Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Ba la mật là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của mười pháp Ba la mật

Ba la mật là những pháp hành cao tột, giúp cho chúng sanh đi từ bờ mê qua bến giác, từ sinh tử luân hồi qua giải thoát Niết Bàn.

1. Ba la mật là gì?

Ba la mật là những pháp hành cao tột, giúp cho chúng sanh đi từ bờ mê qua bến giác, từ sinh tử luân hồi qua giải thoát Niết Bàn.

Vậy ba la mật như chiếc bè đưa mình qua sông, chứ không phải để mình bám víu. Trong bài kinh Ví dụ con rắn, (Trung bộ kinh số 22) thì Đức Phật có đưa một hình ảnh là: có một người bên bờ này kinh sợ với nhiều thứ dữ nguy hiểm nên người đó muốn qua bờ bên kia, nên đi kiếm cây lá cành rồi bện lại thành một cái bè, rồi dùng cái bè đó đi qua sông. Khi qua đến bờ thì bỏ cái bè, chứ không ai vác cái bè đi cả.

Vậy ba la mật chỉ là phương tiện thôi. Thường mình hay nói là mình tích lũy ba la mật để thành Phật hay thánh. Ba la mật và Phước tuy giống nhau nhưng khác nhau. Phước là những thiện nghiệp pháp giúp thanh lọc tâm mình khỏi phiền não tham sân si. Phước mới mang tính chất tích lũy, còn ba la mật thì không mang tính chất tích lũy.

Vì Phước như tài sản đi theo mình trong suốt thời gian mình còn sinh tử luân hồi, đó là Phước hữu lậu. Ví dụ, vì nghèo quá nên bố thí để giàu sang thì bố thí này đúng theo nhân quả nhưng vẫn còn bản ngã muốn trở thành, nên vẫn còn lẩn quẩn trong tam giới, đây gọi là Phước hữu lậu rơi rớt trong tam giới, phải sinh trở lại để hưởng và lại tiếp tục tạo thiện ác. Nhưng cái Phước của ba la mật thì khác, nó không phải tích luỹ, mà để buông bỏ: buông những bất thiện, những phiền não, những ảo tưởng, những sai lầm….

Trong Phật giáo Theravada có 10 ba la mật như sau:

1. Bố thí để buông bỏ tâm tham, ích kỉ, san tham, dính mắc vào của cải. Bố thí ba la mật thì không có tôi trong đó, vị tha chứ không phải vì mình, không mong cầu trả ơn.

2. Trì giới là buông bỏ những điều ác, buông tâm vọng đọng, sai trái không hại: sát sanh, trộm cắp, tà dâm… Giữ giới dễ hơn phá giới, vì giữ giới không cần làm gì, nhưng phá giới thì phải bịa, trốn, lo sợ… để làm những việc ác.

3. Ly dục (xả ly) là buông bỏ tham dục với 6 trần bên ngoài. Có chánh tư duy, có lối sống tri túc, dễ nuôi… Thấy ham muốn nào hại mình hại người thì bỏ.

4.Trí tuệ là buông bỏ những cái hiểu sai lầm, buông bỏ sự tích lũy những kiến thức vay mượn khái niệm bên ngoài, mà trí tuệ phải thấy ra thực tánh pháp như thật, thấy như chúng đang là mà không thêm ảo tưởng vào.

5.Tinh tấn là buông bỏ sự làm biếng, giải đãi, buông lung phóng dật, quay trở về trọn vẹn lại với thực tại. Việc tới thì làm, trọn vẹn làm xong thì thôi. Không nên cố gắng tinh tấn quá sức quá mức sẽ dẫn đến vọng đọng lăng xăng.

6. Nhẫn nại là buông bỏ sự đối kháng, sự chống đối, không sân.

7. Chân thật là buông bỏ sự dối trá, giả dối. Thấy ra rõ sự thật của hai mặt chân đế và tục đế của sự việc, như thấy ra có cha mẹ con cái (tục đế) nhưng cũng thấy ra danh sắc nghiệp quả (chân đế).

