Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Kinh Kim Quang Minh Quyển 5: Phẩm Nương không đạt nguyện

Kinh Kim Quang Minh hay Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương, Ánh Sáng Hoàng Kim. Dưới đây là nội dung Phẩm Nương không đạt nguyện.

QUYỂN 5
PHẨM 10: NƯƠNG KHÔNG ĐẠT NGUYỆN

Bấy giờ thiên nữ Như Ý Bảo Quang Diệu ở trong đại chúng nghe đức Thế Tôn nói pháp sâu xa, lòng rất vui mừng, lập tức đứng dậy, đắp y đúng pháp, gối phải chấm đất, cung kính chắp tay, bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Cúi xin Ngài dạy cho chúng con biết phương pháp tu hành sâu xa vi diệu!”. Thiên nữ liền nói kệ:

Thưa đấng Chiếu thế giới
Lưỡng túc tôn từ bi
Xin Ngài cho con hỏi
Pháp bồ-tát tu tập!
Phật bảo: “Thiện nữ thiên!
Có điều gì nghi ngờ
Tùy ý mà thưa hỏi
Ta sẽ giải thích cho!
Thiện nữ thiên bạch rằng:
Kính bạch đức Thế Tôn!
Bồ-tát làm thế nào
Tu chánh hạnh bồ-đề,
Lìa sanh tử, niết-bàn
Để lợi mình, lợi người?”

Đức Phật liền dạy: Này thiện nữ thiên! Nương pháp giới mà tu pháp bồ-đề, tu hạnh bình đẳng. Thế nào gọi là nương nơi pháp giới tu pháp bồ-đề, hành hạnh bình đẳng? Đó là từ năm uẩn[11] hiện pháp giới, pháp giới tức năm uẩn, năm uẩn đã bất khả thuyết, phi năm uẩn cũng bất khả thuyết, vì sao như thế? Vì nếu pháp giới là năm uẩn thì rơi vào đoạn kiến, còn nếu pháp giới lìa năm uẩn thì rơi vào thường kiến; lìa cả hai kiến, không chấp hai bên, không thể nhận thấy, vượt qua sự thấy, vô danh vô tướng. Như thế mới là nói về pháp giới.

Năm uẩn hiển hiện pháp giới là gì? Tức năm uẩn không từ nhân duyên sanh. Nếu từ nhân duyên sanh, là đã sanh mà sanh hay là chưa sanh mà sanh? Nếu nói đã sanh mà sanh thì đâu cần nhân duyên; nếu nói chưa sanh mà sanh, thì chẳng thể sanh, vì sao? Vì khi chưa sanh thì các pháp chưa hiện hữu, không tên không tướng, không thể suy lường thí dụ, không do nhân duyên sanh ra. Ví như tiếng trống, nhờ vào gỗ, da, dùi, tay mới phát. Tiếng trống như thế, quá khứ cũng không, vị lai và hiện tại cũng không. Vì tiếng trống không phải từ gỗ mà sanh, cũng không từ da, từ dùi, từ bàn tay mà sanh. Chẳng phải từ ba đời sanh, cho nên chẳng có sanh. Nếu chẳng sanh thì chẳng diệt, nếu chẳng diệt thì chẳng có chỗ sanh, chẳng có chỗ sanh thì cũng không có chỗ đến, nếu không có chỗ đến thì chẳng thường, chẳng đoạn. Nếu chẳng thường chẳng đoạn thì chẳng phải là một chẳng phải khác. Vì sao? Vì nếu là một thì đồng pháp giới, như vậy lẽ ra phàm phu thấy chân đế, đạt được Niết-bàn vô thượng an lạc, vì chẳng phải như thế, nên chẳng phải là một. Nếu là khác thì những việc làm của các đức Như Lai và bồ-tát đều là chấp trước, chưa được giải thoát, còn bị phiền não trói buộc; tức chưa chứng đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì sao? Vì chư Phật làm mà chẳng phải làm, đồng tánh chân thật, vì thế chẳng khác.

Cho nên biết rằng năm uẩn chẳng có chẳng không, chẳng từ nhân duyên sanh, chẳng phải không có nhân duyên sanh. Đó là cảnh giới của các bậc Thánh, chẳng phải của hàng phàm phu-nhị thừa; không thể dùng lời nói để diễn đạt, không có tên gọi, không có hình tướng, thật không phải nhân, cũng không thuộc duyên, lại không thể dụ, hoàn toàn thanh tịnh, xưa nay tự không. Cho nên năm uẩn hiển hiện pháp giới. Nếu ai muốn cầu Vô thượng chánh giác, thì phải thấu đạt bồ-đề chẳng chân-chẳng tục, chẳng thể nghĩ bàn, thể của phàm thánh chẳng một-chẳng khác, đã chẳng lìa tục, cũng chẳng bỏ chân, nương pháp giới mà tu tập bồ-đề.

