Ngài Huệ Năng nói ra năm câu, câu thứ nhất ngài nói: “vốn tự thanh tịnh”, nó vốn là thanh tịnh, xưa nay chưa từng ô nhiễm.
Đại sư Thiên Thai, đại sư Trí Giả, ngài nói: “Phật vốn là không”. Có Phật chăng? Không có. Trong thường tịch quang, điều này hiện nay ít nhiều chúng ta đều có một vài khái niệm. Trong thường tịch quang không có hiện tượng vật chất, không có hiện tượng tinh thần, cũng không có hiện tượng tự nhiên. Nó không có gì cả, đó là tự tánh của mình. Trong kinh điển nói đến tự tánh, tự tánh của mình.
Ngài Huệ Năng đã kiến tánh, ngài đã minh tâm kiến tánh, đã thành Phật. Nhìn thấy nó như thế nào? Ngài nói ra năm câu, câu thứ nhất ngài nói: “vốn tự thanh tịnh”, nó vốn là thanh tịnh, xưa nay chưa từng ô nhiễm. Chúng ta hiện tại chưa kiến tánh, tự tánh của chúng ta có nhiễm ô chăng? Đại sư Huệ Năng nói với chúng ta, không có, không phải chúng ta thường nói ô nhiễm sao? Ô nhiễm không phải tự tánh, ô nhiễm là A lại da. A lại da là vọng tâm không phải chân tâm, chân tâm chắc chắn không có ô nhiễm, ô nhiễm là A lại da. A lại da có chăng? A lại da cũng không có, sao lại có A lại da? Từ tâm tưởng sanh, ta có tâm tưởng là có A lại da, không có tâm tưởng thì A lại da cũng không có. Mạt na là chấp trước, ý thức là phân biệt, A lại da chính là tâm tưởng, nó vô cùng vi tế.
Chúng tôi thường cùng nhau chia sẻ với mọi người, nói nó là khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm này, không phải khởi tâm động niệm mà chúng ta tưởng tượng. Khởi tâm mà chúng ta tưởng tượng quá thô, khởi tâm động niệm này cực kỳ vi tế. Vi tế giống như Bồ Tát Di Lặc nói: “một khảy móng tay có 32 ức 100 ngàn niệm”, một khảy móng tay có 320 triệu ý niệm, nghĩa là 1/ 320 triệu niệm một khảy móng tay.
Ý niệm vi tế như thế làm sao chúng ta biết được? Không những chúng ta không biết, mà đến Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát trong mười pháp giới đều không biết. Nhưng ngày nay các nhà lượng tử lực học phát hiện, họ gọi là tiểu quang tử. Họ nói tốc độ sanh diệt của nó rất nhanh, nhưng không nói nhanh đến mức độ nào. Nó từ đâu đến? Họ nói từ không sinh ta có. Chúng ta biết nó từ trong tự tánh biến hiện ra, vì tự tánh, tự tánh có thật. Là thật không phải giả, chỉ có nó là thật, “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, nó có thể sanh.
Câu thứ hai đại sư Huệ Năng nói với chúng ta: “vốn không sanh diệt”, tự tánh là bất sanh bất diệt. Câu thứ ba ngài nói: “vốn tự đầy đủ”, câu này chính là như trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”, nó đầy đủ tất cả. Đức Phật quy nạp tất cả pháp không ngoài ba loại lớn này, thứ nhất là trí tuệ, thứ hai là đức năng, thứ ba là tướng.
Tướng hảo ngày nay chúng ta gọi là hiện tượng vật chất, đức năng gọi là hiện tượng tinh thần, trí tuệ gọi là hiện tượng tự nhiên, vốn tự đầy đủ! Khi có duyên nó sẽ biến hiện ra, ba loại hiện tượng này đều biến hiện ra. Khi không có duyên nó không có gì cả, cho nên nói nó là không, trong không sinh ra có. Điều này Phật pháp nói một cách cao minh hơn khoa học hiện nay, không phải trong không sanh ra có.
Tự tánh không thể nói nó có, cũng không thể nói nó không. Nếu nói nó có là sai, nói nó không cũng sai, phi hữu phi vô đều là sai. Vì sao vậy? Vì quý vị đang khởi tâm động niệm, đang suy đoán. Nếu đến không khởi tâm không động niệm, ta sẽ nhìn thấy, sẽ chứng được.
Câu thứ tư đại sư Huệ Năng nói: “vốn không dao động”. Nghĩa là nói, Phật pháp bất luận là đại thừa hay tiểu thừa, là Tông môn hay Giáo môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn bao gồm cả Tịnh độ đều là tu định. Vì sao vậy? Vì tự tánh vốn không dao động, tâm bất động liền kiến tánh, vấn đề sẽ được giải quyết. Khởi tâm động niệm là sai, niệm Phật cũng là tu định. Họ dùng một câu Phật hiệu, khống chế hết thảy mọi ý niệm, đó nghĩa là thiền định.
