Làm thế nào để phân biệt hai chữ “thiện ác”? Quyển sách này chính là một tiêu chuẩn, là một tiêu chuẩn rất tốt.
Các vị đồng học. Hôm qua chúng ta học đến tu tích “tồn thành”. Hai câu ở trong kinh văn “bất lý tà kính, bất khi ám thất” thực tế mà nói là căn bản của làm người, của học Phật. Thánh Hiền của thế xuất thế gian dạy bảo tất cả chúng sanh, điều quan trọng nhất là dạy chúng ta có năng lực phân biệt thiện ác. Mục tiêu giáo học của Phật pháp có ba tầng lớp, chúng tôi trong lúc giảng giải cũng thường hay nhắc đến, giai đoạn thứ nhất là dạy người “đoạn ác tu thiện”, giai đoạn thứ hai là dạy người “phá mê khai ngộ”, giai đoạn thứ ba là “chuyển phàm thành Thánh”. Căn bản của nó là giai đoạn thứ nhất ở trước mắt chúng ta, nếu như chúng ta không thể nhận biết thiện ác thì làm sao có thể đoạn ác, làm sao có thể tu thiện? Cho nên có năng lực phân biệt rõ ràng, cái gì là thiện, cái gì là ác, đây chính là khai ngộ mà nhà Phật nói, thật sự khai ngộ rồi. Thế nhưng hai chữ “thiện ác”, thực tế mà nói, không dễ gì làm cho rõ ràng được. Nếu chúng ta không ở ngay nơi đây mà hạ công phu thì chúng ta sẽ rất khó mà đạt đến mục tiêu đầu tiên của việc tu học Phật pháp. Mục tiêu đầu tiên đạt được rồi mới chắc chắn không đọa ba đường ác.
Làm thế nào để phân biệt hai chữ “thiện ác”? Quyển sách này chính là một tiêu chuẩn, là một tiêu chuẩn rất tốt. Từ trên nguyên lý nguyên tắc mà nói, nó nói rất tường tận hai phương diện thiện ác này. Thế nhưng người hiện nay chúng ta tâm ý qua loa, cho dù đọc ba ngàn lần thiên văn chương này cũng chưa chắc có năng lực phân biệt thiện ác. Cho nên không dễ gì đoạn trừ ác, rất khó mà tu tích thiện, đạo lý chính ngay chỗ này. Chúng ta niệm Phật, muốn cầu sanh Tịnh Độ, nếu không làm được cho rõ ràng hai chữ “thiện ác” thì đó là mê hoặc. Trong lòng mê hoặc thì vẫn sẽ tiếp tục tạo nghiệp ác. Miệng của bạn chưa tạo, thân chưa tạo nhưng ý của bạn đang tạo, mỗi niệm tương ưng với ác, không tương ưng với thiện. Niệm Phật như vậy sẽ tạo thành chướng ngại rất lớn đối với việc vãng sanh, chúng ta không thể không biết.
Cho nên Đại Sư Ấn Quang cả một đời cực lực đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên và An Sĩ Toàn Thư, Ngài rất là xem trọng. Vào thời đó Ngài cho in lưu thông hơn ba triệu quyển, đích thực là khiến cho mọi người kinh ngạc, vì sao Ngài phải làm như vậy? Mục đích chẳng ngoài cứu vãn kiếp vận, giúp đỡ người niệm Phật bình an được sanh Tịnh Độ. Người xưa thường hay khuyên bảo người “trì giới niệm Phật”, ba quyển sách này nội dung không lớn, bạn lý giải thấu triệt rồi tín thọ phụng hành thì gọi là trì giới, bạn niệm Phật mới có thể vãng sanh.
Phần chú giải của Vựng Biên đã nói rất nhiều, rất tường tận, nêu ra rất nhiều thí dụ để chứng minh. Những ví dụ như vậy, thực tế mà nói, là không thể nêu ra hết. Trong đó đã nêu ra một số trường hợp, chẳng qua là một hai phần vạn mà thôi. Nếu chúng ta để ý, chính vào thời đại hiện nay, quả báo thiện ác rõ ràng, tường tận. Người tâm ý qua loa không thể thấy được nhưng người tâm ý tỉ mỉ thì thấy rõ như trong lòng bàn tay. Chúng ta có lỗi lầm, lỗi lầm nào là nghiêm trọng nhất? Vẫn là tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm đều là vì lợi ích của chính mình, khiến cho chúng ta mờ mịt đối với phải quấy thiện ác, không nhìn thấy được rõ ràng, không chú ý những lời giáo huấn quan trọng về đoạn ác tu thiện. Cho nên dù cho trong đời này duyên phận không tệ, được thân người, gặp được Phật pháp, đặc biệt là gặp được pháp môn Tịnh Độ thù thắng, thế nhưng trong đời này vẫn không thể thành tựu, bạn nói xem đáng tiếc biết bao! Thế gian không có việc gì đáng tiếc hơn so với việc này, trong lòng của chúng ta phải hiểu rõ việc này.
