Kinh Tâm Địa Quán Phật dạy: “Người giữ gìn giới luật dù xuất gia chỉ trong một ngày đêm cũng được hai trăm vạn kiếp không sa đọa ác thú…”
Khi xưa, Phật thuyết pháp 49 năm hơn ba trăm pháp hội, diệu nghĩa thật thâm lường ẩn áo uyên thâm kín nhiệm. Nhưng không vượt thoát ba cửa vô lậu. Đó là con đường: “Giới-Định-Tuệ”.
Vì sao? Vì có giữ giới tâm mới có định, tâm định thì tuệ mới phát sanh. Như vậy chúng ta khẳng định rằng giới là căn bản chính để thuận dòng giải thoát, con đường thành Phật tác Tổ cũng từ đây.
Kinh Tâm Địa Quán Phật dạy: “Người giữ gìn giới luật dù xuất gia chỉ trong một ngày đêm cũng được hai trăm vạn kiếp không sa đọa ác thú. Người đó thường sanh nơi nhàn cảnh, hưởng phước trí thù thắng, thường gặp Thiện tri thức, vĩnh viễn không thoái chuyển, thường gặp chư Phật được Phật thọ ký, ngồi tòa kim Cang thành bậc Đại Giác”.
Do đó, người xưa thường nói: “Giới có công năng như chiếc bè báu đưa người qua bể khổ, giới là cửa ngõ vào cảnh Niết Bàn. Thế nên trong mười tông phái của Phật giáo, dù chúng ta tu theo tông phái nào cũng phải lấy giới làm thầy. Cho nên người muốn được quả vui, dứt trừ mầm mống của khổ đau mà không giữ gìn tịnh giới thì không thể được”.
Kinh Đại Niết Bàn Phật dạy: “Giới là thềm thang của tất cả pháp lành, cũng là cội gốc của tất cả thiện pháp: như quả đại địa là cội gốc của tất cả thảo mộc phát sanh. Giới là một đấng Đạo Sư tối cao của các thiện căn: là vị thượng chủ dẫn dắt đàn thương nhân. Giới là thắng tràng của tất cả các thiện pháp: như thắng tràng của Thiên Đế Thích. Giới là công năng đoạn trừ vĩnh viễn tất cả ác nghiệp và tam ác đạo, như các dược thảo có công năng trị liệu tất cả các thứ ác bệnh. Giới là tư lương trên đường hiểm sanh tử, giới là chiếc áo giáp đồng, là cây gậy thần trừ diệt ác thần kiết sử. Giới là một thần chú tối linh, diệt trừ rắn độc phiền não. Giới là cây cầu để qua khỏi hạnh nghiệp tội ác”.
Như vậy, chúng ta khẳng định rằng: Dù chúng ra có thực hành pháp môn nào: hoặc Thiền quán, Tịnh độ, Mật chú… bất luận đoạn phiền não hay chứng chơn thường, đối với giới pháp của Phật dạy, đều phải óc tính cách quyết định thọ mạng của hành giả. Nếu không giữ giới được tinh nghiêm thì tất cả các việc công phu hành trì đều không có thể thành tựu.
Như trong Kinh Lăng Nghiêm Phật đã từng dạy: “Như nấu cát mà muốn thành cơm, trọn không thể có được”. Ngay đây hành giả phải tự nghiệm lấy, chớ nói suông vô ích, đến khi bệnh nặng những tri kiến, tri giải học suông một đời làm sao cứu nổi cơn vô thường sắp đến! Phải biết rõ vua Diêm La không kiêng nể một ai, cho dù chúng ta thông suốt Tam Tạng Kinh điển .v.v… Đều không màng đến nếu không tịnh nghiệm giới pháp.
Thiền Sư Quy Sơn dạy: “Một mai bệnh nặng trên giường, mọi thứ đau đớn đoanh vây bức bách. Sớm tối lo nghĩ, trong lòng lo sợ bồi hồi. Đường trước mịt mờ chưa biết về đâu, bây giờ mới biết ăn năn, đợi khát đào giếng sao kịp?
Hận mình sớm chẳng lo tu, đến lúc tuổi già nhiều điều tội lỗi. Khi sắp rời bỏ cuộc đời sự sống tan rã nhanh chóng, trong lòng khiếp sợ kinh hoàng. Giống như lưới thủng chim bay, thức tâm theo nghiệp. Như kẻ mắc nợ, ai mạnh kéo trước, trong tâm nhiều mối, nặng đâu sa đó”.