8. Quyết định ba la mật hay còn gọi chí nguyện ba la mật là buông bỏ sự chấp không vào chân đế. Tu một lúc thấy cái gì cũng không và sẽ bị chấp vào cái không đó.

9. Tâm từ là buông bỏ tâm bất bình, tâm sân. Phải có tâm không phân biệt với tất cả chúng sanh, mang lại sự thương yêu và an vui đến cho tất cả chúng sanh.

10. Tâm xả là buông bỏ sự chấp thủ, giữ tâm quân bình, bình đẳng dù thân hay không thân, dù người thiện hay ác… vì đều là pháp hữu vi, là theo sự vận hành theo duyên nghiệp riêng của họ…

Ba la mật là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của mười pháp Ba la mật

2. Nguồn gốc và ý nghĩa của mười pháp Ba la mật
Nguồn gốc của mười pháp Ba la mật

Bồ Tát là một vị Phật đang thành, và như vậy Bồ Tát là một chúng sanh đang thực hành, trải qua một giai đoạn không thể tính kể được của chu kỳ thế gian, để đạt đến mức độ cao tột của sự thành tựu về đạo đức, tri thức và tâm linh. Là một vị Bồ Tát, trong mỗi kiếp tái sanh, vị ấy thực hành 10 pháp ba la mật, đây là điều kiện tiên khởi dành cho một vị Bồ Tát.

Chúng ta không nên nghĩ rằng lý tưởng Bồ Tát này chỉ dành cho những con người phi thường; điều gì người khác làm được, chúng ta cũng có thể làm được nếu chúng ta nỗ lực và nhiệt tâm cần thiết. Chúng ta cần cố gắng làm việc một cách vô tư vì lợi ích của bản thân cũng như lợi ích của tha nhân. Như vậy, chúng ta đã có mục đích trong cuộc đời này – có lý tưởng cao quý để phục vụ và hoàn thiện mình.

Ý nghĩa của mười pháp Ba la mật

1. Pháp hạnh bố thí Ba la mật

Bố thí là Ba la mật đầu tiên. Thực hành bố thí tạo cơ hội cho Bồ Tát được công đức hay phước báu gấp đôi đó là, một mặt nó diệt trừ những tư tưởng bất thiện của lòng ích kỷ, và mặt khác nó làm phát triển những tư tưởng thuần khiết của lòng vị tha.

Mục đích của bố thí là để diệt trừ tham ái ngủ ngầm trong tâm chúng ta; ngoài ra nó còn có những phước báu của bố thí đi kèm như tâm hoan hỷ phục vụ, đem lại hạnh phúc, niềm an ủi và xoa dịu khổ đau.

Vị Bồ Tát luôn mở rộng lòng thương không phân biệt trong lúc thực hành bố thí, đồng thời cũng không quên dùng óc suy xét sáng suốt của mình trong lúc bố thí.

Bố thí ba la mật hay bố thí không trụ tướng trong tiếng Phạn là Dana paramita. Nó bao gồm 3 phương diện được gọi là Tam Luân Không Tịch. Tức là không thấy người cho, vật cho và người nhận. Đây là 3 yêu cầu để người thực hành bố thí ba la mật không vướng dính vào cái tôi của mình.

Tam Luân Không Tịch có thể tạm hiểu là: Trước tiên không được quá đề cao hành động của mình, cho rằng mình đã có lòng tốt với ai đó. Không được xem rằng ai đó đã nợ ơn ta và mong họ sẽ chịu ơn và đền ơn. Không nên đánh giá thứ mang đi trao tặng cho rằng nó có giá trị hay là không. Thứ gì mình có thể cho thì hãy cho, và khi trao đi rồi thì không còn nghĩ về nó nữa.

