Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Kinh Kim Quang Minh Quyển 5: Phẩm Giảng lại tánh Không

Kinh Kim Quang Minh hay Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương, Ánh Sáng Hoàng Kim. Dưới đây là nội dung Phẩm Giảng lại tánh Không.

QUYỂN 5
PHẨM 9: GIẢNG LẠI TÁNH KHÔNG

Thế Tôn tuyên thuyết và chỉ dạy cách hành trì thần chú Kim Thắng, lại vì giúp các Đại bồ-tát và chúng trời người, ngộ Đệ nhất nghĩa[6] sâu xa chân thật, nên Ngài dùng kệ lặp lại ý nghĩa Tánh không như sau:

Trong kinh sâu xa nhiệm mầu khác
Ta thuyết pháp không vi diệu rồi
Hôm nay, trong kinh này lần nữa
Lược nói pháp không chẳng nghĩ bàn.
Những pháp sâu xa và rộng lớn
Phàm phu vô trí chẳng hiểu ngay
Cho nên hôm nay Ta lại giảng
Giúp họ khai ngộ pháp mầu này.
Các đức Đại bi thương chúng sanh
Dùng phương tiện khéo làm nhân duyên
Hôm nay Ta ở trong đại chúng
Giảng giải nghĩa không, khiến đạt thông.
Nên biết thân này như xóm vắng
Sáu giặc[7] gá vào chẳng biết nhau
Sáu trần[8] mỗi mỗi nương sáu giặc
Mà chẳng nhận nhau cũng như trên.
Đôi mắt luôn nhìn vào cảnh sắc
Hai tai mãi dõi theo âm thanh
Mũi thì hằng ngửi mùi hương lạ
Lưỡi luôn ưa nếm vị ngọt ngon.
Thân ưa thích chạm vật mềm mịn
Ý phân biệt pháp mãi chẳng nhàm
Sáu căn như thế theo cảnh khởi
Nhận biết tùy theo cảnh của mình.
Thức như huyễn hóa không chân thật
Nương vào căn cảnh vọng tham cầu
Như người bôn ba trong xóm vắng
Sáu giặc nương căn cũng vậy thôi.
Tâm dong ruổi khắp, theo căn chuyển
Gá căn duyên cảnh, rõ mọi điều
Đắm trước sắc, thanh, hương, vị, xúc
Tầm tư các pháp mãi không dừng.
Thức tùy duyên biến khắp sáu căn
Như chim trên trời không ngăn ngại
Thức nương nơi căn làm trụ xứ
Mới phân biệt được cảnh bên ngoài.
Thân này chẳng phải tri, tác giả[9]
Thể chẳng bền chắc, nhờ duyên thành
Đều từ hư vọng phân biệt sanh
Do gió nghiệp chuyển, như người máy.
Đất nước lửa gió tạo thành thân
Tùy theo nhân duyên cảm dị quả[10]
Đồng ở một nơi, lại chống nhau
Như bốn rắn độc nhốt chung hòm.
Rắn bốn đại này, tánh khác nhau
Tuy ở chung cùng, mỗi thăng trầm
Hoặc lên hoặc xuống, cùng thân thể
Cuối cùng tất cả cũng hoại tan.
Trong bốn rắn độc bốn đại này
Hai rắn địa thủy tánh nặng trầm
Còn tánh phong hỏa nhẹ bay cao
Bởi do trái nhau nên sanh bệnh.
Tâm thức nương gá nơi thân này
Tạo ra rất nhiều các nghiệp ác
Đến cõi trời người, hoặc ba đường
Tùy nghiệp đã tạo mà thọ sinh.
Có thân có bệnh, có già chết
Khi bệnh, tiểu tiện chảy lan tràn
Chết rồi thối rửa, thật ghê gớm
Như khúc gỗ mục ném rừng sâu .
Các ông nên quán thân như thế
Vì sao chấp ngã và chúng sanh?
Tất cả các pháp thảy vô thường
Do sức vô minh mà sanh khởi.
Các đại chủng ấy đều hư vọng
Vốn chẳng thật có, thể vô sanh
Nên nói bốn đại, tánh là không
Biết chỉ giả danh chẳng thật có.
Tự tánh vô minh vốn cũng không
Nhờ duyên hòa hợp mà giả có
Bởi trong mọi lúc không tỉnh giác
Cho nên ta nói họ vô minh.
Hành duyên nơi thức sanh danh sắc
Sáu xứ, xúc, thọ theo đó sanh
Ái, thủ, hữu duyên sanh, lão tử
Ưu bi, khổ não hằng theo sau.
Khổ từ nghiệp ác buộc chúng sanh
Khiến phải luân hồi không ngừng dứt
Xưa nay phi hữu, thể hằng không
Do chẳng như lí, khởi phân biệt.
Ta đoạn tất cả các phiền não
Bởi do chánh trí luôn hiện tiền
Rõ nhà năm uẩn thảy đều không
Cầu chứng bồ-đề, nơi chân thật.
Ta mở thành lớn Đại cam lồ
Chỉ cho vật chứa vi diệu ấy
Đã được cam lồ, vị chân thật
Lại dùng ban phát cho chúng sanh.
Ta gióng trống pháp lớn tối thắng
Ta thổi loa pháp lớn vô cùng
Ta đốt đèn pháp lớn sáng rực
Ta tuôn mưa pháp lớn ngập tràn.
Hàng phục não phiền và oán kết
Dựng lên cờ pháp lớn vô biên
Nơi biển sanh tử độ quần mê
Ta đã đóng rồi ba nẻo ác.
Lửa mạnh não phiền đốt chúng sanh
Nhưng không nơi nương, không người cứu
Cam lộ mát mẻ Ta ban cho
Thân tâm nóng đốt thảy dứt trừ.
Do Ta vô lượng kiếp đến nay
Cung kính cúng dường các Như Lai
Giữ vững giới cấm hướng bồ-đề
Cầu chứng Pháp thân, miền an lạc.
Bố thí mắt, tai và chi thể
Vợ con, nô bộc và của tiền
Cùng vật trang nghiêm không nuối tiếc
Ai đến cần cầu, Ta đều ban.
Ta cũng tu tròn năm độ khác
Viên mãn Thập địa chứng Bồ-đề
Nên người tôn xưng Nhất Thiết Trí
Thật không một ai có thể lường.
Ví gom tất cả loài thực vật
Lúa, mè, tre, lau và cây cỏ
Các loại cổ thụ trong núi rừng
Trên khắp mặt đất cõi tam thiên,
Chặt xay, nghiền nát thành hạt bụi
Đắp thành đống lớn khắp hư không
Thật khó lường biết bao nhiêu hạt.
Như cho nghiền nát thành hạt bụi
Cát sỏi khắp cõi nước mười phương
Trong chốn tam thiên đại thiên này
Cũng khó tính biết được số lượng.
Giả sử đem trí của chúng sanh
Trong cả thế gian cho một người
Người trí như thế nhiều vô lượng
Có thể biết được số bụi kia.
Nhưng với trí huệ của Thích Tôn
Những người trí ấy cùng suy tính
Dù qua số kiếp như câu-chi
Cũng không tính biết được một phần.

