Sa môn thường được hiểu là một tu sĩ, là người siêng làm điều thiện, người dứt bỏ nghiệp ác, người sống nghèo khổ, không có cái gì cho riêng mình.
1. Định nghĩa Sa môn
“Sa môn (Samana) thường được hiểu là một tu sĩ, là người siêng làm điều thiện (cần giả), người dứt bỏ nghiệp ác (tức giả), người sống nghèo khổ, không có cái gì cho riêng mình (bần giả)”.
Theo khái niệm trong Kinh Mi tiên Vấn Đáp, Sa môn là người đã đoạn trừ các phiền não. Sa môn là danh từ chỉ chung cho các đạo sĩ hay tu sĩ. Ngài Tỳ kheo Na Tiên ví tên gọi Sa môn như tên gọi hoa, là tên gọi gom chung của tất cả các loài hoa, dù là hoa bạch liên là loài hoa quý phái, sang trọng, tinh khiết, quý báu nhất cũng đều được gọi là hoa như bao loài hoa tầm thường khác.
Các tiêu chuẩn trở thành một vị Sa môn là họ rời khỏi gia đình, đi xuất gia, khoát y áo, sống đời khất thực, ngày đêm suy tư con đường đưa đến chấm dứt khổ đau và thành tựu Niết-bàn.
Niết-bàn của Sa môn Bà-la-môn là Tiểu ngã, Đại ngã. Niết-bàn của đạo Phật là tự thân thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn.
Sa môn có ba hạng là Sa môn ngoại đạo, Sa môn Bà-la-môn, Sa môn Thích tử. Các đệ tử xuất gia học và hành giáo pháp của đức Phật là Sa môn Thích tử. Để được gọi là Sa môn Thích tử đúng nghĩa thì vị Sa môn phải có giới hạnh trang nghiêm, trọn vẹn Sa môn hạnh, xứng đáng là rừng cột chốn tòng lâm, thay Phật tiếp tổ truyền đăng bất tận.
2. Ý nghĩa Sa môn Thích tử
Ý nghĩa Sa môn được đức Phật khẳng định rõ ràng trong Kinh Pháp Cú:
“Đầu trọc không Sa môn,
Nếu phóng túng nói láo,
Ai còn đầy dục tham,
Sao được gọi Sa môn?”
(Kệ 264)
“Ai lắng dịu hoàn toàn,
Các điều ác lớn nhỏ,
Vì lắng dịu ác pháp,
Được gọi là Sa môn.”
(Kệ 265)
Sa môn là người có phạm hạnh cao quý, tự lợi lợi tha, hoàn thiện chính mình, đã đoạn tận tất cả các kiết sử, trở thành bậc Thánh nhân. Hay là nỗ lực học và tu tập các giáo lý của đức Phật để diệt trừ phiền não trong tâm thức, hướng đến mục tiêu giải thoát giác ngộ.
Phân loại Sa môn Thích tử
Trong Kinh Ví dụ lõi cây (Trung Bộ Kinh tập 1- bài kinh số 29), đức Phật có trình bày về 5 loại phạm hạnh:
1. Tu phạm hạnh cành lá: là hạng người xuất gia được lợi dưỡng cung kính tôn trọng nên tự mãn khen mình chê người, xuất gia vì mục đích chưa rõ ràng.
2. Tu phạm hạnh vỏ ngoài: là hạng người xuất gia, có hướng tâm đến đời sống phạm hạnh, có trang nghiêm tu tập một ít Giới, vì có ít Giới nên sinh tâm kêu mạn và đứng lại ở đây.
3. Tu phạm hạnh vỏ trong: là hạng người xuất gia có tâm định, thân khẩu ý thanh tịnh, vì thân khẩu ý được thanh tịnh nên sân với những người không thanh tịnh và dừng lại ở đây.
4. Tu phạm hạnh giác cây: là hạng người xuất gia thành tự tri kiến, nhưng vì không gặp được bậc Đạo sư thành tựu cao hơn nên dừng lại ở đây.
5. Tu phạm hạnh lõi cây: là hạng người xuất gia thành tựu giải thoát bằng sự nỗ lực tu tập của mình.
Dựa theo sự phát tâm hay thái độ tu tập, luôn luôn nhớ nghĩ đến mục đích xuất gia là giải thoát, lấy nó làm động lực chính trong suốt quá trình tu tập. Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật đã phân thành 4 hạng Sa môn chân chính xuất gia:
1. Hạng Sa môn bất động: hạng này tương đương với phạm hạnh giác cây, hoàn toàn diệt được ba kiết sử đầu, là bậc Thất Lai.
2. Hạng Sa môn Sen trắng: hạng này tương đương với bậc Nhất Lai.
3. Hạng Sa môn Sen hồng: hạng này tương đương với bậc Bất Lai, sinh về Ngũ Tịnh Chư Thiên ở tần thiền thứ tư của sắc giới.
4. Hạng Sa môn Tinh luyện: hạng này đoạn trừ tất cả các lậu hoặc, thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tương đương với bậc A-la-hán.
Theo Sa di luật giải có ba loại Tăng là si Tăng, á dương Tăng và điểu thử Tăng.
Theo Kinh Pháp Cú:
“Ai mặc áo cà sa,
Tâm chưa rời uế trược,
Không tự chế, không thực,
Không xứng áo cà sa.”
(Kệ 9)
“Ai rời bỏ uế trược,
Giới luật khéo nghiêm trì,
Tự chế sống chân thực,
Thật xứng áo cà sa.”
(Kệ 10)
Thích Chúc Hòa
Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM!