Phật pháp dạy người, điều then chốt nhất là khiến người hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh, đây là sự giác ngộ cứu cánh viên mãn.
Phật pháp dạy người, điều then chốt nhất là khiến người hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh, đây là sự giác ngộ cứu cánh viên mãn. Sau khi giác ngộ rồi, chúng ta làm người sẽ có thể dung hòa thành một thể với tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, đây là đại đạo lý của thế xuất thế gian. Cũng tức là nói, học Phật là học làm thế nào chung sống với người khác, làm thế nào chung sống với tất cả chúng sanh giống như quyến thuộc trong gia đình của mình vậy. Ví dụ như quyến thuộc trong gia đình vẫn chưa thỏa đáng, tại sao vậy?
Xã hội hiện nay, người bất hiếu với cha mẹ rất nhiều, con cái không thể chung sống với cha mẹ, mẹ chồng nàng dâu không thể chung sống với nhau, anh em không thể chung sống với nhau, thậm chí vợ chồng cũng không thể chung sống với nhau. Vấn đề này nghiêm trọng, thật vô cùng nghiêm trọng! Chúng ta triển khai kinh điển của Thế Tôn, tỉ mỉ mà quán sát, nghiên cứu, chúng ta sẽ rút ra được một kết luận là Phật chẳng qua chỉ dạy chúng ta làm người mà thôi! Từ đó cho thấy, học Phật chính là học làm người.
Nếu như chúng ta ở trong thế gian này, người với người còn đối xử không tốt thì bạn làm sao có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc? Bạn làm sao có thể chung sống với người ở thế giới Cực Lạc? Nói lời thành thật, người ở thế giới Cực Lạc phức tạp hơn xã hội chúng ta ngày nay rất nhiều. Tại sao biết vậy? Họ là người từ mười phương vô lượng vô biên cõi nước vãng sanh về, hình dáng, màu sắc đủ thứ khác nhau, không có cách gì tính được. Những người này có thể vãng sanh là do họ rất biết cách làm người, rất hiểu cách làm người.
Nguyên tắc cao nhất của làm người chính là kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đoạn khai thị này là nguyên tắc cao nhất. Chúng ta đem đoạn này thực hiện được rồi, thì bất kể bạn ở pháp giới nào, bạn cũng là Bồ-tát chân thật, bạn là Phật chân thật, bạn không phải là đồ giả, không phải là bản sao, không phải bắt chước. Nguyên tắc mà Phật dạy chúng ta chính là phải thường xuyên nghĩ đến cái thiện của người khác.
Ở Cư Sĩ Lâm, chúng ta đã nghe đạo Hồi giáo giới thiệu sơ lược, Ấn Độ Giáo và Ba-Cáp-Y-Giáo cũng giới thiệu sơ lược, mọi thánh nhân tôn giáo đều là dạy chúng ta làm người, đều là chỉ dạy chúng ta phải tâm thiện, niệm thiện, hành vi thiện. Nhưng mà tất cả kinh điển tôn giáo, quả thật mà nói, kinh điển của Phật giáo là nói rốt ráo nhất, viên mãn nhất. Tại sao vậy?
Đức Phật nói: “Bất dung hào phân, bất thiện gián tạp”, đây là điều mà ở trong những kinh điển tôn giáo khác tôi không hề nhìn thấy. Đây là nói triệt để, nói rốt ráo, không được phép xen tạp. Người này có mười phần là ác, có một phần là thiện, chúng ta chỉ tán thán một phần thiện của họ, chỉ lấy một phần thiện này, quên hết mười phần ác đó của họ, không nên để ở trong lòng, người này vẫn là người thiện.
Người này có mười phần thiện, có một phần ác, thì một phần ác đó đương nhiên càng phải quên nó đi, dứt khoát không được để ở trong lòng. Trong tâm chúng ta ghi nhớ lỗi lầm của người khác, ghi nhớ cái ác của người khác là bản thân chúng ta ác.
Ngẫu Ích đại sư ở trong Linh Phong Tông Luận nói rất hay: “Cảnh duyên không có tốt xấu”. Cảnh là hoàn cảnh đời sống vật chất của chúng ta, duyên là hoàn cảnh đời sống nhân sự của chúng ta. Người và vật bên ngoài đều không có tốt xấu. Tốt xấu sinh ra từ đâu vậy? Tốt xấu sinh ra từ trong tâm của mình. Bản thân bạn ưa thích thì nó tốt, bạn không ưa thích thì nó xấu.
Tốt xấu không có tiêu chuẩn, tốt xấu tùy theo tập khí, phiền não của mỗi người mà ra. Cho nên, Phật dạy chúng ta, lìa khỏi tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì thế giới này là nhất chân pháp giới. Ở trong nhất chân pháp giới, tất cả mọi chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Từ đâu mà có vậy? Là như vậy mà ra. Chúng ta tu hành thật, dụng công thật cũng là ở ngay chỗ này.
Chúng tôi ở trong các buổi giảng thường hay nêu vua Thuấn làm ví dụ, quí vị đọc lịch sử đều biết sự việc này. Cha mẹ huynh đệ của vua Thuấn, có thể nói người trong thiên hạ đều cho rằng họ là người xấu, nhưng trong con mắt của vua Thuấn thì họ là người tốt.