Phải làm thế nào mới xem là thật sự tu hành? Trước tiên chúng ta phải hiểu cho rõ ràng ý nghĩa của hai chữ “tu hành”. “Hành” là hành vi, trong Phật pháp chia hành vi làm ba loại lớn là thân, ngữ và ý. Thân thể tạo tác, mỗi một hành động là hành vi của thân nghiệp, ngữ là lời nói, tư tưởng, kiến giải, cách nghĩ cách nhìn của bạn là hành vi của ý. Trong ba nghiệp, quan trọng nhất là ý nghiệp. Khi khởi tâm động niệm, nếu mọi tâm niệm của chúng ta đều vì làm lợi ích cho chúng sanh thì đây là thiện, nếu mỗi niệm vì lợi ích của chính mình thì đây chính là ác, lợi ích cho chính mình cũng có lợi ích cho chúng sanh thì đây là trong ác có thiện, lợi ích cho tất cả chúng sanh, trong đó còn mang theo lợi ích của chính mình, đó là trong thiện có ác. Phải phân biệt rõ ràng thì việc đoạn ác tu thiện bạn mới có chỗ nhập môn.
Nhất định phải hiểu rằng kiếp người khổ đau ngắn ngủi. Trong kinh Phật thường nói: “Thế gian vô thường, quốc độ mong manh”, người thật sự hiểu tường tận sẽ nắm chặt lấy cơ hội này, nắm giữ lấy duyên phận này để đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức. Thiện ác vẫn là còn trong tam giới, vấn đề trong tam giới mà không giải quyết được thì không thể nào siêu vượt tam giới. Các vị phải nên biết, có một số người không được đi học, không biết chữ, dường như là đạo lý gì cũng không hiểu, khi lâm chung niệm Phật lại có thể tự tại vãng sanh. Không nói quá khứ, chỉ nói hiện tại, tôi đã nghe được tổng cộng có mấy mươi người, khi lâm chung biết trước ngày giờ ra đi, hiểu biết rõ ràng tường tận, đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, tướng lạ hiếm có. Dường như họ không hiểu rõ ràng đạo lý thiện ác, trên thực tế, người ta đã buông xuống vạn duyên rồi. Bạn tỉ mỉ mà quán sát, tâm địa của họ là một mực từ bi, thật sự không có ý niệm tự tư tự lợi cho nên mới có cái tướng lạ này. Nếu họ còn mang theo một chút ý niệm tự tư tự lợi thì cũng có thể vãng sanh, nhưng sẽ không có tướng lạ như thế.
Sự việc cảm ứng này vi diệu cùng tột, chúng ta phải tỉ mỉ quan sát, tỉ mỉ mà lĩnh hội, chăm chỉ nỗ lực phụng hành, nhất định sẽ có chỗ tốt đối với chính mình. Không hiểu rõ đạo lý này, cho rằng chính mình đang hành thiện, cho rằng chính mình đã lìa khỏi ác nghiệp. Cách hiểu sai lầm này thường hay gặp, nhất là trong xã hội hiện nay, trong mọi tầng lớp. Thật đúng như người xưa đã nói, “sai mãi lại thành đúng”, mọi người đều sai hết cả thì cái sai ấy thành đúng rồi. Trong thế pháp có thể miễn cưỡng nói như vậy, thế nhưng về mặt nhân quả, trong Phật pháp thì chắc chắn là sai lầm, không phải mọi người đều sai thì trở thành đúng. Nhân quả sẽ không bỏ sót bạn, thiên địa quỷ thần sẽ không bỏ qua cho bạn.
Trong chú giải đã nêu ra rất nhiều thí dụ. Thí dụ nói về tiền tài, sử dụng đúng tiền tài là giúp đỡ xã hội, đặc biệt là giúp đỡ chúng sanh khổ nạn. Chúng ta hãy xem bậc hiền nhân khi xưa đối mặt với vấn đề này như thế nào. Bạn tích được tiền của nhiều hay ít là do phước báo mà bạn đã tu tích. Người hiểu rõ, giác ngộ rồi chỉ lấy những gì cần thiết, mình cần dùng đến. Hơn nữa, một người có tâm từ bi, có lòng yêu thương thì cuộc sống của họ rất là tiết kiệm, tiền tài dư ra đều đem giúp đỡ người khác. Nhân sĩ trong xã hội mà còn như vậy huống hồ là người học Phật.