Như vậy, chúng ta thấy rõ, trên từ chư Phật dưới các bậc Tổ sư đều dạy chúng ta lúc còn khỏe mạnh phải thúc liễm thân tâm trau dồi giới đức. Song điều tiên quyết ở đây là làm sao để phát huy năng lực của định và tuệ? Nhưng nếu không có giữ gìn giới hạnh trang nghiêm thì thử hỏi định và tuệ làm sao phát khởi?
Kinh Niết Bàn, Phật dạy: “Nếu không có hộ trì giới luật làm sao được Phật tánh? Tất cả chúng sanh dù sẵn có Phật tánh, nhưng phải nhờ trì giới. Sau đó Phật tánh mới hiển lộ, nhân thấy Phật tánh mới chứng được giác trí”. – “ĐĐ Thích Khế Định dịch & chú giải”!
Giữ giới để tăng phước
Người Phật tử phát nguyện thọ trì năm giới cấm (không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện) nhằm trau dồi đạo đức, hoàn thiện nhân cách đồng thời đó là cách vun bồi phước báo cho bản thân và gia đình.
Năm giới quý báu này nếu được mọi người hiểu biết cặn kẽ và tuân giữ nghiêm mật thì chắc chắn thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Ngược lại, nếu không tuân thủ các nguyên tắc đạo đức này thì phước đức sẽ dần suy giảm, đến lúc cạn kiệt thì tai họa, hoạn nạn và đau khổ phát sinh.
Thế nên, để cho sự nghiệp, sức khỏe, gia đạo luôn phát triển ổn định, bền vững thì người đệ tử Phật cần thường xuyên vun đắp cội phước. Ngoài sự sẻ chia, bố thí, cúng dường và thực hành các thiện pháp khác thì giữ giới là cách tạo phước rất quan trọng. Quan sát và chiêm nghiệm cuộc sống sẽ thấy khá rõ, người thực hành đạo đức thì phước báo ngày càng tăng thêm. Người phạm giới và khuyết giới thì phước báo ngày càng sa sút, có thể dẫn đến thân bại danh liệt.
“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng đại Tỳ-kheo (…). Bấy giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở Trúc viên, Ngài bảo A-nan: – Các thầy hãy sửa soạn, hãy đi đến thành Ba-lăng-phất.
Đáp: Kính vâng.
Rồi Ngài sửa soạn y bát cùng với đại chúng theo hầu, Thế Tôn từ Ma-kiệt đi đến thành Ba-lăng-phất và ngồi ở gốc cây Ba-lăng. Lúc ấy các Thanh tín sĩ tại đó nghe Phật cùng đại chúng từ xa đến nghỉ dưới cây Ba-lăng, bèn cùng nhau ra khỏi thành, từ xa trông thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây Ba-lăng dung mạo đoan chính, các căn vắng lặng, nhu thuận tột bực, như con rồng lớn, như nước đứng trong, không chút bợn nhơ, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm tột bực. Thấy rồi, ai nấy hoan hỷ, lần đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi lại một bên. Ðức Thế Tôn theo thứ lớp nói pháp, khai tỏ, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. (…)
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Thanh tín sĩ rằng: – Phàm người phạm giới thời có năm điều suy hao. Những gì là năm? 1-Cầu tài lợi không được toại nguyện. 2-Dẫu có được tài lợi, ngày mỗi hao mòn. 3-Bất cứ đến đâu cũng không được mọi người kính nể. 4-Tiếng xấu đồn khắp thiên hạ. 5-Thân hoại mệnh chung sa vào địa ngục.
– Trái lại, này các Thanh tín sĩ, phàm người giữ giới sẽ có năm công đức. Những gì là năm? 1-Cầu gì đều được như nguyện. 2-Tài sản đã có thì thêm mãi không hao sút. 3-Ở đâu cũng được mọi người kính mến. 4-Tiếng tốt đồn khắp thiên hạ. 5-Thân hoại mệnh chung được sanh lên cõi trời.
Bấy giờ, đã nửa đêm, Phật bảo các Thanh tín sĩ hãy trở về. Các Thanh tín sĩ vâng lời, đi quanh Phật ba vòng, rồi đảnh lễ mà lui”.