Ông không hề nhìn thấy mảy may tội ác nào từ nơi cha mẹ, huynh đệ của mình, mà chỉ nhìn thấy lỗi lầm, khuyết điểm của chính mình. Hằng ngày, ông tự mình sửa chữa lỗi lầm, không hề yêu cầu người nhà của ông. Sau banăm , ông đã cảm hóa được cả nhà. Tự hành hóa tha, đây chẳng phải là một ví dụ sinh động nhất mà kinh Phật đã nói hay sao? Tự hành chính là hóa tha, bản thân không hành, làm sao có thể hóa tha được?
Tự hành hóa tha, chúng ta hãy nhìn từ bản thân vua Thuấn sẽ nhận rõ ra ngay, hóa ra đây mới gọi là tự hành hóa tha! Thành tựu tánh đức viên mãn của mình, bản thân mình thật sự một chút khuyết điểm cũng không còn thì tự nhiên sẽ cảm hóa tất cả chúng sanh hữu tình.
Bản thân thành Phật liền có thể khiến tất cả chúng sanh thành Phật. Cho nên, trong đoạn kinh văn này, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ năm, từ hàng thứ ba của kinh văn đến hàng cuối cùng này, tổng cộng kinh văn là sáu hàng rưỡi, đây là cương lĩnh tu hành của chúng ta.
Phật ở chỗ này nói rất hay, Nhân, Thiên, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát đều không thể lìa khỏi pháp môn này, đều là từ pháp môn này thành tựu. Ở đây nói rõ ràng, nói thấu triệt, dạy chúng ta ngày đêm thường niệm thiện pháp là tâm của bạn thiện, tư duy thiện pháp là tư tưởng của bạn thiện, quán sát thiện pháp là hành vi của bạn thiện. Quán sát điều gì vậy?
Nhìn cái thiện của người khác, không nên nhìn cái ác của người khác, thế là chúng ta sẽ sanh ở thế gian tốt lành. Thế gian này không có ác, chỉ có thuần thiện, đây là sự thật, không phải giả. Đây chính là tùy thuận pháp tánh mà ở trong kinh Đại Thừa thường nói, không phải tùy thuận theo phiền não.
Ở trong kinh luận chúng ta thường đọc thấy câu “tùy thuận pháp tánh”, mà không hiểu được thế nào là tùy thuận pháp, làm như thế nào thì không biết. “Tùy thuận phiền não” thì biết, còn “tùy thuận pháp tánh” thì không biết. Ở chỗ này nói cho chúng ta biết, đây là tùy thuận pháp tánh. Thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, đây là tùy thuận pháp tánh. Pháp tánh là chí thiện viên mãn.
Đến khi nào chúng ta “không thấy lỗi thế gian”. Thế gian là tất cả người, sự và vật. Người là thế gian hữu tình của chúng ta, là hoàn cảnh đời sống nhân sự của chúng ta. Sự và vật là hoàn cảnh vật chất. Ở trong tất cả hoàn cảnh này, chúng ta không nhìn thấy ác, chỉ thấy thiện chứ không thấy ác, đó chính là Đại sư Huệ Năng nói: “Nếu người chân thật tu đạo, không thấy lỗi thế gian”.
Ở trong tâm vẫn còn thị phi nhân ngã, đây không phải người chân thật tu đạo. Thị phi nhân ngã từ đâu mà có vậy? Là từ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra. Phật thường hay dạy chúng ta, người chân chánh tu đạo phải buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.
Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông xả rồi, chính là trong kinh A Di Đà nói: “Nhất tâm bất loạn”, nhất tâm bất loạn này mới có thể hiện tiền, công phu niệm Phật mới có thể thành tựu, chắc chắn vãng sanh bất thối thành Phật. Từ đó cho thấy, chúng ta vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vẫn còn thị phi nhân ngã, phải biết đây là chướng ngại trên đường Bồ-đề của mình.
Quí vị nghe xong những lời này, có lẽ lại phát sinh vấn đề ngay. Thế gian thật sự có rất nhiều người ác, thật sự gây phiền phức, chúng ta gặp họ thì phải làm sao? Chúng ta chỉ thấy họ thiện, họ thấy ta bất thiện, ta không trêu chọc họ, họ đến kiếm chuyện với ta, nếu chúng ta rơi vào trong hoàn cảnh này thì phải làm sao? Phật dạy chúng ta đoạn phiền não, khai trí tuệ.
Thế nào là đoạn phiền não vậy? Phần trước nói, thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp thì phiền não sẽ đoạn hết thôi. Phiền não đoạn hết thì trí tuệ hiện tiền. Ở trong hoàn cảnh đời sống, bạn có trí tuệ cao độ, bạn có nghệ thuật cao độ tự nhiên bạn có thể tránh khỏi. Mặc dù có đủ thứ chướng nạn nhưng trên thực tế không thể chướng ngại được bạn, cũng không thể hại được bạn.
Ở trong tất cả thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên, bạn chắc chắn được pháp hỷ sung mãn, bạn có trí tuệ có thể ứng phó, chắc chắn là đôi bên cùng có lợi, tuyệt đối không phải là tổn người lợi mình, không có đạo lý này. Đây chính là Phật pháp.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Tập 15
Tâm Hướng Phật/St!