Kinh Lăng Nghiêm vốn rất dài nhưng càng đọc kinh này thì anh càng thấy hay và những triết lý, lời dạy của đức Thế Tôn đúng là đáng ngưỡng mộ, trầm trồ.
Vợ chồng Hưng kết hôn muộn, năm Hưng 45 tuổi, vợ Hưng 43 tuổi thì 2 người mới kết hôn. Lại nữa, Lam vợ của Hưng lại làm việc ở một ngân hàng ở tỉnh Bình Dương, còn Hưng làm việc kỹ thuật điện lạnh ở Sài Gòn, vì công việc nên sau khi cưới, 2 vợ chồng vẫn phải sống xa nhau, chưa chuyển việc về gần nhau được.
Cuối tuần, nếu không bận công việc thì Hưng mới tranh thủ chạy xuống Bình Dương để thăm vợ. Vì vậy cưới nhau đã 3 năm rồi nhưng đến nay 2 vợ chồng vẫn chưa có con, dù hai bên gia đình rất nóng lòng, thúc giục, do hai vợ chồng đã lớn tuổi, sợ không sinh được con.
Nhà Hưng có 2 anh em trai, nhưng Thành là em trai của Hưng đã mất trong một lần bị tai nạn giao thông ngoài đường, do nóng nảy, dẫn đến tranh cãi dữ dội và người chạy xe đụng anh Thành đã rút dao ra đâm Thành trúng ngực, mất máu và Thành tử vong khi được đưa vào bệnh viện.
Vì vậy coi như bây giờ gia đình Hưng chỉ còn anh là đứa con trai duy nhất, nên áp lực phải cưới vợ sanh con đè lên vai anh rất nặng nề, đôi lúc anh bị trầm cảm vì áp lực.
Bà nội anh Hưng lúc còn sống thì hay đọc chú Đại Bi và kinh Lăng Nghiêm. Bà ngày xưa đã dặn dò Bác Hai của anh Hưng lúc ra trận là nên đeo, cột cuốn kinh Lăng Nghiêm trước ngực để không bị trúng pháo, đạn bắn trúng.
Bác Hai làm theo lời bà dặn và đúng là trong thời chiến tranh, dù là binh sỹ trực tiếp chiến đấu ở chiến trường nhưng bác Hai không hề bị trúng đạn.
Cô Tư là con gái của bà nội, khi mang thai, được bác sỹ dự sanh là sẽ sanh khó, vì thai nằm ngược và thai yếu nên bà nội cũng ráng đọc kinh Lăng Nghiêm cầu nguyện cho mẹ con cô Tư. Đến ngày cô Tư sanh thì tự nhiên, thai đã quay lại và không còn bị ngược nữa, bà nội thắp nhang tạ ơn trời Phật.
Nhưng nhà chỉ có bà nội là siêng đọc kinh, trì chú thôi, chứ bác Hai và cô Tư đều bận bịu gia đình, con cái, bận rộn làm ăn buôn bán nên ít có thời gian đọc kinh, trì chú như bà.
Nay bà nội mất thì hầu như các con cháu càng ít người chịu đọc kinh, trì chú. Chỉ có ngày giỗ bà nội thì ba của anh Hưng và bác Hai lấy cuốn kinh A Di Đà ra đọc, mà kinh A Di Đà cũng ngắn nên không mất nhiều thời gian cho lắm.
Dịp vừa rồi, anh Hưng và mẹ soạn trên gác xép lại để cho em sinh viên đến thuê trọ, mới thấy cuốn kinh Lăng Nghiêm của bà nội để trong một cái hộp thiếc cũ, trước đó là hộp đựng sô-cô-la, trong hộp thiếc này bà để kinh Lăng Nghiêm và mấy hình ảnh thời còn chụp trắng đen của mấy người con, cháu.
Anh Hưng bỏ các hình ảnh ấy vào cuốn album của gia đình, còn cuốn kinh Lăng Nghiêm thì anh mang lên phòng của mình. Vì nơi tủ thờ cũng đã chật chỗ, anh sợ bỏ nhiều thứ giấy lên, chẳng may tàn nhang rớt xuống hoặc nến đổ xuống thì có thể gây cháy…
Dạo này tối đến, anh cũng không có nhiều cuộc điện thoại gọi đi sửa máy lạnh, vệ sinh máy lạnh nên anh lấy kinh Lăng Nghiêm ra đọc, tò mò coi trong kinh nói gì mà bà nội cất cẩn thận vậy?
Kinh Lăng Nghiêm vốn rất dài nhưng càng đọc kinh này thì anh càng thấy hay và những triết lý, lời dạy của đức Thế Tôn đúng là đáng ngưỡng mộ, trầm trồ. Bản kinh rất quý báu mà ai đọc xong cũng phải xuýt xoa… Cuối cùng thì anh cũng đã đọc xong kinh Lăng Nghiêm và đọc qua tới “Kinh Pháp Diệt Tận” luôn.
Vào những ngày cuối tuần thì anh vẫn chạy xe về Bình Dương thăm vợ mình. Anh Hưng vẫn nhớ như in cái ngày vợ anh gọi điện thông báo đã đi bác sĩ khám và chị đã mang thai rồi, đó là ngày 16/05, năm đó lại trúng dịp Phật Đản nên gia đình anh Hưng hoan hỷ lắm và cho đó là điềm lành.
Trong thời gian vợ mang thai thì anh Hưng vẫn không ngừng lo lắng vì chị Lam vốn đã lớn tuổi nên sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy anh càng dốc lòng đọc nhiều lượt kinh Lăng Nghiêm, hầu như ngày nào đi làm về mà không có khách gọi đi sửa máy lạnh là anh Hưng lại đọc kinh Lăng Nghiêm rất thành tâm. Trong suốt thời gian mang thai thì chị Lam không bị ốm nghén, nôn ói khổ sở như những phụ nữ khác.
Tới ngày dẫn chị Lam đi sanh trong bệnh viện, anh Hưng ngồi chờ ngoài hành lang, lúc đó anh lấy cuốn kinh Lăng Nghiêm, lúc này đã được bọc giấy báo ngoài bìa để tránh gây tò mò, chú ý của những người xung quanh và anh đọc thầm, cầu nguyện cho vợ con mình được an toàn, không xảy ra bất cứ biến cố nào trong quá trình sinh con. Vì anh đọc nhiều báo kể những biến chứng, rủi ro trong quá trình sinh con nên anh rất lo sợ, anh càng thành tâm đọc kinh và cầu nguyện.
Và rồi cô y tá cũng bồng một đứa bé trai nặng 3,6 kg ra, nhìn mặt thì ai cũng kêu lên là “ông Hưng con” vì rất giống anh Hưng. Anh ngồi nghĩ sẽ đặt một cái tên có ý nghĩa cho con trai, rằng nó sẽ tên là Thiện Tâm.
Khi hai mẹ con chị Lam về nhà, anh Hưng có tạc một pho tượng Phật để tạ ơn chư Phật đã phù hộ cho mẹ tròn con vuông. Anh dự tính sau này con trai biết đọc, anh sẽ dạy cho bé đọc kinh Lăng Nghiêm từ sớm.
(Chuyện linh ứng có thật của vợ chồng anh Hưng – TP. HCM).
(Nguồn: Chuyện Nhân Quả)!