Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Tỷ-khưu có nghĩa là gì? Thế nào gọi là Chúng?

Tỷ-khưu có ba nghĩa: khất sĩ, bố ma và phá ác. Tỷ-khưu là người sống bằng hạnh khất thực, hằng ngày ôm bình bát đi vào trong thành để xin thực phẩm.

Kinh văn: 與大比丘眾千二百五十人俱。
Dữ đại tỉ-khưu chúng thiên nhị bách ngũ thập nhân câu.

Việt dịch: Với chúng đại tỷ-khưu, gồm một ngàn hai trăm năm mươi người đến dự.

Giảng:

Sự tham dự của các vị đại tỷ-khưu với các đại a-la-hán, các vị đại bồ-tát ở khắp mười phương được đề cập sau đây là biểu hiện của chúng thành tựu.

Kinh do Đức Phật giảng nói rất rõ ràng và mạch lạc. Đức Phật không giảng kinh một cách ngẫu nhiên. Chỉ khi nào có đủ sáu điều thành tựu này thì một pháp hội mới được hình thành và giáo pháp mới được Đức Phật tuyên thuyết.

Đại tỷ-khưu khác với các vị tiểu tỷ-khưu. Đại tỷ-khưu là các vị đã có công phu tu tập lâu năm, sắp sửa chứng ngộ.

Tỷ-khưu là phiên âm từ chữ bhikṣu trong tiếng Phạn. Có ba nghĩa: khất sĩ, bố ma và phá ác. Tỷ-khưu là người sống bằng hạnh khất thực, hằng ngày ôm bình bát đi vào trong thành để xin thực phẩm. Họ không chỉ xin những nhà giàu mà còn xin ở những nhà nghèo, hoặc ngược lại. Một vị tỷ-khưu phải thực hành hạnh bình đẳng trong khi khất thực, có nghĩa là phải nghiêm túc đi từ nhà này đến nhà khác, và không được đến hơn một nhà. Nên có lời dạy rằng: Vị tỷ-khưu không được tránh nhà nghèo đến khất thực ở nhà giàu, không được vờ đi chậm để tìm kiếm người sang trọng (mà khất thực).

Khi một người đăng đàn thọ giới tỷ-khưu, họ hướng về Tam sư và bảy vị Tôn chứng (để thỉnh cầu). Tam sư là Hòa thượng Đường đầu truyền giới, Hòa thượng yết-ma và Hòa thượng Giáo thọ. Bảy vị Tôn chứng là những vị bảo chứng cho giới hạnh thanh tịnh của một vị tăng. Một người thọ giới tỷ-khưu rồi sẽ đời đời không phá hoại luật nghi, phá trai, phạm giới.

Khi truyền giới, Hòa thượng yết-ma hỏi:

– Quý vị đã phát tâm bồ-đề chưa?

Giới tử trả lời:

– Bạch Hòa thượng, con đã phát tâm bồ-đề.

Hòa thượng yết-ma hỏi tiếp:

-Quý vị có phải là kẻ đại trượng phu không?

Giới tử đáp:

-Bạch Hòa thượng, con là kẻ đại trượng phu.

Khi những câu hỏi được trả lời theo tinh thần như vậy, thì loài quỷ địa hành la-sát–một loại chúng sinh chuyên ghi chép các việc xấu tốt trên thế gian liền nói: “Bây giờ đệ tử của Phật tăng thêm một người và đệ tử của ma vương giảm đi một người.” Quỷ địa hành la-sát truyền tin này cho quỷ không hành dạ-xoa, loài quỷ này lại truyền tin này lên cõi trời Lục dục. Thiên ma, là vua của các ma cõi trời, nghe tin này liền hoảng sợ. Đó là lý do thứ hai tỷ-khưu có nghĩa là bố ma, là làm cho ma hoảng sợ.

Tỷ-khưu cũng là người phá trừ các việc ác, dẹp trừ vô minh và phiền não.

Do chữ tỷ-khưu có ba nghĩa như vậy, nên nó rơi vào phạm trù của những thuật ngữ “không phiên dịch vì có nhiều nghĩa” (đa sinh nghĩa). Căn cứ theo nguyên tắc phiên dịch do Pháp sư Huyền Trang đời Đường lập ra, chữ ấy được giữ nguyên âm Phạn ngữ, không dịch sang tiếng Trung Hoa.

Đúng ra, có một nghìn hai trăm năm mươi lăm (1255) vị đại tỷ-khưu trong pháp hội ở Tịnh xá Kỳ-hoàn. Những vị đệ tử này bao gồm những đệ tử “thường tùy chúng.” Trước đây, hầu hết họ là những người tu theo ngoại đạo, nhưng sau nhờ Đức Phật giáo hóa nên thành đạo nghiệp, họ cảm ân đức của Phật nên theo Phật xuất gia, thường thân cận bên Phật.

