Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Vô ngã là gì? Quan niệm Vô ngã trong tư tưởng Phật giáo

Vô ngã nghĩa là không có một bản chất trường tồn, bất biến, không có một chủ thể tuyệt đối, không có một linh hồn bất diệt, không có đấng sáng tạo vĩnh cửu.

1. Vô ngã là gì?

Vô ngã nghĩa là không có một bản chất trường tồn, bất biến, không có một chủ thể tuyệt đối, không có một linh hồn bất diệt, không có đấng sáng tạo vĩnh cửu. Vì tất cả sự vật đều do duyên sinh, sự hiện hữu của mỗi sự vật, mỗi chúng sanh là sự hiện hữu trong tương quan, do tác động nhân duyên mà thành. Sự hiện hữu của chúng ta là do bốn đại kết hợp, năm uẩn định hình trong cơ chế nhân duyên mà thành, nên tất cả đều là Vô ngã.

Khi đặt câu hỏi ta là gì? Một triết học gia đã than thở: “Ta chỉ là một hạt cát trong sa mạc mênh mông, là ngọn gió lang thang khắp ruộng đồng, là điểm nhỏ của khoảng không bất tận, là hạt mưa sa trong biển cả bao la“.

Vô thường và khổ đau là hai đặc điểm tương đối dễ được người ta chấp nhận. Nhưng tính chất Vô ngã thường khó được người ta chấp nhận. Nguyên nhân chính là do vô minh, tham ái, người ta đã chấp ngã tự bao giờ, do ước vọng được sanh tồn, sợ mất sở hữu, sợ mất bản thân… mà con người đã tạo một đấng tối cao, một linh hồn bất tử (Ngã) để được che chở và mãi mãi trường tồn bất diệt.

Nhận xét về thế giới hiện tượng, Phật giáo khẳng định rằng mọi sự vật trên đời đều không có tướng trạng cố định, tất cả đều luôn biến đổi, chuyển động không ngừng, hay nói cách khác vạn pháp luôn luôn đang trôi chảy và không có một tướng nhất định nào cả. Nó chỉ là một chuỗi thay đổi liên tục và vô số tướng trạng từ mới đến cũ, từ trẻ đến già, từ sanh đến diệt… Phật giáo tạm phân quá trình ấy thành bốn giai đoạn “ Sanh – trụ – dị – diệt “ còn gọi “Thành – tựu – hoại – không. “ Như vậy, theo Phật giáo tất cả các sự vật, hiện tượng trên thế giới này đều không có chủ thể nhất định và vì thế tất cả đều Vô ngã.

Trong khi đó, nhận thức thông thường của chúng ta cho rằng tất cả các sự vật đang hiện hữu là cố định, từ đó sanh đắm nhiễm, mê lầm mà phải đau khổ, luân hồi.

2. Quan niệm Vô ngã trong tư tưởng Phật giáo

Con người từ khi mới lọt lòng mẹ, rồi lớn lên, trưởng thành, già nua, bịnh hoạn, rồi cuối cùng cũng phải chết. Ngay cả khi chết, chúng ta cũng còn nghĩ rằng một cái gì đó vô hình tướng mà nó có sức mạnh để làm chủ chúng ta từ ý nghĩ cho đến hành động. Cái vô hình nấy có người gọi là linh hồn, có người gọi là bản ngã, có người gọi là thần thức, nhưng chúng ta gọi nó là cái Ta. Vì chúng ta nghĩ rằng trong ta chỉ có một cái Ta, thành thử cái Ta sẽ không biến đổi theo thời gian, hay nói một cách khác là cái Ta có tính chất tồn tại bất biến. Theo Phật thuyết thì sự tồn tại bất biến nấy được gọi là “ngã chấp”. Từ cái ngã chấp ấy, mà sinh ra “ngã ái”, nghĩa là yêu thương, chăm sóc và giữ gìn cái “ngã”.

Vì quá thương yêu cái “ngã” của Ta, mà cuộc sống của chúng ta bị quay cuồng trong vòng luân hồi sanh tử. Thay vì sống một cuộc đời thanh cao đạo hạnh, chúng ta cam chịu làm nô lệ để thỏa mãn những dục tính của cái Ta, bởi vì chúng ta lo sợ một ngày nào đó chúng ta sẽ hoàn toàn mất nó.

Nhưng thực ra, có một cái Ta như thế không? Theo Phật giáo, con người cũng như mọi vật, sở dĩ có là do nhân duyên hòa hợp tạo thành và cái Ta chỉ là một sự kết hợp của Ngũ Uẩn mà thôi. Vì là do nhân duyên hòa hợp nên Ngũ Uẩn không có tự tánh hay chủ thể.

Thí dụ một hạt lúa tự nó không thể phát triển để thành cây lúa nếu không có những trợ duyên như phân bón, nước, ánh sáng mặt trời, tay vun trồng của người nông phu… Thế thì hạt lúa là vô ngã vì tự nó không thể phát triển hay tồn tại mà không có những trợ duyên khác.

Cái thân của chúng ta cũng vậy, nếu thân là Ngã thì tự nó có thể lớn lên và sống mà không cần những trợ duyên bên ngoài như thức ăn, thức uống, áo quần, nhà cửa…Nhưng con người muốn sống thì cần phải ăn, phải uống… cũng như cây muốn sống thì cần phải có nước… Vì thế chính thân của con người hay nói theo danh từ nhà Phật là Ngũ Uẩn là Vô ngã tức là không có chủ thể tức là Không (nói theo danh từ Tâm Kinh).

