Tránh nguy cầu an là chuyện thường tình, nhưng dồn người vào chỗ nguy hiểm mà cầu an cho mình là điều bất nhân.
Thời Chiến Quốc, có sao Huỳnh Hoặc chiếu vào địa phận nước Tống, là điềm xấu cho vua, Mạc Tử thấy vậy bèn tìm đến báo cho Tống Cảnh Công hay:
– Sao Huỳnh Hoặc chiếu thì chúa công sẽ có họa, xin chúa công hãy đề phòng.
Tống Cảnh Công triệu quan thiên văn là Tử Vi đến hỏi: Sao Huỳnh Hoặc chiếu vào nước ta, quả nhân là chủ một nước sẽ phải chịu họa, khanh nghĩ có cách gì làm cho quả nhân tránh họa được chăng?
Tử Vi đáp: Họa của chúa công có thể dời cho bá quan văn võ trong triều.
Tống Cảnh Công đáp: Bá quan là tay chân của quản nha, không thể làm được.
Tử Vi lại tâu: Có thể dời cho bá tánh.
Tống Cảnh Công đáp: Vua có bổn phận bảo vệ dân, lẽ nào bắt dân mang họa, không được.
Tử Vi lại tâu: Như thế có thể đem mùa màng năm nay để đổi lấy họa của chúa công.
Tống Cảnh Công đáp: Mất mùa thì bá tánh phải chết đói, không được.
Tử vi nói: Chúa Công yêu bá quan, thương bá tánh, vì đức này nên sao Huynh Hoặc sẽ rút lui.
Tối hôm đó sao Huỳnh Hoặc quả nhiên biến mất. Lâm nguy mà không muốn người khác chịu thế, vì thế mà tránh được họa.
Ngược lại, đẩy hoa cho người khác thì chính mình cũng đừng mong thoát.
Lý Tư là vị quan đời Tống, vua sai đi an phủ dân trong vùng Vĩnh An, Lý Tư biết bọn thổ phỉ đang nổi loạn ở Vĩnh An, nếu đi trong lúc này sẽ nguy hại cho tính mạng của cả gia đình, nên giả bệnh và tâu với vua sai người bạn học của mình là Phạm Hình đi thế.
Trên đường đi, Phạm Hình bị bọn thổ phỉ giết chết. Về sau vua sai Lý Tư đi vùng Lâm An, trên đường đi nhậm chức, Lý Tư cùng gia quyến bị bọn cướp giết hại.
Hi sinh mình mà giúp ích được cho người, chẳng những mình không bị giảm mà tự mình cũng được phần lợi ích. Một giếng có nước, tuy trăm ngàn người múc, nhưng nước trong giếng cũng không vì thế mà giảm. Giếng không người múc là giếng hoang, nước cũng tù đọng.
Trích: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên!