Để việc tạ mộ được nhiều lợi ích cho cả người đã mất và người còn sống theo lời Phật dạy, bạn có thể tham khảo và thực hành bài văn khấn tạ mộ dưới đây!
Tạ mộ cuối năm là nét đẹp văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt, thường được mỗi gia đình thực hiện vào những ngày cận Tết Nguyên Đán. Đây là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn, hiếu nghĩa đối với ông bà tiên tổ, những người thân đã khuất.
Tuy nhiên, không ít người lo lắng và thắc mắc tạ mộ thế nào để không phạm vào người đã mất cũng như đem đến tài lộc, may mắn cho gia đình. Để tháo gỡ được vấn đề này, kính mời quý Phật tử và các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.
1. Hiểu đúng về mộ
Với quan điểm “giàu vì mồ vì mả chứ ai giàu vì cả nồi cơm”, người Việt Nam rất coi trọng và nặng nề về mồ mả. Vì đó là nơi an nghỉ cuối cùng của một con người.
Không chỉ vậy, vốn là dân tộc trọng chữ hiếu, trọng nghĩa tình nên dẫu rằng người thân đã mất, nhưng chúng ta vẫn cảm giác như người đó còn sống, và mồ mả chính là nơi gửi thân xác cuối cùng của họ.
Nếu người quá vãng này chưa giác ngộ Phật Pháp thì phần tâm thức của họ có thể sẽ còn chấp trước vào phần mồ mả, hài cốt của mình. Tức là họ còn quyến luyến, luyến tiếc và dính mắc vào mồ mả, cho nên rất nhiều vong hồn cho nơi mộ chính là nhà ở của họ.
Đặc biệt, khi mồ mả được con cháu xây dựng to đẹp, đắt tiền thì vong linh lại càng dính mắc, có khi chấp vào đó rất nặng vì tiếc công, tiếc của của con cháu, quanh quẩn nơi mộ rất khổ, khó mà ra đi được. Như vậy, chuyện vong linh chấp trước vào mồ mả là chuyện thường xảy ra.
Tuy nhiên, cũng có những vong linh chuyển kiếp họ không ở trong cõi cô hồn, ngạ quỷ nữa, có phước duyên thì họ tái sinh lên cõi người hoặc tái sinh về các cảnh giới khác, không còn ở tại mồ mả của mình nữa.
Trên thực tế, hiện nay, ở các nghĩa địa, nghĩa trang do mai táng nhiều, có những vùng đất trũng lún xuống hoặc các tiểu mộ chôn nhiều đời bị chìm ở dưới. Vong linh ở các tiểu mộ đó vẫn chấp đây là chỗ của “tôi”, mộ ấy là nơi của “tôi” trên mảnh đất của “tôi”.
Từ đó, sinh ra rất nhiều câu chuyện những người ra nghĩa địa mà dẫm lên các mồ mả hay đi phá mồ mả thì sau đó bị vong linh hành, quở phạt. Sự quở phạt nặng hay nhẹ tùy thuộc vào sự sân giận của vong linh và năng lực của vong linh đó.
Như vậy, chuyện ở nơi mồ mả đã lâu đời vẫn có tồn tại những vong linh, họ chấp trước ở đấy vì họ ở trong cõi ngạ quỷ, tuổi thọ rất lâu dài, hàng ngàn năm, vạn năm cũng có. Cho nên chúng ta cũng hết sức cẩn thận với những đất có mồ mả khi chúng ta đến hoặc đi qua.
2. Những lưu ý để đi tạ mộ cuối năm được an lành, may mắn
a. Nên đi theo đúng đường lối ra mộ
Thường trong nghĩa trang sẽ có đường đi sẵn, ta nên đi theo đường chính rồi vào phần mộ gia tiên nhà mình. Còn đối với những nghĩa trang đường lối chưa quy củ, mình muốn đến phần mộ của nhà mình phải trèo qua mộ người khác thì chúng ta nên khấn một câu xin phép vong linh trên mộ đó trước khi đi qua.
b. Sắm lễ cúng dường Thổ thần, Thần linh cai quản nghĩa trang
Khi ra ngoài nghĩa trang tạ mộ, chúng ta nên sắm một lễ nhỏ cúng dường. Thường ở nghĩa trang đều có một miếu thờ Thổ công, Thần linh thì chúng ta nên vào đó cúng dường, bạch vị Thổ thần, Thổ công ở đấy, xin các vị bảo hộ cho chúng ta đi vào nghĩa trang. Bởi nghĩa trang nào cũng có một vị thần cai quản, cho nên chúng ta đến thì sắm lễ nhỏ hoặc nếu không sắm lễ thì thắp nén hương ở miếu thờ Thổ công, Thần linh nơi nghĩa trang, xin phép các vị được vào thăm mộ gia tiên, xin các ngài hộ trì cho mình đi vào nghĩa trang được an lành.
