“Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Bạn vốn là Phật, chỉ cần ngay bây giờ trong tâm bạn nghĩ đến Phật, thì làm sao không thành Phật được?
Trong Đại thừa kinh giáo, chư Phật Bồ tát thường dạy chúng ta rằng: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Bạn vốn là Phật, chỉ cần ngay bây giờ trong tâm bạn nghĩ đến Phật, thì làm sao không thành Phật được?
Cho nên phàm phu thành Phật ngay trong một niệm, thật sự nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Vấn đề ở chỗ bạn có chịu niệm hay không thôi?
Bạn niệm cái gì thì nói biến ra cái đó. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, sát na sát na đều đang biến hóa, nó không phải là định pháp. Trong Đại thừa giáo đức Thế Tôn thường nói với chúng ta, đức Phật nói không có định pháp. Vì sao vậy?
Vì cả vũ trụ này sát na sát na đều đang biến hóa, vốn là không có định pháp, cho nên Đức Phật giáo hóa chúng sanh cũng không có định pháp. Biến hóa từ đâu mà có? Người nào có thể chủ trì được sự biến hóa này?
Trong Đại thừa kinh giáo Đức Phật thường dạy: “Nhất thiết pháp duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, đó chẳng phải là đã nói rất rõ ràng hay sao? Vì sao lại có nhiều biến hóa như vậy? Tâm năng hiện năng sanh, những pháp sở hiện sở sanh này, nó sẽ sản sinh biến hóa, đó là thức khởi tác dụng.
Thức là gì vậy? Thức là phân biệt, là chấp trước, thế bạn nên suy nghĩ, không cần nghĩ đến người khác, mà nghĩ về chính mình, sự phân biệt của chúng ta vô lượng vô biên, chấp trước của chúng ta cũng là vô lượng vô biên. Nhất thiết pháp sở sanh, nó không phải là định pháp, nó sát na sanh diệt, cho nên sát na tùy theo tâm niệm của chúng sanh, nó khởi lên sát na biến hóa.
Dù là chư Phật Như Lai, hay Pháp thân Bồ tát ứng hóa ở trong lục đạo, giống như kinh Lăng Nghiêm nói: “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”, cho nên pháp của Phật nói cũng không có định pháp, tùy theo tất cả chúng sanh mà biến hóa. Đức Phật gọi là : “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, trong tùy thuận có bất biến, tùy thuận là biến.
Sự phiền phức của phàm phu chúng ta chính là tùy theo chúng sanh mà biến hóa, tùy duyên tùy biến, đó là khổ, sự sáng suốt của chư Phật Bồ tát là tùy duyên bất biến, đó là các Ngài sáng suốt, duyên nào cũng có thể tùy, Thập pháp giới y chánh trang nghiêm đều có thể tùy.
Bất biến là gì? Bất biến, các ngài dùng chân tâm. Cái gì là chân tâm? Là Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi, những cái này bất biến, vĩnh hằng bất biến. 10 chữ này chính là Đại Bồ Đề Tâm mà kinh giáo thường nói. Trong Tứ thánh pháp giới dùng cái tâm này, ở cõi nhân thiên, ở tam đồ, ở địa ngục vẫn là dùng cái tâm này.
Y chánh trang nghiêm hàng ngày đều đang biến hóa, sát na biến hóa, Bồ đề tâm bất biến, phàm phu thì không được, phàm phu tùy duyên tùy biến, Thế nào là tùy biến? Là tùy theo cảnh giới bên ngoài, khởi lên thất tình ngũ dục, tham sân si mạn, thế nên biến đổi.
Nên biết rằng, tùy duyên tùy biến là tạo nghiệp, tùy duyên bất biến thì không tạo nghiệp. Trong kinh Đức Phật miễn cưỡng gọi nó là tịnh nghiệp. Kỳ thật nếu như nói tạo tịnh nghiệp, là đối với Tứ thánh pháp giới trong Thập pháp giới mới gọi là tịnh nghiệp.
Ở trong Thật Báo Độ, không có dấu vết, không có nhiễm tịnh, đó mới là sự khỏi dụng của tự tánh, không có gì chẳng gọi là tánh, đó là quả địa của Như Lai. Chúng ta học Phật thì phải học năng lực này, năng lực này trong Hoàn Nguyên Quán, chính là câu đầu tiên: “Tùy duyên diệu dụng”. Diệu dụng nghĩa là vĩnh hằng bất biến, không chấp tướng, chẳng những không chấp tướng mà thật sự dấu vết cũng không tìm thấy.
Có thể nói là tự tánh khởi dụng, trong tự tánh hai đầu có không đều không có, nó không phải là vật chất, nó cũng chẳng phải là tinh thần, cho nên chỉ có thể lãnh ngộ, chứ không thể dùng ngôn ngữ, không nói được, ngôn ngữ đạo đoạn, diệu mà! Khi khởi tác dụng, “oai nghi hữu tắc”, cũng có nghĩa là hoàn toàn tùy thuận chúng sanh, ở trong tùy thuận khởi tác dụng, khởi lên tác dụng thích hợp nhất, tác dụng thù thắng nhất, tác dụng hoàn mỹ nhất, cũng không có định pháp.
Chúng sanh tự tư tự lợi, còn nó khởi tác dụng là đại công vô tư, tương phản với bạn. Tâm hành của chúng sanh niệm niệm chấp trước tham sân si, nó thị hiện khởi tác dụng cho bạn, niệm niệm đều tuân thủ giới định huệ, giúp cho chúng sanh giác ngộ, giúp cho chúng sanh quay đầu. Quay về đâu? Quay về tự tánh, quay về tánh đức, đó chính là oai nghi hữu tắc, người này có nguyên tắc. Điểm chính xác của nguyên tắc này không có nhất định.
Nhân con người, nhân sự việc, nhân thời, nhân địa, mà khởi biến hóa. Nó có một nguyên tắc bấn biến, chính là tuyệt đối lợi ích chúng sanh, chắc chắn là dẫn dắt chúng sanh hồi đầu thị ngạn, điều này là bất biến. Có tám vạn bốn ngàn pháp môn, Tịnh độ tông niệm Phật cũng là một pháp môn.
Thái độ của chư Phật Bồ tát miên viễn là nhu hòa chất trực, cho nên các Ngài ở trước chúng sanh, đều khiến chúng sanh sanh tâm hoan hỷ. Người thiện thích Ngài, người ác cũng thích Ngài, không có ai ghét Ngài hết, điều này quá giỏi giang. Trời người hoan hỷ Ngài, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục cũng hoan hỷ Ngài.
Làm người được như thế thật quá viên mãn, điều này chúng ta nên học, đó gọi là nhu hòa. Nhu là dịu dàng, hòa là hài hòa, tuy dịu dàng hài hòa, nhưng Ngài làm việc không do cảm tình, Ngài chất trực. Đầy đủ trí huệ, không hề có một chút hồ đồ.
Trích đoạn trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 38
Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng
Tâm Hướng Phật/St!