Có thể nói bố thí Ba la mật không có thái độ chấp ngã, tại thời điểm, không gian đó, ta làm một việc nghĩa đó cho con người đó là việc đã xong, ai đó có biết ơn mình hay không là chuyện của họ, mình không nên quan tâm.

Dù 2 nguồn kinh điển Pali và Đại Thừa có quan điểm khác nhau về bố thí ba la mật, thì điểm trọng yếu mà chúng ta cần lưu tâm là: Khi làm 1 việc nghĩa, việc thiện chúng ta nên hiểu rõ là chúng ta đang làm cho chính mình để hoàn thiện đạo Bồ tát, từ đó hướng đến quả vị giác ngộ – giải thoát. Cuộc đời này giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình chứ không phải là đang giúp đỡ ai cả. Hiểu được điều này thì khi cho đi điều gì đó tâm chúng ta thanh thản, nhẹ nhàng hơn.

2) Pháp hạnh giữ giới Ba la mật

Chư Đức Bồ Tát có pháp hạnh bố thí Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ thực hành pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật đó là tác ý tâm sở đồng sinh với đại thiện tâm giữ gìn thân tránh xa thân hành ác, để thành tựu thân hành thiện; giữ gìn khẩu tránh xa khẩu hành ác, để thành tựu khẩu hành thiện; giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi hành ác, để thân và khẩu được trong sạch thanh tịnh.

Bồ Tát sẽ tránh không sát sanh, trộm cắp, nói dối, hoặc nói ly gián, Ngài cũng tránh xa sự tà dâm, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm và uống các chất say. Nói chung một vị Bồ Tát luôn luôn cố gắng giữ gìn những nguyên tắc sơ đẳng nhất (tức ngũ giới) với hết khả năng của mình, vì nếu phạm vào một giới nào trong đó có nghĩa là đã tạo thêm những phiền não và chướng ngại mới trên bước đường giác ngộ giải thoát.

3) Pháp hạnh xuất gia Ba la mật

Ba la mật thứ ba là sự từ bỏ hay xuất gia. Ba la mật này bao hàm hai ý nghĩa, thứ nhất là sự từ bỏ nếp sống trần tục và những lạc thú thế gian để chọn cho mình đời sống thanh cao của một tu sĩ, và thứ hai là việc thực hành tu tiến thiền định nhờ đó chế ngự tạm thời các triền cái ngăn che tiến bộ tâm linh (năm triền cái là: Tham Dục, Sân Hận, Hôn Trầm – Thuỵ Miên; Trạo Cử, Phóng Dật và Hoài Nghi).

Mặc dầu vị Bồ Tát có thể sống trong cảnh xa hoa, đắm chìm trong dục lạc thế gian, nhưng cái ý niệm luôn luôn hiện khởi trong tâm của Ngài, là đời sống của một gia chủ quả thật giống như hang ổ của tranh chấp, nếu đem so với đời sống không gia đình của bậc xuất gia ví như bầu trời rộng mở thênh thang.

Nhận thức rõ tính chất hư ảo của đời sống trần tục như vậy, Bồ Tát tự nguyện từ bỏ những sở hữu thế gian của mình, và khoác vào người chiếc y vàng giản dị của một nhà tu, Ngài cố gắng sống cuộc sống thánh thiện với tất cả sự trong sạch của nó.

4) Pháp hạnh trí tuệ Ba la mật

Ba la mật thứ tư là trí tuệ; trí tuệ có nghĩa là sự hiểu biết chân chánh thực chất của thế gian, thấy các pháp như chúng thực sự là. Bồ Tát nỗ lực thu thập kiến thức từ mọi nguồn có thể được, mặc dù vậy, chưa từng có lần nào Ngài biểu lộ lòng mong muốn phô trương những kiến thức của mình, Ngài cũng chưa hề cảm thấy hổ thẹn nhìn nhận sự si mê của mình. Ðiều gì Ngài biết luôn luôn là để phục vụ tha nhân, và Ngài cũng sẵn sàng chia sẻ nó với mọi người không chút giấu giếm.