Còn đối với các nghĩa trang không có ban thờ thần linh thì khi bước vào nghĩa trang, chúng ta cũng chắp tay khấn chư vị Thần linh cai quản nghĩa trang này. Chúng ta có thể bày lễ cúng ngài, khấn ngài ở ngay trên phần mộ của nhà mình.
c. Giữ tâm thái cung kính khi đi tạ mộ
Khi đi vào nghĩa trang, nghĩa địa, chúng ta phải giữ tâm thái rất cung kính, không giỡn cợt, không buông thả, xem thường hay đùa cợt. Bởi vì, nếu vong linh thấy chúng ta không trang nghiêm, họ không hoan hỷ thì cũng trách phạt mình.
d. Quy y Tam Bảo
Đối với những người chưa quy y Tam Bảo, chúng ta nên phát nguyện quy y Tam Bảo. Trong Kinh Đức Phật dạy: quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới thì sẽ có các vị giới thần hộ trì. Có giới thần hộ trì thì các vong linh sẽ ít quấy quả hơn, chúng ta sẽ được an lành hơn.
e. Dọn dẹp cây cối trên mộ
Cứ vào dịp cuối năm, theo phong tục dân gian, người dân Việt Nam lại cùng gia đình ra mộ tổ tiên để tạ mộ, dọn dẹp cỏ, cây cối xung quanh để mộ phần của tổ tiên được sạch sẽ.
Trong luật Phật, Đức Phật có cấm chúng Tăng không được vô cớ chặt phá cây cho đến cả những bụi cỏ. Lý do thứ nhất xuất phát từ việc bảo vệ môi trường, bởi Đức Phật là người rất yêu thiên nhiên, tôn trọng sự sống. Lý do thứ hai xuất phát từ mặt tâm linh: cái cây, ngọn cỏ đều có những vong linh, phần tâm thức nương gá ở đó.
Vậy nên, Đức Phật có dạy các Thầy Tỳ-kheo trước khi chặt cây nào thì phải bạch các vị thần cây, vong linh ở cây đó. Đặc biệt đối với những cây lớn, cây cổ thụ, có các vị mộc thần, thọ thần ở thì chúng ta phải bạch, có khi bạch trước cả một tuần.
Là người Phật tử, chúng ta tin chắc có thế giới tâm linh, có quỷ thần, vong linh nên đặc biệt cần lưu tâm khi ra dọn dẹp cây cỏ trong lễ tạ mộ. Trước khi dọn chặt cây cỏ, chúng ta cần phải có lời khấn với các vong linh, quỷ thần đang trú ngụ tại đó rồi tác phước Tam Bảo, cúng dường hồi hướng cho các vị có thể di chuyển trú ngụ ở nơi khác, chỗ khác. Sau đó chúng ta mới bắt đầu phát cây, dọn cỏ thì sẽ được an ổn, tốt đẹp.
f. Nên hay không thắp hương xung quanh mộ?
Ở một số nơi, người dân khi ra tạ mộ tổ tiên, có chuẩn bị sẵn thêm các nén hương để thắp tại các mộ xung quanh. Có thể thấy, việc làm này xuất phát từ tâm ý tốt, tình cảm tốt, ta không chỉ quan tâm đến gia tiên nhà mình mà còn quan tâm đến cả những “hàng xóm láng giềng” xung quanh. Cũng giống như khi vào trong nghĩa trang liệt sĩ, chúng ta cũng nên thắp hương cho tất cả các anh em liệt sĩ chứ không chỉ riêng liệt sĩ của nhà mình. Khi chúng ta có tâm như vậy thì các vong linh sẽ được hoan hỷ.
3. Văn khấn tạ mộ cuối năm
Văn khấn tạ mộ rất cần thiết đối với mỗi gia đình vào dịp cuối năm. Để việc tạ mộ được nhiều lợi ích cho cả người đã mất và người còn sống theo lời Phật dạy, quý Phật tử và các bạn có thể tham khảo và thực hành bài văn khấn tạ mộ dưới đây!
A. Hướng Dẫn Tạ Mộ Cuối Năm
Bài hướng dẫn này, quý Phật tử dùng khấn trong các trường hợp tạ mộ, ra thăm mộ.
Ngoài mộ không có tôn tượng tôn hình của Phật, chúng ta dụng tâm hướng tới Phật.
Có hai cách khấn cúng:
1. Dành cho trường hợp cúng lễ, nhưng không tụng kinh.
2. Dành cho trường hợp cúng lễ, có tụng kinh.
Sắm Lễ
– Hương; nến; nước (trắng hoặc nước chè);
– Hoa, quả, bánh kẹo, (tùy tâm, không căn cứ số lượng);
– Xôi hoặc một bát cơm trắng.
Đặt Lễ
– Mộ chôn mới: Đặt lễ phía trước mộ hoặc trên mộ.
– Mộ đã xây: Đặt trên phần dành để sắp lễ.
Pháp Khí
Tùy duyên có/không dùng pháp khí: chuông, mõ, khánh.
Lưu ý: Các đàn cúng lễ không sát sinh, không đốt tiền vàng, mã, giấy sớ.
B. Nghi Thức Cúng Lễ Tạ Mộ Cuối Năm
1. Nguyện Hương
(Quỳ dâng hương hoặc cắm hương trước. Thực hiện 1 trong 2 văn nguyện hương dưới đây)
a. Dùng hương đốt, hương trầm,…
Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát!
b. Dùng tâm hương
Nguyện ý thành, tâm kính
Biến mãn khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát!
2. Văn Khấn
(Chắp tay)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Nam mô thập phương pháp giới thường trụ Tam Bảo tác đại chứng minh! Con/chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh và gia hộ cho con/chúng con. Con/chúng con xin thỉnh chư Thiên, chư Thần linh cai quản nơi địa cuộc nghĩa trang (tên)… quang giáng về đây, chứng giám lòng thành và ủng hộ cho gia đình con/chúng con.
Đệ tử con tên là:… Pháp danh (nếu có):… Hiện đang ở tại:…
Gia đình con/chúng con có mộ phần của vong linh (tên)… mất ngày… tháng… năm… an táng tại nơi đây. Hôm nay là ngày… tháng… năm…, theo phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam, hướng tới mộ phần của gia tiên tiền tổ, con/chúng con thuận theo phong tục, mà tu hành để tăng trưởng tâm kính trọng và biết ơn, khiến cho gia đình tăng phúc tiêu nghiệp. Con/chúng con xin được nương oai lực Tam Bảo, hạnh nguyện độ sinh, độ cho vong linh của chư Tăng chùa Ba Vàng, con/chúng con xin thỉnh mời vong linh (tên)… cùng các vong linh nơi địa cuộc nghĩa trang này, có duyên với gia đình con/chúng con, được về đây dự pháp nghe kinh thọ tài ẩm thực hiến cúng của con/chúng con.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (xá)
3. Lễ Tán Phật
Đại từ đại bi thương chúng sinh,
Đại hỷ đại xả cứu hàm thức,
Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm.
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ.
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 xá)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Chính Pháp ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 xá)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng bậc Hiền Thánh ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 xá)
4. Tán Pháp
Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn,
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp.
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ,
Nguyện hiểu nghĩa chân Đức Thế Tôn.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (3 lần)
5. Tụng Kinh
(Ngồi đọc kinh)
Kinh Cúng Linh
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ IV, chương 10, phẩm Janussoni, phần Janussoni,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.595)
Một thời, Thế Tôn ở tại trú xứ của Bà la môn Cha-nu-sô-ni (Janussoni). Sau khi đi đến cung kính đảnh lễ, hỏi thăm và ngồi xuống một bên, Bà la môn Cha-nu-sô-ni (Janussoni) bạch Thế Tôn:
– Thưa tôn giả Gotama, chúng tôi bố thí, làm các lễ cúng cho người chết. Mong rằng, bố thí này cho bà con huyết thống đã chết được lợi ích! Mong rằng, các bà con huyết thống đã chết, thọ hưởng sự bố thí này! Thưa tôn giả Go-ta-ma, bố thí như thế có lợi ích gì cho các bà con huyết thống đã chết không? Các bà con huyết thống đã chết có được thọ hưởng sự bố thí ấy hay không?