Vừa niệm Phật vừa vọng tưởng là sai, sai ở đâu? Ta không phải tu thiền định, không phải tu thiền định không nhìn thấy Phật. Nếu niệm Phật đến lúc không còn một tạp niệm nào, đoạn tận hết thảy vọng tưởng phân biệt chấp trước, như vậy sẽ thấy được Phật.
Gọi là nhớ Phật niệm Phật, hiện tại tương lai nhất định thấy Phật. Vì sao tôi không thấy được Phật, quý vị cũng không thấy được Phật? Vì ta chưa đủ công phu, trong ý niệm còn có tạp niệm, cho nên không thấy được Phật. Khi niệm Phật không có tạp niệm, liền thấy được Phật, niệm bao nhiêu? Một niệm mười niệm, chỉ cần không có tạp niệm là thấy Phật.
Câu sau cùng đại sư Huệ Năng nói: “tự tánh năng sanh vạn pháp”, đó là gì? Toàn thể vũ trụ là tự tánh biến hiện ra, vạn sự vạn vật là tự tánh biến hiện ra. Ta cũng là tự tánh biến hiện, quý vị cũng là tự tánh biến hiện, cùng một tự tánh. Cho nên trong Lão Tử nói không sai, Đức Phật đã chứng minh lời ông nói: “Trời đất cùng một gốc với tôi”, cùng một tự tánh. “Vạn vật với tôi là nhất thể”, cùng một tự tánh.
Đại sư Thiên Thai nói rất hay: “Phật vốn là không”, tâm tịnh sẽ nhìn thấy, tâm thanh tịnh sẽ nhìn thấy. “Tâm tịnh cho nên có, chúng sanh tâm tịnh tức pháp thể hiện tiền”, pháp thể này là gì? Là ta đã thấy được pháp thân thanh tịnh, nghĩa là kiến tánh. Đại sư Huệ Năng nói năm câu này cũng là kiến tánh.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni kiến tánh cũng nói ra, ngài nói rất tường tận. Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm nói rất nhiều, nói rất tường tận về vũ trụ. Cho nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nói tường tận, đại sư Huệ Năng là lược thuyết, không sai chút nào. Năm câu 20 chữ của đại sư Huệ Năng triển khai ra, chính là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm.
Thu nhỏ Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, nghĩa là 20 chữ này. Đại Phương Quảng nói về điều gì? Là nói về 20 chữ của đại sư Huệ Năng, không sai chút nào. Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh chính là nói về 20 chữ này. Quan trọng nhất là tâm phải thanh tịnh, nguyên lý sanh Tịnh độ chính là như vậy: “Tâm tịnh tức cõi Phật tịnh”.
Phật A Di Đà từ bi đến cực điểm, biết chúng ta tâm không tịnh được, kiến lập một cõi Tịnh ở thế giới Cực Lạc, dạy chúng ta đến đó tâm sẽ thanh tịnh. Nghĩa là dùng ngoại duyên đến giúp chúng ta, khiến tâm chúng ta khôi phục thanh tịnh.
Tâm chúng sanh không thanh tịnh, đây là lưu chuyển theo khổ đạo, lưu chuyển theo khổ đạo chính là luân hồi lục đạo, tâm không thanh tịnh sẽ có luân hồi lục đạo. Hay nói cách khác, luân hồi lục đạo là huyễn cảnh do tâm địa ô nhiễm của chúng ta biến hiện ra, mộng huyễn bào ảnh.
Chúng ta hiểu đạo lý này mới đoạn được nghi hoặc, mới thật sự hiểu được Phật giáo không phải Tôn giáo. Tóm lại Phật giáo nói về điều gì? Nói về chính mình. Trong nhiều kinh điển như thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng trong suốt 49 năm, ngài nói những gì? Nói về bản thể, hiện tượng và tác dụng của chính mình.
Nói về chính mình, không nói đến bên ngoài, ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm. Chúng ta có thể nói, những gì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt cuộc đời, và những gì Chư Phật Như Lai nói khi ứng hóa trong mười pháp giới, toàn là nói rõ về chân tướng của chính mình. Khi nào ta nhận rõ về chính mình, quý vị sẽ thành Phật, không nhận rõ về mình gọi là phàm phu. Nếu hiểu rõ chính mình, hiểu rõ chính mình cũng hiểu rõ về vũ trụ. Tự tha không hai, tánh tướng nhất như, hiểu rõ về vũ trụ.
Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 215
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 06.12.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Tâm Hướng Phật/St!