Trong số một nghìn hai trăm năm mươi lăm đệ tử, trước hết Đức Phật thâu nhận Ngài A-nhã Kiều-trần-như[5] và bốn huynh đệ của Ngài ở vườn Lộc Uyển. Kế tiếp, Đức Phật độ ba anh em ông Ca-diếp,[6] là những người thờ lửa. Khi họ quy y với Đức Phật, họ đem theo một nghìn đệ tử của mình cùng quy y với Đức Phật thành ra một nghìn không trăm linh năm (1005) đồ chúng. Mục-kiền-liên[7] và Xá-lợi-phất[8] mỗi người có một trăm đệ tử, nâng tổng số lên một nghìn hai trăm linh năm người. Rồi Da-xá[9] con của một vị trưởng giả cùng năm mươi người đến xin xuất gia, nâng tổng số các đệ tử của Phật là một nghìn hai trăm năm mươi lăm vị tất cả.

Thế nào gọi là chúng? Một người không được gọi là chúng. Hai, ba người cũng không được gọi là chúng. Phải có bốn người hoặc hơn mới thành một chúng. Ở đây hội chúng bao gồm không những chỉ có hơn bốn người mà còn có hơn một nghìn hai trăm năm mươi người.

Nguyên nhân A-nhã Kiều-trần-như trở thành đệ tử đầu tiên của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni như sau: Trong một đời trước, Đức Phật là một vị tiên tu hạnh nhẫn nhục. Một hôm vua Ca-lợi[10] lên núi tổ chức một cuộc săn bắn, mang theo cả đoàn thê thiếp, thể nữ, các quan văn võ đại thần. Trong khi vua mãi mê săn bắn, các cô tỳ thiếp dạo chơi trong núi và gặp vị tỷ-khưu già, là vị tiên đang tu hạnh nhẫn nhục. Cô hầu thiếp vốn ít khi ra khỏi hoàng cung chưa bao giờ thấy một vị tỷ-khưu già với râu tóc dài và lởm chởm như vậy. Đây vốn là một vị đạo sĩ nhưng các cô hầu thiếp tưởng là một người kỳ dị nên bò sát đến bên cạnh rồi hỏi:

– Ông đang làm gì vậy?

Vị tỷ-khưu già đáp:

– Tôi đang công phu tu tập theo Phật pháp.

Các cô tỳ thiếp chưa từng bao giờ nghe nói đến Phật pháp cũng như về Đức Phật nên hoàn toàn ngơ ngác trước câu trả lời này. Sự tò mò khiến các cô đến gần sát hơn để lén nhìn vị tỷ-khưu già. Họ vây quanh ngài thành một vòng tròn.

Khi vua Ca-lợi đi săn về, thấy các cô mỹ nữ của mình biến mất cả, ông ta đi tìm và thấy các cô đang vây quanh một người đàn ông râu tóc rậm rạp, cảnh đó khiến nhà vua phát ghen tức. Ông ta nghĩ: “Vị này đã quyến rũ các hầu thiếp của ta. Họ chẳng còn để ý gì đến ta nữa, thế là ông ta quyến rũ được họ rồi.” Vua lớn tiếng hỏi:

-Ông đang làm gì vậy?

Người đàn ông đáp:

– Tôi đang tu tập hạnh nhẫn nhục.

– Tu hạnh nhẫn nhục nghĩa là sao?

– Tu hạnh nhẫn nhục có nghĩa là bất luận ông đối xử như thế nào với tôi, dù ông vô lễ với tôi, dù ông đối xử ác độc với tôi, tôi vẫn chịu đựng được.

Vua Ca-lợi hỏi: “Thật chứ? Có thật đó là cách ông đang tu không? Tôi không tin là ông làm được việc đó. Nếu ông thực sự tu hạnh nhẫn nhục, cớ sao ông lại quyến rũ các thể nữ của tôi? Bây giờ họ đã quá gắn bó với ông và họ quá yêu ông rồi, trong tương lai chắc chắn họ sẽ rời bỏ hoàng cung để theo ông.”

– Không, tôi không hề quyến rũ họ, tôi vừa giảng pháp cho họ, dạy họ biết nhẫn nhục.

– Nhẫn nhục, Vua Ca-lợi bực dọc đáp lại: Thế ông có thể nhẫn nhục. À được rồi, Ta sẽ thử xem sao, Hãy xem thử ông nhẫn nhục được không…

Vua cắt đứt vành tai của vị tỷ-khưu già rồi hỏi: “Ông chịu đựng được không? Ông có giận không? Phiền não có khởi dậy không? Ông có ghét tôi không?”

Tỷ-khưu đáp lại: “Tôi chẳng hề phiền não, tôi cũng chẳng có gì giận ông cả.”

Vua Ca-lợi la lên:

“Thật vậy chăng? Thật là ông không giận dữ sao? Thế thì tốt, ta sẽ chặt tay ông.” Nói xong vua Ca-lợi liền cắt đứt một tay rồi hỏi:

– Ông vẫn không giận tôi chứ?

Vị tỷ-khưu già ấy là tiền thân của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, nói với vua Ca-lợi:

– Tôi không hề ghét ông.

