Nhất niệm vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta chân thật muốn cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì bạn không thể không làm.
Chúng ta cần phải học chính là “nhất niệm tịnh tín”, chí tâm nguyện sanh. Nhất niệm vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta chân thật muốn cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì bạn không thể không làm. Nhất niệm là chỉ có một niệm A Di Đà Phật, bạn phải có thể giữ gìn. Ở trong cuộc sống thường ngày hay trong công việc cũng vậy, xử sự đối người tiếp vật, việc đến thì làm, sau khi làm xong việc rồi thì chỉ một câu A Di Đà Phật. Những việc mà bạn đã làm ấy đều không để ở trong tâm. “Không để ở trong tâm thì tôi làm sao có thể làm việc được chứ?” Không để ở trong tâm thì làm việc còn tốt hơn. Nhiều năm qua tôi tự mình đã đích thân trải nghiệm, đã làm sự chứng minh cho mọi người thấy rồi. Giảng kinh có cần phải chuẩn bị hay không? Không cần phải chuẩn bị, tôi bình thường thì đọc kinh, không phải là tôi chuẩn bị cho việc giảng kinh. Giảng kinh không cần đến việc chuẩn bị, không có sự chuẩn bị mới gọi là nhất tâm, bạn có chuẩn bị thì bạn đã thành tam tâm nhị ý, giảng sẽ không hay. Hết thảy đều không cần chuẩn bị, tôi tham gia rất nhiều hội nghị quốc tế, hội nghị thì đều phải lên đài để diễn giảng, cũng không cần chuẩn bị, hễ chuẩn bị thì nhất định sẽ nói không hay. Không cần chuẩn bị, lên bục giảng nhìn vào mắt mọi người thì tôi liền biết phải nói những gì, làm gì mà phải chuẩn bị chứ. Vĩnh viễn nên nhớ: nhất tâm sanh trí huệ. Chỉ trí huệ mới giải quyết được hết thảy mọi vấn đề, trí huệ mới có thể ứng phó với hết thảy vạn pháp. Lúc bình thường thì phải làm sao? Hiện nay công phu của chúng ta chưa đến nơi đến chốn, khi công phu đến nơi đến chốn thì vô niệm, hiện tại nếu chúng ta muốn vô niệm thì không được, luôn có ý niệm khởi lên. Hãy niệm A Di Đà Phật, trong 24 giờ chính là một câu A Di Đà Phật này, niệm 6 chữ cũng được, niệm 4 chữ cũng được, không cần tính số, tính số là phân tâm, lại có phân biệt chấp trước nữa, có phân biệt chấp trước thì bạn sẽ không dễ dàng niệm được tâm thanh tịnh. Trong tâm ngoài câu Phật hiệu ra thì cái gì cũng không có, đều sạch sẽ cả.
Mỗi ngày có một thời gian nhất định để học kinh giáo, hoặc là hai giờ đồng hồ hoặc là bốn giờ đồng hồ đọc kinh. Khi đọc kinh thì tâm phải chuyên chú vào trong kinh giáo, cũng là tu định, cũng là tu huệ. Sau khi đọc kinh xong, sau khi gấp quyển kinh lại thì câu A Di Đà Phật liền hiện tiền, nhất định là không có một tạp niệm nào. Bạn cứ ngày ngày luyện tập như vậy, niệm được ba đến năm năm, nếu muốn vãng sanh thì thật sự sẽ đi được. Thông thường 3 năm thì công phu đã đủ rồi, bạn muốn vãng sanh thì bạn sẽ vãng sanh. Chẳng qua là tôi vẫn khuyên bạn chưa nên đi, vì sao vậy? Bởi vì công phu mới 3 năm bạn vãng sanh sẽ sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ, phẩm vị của bạn không cao. Chẳng phải đã nghe Phật nói ở trong kinh, niệm Phật một ngày ở thế giới Ta-bà chúng ta bằng ở Thế Giới Cực Lạc tu hành 100 năm. Ở nơi này thì nhanh hơn, cho nên khuyên bạn không nên đi, ở lại dụng công thêm vài năm nữa thì bạn có thể vãng sanh đến Phương Tiện Hữu Dư Độ, vãng sanh đến Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Bạn ở nơi này phải tranh thủ, đến thế giới Cực Lạc nếu muốn từ Phàm Thánh Đồng Cư Độ sanh đến Thật Báo Trang Nghiêm Độ, thông thường phải cần thời gian từ 3 kiếp đến 4 kiếp, phải cần thời gian nhiều đến như vậy. Ở tại nơi này của chúng ta nếu có nền tảng như vậy rồi, quả thật có thể giống như tôi đã nói, bạn chân thật chịu làm được 10 năm, 20 năm thì ngang bằng với tu 3-4 kiếp ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, đây chính là nguyên nhân mà tôi khuyên bạn chưa nên vội đi. Không phải nói lưu luyến cái thế gian này, không phải vậy, tu hành ở tại thế giới này còn thù thắng hơn so với tu hành ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đây có nghĩa là tu hành ở thế giới này không dễ dàng một chút nào, chướng ngại thì quá nhiều, đây là rèn luyện cho bạn mạnh mẽ, chính là ngày ngày đều có bài kiểm tra lớn. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thuận buồm xuôi gió, không có ai kiểm khảo bạn cả, cho nên bạn sẽ tiến bộ rất chậm. Đích thực là họ không có thối chuyển, đây là thật, họ không thối chuyển nhưng tiến bộ thì rất chậm. Không giống như ở nơi này, ở nơi này thì thay đổi rất là nhanh, tiến thì tiến rất nhanh, thoái thì cũng thoái rất nhanh, bạn có thể giữ gìn được chỉ có tiến mà không thoái thì chính là siêu vượt hơn việc tu hành ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Lời nói này không phải là lời của tôi nói, là Phật đã nói ở trên kinh. Cho nên chúng ta nhất định phải trân quý cái duyên hiện tiền này, hết thảy tùy duyên không phan duyên, Phật Bồ-tát thật sự sẽ bảo hộ cho bạn, thật sự sẽ gia trì, bạn thật sự chịu làm thì Phật Bồ-tát sẽ gia trì cho thọ mạng của bạn, khiến cho bạn ở nơi này tinh tấn vượt bậc. Thế nên nhất định phải hiểu, vãng sanh Tịnh Độ thì tâm thanh tịnh là chánh nhân.
