồi thoát hiểm không.
Nếu có, và có rất nhiều trường hợp như thế, thì lí thuyết đúng, mặc dù nghe khó tin, nhưng thực tế đã đảm bảo cho điều đó. Rồi căn cứ vào các sự việc thực tế ấy, mà xây dựng lên các lí thuyết sau.
Những câu chuyện xảy ra trong thực tế, những chuyện nhân quả có thật, những chuyện linh ứng người thật, việc thật khi tu hành luôn là những kim chỉ nam vô cùng giá trị, soi lối cho chúng ta tìm ra sự thật.
Kết hợp song song như thế, vừa nghiên cứu kinh điển, để biết được những giáo lý của bậc Thánh nhân với trí tuệ nằm ngoài tầm suy tưởng của phàm phu. Vừa đối chiếu với thực tế, để củng cố lại những lí thuyết, ta sẽ thấy được lí thuyết nhiều khi đơn giản một hai câu, mà thực tế áp dụng vào khó khăn trăm bề.
Cứ như thế, học hỏi kinh điển, rồi lại đối chiếu thực tế, so sánh qua lại, trí tuệ ta dần sẽ được mài dũa trở nên sâu sắc hơn, sáng suốt hơn.
Nhờ đó, ta mới thực sự thấu hiểu được chân lí, và sẽ đưa ra được những nhận định, những quyết định chuẩn xác giữa một rừng ý kiến trái chiều.
Làm như thế hay hơn nhiều là chỉ nghe theo lời giảng của một ai đó mà tin theo, như thế rất mạo hiểm, may thì gặp được thiện tri thức, còn xui thì gặp tà sư. Việc học Đạo là điều hệ trọng nhiều kiếp, mà ta phó mặc cho sự hên xui may rủi như vậy, thật là không nên.
Quang Tử!