Trí huệ là gì? “Trí” phiên âm chữ phạn là Phã na; “Huệ” phiên âm chữ Phạn là Bát nhã. “Trí” có nghĩa là quyết đoán; “Huệ” có nghĩa là giản trạch, Tự điển Phật học Trung Hoa định nghĩa như sau: “Trí là biết Tục đế và Huệ là thông hiểu Chân đế”.

Cũng có thể nói: Trí là thể tánh sáng suốt trong sạch, Huệ là cái diệu dụng xét soi tự tại. Trí huệ Ba la mật là thể tánh sáng suốt có khả năng soi sáng sự vật một cách thấu đáo tinh tường đến nơi đến chốn, không thể sai lầm được.

Trí huệ như định nghĩa trên là trí huệ của đạo Phật, chứ không phải trí huệ phổ thông, thường dùng trong các sự học hỏi hiểu biết, suy luận hằng ngày trong đời.

Theo triết học Phật giáo, khả năng nhận thức có hai loại: Hiện lượng và tỷ lượng.

Hiện lượng: Là sự nhận biết trực tiếp không cần qua trung gian suy luận. Hiện lượng lại chia làm hai:

– Chân hiện lượng, là nhận thức trực tiếp mà đúng.

– Tợ hiện lượng, là nhận thức trực tiếp mà sai

Tỷ lượng: Là sự nhận biết qua trung gian suy luận. Tỷ lượng cũng có hai thứ:

– Chân tỷ lượng, là lối hiểu biết bằng suy luận đúng đắn.

– Tợ tỷ lượng, là lối hiểu biết bằng suy luận mà sai lầm.

Hiện lượng của địa vị phàm phu rất kém cỏi và phần nhiều là tợ hiện lượng. Tỷ lượng của địa vị phàm phu lại còn kém cỏi hơn nữa và phần nhiều là tợ tỷ lượng. Ðứng về phương diện tính chất, đạo Phật chia trí huệ ra làm hai loại lớn là ” Căn bản trí” và ” Hậu đắc trí”.

Căn bản trí: Căn bản trí, là giác tính minh diệu mà mỗi chúng sinh vốn đã có sẵn, nhưng vì bị phiền não che lấp, nên chưa phát chiếu ra được. Có thể so sánh căn bản trí như là một chất kim khí quí báu (vàng, bạc) đang ở trong trạng thái khoáng chất, nằm lẫn lộn với đất đá (phiền não, vô minh).

Hậu đắc trí: Hậu đắc trí, là trí huệ có được nhờ công phu tu tập như trì giới, thiền định… Có thể so sánh Hậu đắc trí như chất kim khí (vàng, bạc) được lọc từ khoáng chất ra và không còn lẫn lộn với đất đá, bụi bặm nữa (phiền não, vô minh).

Theo Duy thức học, sau khi đạt đến địa vị Giác ngộ, nghĩa là có được “Hậu đắc trí”, thì tám thức chuyển thành bốn trí:

– Thức thứ tám, A lại da có tác dụng là chấp trì sanh mạng và chủng tử, được đạt đến địa vị vô lậu và biến thành “Ðại viên cảnh trí” (trí sáng như bức gương lớn và tròn đầy, tượng trưng cho biển cả chơn như).

– Thức thứ bảy, Mạt na có tác dụng là chấp ngã, biến thành “Bình đẳng tánh trí” (trí có năng lực nhận thức tính cách bình đẳng, vô ngã của vạn pháp).

– Thức thứ sáu, Ý thức có tác dụng là phân biệt, biến thành “Diệu quan sát trí” (trí có năng lực quan sát thâm diệu).

– Năm thức cuối (nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức) biến thành “Thành sở tác trí” (trí có năng lực nhận thức cùng khắp và thần diệu).

