Người hiện nay niệm Phật, chẳng chịu gia công chân thật, chỉ vì chưa từng nghĩ sâu tin chắc. Đừng nói không tin Tịnh độ, chỉ như Thế Tôn nói: “Mạng người trong hơi thở”.
Người hiện nay, phần nhiều ưa nói tham cứu tỏ ngộ, ưa nói liễu thoát sinh tử, chẳng biết rằng ở cõi này liễu ngộ rất khó, gọi là vượt ra ba cõi theo chiều dọc. Tư-đà-hàm còn một lần sinh trở lại, huống gì phàm phu! Chúng sinh cõi này phần nhiều sinh về Tây Phương trước, rồi sau mới tỏ ngộ. Một môn sinh về Tây Phương, gọi là vượt ra ba cõi theo chiều ngang, muôn người không sót một.
Tôi sau khi xuất gia, thưa hỏi khắp nơi. Khi ấy, Tông phong của Thiền sư Biến Dung rất hưng thịnh. Tôi đến kinh thành bái kiến, đi bằng đầu gối vào thưa hỏi. Sư bảo: “Ông nên giữ bổn phận, đừng tham danh lợi, đừng vin theo cảnh trần, chỉ cần thấu rõ nhân quả, nhất tâm niệm Phật”.
Tôi thọ giáo rồi lui ra. Những người đồng hành cười to, cho rằng mấy câu nói đó ai mà nói không được. Từ ngàn dặm xa xăm đến đây, chỉ mong có gì cao siêu huyền diệu, hóa ra chẳng đáng nửa đồng tiền.
Tôi nói: “Chính điều này mới thấy được cái hay của Ngài. Chúng ta khát ngưỡng hâm mộ, từ xa đến đây Ngài lại chẳng bàn huyền nói diệu, đưa chúng ta đến chỗ cao vời, chỉ chân thật đem sự thể nhận của mình ở nơi công phu thiết thật gần gũi mà đinh ninh chỉ dạy. Đó là cái hay của Ngài”. Tôi đến nay vẫn thực hành vâng giữ, không dám lãng quên.
Cửa chính yếu vào đạo, lòng tin là bậc nhất. Việc quan trọng ở đời nếu không tin còn không thể thành tựu, huống là việc lành? Như đạo tặc ở thế gian khi bại lộ, quan phủ nếu không dùng cực hình ràng buộc thì sau khi thả ra, họ vẫn như cũ không hối lỗi. Tại sao? Vì họ tin rằng con đường này chẳng tốn một đồng tiền mà được lợi, không cần phải tính toán lo lắng. Cho nên, chịu đủ mọi đau khổ nhưng quyết chẳng hối hận.
Người hiện nay niệm Phật, chẳng chịu gia công chân thật, chỉ vì chưa từng nghĩ sâu tin chắc. Đừng nói không tin Tịnh độ, chỉ như Thế Tôn nói: “Mạng người trong hơi thở”. Một câu nói này nghĩa lý không phải là khó hiểu. Các ông chính mình tai nghe mắt thấy, trải qua biết bao tấm gương, thế mà hiện nay muốn các ông tin câu nói ấy vẫn không thể được. Nếu các ông thật sự tin được câu nói ấy thì pháp môn niệm Phật không cần tôi phải tốn hết sức lực, dặn dò cả ngàn muôn lần. Các ông tự nhiên sẽ giống như nước chảy xuống chỗ trũng, không sức mạnh gì kéo lại được.
Chính như hôm trước, khi đưa vị Tăng mất, các ông đã thấy việc đó nên buồn bã không vui. Tôi đã cảnh sách nhau thống thiết rằng: “Đại chúng! Tôi với các ông hôm nay đưa vị Tăng này, ngày mai đưa vị Tăng khác, không hay không biết bỗng đến phiên mình, lúc ấy hối hận không còn kịp nữa. Cần phải gấp rút niệm Phật, thời giờ đừng để luống qua, như thế mới được!”.