(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành [trích])
Lời Phật dạy thật rõ ràng, những ai sống thiếu đạo đức sa đà buông thả phóng dật hay phạm khuyết các giới cấm thì sẽ chịu năm điều suy hao. Đầu tiên là cơ nghiệp làm ăn, buôn bán ngày càng không được như ý nguyện, tiền bạc kiếm được không còn dễ dàng như trước. Kế đến là tài sản dành dụm được trước đây rất khó giữ, cứ hao mòn tiêu tán dần. Bởi tài lộc đến hay đi là do phước, phước đủ thì tụ, phước thiếu thì tan. Khi đạo đức đã sa sút thì uy tín không còn, tiếng xấu ngày càng lan truyền thì chúng ta không còn được tín nhiệm và nể trọng. Bấy giờ, nếu không nhanh chóng nhận ra vấn đề để sám hối và phục thiện thì cơ nghiệp, sức khỏe, gia đạo đều đồng loạt lao dốc, thậm chí có người không giữ được thân mạng, chết đi trong bất an, sinh vào đọa xứ.
“Trái lại, này các Thanh tín sĩ, phàm người giữ giới sẽ có năm công đức. Những gì là năm? 1. Cầu gì đều được như nguyện. 2. Tài sản đã có thì thêm mãi không hao sút. 3. Ở đâu cũng được mọi người kính mến. 4. Tiếng tốt đồn khắp thiên hạ. 5. Thân hoại mệnh chung được sanh lên cõi trời”. Thế mới biết giữ giới có vai trò rất quan trọng trong việc vun trồng cội phước. Mặt khác, muốn tiến xa hơn nhằm thành tựu định tuệ và giải thoát sinh tử thì chắc chắn phải dựa vào nền tảng giữ giới. Có thể nói, muốn tạo phước nên giữ giới, muốn tu định phải giữ giới, muốn phát tuệ cần giữ giới. Sống đạo đức, có giới là phẩm hạnh căn bản của người đệ tử Phật nhằm hướng đến thành tựu phước báo, công đức và giải thoát.
Tầm quan trọng của việc giữ giới theo kinh điển Phật giáo
“Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:
– Này chư Hiền, Tỳ-kheo phạm giới tất làm tổn hại việc thủ hộ các căn. Giữ giới thì không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
– Này chư Hiền, giống như cây nào mà rễ bị tổn hại thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá không thể thành được. chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Nếu ai phạm giới thì làm tổn hại việc thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
– Này chư Hiền, Tỳ-kheo thủ hộ giới thì thường không có sự hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.
– Này chư Hiền, giống như cây nào mà rễ không hư thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá đều thành tựu. Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nếu ai giữ giới thì thường không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.
Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Tập tương ưng, kinh Giới [II], số 48)
Trong phẩm Tập tương ưng này, lộ trình căn bản hướng đến thành tựu Thánh quả A-la-hán căn bản vẫn là “Giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát, chứng đắc Niết-bàn”. Ở pháp thoại trước (kinh Niệm, số 44), Thế Tôn đã nói đến vai trò của hộ trì các căn, giúp cho hành giả thành tựu giới. Pháp thoại này, Thế Tôn nhấn mạnh đến vai trò hỗ tương giữa giữ giới và hộ trì các căn, “phạm giới tất làm tổn hại việc thủ hộ các căn”.
Thực ra giữ giới và hộ trì các căn tuy là hai nhưng lại không tách rời, liên hệ mật thiết với nhau. Phòng hộ các căn cũng là một hình thức giữ giới nhưng linh động hơn và không có giới điều. Không phòng hộ các căn là buông lung, phóng dật chạy theo nghiệp tùy duyên dấy khởi. Nếu hàng rào phòng thủ các căn bên ngoài sụp đổ thì lá chắn tiếp theo là giữ giới bị lung lay, nguy cơ phạm giới có thể xảy ra. Ngược lại, một khi đã phạm giới thì dễ duôi với việc hộ trì các căn, khả năng phòng hộ bên ngoài càng thêm yếu ớt. Từ đó phạm hạnh bị tổn hại và hành giả khó tiến xa trên đường đạo.
Vì vậy, khi tu tập giữ giới tinh nghiêm sẽ gia cố thêm cho phòng hộ các căn. Phòng hộ các căn vững chắc sẽ giúp cho giới hạnh thêm viên mãn. Nền tảng cho phòng hộ các căn chính là chánh niệm, tỉnh giác. Trong đó, chánh niệm thuộc chi phần Định, tỉnh giác thuộc chi phần Tuệ. Nên khi giữ giới nghiêm cẩn, phòng hộ các căn trọn vẹn thì ngay đó có mặt các phẩm tính của Giới – Định – Tuệ. Đã có các phẩm tính của Giới – Định – Tuệ thì hành giả có hy vọng sẽ tiến đến thành tựu giải thoát, Niết-bàn.
Tâm Hướng Phật/Th!