Trên thế gian cũng có người học Phật rất tốt. Thí dụ nói tu tài bố thí, như Đại Sư Ấn Quang, Đại Sư Ấn Quang cả một đời in kinh bố thí, là ở vào thời đại đó. Còn hiện nay thì tiến bộ hơn nhiều so với thời đó, ngoài kinh Phật ra còn có băng ghi âm, băng ghi hình, hiện tại còn có CD và VCD, đều là công cụ để lưu thông Phật pháp, đệ tử Phật gọi là Pháp bảo. Đại Sư Ấn Quang tiếp nhận cúng dường của bốn chúng đệ tử, chính Ngài một xu cũng không dùng đến, chuyên dùng để in kinh bố thí, cả một đời Ngài chỉ làm một việc này. Phương thức của Ngài làm rất hay, tôi nghĩ phương pháp lưu thông này không phải do Ngài định ra, nhất định là do người bên dưới Ngài định ra. Ngài lưu thông kinh sách, đối với những người không có tiền mua sách, người có đời sống tương đối khó khăn thì hoàn toàn miễn phí, người có đời sống tương đối dư giả một chút thì Ngài nhận một nửa giá in, người giàu có thì Ngài lấy đúng giá in, nửa giá là phân nửa giá vốn. Do đây có thể biết, lưu thông kinh với giá vốn thì Ngài không kiếm được xu tiền nào, tại vì sao có cách làm như vậy? Mục đích không ngoài việc đây là cơ hội trồng phước, cho bạn cơ hội trồng phước, chắc chắn không thể nói kiếm tiền ở chỗ này.
Hiện nay có một số tín đồ có quan niệm sai lầm, nói là chúng ta đem tiền kiếm được làm tiền vốn để in lưu thông tiếp. Các vị nói xem cái ý niệm này có đúng không? Không thể nói là không đúng, cũng không thể nói là hoàn toàn đúng. Theo cái nhìn của thế tục trong việc làm ăn mua bán thì cái khái niệm này là đúng, nhưng trong Phật pháp thì không đúng. Trong Phật pháp, các vị phải nên biết, tiền bạc dùng để in kinh là dùng không hết, không cùng tận, bạn việc gì phải kiếm chút ít tiền lời chứ!
Đứng sau Phật pháp là chư Phật Như Lai, phước báo của các Ngài thế gian không có người nào có thể sánh được. Các vị không cần phải xem ai khác, chỉ cần bạn bình lặng xem những gì cả đời này của tôi đã làm. Tôi từ trước đến giờ chưa từng bán qua một quyển sách, không cần nói giá vốn, một phần trăm của giá vốn tôi cũng không nhận. Bạn xem tiền in sách càng ngày càng nhiều, sách càng ngày càng in nhiều, đây chẳng phải là minh chứng rất tốt hay sao? Tại Cư Sĩ Lâm này, mỗi ngày ngoài ba bữa ăn còn có hai buổi điểm tâm, mỗi ngày năm lần cúng dường. Hiện nay tôi thấy người ăn cơm càng ngày càng nhiều, cư sĩ Lý nói với tôi, mỗi ngày bình quân người ăn cơm có đến 800 người, tôi thấy hiện nay có hơn 1000 người, cư sĩ Lý cũng không hề hỏi xin người nào một xu tiền, càng nhiều người ăn lại có càng nhiều tiền.
Chúng ta càng lưu thông Phật pháp thì sẽ có càng nhiều, oai thần của Tam Bảo gia trì không thể nghĩ bàn. Nếu chúng ta ngay một chút lòng tin này cũng không có, vậy thì chúng ta sai rồi. Cho nên giảng đến đoạn văn “bất lý tà kính, bất khi ám thất”, ý nghĩa của “tà” và “ám” rất sâu rất rộng, vô cùng tinh tế, chúng ta phải lĩnh hội được, phải từ nơi tinh tế này mà làm, thật sự hành thiện, thiện tâm chân thành, vì Phật Bồ-tát mà làm việc, vì tất cả chúng sanh khổ nạn mà phục vụ, tự nhiên chúng ta sẽ được Phật lực gia trì, được long thiên thiện thần giúp đỡ. Chúng ta giới thiệu Phật pháp cho tất cả chúng sanh khổ nạn, hy vọng những chúng sanh này có thể do đây mà được độ.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học tập đến đây thôi.
A Di Đà Phật!
Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 12