Phật dạy chúng ta, chúng ta có thể đem công đức của A Di Đà Phật chuyển biến thành công đức của chính mình. Cách chuyển thế nào vậy?
Việc thiện ác thế gian thật quá nhiều. Vì sao Phật đặc biệt nêu ra “tùy hỷ công đức”? Thực tế mà nói ý nghĩa của điều này rất sâu. Phật biết được phiền não tập khí của tất cả chúng sanh là tích lũy từ vô lượng kiếp, mỗi một chúng sanh đều có. Tập khí gì vậy? Tham-sân-si, ngạo mạn, đố kỵ.
Tập khí mang theo từ lúc mới sinh, không cần người dạy. Bạn tỉ mỉ mà quan sát những trẻ nhỏ mấy tháng tuổi chưa biết nói chuyện, đặt chung hai đứa trẻ gần bằng tuổi nhau lại, một đứa trẻ có kẹo ăn, một đứa kia không có kẹo ăn, cái tâm đố kỵ đó liền nổi lên. Bạn xem ai dạy chúng vậy? Không ai dạy chúng.
Tùy hỷ công đức chính là đối trị tâm ngạo mạn, đố kỵ, đặc biệt là đối trị đố kỵ. Đố kỵ, ngạo mạn là tạo tội nghiệp cực trọng; giữa khoảng một niệm chuyển đổi lại thì liền biến thành vô lượng công đức. Phật và phàm phu khác biệt ở ngay chỗ này.
Chúng sanh thì không thể chuyển được, tùy theo phiền não mà trôi lăn trong sanh tử sáu cõi. Chư Phật Bồ Tát trong khoảng một niệm chuyển đổi lại, thành tựu vô lượng vô biên công đức. Cho nên, chúng ta phải học cách chuyển, phải chuyển được mau. Sau khi chuyển lại rồi xem thấy người ta tu tích công đức bao lớn, bạn tùy hỉ công đức thì bạn cũng có được công đức lớn như người ta vậy, quyết định không có khác biệt.
Tuyệt đối không thể nói con người này tu tích công đức lớn, ta tùy hỉ thì công đức của ta nhỏ. Không hề có việc như vậy, nhất định là công đức lớn như nhau. Người ta tu tích công đức rất cực khổ, bạn vừa tùy hỉ công đức thì cũng lớn như họ vậy, bạn thấy bạn chiếm được bao nhiêu lợi ích? Bạn phải hiểu được đạo lý này.
Phật dạy chúng ta, chúng ta có thể đem công đức của A Di Đà Phật chuyển biến thành công đức của chính mình. Cách chuyển thế nào vậy? Y theo một bộ kinh này tu học thì được rồi. Ở trên Kinh này Phật dạy cho chúng ta thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói. Bạn chỉ cần đem ba câu nói này làm cho được, bạn liền chuyển công đức từ trong vô lượng kiếp của A Di Đà Phật thành công đức của chính mình.
Ngay trong lúc giảng dạy, chúng ta cũng thường nói: “Đồng tâm, đồng nguyện, đồng đức, đồng hạnh với A Di Đà Phật”, liền đem công đức của Di Đà chuyển biến thành công đức của chính mình, vậy bạn mới là người thông minh bậc nhất trên thế giới. Nếu chúng ta không dựa vào công đức của A Di Đà Phật để tu hành, mà chỉ dựa vào chính mình thì chúng ta phải tu đến kiếp nào?
Chúng ta ở ngay trong mấy mươi năm ngắn ngủi của đời này, chỉ cần chúng ta hiểu được đạo lý, hiểu được phương pháp này, thì sự tu hành mấy mươi năm của chúng ta chính là A Di Đà Phật tu hành vô lượng kiếp, trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói “Niệm kiếp viên dung”, chúng ta chân thật có thể làm đến được.
Các vị không nên xem thường bỏ lỡ cơ hội này, nhất định phải nắm lấy cơ hội này, ngay trong một đời thành tựu công đức cứu cánh viên mãn. Bạn xem, cư sĩ Lý Mộc Nguyên xây dựng đạo tràng này, mời pháp sư đã tốn biết bao hơi sức, đó là công đức của ông ấy. Hôm nay chúng ta đến nơi đây tùy hỷ thì công đức viên mãn của ông ấy chúng ta thảy đều có được.
Chúng ta giới thiệu mấy người bạn bè thân thích đến nơi đây nghe Kinh, cũng chính là lợi dụng đạo tràng này, lợi dụng cơ duyên này của cư sĩ Lý Mộc Nguyên, chúng ta độ được mấy người làm Phật. Bạn nói xem, công đức của chúng ta lớn hay không? Thật là độ họ đi làm Phật. Họ ngay đời này có thể y giáo tu hành, có thể vãng sanh hay không, đó là việc riêng của họ, việc đó không hề gì.
Chỉ cần họ đến đạo tràng này, thấy được Phật tượng, nghe được một, hai câu Kinh văn, một khi nghe qua tai, mãi đã trồng thiện căn, hạt giống Kim Cang vĩnh viễn không hư hoại, sẽ có một ngày gặp được duyên khởi hiện hành, tương lai họ niệm Phật vãng sanh làm Phật, họ sẽ nghĩ lại “cái nhân ban đầu là do một người nào đó độ ta”. Đây là chúng ta hiểu được làm thế nào tu tùy hỉ công đức.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 21
Tâm Hướng Phật/St!