Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Chúng ta chọn lựa pháp môn, chính mình hiểu rõ ràng căn tánh của chính mình

Chúng ta chọn lựa pháp môn, chính mình hiểu rõ ràng căn tánh của chính mình. Chọn sai là quý vị đã uống lầm thuốc!

Tiếp theo đó là nói đến bản hội tập này, giới thiệu nhân duyên khiến cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập. “Tiên sư Hạ Liên Cư lão cư sĩ”, thầy của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã qua đời, đã vãng sanh, nên gọi là “tiên sư” lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Trước hết, giới thiệu giản lược đức hạnh của lão cư sĩ. “Bi trí song vận”, cụ thật sự có lòng từ bi, có trí huệ. Chữ “song” (雙) chỉ từ bi và trí huệ, tự hành, hóa tha, “vận” (運) là vận dụng để tự hành, dạy người. Điều này khá khó khăn! Có những người sẵn lòng từ bi nhưng thiếu trí huệ; có kẻ có trí huệ lại thiếu lòng từ bi, không chịu dạy người khác, đều chẳng hoàn bị. Có trí huệ lại chịu dạy người khác, Bồ Tát đấy! “Tông Thuyết câu thông”, Tông (宗) là Thiền Tông, Thuyết (說) là Giáo Hạ. Nói đến Đại Thừa Phật pháp của Trung Quốc thì chính là Tông Môn và Giáo Hạ. Do vậy, bản thân Phật giáo được gọi là Tông, Giáo, chẳng liên quan gì đến [từ ngữ] “tôn giáo” như chúng ta nói trong hiện thời, nhất định phải biết điều này. Phật pháp tự xưng là Tông Giáo, Tông ở đây là Thiền Tông, còn gọi là Tông Môn, chín tông phái ngoài Thiền Tông đều gọi là Giáo Hạ. Vì sao nói như thế? Phương thức giáo học khác nhau! Thiền Tông là “ngộ hậu khởi tu” (sau khi đã ngộ, sẽ tu). Khi chưa khai ngộ, chẳng xem kinh giáo, chẳng đọc kinh điển. Sau khi khai ngộ rồi mới xem kinh điển; còn Giáo Hạ dốc sức nơi kinh điển trước, đến cuối cùng là khai ngộ. Vì thế, đây là hai con đường [khác nhau].

Như vậy thì Thiền Tông thích ứng với căn tánh nào? Bậc thượng thượng căn, đó là đối tượng của Thiền, người thường không tu được, chúng ta phải hiểu điều này. Người tầm thường không tu Thiền được. Bởi lẽ, chẳng phải là bậc thượng thượng căn, nếu quý vị tham Thiền, tham suốt đời, vẫn gọi là tham uổng công. Quý vị chẳng khai ngộ! Nếu quý vị chẳng thể khai ngộ, sẽ chẳng thể liễu sanh tử. Nói cách khác, đáng luân hồi như thế nào thì vẫn luân hồi như thế ấy. Do vậy, lúc tôi mới học Phật, ba vị thầy đều cảnh cáo tôi đừng nên học Thiền Tông, quyết định không thể học theo Lục Tổ Đàn Kinh, chẳng thể học đòi ngài Huệ Năng. Họ thẳng thừng bảo tôi: “Anh không hội đủ điều kiện!” Thầy Phương giới thiệu Pháp Tướng Duy Thức và Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Thầy Lý giới thiệu Tịnh Độ và Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, đó là Giáo Hạ. Đối tượng của Giáo Hạ là ba căn thượng, trung, hạ, dốc sức nơi kinh điển, theo thứ tự tiến lên dần dần, giống như đi học, quý vị học từ Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, đến nghiên cứu sinh, từ từ tiến lên. [Đối tượng của] Thiền Tông là đứa trẻ thiên tài; nó chẳng cần đến Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, chẳng hề cần, có thể vào ngay ban nghiên cứu sinh, có bản lãnh này! Vì thế, thiếu bản lãnh này, chẳng thể học theo họ được! Đúng là chẳng thể tùy tiện học tập được!