– Này các Bà la môn, nếu có tương ưng xứ, thời có lợi ích; không có lợi ích nếu không có tương ưng xứ. Ở đây, này Bà la môn, những người nào… sau khi thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục, sinh vào loại bàng sinh, sinh cộng trú với loài người, sinh cộng trú với chư Thiên. Những vị này, được nuôi sống và tồn tại với những món ăn ứng với cảnh giới của các vị ấy. Này Bà la môn, đây là không tương ưng xứ; trú ở những nơi ấy, các vị ấy không được sự lợi ích của bố thí ấy. Nhưng ở đây, này Bà la môn, người nào sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi ngạ quỷ. Vị ấy được nuôi sống và tồn tại với các món ăn tại đấy. Món ăn nào, các bạn bè, thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống muốn hướng cúng cho vị ấy; tại đấy, vị ấy sống với món ăn đó, tồn tại với món ăn đó. Này Bà la môn, đây là tương ưng xứ; trú nơi đây, vị ấy được sự lợi ích của sự bố thí ấy.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Kinh Bố Thí Và Cúng Dường Như Pháp
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, phẩm Chư Thiên, phần Bố thí, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.91)
Một thời, Thế Tôn trú ở thành Xá Vệ (Sàvatthi), tại Kỳ Viên (Jetavana), khu vườn của ông Cấp Cô Độc (Anàthapindika). Lúc bấy giờ, mẹ của Nanda, nữ gia chủ người Velukandakì làm một thí vật gồm có sáu phần cúng dường chúng Tăng. Bấy giờ, Thế Tôn với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhiên thấy mẹ của Nanda làm một thí vật gồm có sáu phần liền bảo các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có ba phần thuộc về người bố thí và có ba phần thuộc về người nhận vật phẩm bố thí. Thế nào là ba phần thuộc về người bố thí? Này các Tỷ kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Đây là ba phần của người bố thí. Thế nào là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí? Ở đây, này các Tỷ kheo, những người nhận vật bố thí, đã được ly tham hay đang thực hành hạnh ly tham; đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân; đã được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Đây là ba phần của người nhận phẩm vật bố thí. Như vậy, này các Tỳ kheo, đây là thí vật có sáu phần.
Này các Tỷ kheo, công đức của thí vật sáu phần thật vô lượng: “Là nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, hạnh phúc và an lạc”.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
6. Cúng Thực
a. Văn bạch
(Chắp tay đọc)
Con/chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh, chư Thiên, chư Thần Linh chứng giám, chư vong linh hoan hỷ, trong bài kinh “Cúng Linh”, Đức Phật dạy: người mất khi tái sinh làm vong linh (ngạ quỷ), thì thọ nhận được thức ăn (đúng pháp không sát sinh) hiến cúng của con người, con/chúng con nguyện cho các vong linh con đã thỉnh mời, được nương sự bố thí, trong đàn lễ hiến cúng này, mà được thọ thực no đủ. Trong bài kinh “Bố Thí Và Cúng Dường Như Pháp”, Đức Phật dạy: Cúng dường sinh phúc lành, con/chúng con xin thực hành để hồi hướng cho gia đình và hồi hướng cho chư Thiên, chư Thần và các vong linh.
Hôm nay gia đình con/chúng con thành tâm sắm sửa vật thực, tác lễ tạ mộ, dâng lên cúng dường:
Thượng: Con/chúng con xin dâng lên cúng dường thập phương chư Phật chứng minh.
Trung: Con/chúng con xin cúng dâng lên chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh.
Hạ: Con/chúng con xin cúng dường cho chư Thiên, chư Thần Linh, Thổ Địa tại nơi đây.
Sau: Con/chúng con xin được nương oai lực Tam Bảo, hạnh nguyện độ sinh, độ cho vong linh của chư Tăng chùa Ba Vàng, con/chúng con xin thỉnh mời và hiến cúng cho các vong linh (tên):… cùng các vong linh nơi địa cuộc nghĩa trang này, có duyên với gia đình con/chúng con, được về đây thọ thực. Nguyện cho các vong linh, được nương sự bố thí, trong đàn lễ hiến cúng này, mà được thọ thực no đủ.