5) Pháp hạnh tinh tấn Ba la mật

Ba la mật thứ năm là tinh tấn. Chư Đức Bồ Tát có pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ thực hành pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật đó là tinh tấn tâm sở đồng sinh với đại thiện tâm tinh tấn không ngừng trong 4 pháp tinh tấn:

– Tinh tấn ngăn ác pháp chưa sinh, không cho phát sinh,

– Tinh tấn diệt ác pháp đã phát sinh,

– Tinh tấn làm cho thiện pháp chưa sinh, được phát sinh,

– Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.

Tinh tấn ở đây không chỉ có nghĩa là sức mạnh thể chất như mọi người thường hiểu, mà nó là sinh lực hay sức mạnh tinh thần, hiển nhiên sức mạnh này siêu việt hơn sức mạnh thể xác rất nhiều, và được định nghĩa như một nỗ lực không hề suy giảm nhằm phục vụ tha nhân cả trong tư tưởng lẫn hành động, củng cố vững chắc đức hạnh tinh tấn này.

Bồ Tát phát triển lòng tự tin và tạo cho nó thành phẩm chất đặc biệt của mình, với quan niệm thất bại là mẹ thành công; sự áp bức chỉ làm tăng thêm nỗ lực và hiểm nguy giúp lòng can đảm của mình phát triển mạnh hơn.

6) Pháp hạnh nhẫn nại Ba la mật

Ba la mật thứ sáu là lòng kham nhẫn. Pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật đó là vô sân tâm sở đồng sinh với đại thiện tâm nhẫn nại chịu đựng mọi nghịch cảnh, tâm sân không phát sinh trong các đối tượng xấu ấy, chỉ có đại thiện tâm phát sinh để đạt đến mục đích cao cả mà thôi.

Ở đây kham nhẫn là sự chịu đựng, hình thức cao nhất của lòng chịu đựng khi phải đương đầu với khổ đau có thể do người khác giáng xuống cho mình; và nó cũng còn có nghĩa là lòng kiên nhẫn đối với những sai trái của kẻ khác.

Một vị Bồ Tát thực hành kham nhẫn đến mức độ khi tay chân của mình bị người khác chặt đứt đi, Ngài cũng không khởi tâm phẫn nộ.

7) Pháp hạnh chân thật Ba la mật

Ba la mật thứ bảy là chân thật. Pháp hạnh chân thật Ba-la-mật đó là tác ý tâm sở hoặc tiết chế tâm sở hoặc trí tuệ tâm sở đồng sinh với đại thiện tâm hợp với trí tuệ, với lời nói chân thật phát sinh từ đại thiện tâm ấy, nói như thế nào, làm như thế ấy; làm như thế nào, nói như thế ấy. Đức Bồ Tát không bao giờ nói dối, nói sai sự thật, dám hy sinh sinh mạng để giữ gìn sự thật mà thôi.

8) Pháp hạnh phát nguyện Ba la mật

Ba la mật thứ tám là tâm quyết định. Ðiều này có thể được giải thích như là sự quyết tâm vững chắc, nhờ sức mạnh ý chí này mà Ngài đã buộc mọi chướng ngại phải rời khỏi hướng đi của mình, và dù cho bất cứ điều gì xảy đến, có thể đó là tai hoạ hay chuyện đau buồn cũng không làm Ngài xao lãng mục tiêu của mình. Ngài có thể dễ bị thuyết phục để làm điều thiện, nhưng không dễ cám dỗ Ngài làm những điều trái với lý tưởng và đạo đức, và tuỳ từng trường hợp, có thể Ngài mềm mỏng dịu dàng như một cánh hoa, nhưng cũng có thể vững như thái sơn.