Vì thế, trong Phật pháp, giữa Thiền và Mật, Mật hay hơn Thiền một chút; đúng là nếu chẳng phải là bậc thượng thượng căn, sẽ chẳng đạt lợi ích nơi Thiền Tông. Mật cũng như vậy, nhưng Mật còn có thứ tự, trước hết học Hiển Giáo, Hiển Giáo có trình độ nhất định. Hiển Giáo là Giáo Hạ, có trình độ nhất định, phải tham gia khảo thí. Cũng có nghĩa là chưa đại triệt đại ngộ trong Hiển Giáo [sẽ chẳng thể học Mật]; đại triệt đại ngộ kiến tánh rồi, so ra, mức độ đại triệt đại ngộ thấp nhất phải là đại ngộ. Có tiểu ngộ, có đại ngộ. Nói cách khác, [người muốn tu Mật phải] đạt được tâm thanh tịnh. Đối với đại triệt đại ngộ, chúng ta dùng ngay tiêu chuẩn trong tựa đề kinh này: “Thanh tịnh bình đẳng giác”. Giác là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, đó là điều kiện của Thiền Tông, điều kiện của Tông Môn. Trong Giáo Hạ, quý vị đắc thanh tịnh tâm, thưa quý vị, đắc thanh tịnh tâm là buông Kiến Tư phiền não xuống, chẳng còn chấp trước nữa, đương nhiên trí huệ mở mang, tâm thanh tịnh sanh trí huệ, đó gọi là “khai ngộ”. Vẫn chưa phải là đại ngộ, nhưng nếu đã thật sự đắc thanh tịnh tâm, đoạn hết Kiến Tư phiền não, có thể học Mật được hay không? Có thể được! Nhưng vẫn chưa phải là học sinh chính thức của Mật Tông! Học sinh chính thức của Mật Tông còn phải nâng [cảnh giới] lên cao hơn một tầng nữa là đại ngộ, chưa phải là triệt ngộ, mà là đại ngộ. Đại ngộ là gì? Vẫn phải buông Trần Sa phiền não xuống, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng phân biệt, đó là học sinh chính thức của Mật Tông, quý vị mới có tư cách học tập, chẳng dễ dàng đâu nhé! Người ấy đã đại ngộ, nhưng vẫn chưa triệt ngộ. Vì sao? Vẫn còn khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm tức là chưa phá vô minh phiền não.

Chúng ta chọn lựa pháp môn, chính mình hiểu rõ ràng căn tánh của chính mình. Chọn sai là quý vị đã uống lầm thuốc! Bị mắc bệnh mà uống lầm thuốc, không chỉ chẳng trị hết bệnh, mà không chừng bệnh còn nặng hơn. Quý vị nói có phiền lắm không? Phật pháp là thuốc. Tám vạn bốn ngàn pháp môn giống như vào tiệm thuốc, thấy các món thuốc bày la liệt nhiều ngần ấy, quý vị có thể uống hết hay chăng? Có dám uống hay chăng? Chúng ta biết: Không có bác sĩ kê toa, chẳng dám uống, sợ uống vô là rồi đời! Vậy mà Phật pháp quý vị tùy tiện tu, chẳng sợ hay sao? Vì thế, trong kinh Đại Thừa, trong kinh Hoa Nghiêm có nói: “Phật pháp không có ai nói, dẫu là người trí cũng chẳng thể hiểu”. Những vị tổ sư đại đức từ xưa giống như bác sĩ, hay giống như y tá, họ thông hiểu. Chúng ta muốn học Phật, hãy kiếm những người ấy. Họ thấy chúng ta thuộc căn tánh nào, sẽ giới thiệu cho chúng ta kinh điển nào; đấy là chuyện tất yếu, chính mình chớ nên tùy tiện mò mẫm. Do vậy, quý vị thấy: Trong sự học Phật, thầy là mấu chốt quyết định sự thành bại đối với sự tu học của quý vị trong một đời này. Nếu quý vị thật sự gặp được thiện tri thức hay một vị thầy thật sự tốt đẹp, quý vị sẽ chiếm tiện nghi rất lớn. Vì sao? Không đi theo đường vòng! Chính mình mắc bệnh, hãy tìm một bác sĩ giỏi, bác sĩ khám bệnh, kê toa, quý vị uống thuốc ấy vào, sẽ khỏi bệnh. Vì thế, thiện hữu trong Phật môn khó gặp gỡ! Chúng ta đến nơi đâu để cầu? Bất quá, trong hiện tại cũng chẳng có ai cầu! Vì sao? Ngay cả đối với cha mẹ mà cũng không hiếu thảo, chẳng cần đến họ, còn nói gì đến tôn trọng thầy?

