Cả đời vĩnh viễn sống trong thế giới cảm ơn, tâm tình này vui sướng biết bao. Hết thảy mọi người đều là Phật Bồ-tát, hết thảy người đều là thiện tri thức của ta, vậy thì chúng ta đã học cùng với Ngài Thiện Tài rồi.
Trong Phật pháp, tôi nghĩ rất nhiều đồng học đều đã nghe qua lời cổ Đức thường nói “bát phong xuy bất động” (tám gió thổi chẳng động). Nếu dùng lời hiện tại mà nói thì “bát phong xuy bất động” là không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài, công phu của bạn mới được gọi là thành phiến. Thuận cảnh thiện duyên, Phật pháp nói “cảnh” chính là hoàn cảnh vật chất, là hoàn cảnh bên ngoài; nói “duyên” là hoàn cảnh nhân sự. Hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta rất tốt, những người sống chung quen biết với chúng ta đều là người tốt, đều là người thiện, bạn do đây mà sanh tâm hoan hỷ, sanh tâm tham luyến thì bạn không thể vãng sanh. Bạn cảm thấy nơi này cũng không tệ, vẫn không muốn đi thì công phu niệm Phật dù có tốt hơn, khoan nói đến nhất tâm, công phu thành phiến bạn cũng không đạt được. Nếu là nghịch cảnh ác duyên, hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta không tốt, trải qua cuộc sống rất khó khăn, người gặp được đều không tốt, đều có ý kiến trái nghịch với mình, rất khó chung sống hòa thuận. Trong hoàn cảnh như vậy con người thường sanh khởi việc oán trời trách người, luôn nghĩ ông trời thật bất công với ta, bên ngoài không ai mà không có lỗi với ta, tâm như vậy cũng không thể vãng sanh.
Cho nên thiện duyên ác duyên, thuận cảnh nghịch cảnh đều khiến cho bạn sanh tham sân si mạn, tâm của bạn bị lay chuyển theo cảnh giới bên ngoài, bạn không làm chủ được chính mình. Tâm của bạn không thanh tịnh, tâm tịnh thì Phật Độ tịnh. Hiện tại phiền não bên trong chúng ta vô cùng nghiêm trọng, không phải là phiền não của một đời, mà là phiền não tập khí được tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp. Hoàn cảnh bên ngoài không tốt, đều là dụ hoặc, bạn chỉ cần sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài đều khiến bạn sanh hỷ nộ ai lạc (mừng giận buồn vui), đều khiến bạn sanh tham sân si mạn. Tu hành trong hoàn cảnh như vậy mà có thể tu thành công, có thể vãng sanh thì bạn vô cùng giỏi. Lão sư Lý nói, pháp môn khác thì không cần phải nói, vì quá khó, chỉ nói pháp môn niệm Phật thôi, trong một vạn người niệm Phật chân thật lâm chung vãng sanh chỉ có 1-2 người mà thôi, là 1-2 phần vạn, 1-2 người đó là người có thể làm chủ được mình trong hoàn cảnh, cũng chính là nói họ tuyệt đối không bị hoàn cảnh bên ngoài lay chuyển, hạng người này có thể vãng sanh. Vậy thì chúng ta phải tự hỏi chính mình, người khác tán thán ta, tâng bốc ta thì ta có sanh tâm hoan hỷ hay không? Người khác sỉ nhục ta, ức hiếp ta, hủy báng ta, hãm hại ta thì ta có tâm oán hận hay không? Nếu bạn có hoan hỷ, có oán hận thì tâm của bạn đã bị ô nhiễm, công phu thành phiến của bạn đã bị phá hỏng rồi, hay nói cách khác, bạn không thể vãng sanh.
Mức độ công phu thấp nhất là “như như bất động”, không những “như như bất động” mà năm xưa khi tôi rời khỏi Đài Loan đến Singapore, tôi đã viết sáu câu: “Hãy sống trong thế giới cảm ơn”. Dường như mọi người đã in ra rất nhiều, tôi nghĩ rất nhiều đồng học cũng đã xem qua.