– Thế thì ta sẽ cắt luôn tay kia.

Vua vung kiếm lần nữa xuống cánh tay còn lại của vị tỷ-khưu rồi hỏi:

-Ông có giận không?

– Tôi vẫn không giận ông.

Vị tỷ-khưu đáp lại.

– À! ông vẫn không nhận ra sự thực từ sai lầm, vậy ta sẽ chặt chân ông luôn. Bây giờ ông có giận không?

– Tôi không giận.

Vua Ca-lợi chặt đứt chân kia, đến lúc này tứ chi của vị tỷ-khưu đã bị chặt đứt hết. Vua hỏi: “Ông vẫn không giận tôi chứ?”

Vị tỷ-khưu già đáp: “Tôi vẫn không giận ông.”

“Ông nói dối.” Vua Ca-lợi hét lên “Chẳng có người nào trên thế gian này bị chặt đứt cả tứ chi mà không giận dữ. Tôi chẳng tin, tôi không tin ông thực sự tu tập được như vậy.”

Lúc đó, vị tỷ-khưu già phát lời nguyện:

– Nếu tôi không khởi tâm sân hận, thì tứ chi của tôi sẽ liền lại và thân thể tôi sẽ lành lặn như trước. Còn nếu như tôi có tâm sân hận thì tay chân tôi chẳng thể nối liền và mũi, tai không mọc lại được nữa.

Ngay sau khi vị tỷ-khưu vừa phát lời nguyện, tay chân mắt mũi liền có đủ và lành lặn như xưa.

Vua Ca-lợi la lên: “Ông là loại yêu quái gì vậy? Loại yêu quái nào có thể làm cho tay chân ông dính liền lại? Ông là ma quái !.”

Vua Ca-lợi kết luận, tuyên bố với quần thần và các tỳ nữ của mình như vậy. Nhưng ngay khi tâm niệm này vừa móng khởi trong tâm vua thì các vị Hộ pháp thiện thần liền giáng một trận mưa đá dữ dội xuống đoàn tùy tùng của vua.

Lúc ấy vị tỷ-khưu già phát lời nguyện khác:

“Xin quý vị Hộ pháp thiện thần thôi trừng phạt nhà vua, tôi đã tha thứ cho ông ta rồi.”

Vị tỷ-khưu nói với Vua Ca-lợi:

“Trong đời sau, khi tôi tu thành Phật, tôi sẽ độ thoát cho ông trước hết.”

Kết quả của lời nguyện này là khi Đức Phật Thích-ca thành chánh giác, người đầu tiên được Đức Phật độ là A-nhã Kiều-trần-như, người đó chẳng ai khác hơn là vua Ca-lợi trong kiếp tái sinh.

Nhờ Ngài đã thành Phật, năng lực của lời phát nguyện đã đưa Đức Phật tức khắc trở về vườn Lộc Dã để độ năm vị tỷ-khưu mà người đầu tiên là A-nhã Kiều-trần-như. Khi một người phát lên lời nguyện, liền tạo nên sự cảm thông. Thế nên quý vị nên lập hạnh nguyện thân thiện và cứu độ hết tất cả mọi loài chúng sinh và thận trọng đừng sát hại sinh mạng chúng sinh cho đến khi họ tựu thành Phật đạo, chúng ta sẽ cùng nhau tựu thành chánh giác và sẽ cùng nhau hưởng được niềm an lạc ở cõi Thường tịch quang Tịnh độ̣. Còn nếu quý vị phát lời nguyện sẽ giết hại chúng sinh thì trong đời sau, người ta sẽ giết quý vị trở lại, thế là sẽ không thể nào chấm dứt vòng luân hồi vì nghiệp sát cả.

Hãy đối xử tốt với mọi người, dù họ không tốt với mình. Chúng ta nên có một tinh thần bền bỉ như vị tiên nhẫn nhục đã có. Khi thoát khỏi tâm sân hận ngài còn phát nguyện cứu người đã xúc não mình, dù người ấy đã chặt đứt tứ chi của mình. Những người đang tu học Phật pháp nên học theo tinh thần cao thượng này.

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 1!

Bài viết cùng chuyên mục

Phước báo là từ đâu mà có, tai họa là từ chỗ nào mà ra?

Định Tuệ

Cách học Phật như thế nào?

Định Tuệ

Pháp tu căn bản của người Phật tử

Định Tuệ

Nguyên nhân Phật ra đời

Định Tuệ

Nhìn thấu buông xả: Đời sống thanh tịnh tự tại, giải thoát

Định Tuệ

Chính mình tạo tác lỗi lầm không nên che giấu mà phải phát lồ sám hối

Định Tuệ

Chỉ cần tham ái một ngọn cỏ thì sẽ đi vào luân hồi trở lại

Định Tuệ

Kinh Bát Đại Nhân Giác điều giác ngộ thứ bảy giảng giải

Định Tuệ

Nghe chửi là một cách tiêu nghiệp chướng

Định Tuệ

Viết Bình Luận