Phật pháp là giáo dục của thánh hiền, là giáo dục của bậc đại thánh đại hiền. Nếu quý vị không biết tôn sư trọng đạo, đến nơi đâu để cầu? Chẳng có chỗ nào để cầu! Nhà Phật thường nói: “Phật độ hữu duyên nhân”, ai là người có duyên? Thưa chư vị, hiếu thuận phụ mẫu, tôn sư trọng đạo, kẻ ấy có duyên. Bất hiếu phụ mẫu, bất kính tôn trưởng, không coi trọng thánh đạo, vô duyên! Có gặp bậc thiện tri thức chân chánh cũng vô dụng. Vì sao? Quý vị chẳng thể tiếp nhận! Quý vị đọc kinh chẳng hiểu, hiểu lệch lạc ý nghĩa, chính mình suy tưởng kinh có ý nghĩa gì, nghe kinh cũng không hiểu. Vì thế, bài Khai Kinh Kệ đã nói rất hay: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Quý vị thiếu tâm tôn kính, thiếu tâm thành kính, nghe rồi sẽ hiểu vặn vẹo ý nghĩa, dùng phiền não tập khí của chính mình, dùng tri kiến bất chánh để giải thích kinh Phật, giải thích hoàn toàn sai bét. Học được mấy chục năm, cuối cùng bảo kinh Phật chẳng linh, lại còn hủy báng. Vì thế, thiện tri thức chân chánh suốt đời mong kiếm được truyền nhân. Thầy truyền dạy Phật pháp cho ta, ta phải truyền cho ai? Nếu không có truyền nhân, quý vị phải soạn sách, đem sở học và sở ngộ của ta viết thành sách, hòng lưu truyền sách ấy cho hậu thế, hòng truyền cho người hữu duyên trong đời sau. Chẳng dễ dàng! Quá khó khăn!

Thầy Lý bảo tôi: Học trò kiếm thầy đã khó, mà thầy kiếm được một học trò để truyền pháp càng khó hơn, đến đâu để tìm? Chẳng thể nói học trò của thầy Lý không đông! Đông lắm! Tính toán dè đặt nhất cũng phải hơn năm mươi vạn người! Trong số đó, có mấy ai có thể truyền pháp của cụ? Người vãng sanh thì có, người vãng sanh không ít, niệm Phật vãng sanh; kẻ thật sự truyền pháp ít lắm! Khó quá! Người thật sự truyền pháp phải hội đủ điều kiện như Ấn Quang đại sư đã dạy: Đối với thầy, một phần thành kính, được một phần lợi ích; hai phần thành kính, được hai phần lợi ích; mười phần thành kính, quý vị phải mười phần lợi ích. Chẳng thành kính, quý vị nghe suốt một trăm năm ở nơi đó cũng chẳng có lợi ích, mấu chốt ở chỗ này. Thành kính do đâu mà có? Thành kính là Tánh Đức, từ hiếu dưỡng phụ mẫu sanh ra. Dùng tâm hiếu dưỡng cha mẹ để đối đãi thầy, đó là tôn sư trọng đạo. Nếu đối với cha mẹ cũng chẳng hiếu thuận, vậy là xong luôn! Học Phật suốt đời này, chẳng có lợi ích gì, [chỉ là] gieo chủng tử Phật pháp trong A Lại Da Thức, chẳng thể thành tựu trong một đời này. Chúng ta nghe lời này, rất kinh sợ, chẳng thể thành tựu thì làm thế nào đây? Khéo sao có duyên phận đặc biệt với pháp môn Tịnh Tông! Quý vị phải thật sự học, sám trừ nghiệp chướng, khi còn có một hơi thở, tới cuối cùng một niệm hay mười niệm đều có thể vãng sanh. Đây là chỗ thù thắng trong Tịnh Tông. Do vậy, tại Đài Trung Liên Xã, chúng tôi thấy quả thật có không ít liên hữu vãng sanh. Tính toán dè dặt nhất thì thầy Lý giảng kinh, dạy học tại Đài Trung ba mươi tám năm, người theo cụ niệm Phật vãng sanh Cực Lạc thế giới, thật sự vãng sanh, tôi phỏng đoán phải hơn năm trăm người! Công đức này thù thắng, thật sự khó có, khá lắm!