Nghe đức Thế Tôn chỉ dạy như thế, lòng Thiện nữ thiên vô cùng vui mừng, vội vã đứng dậy, y lộ vai phải, gối phải chấm đất, cung kính chắp tay, một lòng đảnh lễ Thế Tôn rồi bạch: “Bạch đức Thế Tôn! Như lời Ngài nói, chúng con nên tu chánh hạnh bồ-đề”.

Bấy giờ trong hội, Đại Phạm thiên vương, chủ cõi Ta-bà hỏi thiên nữ rằng: “Hạnh bồ-đề này rất khó tu hành, vì sao hôm nay thiên nữ nói đã hoàn toàn tự tại với hạnh bồ-đề?”.

Thiên nữ đáp rằng: “Thưa Đại Phạm thiên! Như lời Phật dạy, hạnh này sâu xa, phàm phu không thể hiểu được ý nghĩa. Đây là cảnh giới của các bậc thánh, nhiệm mầu khó hiểu. Ví như hôm nay tôi nhờ pháp này mà an lạc trụ, thì xin vô lượng, vô số vô biên chúng sanh trong cõi năm trược ác này đều có thân vàng, đủ ba hai tướng, chẳng phải là nam, cũng chẳng phải nữ, ngồi tòa sen báu, vô lượng an lạc, trời tuôn hoa đẹp, nhạc khí cõi trời không trổi tự vang, đầy đủ các món cúng dường.”. Thiên nữ nói xong, tức thời thân tướng của các chúng sanh trong cõi năm trược đều màu vàng ròng, đủ tướng đại nhân, chẳng thuộc người nam, chẳng phải người nữ, ngồi tòa sen báu, vô lượng an lạc, giống như cõi trời Tha Hóa Tự Tại[12], không có đường ác, cây báu mọc thành từng hàng, hoa sen bảy báu đầy khắp thế giới; chư thiên trỗi nhạc, mưa hoa bảy báu, thiên nữ Như Ý Bảo Quang Diệu bỗng chuyển thân nữ thành thân Phạm thiên.

Đại Phạm thiên vương hỏi thiên nữ rằng: “Thưa thiện nữ thiên! Tu hạnh bồ-tát phải như thế nào?”.

Thiên nữ đáp: “Thưa Đại Phạm vương! Như trăng trong nước mà tu bồ-đề, tôi cũng tu hạnh bồ-đề như vậy; như trong mộng mà tu hạnh bồ-đề, tôi cũng tu hạnh bồ-đề như vậy; như dương diệm mà tu hạnh bồ-đề, tôi cũng tu hạnh bồ-đề như vậy; lại như âm vang từ hang sâu mà tu hạnh bồ-đề, tôi cũng tu hạnh bồ-đề như vậy”.

Phạm vương liền hỏi: “Căn cứ vào đâu, Ngài nói như thế?” Thiên nữ đáp rằng: “Thưa Đại Phạm vương! Tất cả các pháp đều không thật có, tất cả đều do nhân duyên tạo thành”. Phạm vương lại hỏi: “Nếu nói như vậy, lẽ ra phàm phu đều chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác!” Thiên nữ đáp rằng: “ Vì sao nhân giả lại nói như vậy? Ngài cho rằng ngu khác với trí ư? Bồ-đề khác với phi bồ-đề ư? Giải thoát khác với phi giải thoát ư? Các pháp như thế thảy đều bình đẳng, thật không sai biệt; pháp giới chân như chẳng một-chẳng khác, chẳng phải cũng một chẳng phải cũng khác, chẳng phải chẳng một chẳng phải chẳng khác, không tăng không giảm, để ngài chấp trước. Giống như thầy trò của nhà ảo thuật, rất giỏi thuật này, nơi ngã tư đường, họ gom các vật đất cát cỏ cây làm trò ảo thuật, khiến người xem thấy nào là voi ngựa, xe cộ quân lính, bảy báu, kho tàng. Những người ngu si không chịu suy nghĩ, không nhận biết đó chỉ là ảo thuật, vừa thấy vừa nghe liền cho voi ngựa, xe cộ… là thật, còn những cảnh khác đều là hư giả. Sau đó cũng không chịu suy nghĩ lại. Người trí thì khác, biết là ảo thuật, khi vừa thấy nghe thì liền suy nghĩ những loài voi ngựa … ta đang thấy đây đều không thật có, chỉ là ảo thuật dối gạt mắt người. Tạm gọi là voi, ngựa… các kho tàng, thật chỉ có tên mà không thật thể. Do đó những cảnh ta vừa thấy nghe, không nên vội cho là thật, phải suy nghĩ kĩ, sẽ biết tất cả đều là hư vọng. Cho nên người trí biết các pháp đều không có thật thể, chỉ thuận theo sự thấy nghe của người thế gian, mượn danh ngôn mà diễn đạt sự việc. Nhưng xét theo lí chân thật thì không như thế, chỉ nhờ ngôn thuyết giả để rõ nghĩa chân thật.

