Họa, phước trong đời người đến từ đâu? Phước hay họa đều là kết quả của những nghiệp nhân tốt hay xấu do chính bản thân con người tạo tác.
Bởi vì phước họa khôn lường, trong cuộc sống, khi phước đến, chúng ta đừng nên tự mãn; cũng vậy, khi hoạ đến, chúng ta đừng nên thất vọng. Gặp họa, nếu biết tu dưỡng đạo đức, trí tuệ, giới luật và nỗ lực làm lành, hướng thiện thì có thể chuyển hoạ thành phước. Ngược lại, nếu có phước mà mình cống cao, ngã mạn, thiếu trí tuệ, thiếu đạo đức, thiếu giới luật, buông lung, phóng túng, thì phước có thể biến thành họa.
Nguồn gốc của họa, phước
Vậy, họa từ đâu mà ra và phước từ đâu mà đến? Có người cho rằng thần thánh hoặc thượng đế có quyền năng ban phước, giáng họa cho con người, từ đó sinh ra việc khấn vái, cúng lễ, cầu xin các “đấng tối cao” vô hình này. Nhưng trên thực tế, phước hay họa đều là kết quả của những nghiệp nhân tốt hay xấu do chính bản thân con người tạo tác.
Người tốt nghiệp bác sĩ có phải do ông trời, ông thần, ông thánh nào đó ban cho hay không? Chắc chắn là không, bởi vì rõ ràng là họ phải siêng năng học tập, nỗ lực phấn đấu, cố gắng hết mình mới có thể trở thành bác sĩ.
Người nghiện rượu có phải do ông trời, ông thần, ông thánh nào đó trừng phạt hay không? Dĩ nhiên là không, mà nguyên nhân là do họ uống rượu lâu ngày thành quen, dần trở nên nghiện, không một ai xúi giục hay trừng phạt họ.
Người ăn cắp bị ở tù, có phải do ông trời, ông thần, ông thánh nào đó giáng hoạ hay không? Không phải. Chính họ ăn cắp, ăn trộm, tham lấy của người nên mới phải ở tù. Bị giam cầm trong vòng tù tội là họa do bản thân họ gây ra, tự làm tự chịu, không ai giáng họa cả.
Người mê cờ bạc có phải do ông trời, ông thần, ông thánh nào đó bắt họ mê hay không? Cũng không phải. Chính họ buông lung, tập nhiễm rồi thành ra say mê, không một đấng tối cao nào bắt họ phải mê trò cờ bạc đỏ đen này.
Như vậy, phước hay họa đều là do chính con người tạo ra. Con người là chủ nhân của họa phước, có thể chuyển họa thành phước, cũng có thể biến phước thành họa.
Một người xấu xí, tàn tật, bệnh hoạn bẩm sinh là họa, nhưng nếu người đó có trí tuệ, có đạo đức, có kỷ luật, nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu không ngừng thì có thể chuyển hoạ thành phước.
Còn một người khoẻ mạnh, thông minh, xinh đẹp là phước, nhưng nếu người đó thiếu trí tuệ, thiếu đạo đức, thiếu kỷ luật, thiếu tàm quý, buông lung, phóng túng, thì chắc chắn phước sẽ biến thành họa. “TT. Thích Chân Tính”!
Họa phước không cửa vào, đều do người tự chuốc
“Họa, phước không cửa vào, đều do người tự chuốc.” Đều do chính mình tạo ra cả. Tự mình tu thiện, tự mình quay đầu hướng thiện thì nhận được phước lành. Tự mình làm ác, không thể quay đầu hướng thiện thì phải chịu tai họa. Người khác không liên can đến. Chúng ta phải thấu rõ được lý lẽ này. Đó là chân lý.
Cho nên, trong kinh điển Đại thừa đức Phật thường dạy: “Phật không cứu độ chúng sinh.” Đó là lời rất chân thật. Chúng sinh làm sao có thể cứu độ? Chúng sinh tự mình giác ngộ, tự mình độ thoát. Quý vị tự mình hiểu ra pháp Phật, tự mình tu tập, tự mình giải thoát. Lời Phật dạy là hết sức chân thật.
Tự mình hiểu ra, tự mình tu tập, tự mình giải thoát, như thế chẳng phải là “đều do người tự chuốc” đó sao? Việc đọa vào ba đường ác, đọa vào địa ngục, đều không do người khác can thiệp vào, chỉ do tự mình tạo nghiệp xấu ác, tự chuốc lấy quả báo xấu ác, sao có thể trách người?
Cho nên, chư Phật, Bồ Tát đối với chúng ta, tuy hết sức từ bi thương xót, cũng không thể ban cho ta chút phước lành nào, cũng không thể thay ta chịu tội báo, không thể miễn trừ tội lỗi cho ta. Thực sự là không thể làm được. Ví như Phật, Bồ Tát dạy rằng có thể làm được như thế, hẳn chúng ta sẽ không tin tưởng các ngài.
Như vậy, chư Phật, Bồ Tát dạy thế nào? Ngày nay được hưởng phước lành, phước ấy từ đâu mà đến? Ngày nay chịu tội báo, tội ấy từ đâu mà đến?
Thực tế, các ngài đem chân tướng sự thật ấy giải thích sáng tỏ, đem ý nghĩa ấy giảng dạy hết sức rõ ràng cho chúng ta, giúp ta nhận hiểu được sáng suốt, không còn tiếp tục tạo nghiệp xấu ác, tai họa liền tránh xa. Chúng ta nỗ lực làm việc lành, phước báo liền đến ngay trong hiện tại.
Đó là lời khuyên răn chân thật của chư Phật, Bồ Tát. Chúng ta nghe qua rồi, xét thấy rất hợp tình hợp lý, hợp với chánh pháp, liền vui mừng tiếp nhận, tự mình nỗ lực tu tập.
Đối với mỗi người đã như vậy, với mỗi gia đình cũng là như vậy, cho đến toàn xã hội, quốc gia hay cả thế giới cũng đều như vậy. Hy vọng mọi người tự mình trân trọng giáo pháp này. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi. “Hòa Thượng Tịnh Không!”
Tâm Hướng Phật/TH!