9) Pháp hạnh tâm từ Ba la mật

Ba la mật thứ chín là tâm từ. Pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật đó là vô sân tâm sở đồng sinh với đại thiện tâm có đối tượng tất cả chúng sinh. Đức Bồ Tát thực hành pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật đối với tất cả chúng sinh vô lượng rằng:

“Cầu mong tất cả chúng sinh không oan trái lẫn nhau, không có khổ tâm, không có khổ thân, xin giữ gìn thân tâm thường được an lạc.”

Trong trường hợp này tâm từ có ý nghĩa thâm sâu hơn thiện chí, tình thân thiện hoặc từ ái. Chính tâm từ này đã thúc đẩy Bồ Tát từ khước sự giải thoát cá nhân để thực hiện lợi ích cho tha nhân, đây là lòng từ vĩ đại mà Ngài dành cho tất cả chúng sanh, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng hoặc mầu da; và vì Ngài là hiện thân của lòng từ bao la như vậy nên Ngài không sợ hãi điều gì, và Ngài cũng không gieo rắc sự sợ hãi cho chúng sanh nào, ngay đến những loài thú hung tợn sống đơn độc trong rừng già cũng là những người bạn thân thiết của Ngài, vì Ngài luôn luôn ôm ấp trong lòng một tình thương vô biên cho muôn loài chúng sanh.

10) Pháp hạnh tâm xả Ba la mật

Ba la mật thứ mười là tâm xả. Pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật đó là trung dung tâm sở đồng sinh với đại thiện tâm có đối tượng tất cả chúng sinh. Đức Bồ Tát thực hành pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật đối với chúng sinh đối xử tốt, lễ bái cúng dường đến Ngài hoặc đối với chúng sinh đối xử xấu, quấy phá làm khổ Ngài. Đức Bồ Tát đều có thiện tâm trung dung đối với tất cả chúng sinh ấy, nghĩa là, không phát sinh tâm thương yêu đối với chúng sinh đối xử tốt với Ngài, cũng không phát sinh tâm ghét chúng sinh đối xử xấu với Ngài.

Nghĩa đen của từ này là nhận thức một cách đúng đắn, quan niệm một cách chính đáng, hoặc nhìn một cách vô tư, nghĩa là không thương, không ghét, không thủ không xả, và ở đây từ ngữ không được dùng trong ý nghĩa của một cảm xúc lãnh đạm hay trung tính.

Có thể nói xả là một trong những pháp khó thực hiện nhất và cần yếu nhất trong 10 pháp ba la mật, đặc biệt đối với hàng tại gia cư sĩ còn phải sinh hoạt trong những mất cân đối của thế gian với những cơ may thất thường, trong thế gian này những điều như khinh rẻ và phỉ báng là lẽ thường của nhân loại.

Cũng như khen – chê, được – mất; thế nhưng, trước những thăng trầm của cuộc sống này, một vị Bồ Tát cố gắng đứng vững như núi đá kiên cố, giữ tâm xả hoàn toàn. Trong những lúc hạnh phúc và trong những lúc nghịch cảnh, giữa lời khen tiếng chê, Ngài vẫn thản nhiên vô tư.

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Tây Phương Cực Lạc Thế giới người người đều là người thiện

Định Tuệ

Tịnh Nghiệp Tam Phước là nguyên tắc chỉ đạo tối cao của toàn thể Phật pháp

Định Tuệ

Quán bất tịnh là gì? Quán thân bất tịnh để trừ tâm ái dục

Định Tuệ

Lược đàm về Si phiền não – Phải diệt niệm buồn chán

Định Tuệ

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh có 3 điều để dìu dắt mọi người

Định Tuệ

Tứ nhiếp pháp là gì? Ứng dụng Tứ nhiếp pháp trong đời sống

Định Tuệ

Lễ Phật như thế nào thì mới có công đức?

Định Tuệ

Người thọ trì Tam Quy được 36 vị Thần Hộ Pháp ngày đêm bảo hộ

Định Tuệ

Bộ Kinh nào là quan trọng nhất của Phật giáo?

Định Tuệ

Viết Bình Luận