Do vậy, Phật pháp là sư đạo. Sư đạo nhất định lấy hiếu đạo làm cơ sở. Quý vị thấy Tịnh Nghiệp Tam Phước đã nói rất rõ ràng! Câu đầu tiên là “hiếu dưỡng phụ mẫu”, câu thứ hai là “phụng sự sư trưởng”, “từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”, đấy là điều kiện cơ bản để vào Phật môn. Quý vị phải thực hiện bốn câu này thì mới có thể trở thành một đệ tử Phật thật sự. Nói cách khác, đối với kinh Phật, quý vị có thể tin, có thể hiểu, đó là thiện căn của quý vị. Quý vị có thể y giáo phụng hành, đó là phước đức. Quý vị có thể hành, có thể chứng, vãng sanh là chứng quả, bất luận ba bậc chín phẩm, dẫu là Hạ Hạ Phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, quý vị cũng chứng đắc Phật quả viên mãn rốt ráo. Vì sao? Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, không một ai chẳng viên thành Phật đạo trong một đời. Chúng ta nghiệp chướng nặng nề, sám trừ như thế nào? “Sám trừ” là sửa đổi. Kinh điển là tiêu chuẩn [để biện định] thị phi, thiện ác, bắt đầu học từ chỗ nào? Đức Thế Tôn chỉ dạy chúng ta, bắt đầu bằng Thập Thiện Nghiệp Đạo. Ngẫu Ích đại sư có soạn tiết bổn cho Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, dài hơn tiết bổn của tôi, hãy dùng [kinh này] để sửa lỗi, đổi mới, rất thực dụng! Trên thực tế, trong những năm qua, ba món căn bản của Nho, Thích, Đạo do chúng tôi đề xướng là có căn cứ hay không? Có phải là bịa đặt, đồn thổi hay không? Có căn cứ! Căn cứ gì vậy? Căn cứ theo điều thứ nhất của Tịnh Nghiệp Tam Phước. Hiếu dưỡng phụ mẫu bằng cách nào? Phụng sự sư trưởng bằng cách nào? Chúng ta thi hành Đệ Tử Quy. Một trăm mười ba điều trong Đệ Tử Quy đều là hiếu thân tôn sư (hiếu thảo đối với cha mẹ, tôn trọng thầy), xuất phát từ Tịnh Nghiệp Tam Phước. Đối với từ tâm chẳng giết, chúng ta bèn thực hiện Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo Gia, [do sách ấy] giảng nhân quả, giáo dục. Để thực hiện câu cuối cùng, chúng ta tu Thập Thiện Nghiệp. Do vậy, chúng ta thi hành ba món căn bản của Nho, Thích, Đạo, đấy là dựa trên điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước. Trước hết, quý vị thi hành ba món căn bản, sau đấy mới có thể nhập Phật môn, mới có thể thật sự tiếp nhận Tam Quy, Ngũ Giới. Điều thứ hai là “thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”. Trong điều này, chuyện rất tuyệt vời là trọn đủ các giới, “trọn đủ” là chẳng thiếu một điều nào. Trong Tiểu Thừa có bao nhiêu điều? Ba ngàn oai nghi, tức ba ngàn điều; Đại Thừa có bao nhiêu điều? Tám vạn bốn ngàn oai nghi, Bồ Tát mà! Tận thiện, tận mỹ. Nhiều điều như thế, do đâu mà có? Thưa quý vị, từ Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp triển khai. Tám vạn bốn ngàn oai nghi Bồ Tát quy nạp lại sẽ là ba thứ này, mà triển khai ra sẽ nhiều như thế đó. Có một lần ở Úc, tôi phỏng vấn Do Thái Giáo, trưởng lão Do Thái Giáo bảo tôi: Họ có sáu trăm điều giới luật. Tôi nghe xong rất hoan hỷ, tôi cũng mời ông ta giới thiệu cho tôi, mời họ tới học viện của chúng ta giảng về môn này để chúng ta học tập khuôn mẫu sống.