“Tôi thấy các ông tự mình cũng bảo đáng tiếc, đối với người khác cũng bảo đáng tiếc. Nhưng đến khi ở Tăng phòng, vẫn bàn tán cười nói như thường, chỉ vì các ông không tin “mạng người trong hơi thở”.
Tôi thấy người mới tu học, vừa đem một câu Phật hiệu đặt vào lòng, để đừng suy tư vọng tưởng thì càng cảm thấy vọng tưởng dâng trào. Họ liền bảo: “Công phu niệm Phật chẳng thể nhiếp tâm”.
Đâu biết rằng, cội gốc sinh tử từ vô lượng kiếp đến nay của ông làm sao dứt trừ ngay được. Vả lại, ngay khi muôn vàn vọng niệm lăng xăng chính là lúc thực hành công phu. Thâu nhiếp rồi tán loạn, tán loạn rồi thâu nhiếp, thực hành lâu dài thì công phu thuần thục, tự nhiên vọng niệm sẽ không sinh khởi.
Hơn nữa, cái tâm hay biết vọng niệm nhiều của ông là nhờ ở câu niệm Phật này. Nếu khi không niệm Phật, vọng niệm cuồn cuộn dâng trào, khoảnh khắc cũng không dừng nghỉ mà chính mình có nhận biết được đâu?
Niệm Phật có phương pháp niệm thầm, niệm lớn tiếng, trì niệm Kim Cang. Song, niệm lớn tiếng cảm thấy rất phí sức, niệm thầm lại dễ hôn trầm. Chỉ là miên mật khít khao, khẽ động môi, tiếng niệm ở nơi răng và lưỡi chính là phương pháp trì niệm Kim Cang. Lại không nên chấp chặt. Hoặc cảm thấy tổn sức thì không ngại niệm thầm, hoặc cảm thấy hôn trầm thì không ngại niệm lớn tiếng.
Hiện nay, người niệm Phật tay đánh mõ theo miệng kêu gào, cho nên không được lợi ích. Cần phải mỗi câu miệng niệm tai nghe, mỗi tiếng mỗi tiếng đánh thức tâm mình. Ví như một người ngủ say, một người gọi thức dậy, thì người kia liền tỉnh giấc. Cho nên, niệm Phật là phương pháp thu nhiếp tâm rất hay.
Người hiện nay không chịu niệm Phật chỉ vì xem thường Tây Phương. Chẳng biết sinh về Tây Phương là việc của bậc đại đức, đại phước, đại trí, đại tuệ, đại Thánh, đại Hiền. Chuyển Ta-bà thành Tịnh độ, chẳng đồng với nhân duyên bé nhỏ.
Ông hãy xem trong vùng này, một ngày một đêm chết bao nhiêu người. Đừng nói sinh về Tây Phương, chỉ sinh về cõi trời thôi mà trăm ngàn người còn không có một. Lại có người tu hành tự phụ, cho rằng chỉ cần không mất thân người mà thôi. Do đó, Đức Thế Tôn đại từ đại bi dạy pháp môn này, công lao quá cả đất trời, ân đức vượt hơn cha mẹ. Chúng ta dầu xương tan thịt nát chưa đủ đáp đền.
Lúc nhỏ còn chưa biết niệm Phật, tôi thấy một bà lão nhà hàng xóm mỗi ngày quy định thời khóa niệm Phật mấy ngàn câu. Tôi hỏi: “Tại sao làm như thế?”.
Bà lão đáp: “Người chồng đã mất của tôi thuở trước niệm Phật, lúc ra đi rất tốt lành. Thế nên, tôi niệm như thế. Ông ấy lúc ra đi, hoàn toàn không có bệnh, chỉ chào cáo biệt mọi người rồi vãng sinh”.
Người xuất gia tại sao lại không niệm Phật?