Nghe Đức Phật giảng lại tánh KHÔNG sâu xa và nhiệm mầu này, vô lượng chúng sanh thấu đạt thể tánh bốn đại năm uẩn đều không, sáu căn sáu cảnh vọng sanh trói buộc; do đó phát nguyện chấm dứt luân hồi, tu pháp xuất li, lòng tràn niềm vui, như lời Phật dạy cung kính vâng làm.

Mời bạn đọc tụng trọn bộ Kinh Kim Quang Minh tại: Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương trọn bộ PDF

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Kim Quang Minh Quyển 5: Phẩm Đà-la-ni Kim Thắng

Định Tuệ

Công đức truyền bá và thọ trì Kinh Lăng Nghiêm

Định Tuệ

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát khuyên niệm Phật

Định Tuệ

Kinh Pháp Hoa: Phẩm Tùy Hỷ Công Đức thứ mười tám

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Nghĩa phẩm thứ ba: Mười Công Đức

Định Tuệ

Kinh Địa Tạng phẩm thứ mười: So sánh nhân duyên công đức của sự bố thí

Định Tuệ

Kinh Pháp Cú phẩm Già và hình vẽ minh họa

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ năm: Chí tâm tinh tấn

Định Tuệ

Kinh Địa Tạng phẩm thứ mười một: Địa thần hộ Pháp

Định Tuệ

Viết Bình Luận