Cụ Hạ “Tông Thuyết câu thông” tức là Tông Môn lẫn Giáo Hạ đều thông, chữ “thông” này chẳng dễ dàng! Trong câu trước, “bi trí song vận” là nói đến đức hạnh của cụ, “Tông Thuyết câu thông” là nói về học vấn. “Viên dung hiển mật, Thiền Tịnh ư nhất tâm” (viên dung Hiển Mật, Thiền Tịnh trong một tâm) là nói về công phu và cảnh giới của cụ. Hiển Giáo, Mật Giáo, Thiền Tông, Tịnh Độ, bốn chữ này bao quát hết thảy những pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm, chẳng sót thứ gì, viên dung trong nhất tâm. Tuy là như thế, lão nhân gia “chuyên hoằng Trì Danh Niệm Phật nhiếp vạn đức” (chuyên hoằng dương pháp môn Trì Danh Niệm Phật nhiếp thâu muôn đức), đây là nói cụ phát đại Bồ Đề tâm phổ độ hết thảy chúng sanh, dùng phương pháp gì? Dùng Tịnh Độ, dùng phương pháp Trì Danh Niệm Phật trong Tịnh Độ. Phương pháp này từ đâu ra? Từ kinh Vô Lượng Thọ, từ kinh Di Đà, từ phép Quán thứ mười sáu trong kinh Thập Lục Quán. Phép Quán thứ mười sáu là trì danh niệm Phật. Những cách khác gồm có Thật Tướng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, Quán Tưởng Niệm Phật, đến cuối cùng là nói Trì Danh Niệm Phật, Trì Danh là phương tiện rốt ráo. Đây là Hạ lão cư sĩ từ bi đến tột cùng, cụ dùng pháp môn này để nhiếp vạn đức. Vạn đức là trí huệ và đức tướng xứng tánh nơi quả địa Như Lai. “Vị hoằng Tịnh Tông, cố nguyện thử Tịnh Tông đệ nhất chi kinh, phá trần sanh quang” (vì hoằng dương Tịnh Tông, nên nguyện khiến cho bộ kinh đệ nhất trong Tịnh Tông này được tan bụi, tỏa sáng). “Phá trần sanh quang” là tỷ dụ, do mong muốn bộ kinh bậc nhất của Tịnh Tông nhất định phải có bản tốt nhất, có một bản tiêu chuẩn, cho nên phải hội tập lần nữa. Hai lần hội tập trước kia đều có tỳ vết, có sai lầm, dẫu hay nhưng chưa viên mãn. Đó là điều đáng tiếc nuối, cho nên lão nhân gia phát tâm hội tập lần nữa.

“Ký thử vô thượng chi điển, nhiêu ích đương lai” (mong cho cuốn kinh vô thượng này lợi lạc mai sau). Trong tương lai, hãy còn có chín ngàn năm nữa, thời Mạt Pháp là một vạn năm. Kẻ học Phật chúng ta chẳng thể không biết pháp vận của đức Phật, rất nhiều người nói tới ngày tận thế, trong Phật pháp không có cách nói này. Pháp vận của Phật hãy còn chín ngàn năm nữa. Những năm qua, tôi đã lớn tuổi, trí nhớ chẳng tốt lắm; trước kia, tôi nhớ rất rõ ràng, các vị trẻ tuổi hãy kiểm xem, theo ghi chép của người Trung Quốc, từ các trước tác của cổ nhân sẽ có thể tra ra, từ lúc Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ cho đến hiện tại, tôi nhớ hình như là ba ngàn ba mươi mấy năm, cụ thể là ba mươi mấy năm thì các vị hãy kiểm xem. Trong Niên Phổ của lão hòa thượng Hư Vân có nói ba ngàn ba mươi mấy năm. Pháp vận của Phật: Chánh Pháp là một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, hiện thời đã qua hai ngàn năm, sau đó, còn có Mạt Pháp một vạn năm. Một vạn năm mới trải qua một ngàn lẻ ba mươi mấy năm, cho nên thời gian về sau vẫn còn dài, lẽ nào có ngày diệt vong? Trong thời kỳ Mạt Pháp dài như thế, Phật pháp có hưng, có suy, xưa kia Chương Gia đại sư đã bảo với tôi chuyện này. Ngài bảo tôi: Hiện tại Phật pháp đã suy đến chỗ cùng cực, nhưng chớ sợ, sẽ hưng khởi, Phật pháp sẽ lại hưng khởi, có hưng, suy, nhưng chẳng diệt. Tới khi nào sẽ diệt? Chín ngàn năm sau, Phật pháp thật sự diệt. Chúng ta tin đức Phật chẳng vọng ngữ, Như Lai là đấng chân ngữ, đấng thật ngữ, đấng như ngữ, đấng không nói dối, chúng ta tin tưởng Ngài. Vì thế, cụ Hạ mong bộ kinh này có được một bản tiêu chuẩn hoàn thiện vô cùng tốt đẹp. Bản này sẽ lợi lạc tương lai trong khắp chín ngàn năm sau.

Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 6
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

Bài viết cùng chuyên mục

Quả báo của quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Định Tuệ

Tụng trì chú Đại Bi tiêu trừ tai nạn, công đức rất khó nghĩ bàn

Định Tuệ

Họa phước từ đâu mà đến?

Định Tuệ

Pháp môn Niệm Phật là pháp môn ngay đời này thành Phật

Định Tuệ

Tâm từ bi có thể hóa giải được tất cả những điều chẳng lành

Định Tuệ

Tụng Kinh ở nhà bị vong theo có đúng hay không?

Định Tuệ

Sanh đến Tây Phương Cực Lạc đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát

Định Tuệ

Tùy duyên thuận cảnh

Định Tuệ

Thời mạt pháp, các Ác Ma sẽ dùng hình tướng Sa môn

Định Tuệ

Viết Bình Luận