Thưa Đại Phạm vương! Phàm phu dị sanh[13] chưa được cặp mắt trí huệ bậc thánh xuất thế, chưa hiểu chân như của tất cả pháp là bất khả thuyết, nên khi thấy nghe các pháp biến chuyển hoặc chẳng biến chuyển, liền cho như thế mà khởi tâm chấp cho là chân thật; nơi Đệ nhất nghĩa, họ không thấu đạt chân như các pháp là bất khả thuyết. Còn các bậc thánh, khi thấy tất cả các pháp biến chuyển hay không biến chuyển, đều tùy năng lực tư duy mà không chấp trước thật có, thấu suốt tất cả các pháp biến chuyển và không biến chuyển đều không chân thật, chỉ dùng vọng tưởng lượng định tướng trạng biến chuyển và không biến chuyển; tất cả chỉ là giả danh, không có thật thể. Các vị thánh này thuận theo thế tục, giảng thuyết giáo pháp, hầu giúp cho họ hiểu được ý nghĩa chân thật như thế.

Thưa Đại Phạm vương! Các bậc thánh với tri kiến thánh nhân, thấu suốt chân như các pháp không thể giảng nói, các pháp biến chuyển hay pháp không biến chuyển cũng như vậy; nhưng vì muốn cho mọi người chứng biết, cho nên các thánh mới dùng ngôn thuyết thế gian mà thôi.

Phạm vương lại hỏi bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu rằng: “Bao nhiêu chúng sanh hiểu được chánh pháp sâu xa vi diệu?”. Bồ-tát đáp rằng: “Tâm vương-tâm sở của những người huyễn hiểu được pháp này”. Phạm vương liền nói: “Người huyễn không thân, tâm vương tâm sở từ đâu sanh khởi?”. Bồ-tát lại đáp: “Nếu chúng sanh nào thấu đạt pháp giới chẳng có chẳng không, sẽ hiểu rõ được nghĩa sâu xa này”.

Phạm thiên vương lại bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Bồ-tát Như Ý Bảo Diệu Quang này thật là cao siêu không thể nghĩ bàn, đã thông đạt nghĩa sâu xa như vậy”. Đức Phật dạy rằng: “Đúng thế, đúng thế! Như Ý Bảo Quang Diệu đã dạy các ông phát tâm tu học Vô sanh pháp nhẫn.”

Đại Phạm thiên vương và các Phạm thiên trong chúng đứng dậy, áo lộ vai phải, cung kính chắp tay đảnh lễ bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu, rồi thưa rằng: “Hôm nay chúng tôi may mắn gặp được và nghe đại sĩ giảng nói chánh pháp, thật là hiếm có! ”.

Đức Phật dạy rằng: “ Này Đại Phạm vương! Vào đời vị lai, Như Ý Bảo Quang Diệu sẽ thành Phật hiệu là Bảo Diệm Cát Tường Tạng Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn”.

Khi Đức Phật thuyết phẩm kinh này xong, có ba ngàn ức bồ-tát không lui sụt Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tám ngàn ức thiên tử, vô lượng vô số vua quan, nhân dân xa lìa trần cấu, được Pháp nhãn tịnh.

Bấy giờ trong hội có năm mươi ức bí-sô tu hạnh bồ-tát sắp lui sụt tâm bồ-đề, khi nghe bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu nói pháp này, ý chí kiên định không thể nghĩ bàn, trọn vẹn bản nguyện, khởi tâm bồ-đề, đều cởi áo ngoài vô cùng quí giá cúng dường bồ-tát, rồi lại phát tâm dõng mãnh tối thượng và lập nguyện rằng: “Chúng con nguyện không lui sụt bồ-đề, dùng thiện căn này hồi hướng Vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Các vị bí-sô nương công đức này, như giáo tu hành chín mươi đại kiếp sẽ được giác ngộ, ra khỏi sanh tử.