Ngũ uẩn hay con người là sự kết hợp của Thân và Tâm mà Phật giáo gọi là Sắc và Danh. Sắc là chỉ cho Thân và Danh là cho Tâm thức. Danh hay phần Tâm thức tức là phần tinh thần thì gồm có Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Tóm lại: Thân xác thì gọi là Sắc uẩn. Tâm thức hay phần tinh thần thì có Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Vậy thử xem trong ngũ uẩn nó biến đổi như thế nào?

1) Sắc: là thân xác của con người thì tan hợp, hợp tan như bọt biển. Trời đất đó đây không định hướng, không có gì cố định cả. Vì thế Sắc là biến đổi, chạy theo thời gian, là vô ngã.

2) Thọ: là những cảm giác vui khổ của thân và tâm đều sinh diệt bất thường giống như những bong bóng trên mặt nước. Như thế thọ là vô ngã.

3) Tưởng: là những ảo ảnh giống như những giả cảnh mà người lữ hành trong sa mạc thường thấy. Vì là cảnh giả nên tưởng là vô ngã.

4) Hành: là sự biến chuyển thay đổi của tâm niệm. Ý niệm sau thay thế ý niệm trước và như thế ý niệm cứ tiếp tục sinh khởi liên miên trong tâm thức của con người. Ý niệm là do bên ngoài mà có tức là do nhân duyên kết tạo mới có sự suy tư. Mà đã là do nhân duyên thì hành là vô ngã.

5) Thức: là sự hiểu biết phân biệt để có khả năng biến hiện ra các cảnh và phân biệt các cảnh. Khi sự phân biệt nầy thành cái biết thì đây chính là thức uẩn. Sự phân biệt có là do từ bên ngoài chớ không phải tự con người có được nên thức là uẩn chính là do nhân duyên tạo thành. Vì thế thức uẩn là vô ngã tức là Không. Tâm thức của con người biến đổi không ngừng từng giây từng phút. Theo Phật giáo sự biến đổi của tâm thì 16 lần nhanh hơn sự biến đổi của vật chất. Vì quá nhiều biến đổi như thế, nên thức cũng là vô ngã.

Vậy trong ngũ uẩn đâu có cái gì là bất biến, cố định đâu? Bởi sự biến đổi không ngừng này mà ngũ uẩn được xem là vô ngã. Nếu ngũ uẩn đã là vô ngã, thì trong ta làm gì có cái Ta. Như vậy bản ngã chỉ là một tiến trình biến đổi của danh (tâm) và sắc (thân) theo mối dây liên hệ nhân quả mà thôi.

Nếu nhìn kỹ lại cái thân tứ đại của chúng ta, thì mỗi ngày nó già đi một chút, không cách nào làm cho nó trẻ mãi được, rồi cuối cùng nó cũng phải chết. Đó là thân vô ngã. Còn Tâm có vô ngã không? Trong tâm của chúng ta lúc thì vui, khi thì giận, biến đổi khôn lường và như thế thì tâm cũng là vô ngã. Ngay đến cảnh vật chung quanh chúng ta cũng biến đổi không ngừng, đồi núi thì san bằng thành biển cả. Vạn vật thì cũng thế luôn luôn biến chuyển từng giây từng phút, cảnh này hủy diệt thì cảnh khác hiện lên.

Nói tóm lại, cái thân tứ đại của chúng ta chuyển từ trẻ sang già thì chính nó là vô ngã, mà Lục căn phát sinh từ tấm thân tứ đại này, thì Lục căn cũng là vô ngã mà thôi. Cùng lý luận này, thì Lục trần và Lục thức cũng đều là vô ngã cả.

Chúng ta sống trong mê muội bởi vì chúng ta lầm tưởng thường với vô thường, ngã với vô ngã và cũng chính bởi cái mê mờ ấy mà chúng ta đau khổ lại càng đau khổ hơn. Chính cái vô ngã của nhà Phật đã giúp cho chúng ta nhận định và phân biệt đâu là thật, đâu là giả, đâu là chính, đâu là tà để cho chúng ta có thể phá tan được cái vô minh và sự phiền não chấp chứa lâu đời lâu kiếp trong tâm hồn của chúng ta.

Phật dạy: “Chế ngự được tâm là quý nhứt, bởi cái tâm thật khó mà kiểm soát, nó chạy không ngừng theo tham dục. Khi tâm đã được chế phục, thì tìm thấy được hạnh phúc”.

“Chúng ta đem tâm “thương ghét” mà cầu đạo Bồ-đề, thì không bao giờ được giải thoát, vì nó là gốc của sanh tử luân hồi vậy”.

“Vì cò phiền não nên có Bồ-đề, có sanh tử mới có Niết Bàn, có luân hồi nên mới có giải thoát, có chúng sanh mới có Phật”.

Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Đừng chỉ lo làm phước mà quên tu Đức

Định Tuệ

Nam Mô A Di Đà Phật là pháp cao nhất

Định Tuệ

Chỉ có giáo dục mới có thể giúp tất cả chúng sanh lìa khổ được vui

Định Tuệ

Niệm Phật là gì? Ý nghĩa và lợi ích của việc niệm Phật

Định Tuệ

Đạo con người là đạo ngũ luân, chúng ta có làm được chăng?

Định Tuệ

Người niệm Phật không chết, họ bỏ thân thể này đi đến Cực Lạc

Định Tuệ

Khoa học chứng minh con người không chết

Định Tuệ

Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm có thể Minh tâm kiến tánh

Định Tuệ

Ma cảnh là gì? Làm sao để phân biệt cảnh ma hay cảnh thật?

Định Tuệ

Viết Bình Luận