b. Tụng Thần Chú Cúng Thực
(Đọc Biến thực, Biến thủy)
Biến thực chân ngôn: Nam mô tát phạ đá tha, nga đá phả rô chỉ đế, ám tam bạt ra, tam bạt ra hồng. (7 lần)
Biến thủy chân ngôn: Nam mô tô rô bà ra, đát tha nga đá ra, đát điệt tha, án tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô sa bà ha. (7 lần)
Phổ cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng. (7 lần)
Nguyện cho các vong linh
Được thọ thực no đủ
Nghe kinh giác ngộ Pháp
Sinh lòng kính tín Phật
Nương tựa nơi Tam Bảo
Tu hành cầu thoát khổ
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
7. Bạch Cúng Dường Tam Bảo
(Nếu gia đình không phát nguyện cúng dường Tam Bảo, thì bỏ qua phần này)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Nhân ngày lễ cúng tạ mộ hôm nay, con/chúng con xin thực hành pháp cúng dường Tam Bảo, hộ trì Tam Bảo, hộ độ cho Tăng chúng tu hành tại chùa… (nếu tại chùa Ba Vàng thì đọc: chùa Ba Vàng, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), với tâm nguyện cho chư Tăng được tứ sự như ý, phù hợp với việc tu tập, xây dựng chùa chiền lấy chỗ cho nhân dân Phật tử tu tập và hoằng Pháp.
– Con/chúng con hướng tâm tới chư Thiên, chư Thần Linh tại nơi đây, con/chúng con thành tâm phát nguyện cúng dường Tam Bảo với số tịnh tài (tiền) là… để hồi hướng phúc báu đến cho các vị chư Thiên, chư Thần Linh, nguyện cho các vị được tăng phúc, luôn giúp cho vong linh (tên)… và gia đình con/chúng con làm mọi sự được tốt lành.
– Con/chúng con mong muốn cho vong linh (tên)… sớm được siêu thoát khỏi cảnh khổ, trong cõi vong linh (ngạ quỷ), nên con/chúng con thành tâm phát nguyện cúng dường Tam Bảo với số tịnh tài (tiền) là… để hồi hướng phúc báu đến cho vong linh.
– Con/chúng con thành tâm phát nguyện cúng dường Tam Bảo với số tịnh tài (tiền) là… để hồi hướng phúc báu đến cho các vong linh có duyên với gia đình con/chúng con nơi địa cuộc nghĩa trang này, từ sự thực hành pháp bố thí cho vong linh, mà gia đình con/chúng con được tăng trưởng phúc lành.
Con/chúng con cũng nguyện cầu cho chư Thiên, chư Thần Linh, cùng các vong linh mà con/chúng con đã hướng tâm hồi hướng phúc lành, đều được kết duyên pháp lữ với con/chúng con, trong Pháp Bố thí mà chư Phật dạy cho con/chúng con, để đời đời kiếp kiếp cùng trợ duyên cho nhau tu hành cho tới ngày thành Phật.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
8. Phục Nguyện
Nam mô thập phương pháp giới thường trụ Tam Bảo tác đại chứng minh! Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Hôm nay duyên con/chúng con thực hành hạnh hiếu nghĩa, đệ tử con/chúng con xin hồi hướng, công đức tu tập trong đàn lễ, các công đức gia đình tạo lập trong đàn lễ này, hồi hướng cho chư vị Hộ Pháp, chư Thiên, chư Thần linh cai quản nơi địa cuộc nghĩa trang (tên)… nguyện được tăng trưởng phúc lành, tăng thêm oai lực, kết duyên pháp lữ tu hành với con/chúng con, hộ trì cho gia đình con/chúng con trong các công các việc.
Hồi hướng cho các vong linh đã được thỉnh mời, nguyện mong được tăng phúc, giác ngộ Phật Pháp, nương tựa Tam Bảo tu hành mau thoát khổ và gia hộ cho gia đình con/chúng con mọi điều tốt lành.
Con/chúng con cũng lại xin hồi hướng công đức trong đàn lễ, nguyện cho cả gia đình, được tiêu trừ ách nạn, gia tăng tuổi thọ, công việc hanh thông (đọc mong cầu)…, gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền, cùng thân bằng quyến thuộc tinh tấn tu hành theo chính Pháp của Phật, cho tới ngày liễu thoát luân hồi sinh tử.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
9. Tam Tự Quy
Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, phát tâm Vô Thượng. (1 xá)
Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 xá)
Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại. (1 xá)
10. Hồi Hướng
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.
HẾT
Nguồn: Chùa Ba Vàng!