Hiện tại người hoằng truyền Tịnh Độ rất nhiều, thuyết pháp cũng không như nhau, rất nhiều người đến hỏi tôi, họ có rất nhiều sáng kiến mới lạ, hỏi tôi nghe xong thì làm như thế nào? Không cần để ý đến họ, mỗi người có cách tu của mỗi người, mỗi người đều có phước báo của mỗi người. Nếu nói người này là do vị Bồ-tát nào đó truyền lại pháp môn cho họ, bạn vừa nghe thì liền động tâm, bạn liền đi học họ. Lại có một người khác nói là vị Phật nào đó truyền cho họ, vậy thì tâm của bạn lại lung lay, ngày ngày đều một dạ hai lòng, ngày ngày đều thay đổi phương pháp thì bạn không thành tựu được một việc nào. Có rất nhiều người đến hỏi tôi, khi hỏi tôi thì tôi nói với họ, chúng tôi trước đây đã từng giảng qua Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, đặc biệt là chương “Thượng phẩm thượng sanh”, chương này đã giảng riêng qua một lần rồi. Trong chương này có bài khai thị của Thiện Đạo Đại sư, mọi người đều biết Ngài Thiện Đạo là A Di Đà Phật tái lai, lời của Ngài Thiện Đạo chính là lời của A Di Đà Phật tự mình nói ra, chúng ta phải tin. “Nhất môn thâm nhập” là chọn một pháp môn, dù có pháp môn nào tốt hơn đi nữa thì cũng đều như như bất động không thay đổi, vậy thì bạn khẳng định sẽ thành công. Nếu bạn nghe pháp môn này cũng được, pháp môn kia cũng hay, do dự chần chừ, vậy thì hỏng rồi, bạn sai rồi. Cho dù A Di Đà Phật tái lai nói là Ngài có một pháp môn hay, so với pháp môn này còn nhanh hơn, vậy thì bạn nói: “Cảm ơn A Di Đà Phật, con chỉ tu pháp môn này thôi, con sẽ không thay đổi”, vậy thì bạn mới có thành tựu. Tối cực quan trọng chính là tâm thanh tịnh, bạn không dao động thì tâm mới thanh tịnh, tâm tịnh thì Phật độ tịnh, đây là chánh nhân của việc niệm Phật vãng sanh. Hiện tiền bạn nhất định đạt được công đức lợi ích thù thắng, bạn nhất định được chư Phật hộ niệm, thiện thần sẽ âm thầm gia trì cho bạn.
Trong sách Yếu Giải, Ngẫu Ích Đại sư nói rất hay, “duy hữu đại trí phương năng đế tín”(chỉ có đại trí mới có thể chân thật tin tưởng). Trong chú giải An Lạc Tập nói đến tam tâm, trên thực tế “tam tâm” này cùng với “đại trí” được nói ở trong Yếu Giải là cùng một ý nghĩa, trong đó nói tương đối rõ ràng một chút. Cái thứ nhất là “thuần tâm”, thuần hậu, tâm phải chân thật, tín tâm thâm hậu. Cái thứ hai là “nhất tâm”, tín tâm thuần nhất, nhất định không có nghi hoặc, nhất định không xen tạp một tạp niệm nào khác, một ý niệm nào khác. Thứ ba là “tương tục tâm”, cái tâm này có thể tương tục, cái tâm này không gián đoạn. Thực tại mà nói, cách nói này cùng với Giác Minh Diệu Hạnh Bồ-tát đã nói: “Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn” là cùng một ý nghĩa, so với cách nói “đô nhiếp lục căn tịnh niệm tương kế” (thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối) của Đại Thế Chí Bồ-tát là hoàn toàn tương đồng. Nếu có thể tương tục không gián đoạn, đây chính là hành, nhưng có thể nhất tâm thì cái tâm này thuần hậu. Nếu có ba tâm này mà không được sanh [Tây Phương] thì chẳng có lẽ đó, nhất định sẽ được sanh. Những lời này của Tổ sư chúng ta phải xem nhiều, phải nhớ kỹ thì chúng ta mới có thể thật sự thể hội được.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 331-332
Tâm Hướng Phật/St!