Thế là Thế Tôn liền thọ kí rằng: “Này các bí-sô! Trải qua ba a-tăng-kì kiếp, đến kiếp tên là Nan Thắng Quang Vương, tại nước Vô Cấu Quang, các ông đồng thời chứng đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đồng thành Phật đạo, cùng một hiệu là Nguyện Trang Nghiêm Gian Sức Phật, đầy đủ mười hiệu”.

Này Đại Phạm vương! Nếu nghe chính xác và hành trì đúng kinh Kim quang minh thì sẽ có được uy lực rất lớn. Giả sử một người tu tập lục độ trải qua trăm ngàn đại kiếp[14] mà không có được phương tiện, thì công đức không bằng một phần trăm, một phần vô lượng công đức của người sao chép kinh này, rồi cứ nửa tháng chuyên tâm đọc tụng. Vì thế hôm nay Ta bảo các ông tu học ghi nhớ, thọ trì giảng thuyết cho mọi người nghe. Vì sao như thế? Ta nhớ vào thời quá khứ lâu xa, khi còn tu đạo bồ-tát, lúc ấy Ta như dũng sĩ vào trận, thọ trì đọc tụng, giảng thuyết truyền bá kinh tối thượng này không tiếc thân mạng. Như Chuyển luân vương, khi còn cai trị thì bảy báu còn, nếu mạng đã chung thì bảy báu diệt; cũng giống như vậy, kinh Kim quang minh còn hiện ở đời, thì pháp bảo còn, nếu kinh này mất, pháp bảo vô thượng cũng theo đó ẩn. Cho nên các ông, một lòng lắng nghe, khởi tâm tinh tấn ba-la-mật, thọ trì đọc tụng, giảng cho người nghe, khuyên họ sao chép, không sợ nhọc mệt, cho đến cũng không tiếc thân mạng mình. Làm như thế sẽ được công đức bậc nhất trong các công đức. Là đệ tử Ta thì nên siêng năng tu học như thế!

Đại Phạm thiên vương, cùng với vô lượng thiên chúng cõi Phạm, Đế Thích-Tứ vương và các dạ-xoa từ tòa đứng dậy, áo lộ vai phải, quì gối chắp tay, cung kính bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Chúng con xin nguyện bảo vệ giữ gìn và truyền bá kinh Kim quang minh này. Nếu vị pháp sư giảng kinh gặp nạn, chúng con sẽ trừ, giúp đủ phước lành, sắc tướng uy nghiêm, sức lực sung mãn, luận biện vô ngại, thân tâm thư thái, thính chúng an lạc. Nếu quốc gia này gặp nạn đói kém, giặc giã chiến tranh, phi nhân làm hại, thì cả thiên chúng sẽ cùng bảo vệ, khiến cho nhân dân an ổn giàu có, không còn tai họa. Đó đều là do năng lực chúng con. Nếu những người nào cúng dường kinh này, chúng con cũng sẽ cung kính cúng dường người ấy như Phật.

Đức Phật khen rằng: “ Quí thay, quí thay! Các ông nghe pháp sâu xa nhiệm mầu, phát tâm bảo vệ, thọ trì kinh này, các ông nhất định sẽ được vô lượng vô biên phước đức, chóng thành Vô thượng chánh đẳng bồ-đề”. Đại Phạm thiên vương và đại chúng nghe Phật dạy như thế, vô cùng vui mừng, chí tâm đảnh lễ cung kính lãnh thọ.

Mời bạn đọc tụng trọn bộ Kinh Kim Quang Minh tại: Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương trọn bộ PDF

Bài viết cùng chuyên mục

Phẩm thứ mười ba: Vua Từ Lực cho huyết – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 35: Trược thế ác khổ

Định Tuệ

Phẩm thứ 26: Bố thí đầu – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 30: Bồ Tát tu trì

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 18: Siêu thế hy hữu

Định Tuệ

Dùng âm nhạc cúng dường Phật, được tiếng nói êm dịu dễ nghe

Định Tuệ

Cúng dường nước sạch cho chúng Tăng thoát kiếp đọa Ngạ quỷ

Định Tuệ

Kinh Pháp Hoa: Phẩm hóa thành dụ thứ bảy

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Nghĩa phẩm thứ ba: Mười Công Đức

Định Tuệ

Viết Bình Luận