Câu thứ nhất là “Hãy cảm ơn người đã làm tổn thương ta, bởi vì họ đã rèn luyện tâm trí cho ta”, khiến ta chịu được sự khảo nghiệm. Người làm bạn tổn thương, nếu bạn có oán hận, có lòng muốn báo thù, vậy thì hỏng rồi, phiền phức của bạn sẽ lớn. Vì sao vậy? Chắc chắn là bạn sẽ đọa ba đường ác, đời sau sẽ oan oan tương báo, oan oan tương báo thì sẽ không ngừng không dứt, cả hai bên đều đau khổ. Sự đau khổ này không phải là một đời một kiếp, mà là đời đời kiếp kiếp, vậy hà tất gì chứ? Chúng ta có thể tha thứ cho họ thì thành tựu được đức hạnh cho chính mình, cũng thành tựu công đức cho họ. Vì sao vậy? Không có họ thì đức hạnh của chúng ta không được trải qua khảo nghiệm, họ đến để khảo nghiệm ta, ta phải xem họ như Phật Bồ-tát. Thiện Tài Đồng Tử một đời thành tựu, Ngài tu như thế nào? Ngài chính là tu như vậy, hết thảy chúng sanh đều là thiện tri thức của ta, họ dùng rất nhiều phương pháp xấu ác đối với ta, cũng như một người thầy rất nghiêm khắc, nhìn thấy bạn đều không vừa ý, luôn muốn đánh bạn, mắng bạn, giáo huấn bạn, họ đều là thầy. Chúng ta phải dùng tâm cảm ân để đối đãi họ thì tâm trí bạn mới có thể kiến lập được.
“Hãy cảm ơn những người đã lừa gạt ta, bởi vì họ khiến ta tăng thêm kiến thức.” Năm xưa, có một năm tôi ở tại Cầu Cổng Vàng ở San Francisco, có một số đồng tu Đài Loan lần đầu tiên đến bên đó, tôi cùng họ đi dạo một vòng. Lúc ở nơi đó tôi bị một tên móc túi lấy mất ví tiền, một đám thanh niên đã vây lấy tôi, người ngoại quốc thì hay cười cười nói nói nên tôi cũng không để ý, tôi đeo túi sau lưng, thế là bị họ lấy mất ví tiền. Tôi rất cảm kích họ, tuy rằng tổn thất khoảng chừng hơn 1.000 đô-la tiền mặt, tôi rất cảm kích họ, vì sao vậy? Bởi vì lúc đó chúng tôi đang muốn đi đến Trung Quốc du lịch, sau khi bị móc túi thì tôi liền thiết kế một cái túi đeo bên hông, có lẽ rất nhiều người cũng đã nhìn thấy, tôi đã thiết kế một cái túi đeo ngang. Chúng ta phải biết cách phòng bị, họ lấy đi một ít để cho chúng ta cảnh giác, nếu họ không trộm mất đồ của tôi thì khi đến Trung Quốc du lịch có lẽ tổn thất sẽ còn nhiều hơn. Tôi cảm ơn họ, các vị có thể có cách nghĩ như vậy hay không? Tuyệt đối không trách họ, hai bên đều hoan hỷ, giống như ta đã bỏ ra một số tiền để học một bài học vậy, họ là thầy của ta, họ dạy ta, muốn ta khi đi ra ngoài thì phải đề cao cảnh giác. Bạn nghĩ xem, thiện niệm và ác niệm đều ở trong một niệm, còn phải xem bạn nghĩ như thế nào. Bồ-tát và phàm phu trong cuộc sống thường ngày đối nhân xử thế tiếp vật có cách nghĩ không như nhau, cách nghĩ của các Ngài đều là thiện, chúng ta phải học tập.
“Hãy cảm ơn những người đánh đập ta, vì họ tiêu nghiệp chướng cho ta.” Việc đánh đập này không nhất định là cầm roi để đánh bạn, mà là nói họ dùng hết thảy mọi cách để hãm hại bạn, khiến bạn bị thương tổn. Ý niệm của chúng ta vừa chuyển, chuyển cái ác thành thiện cả, việc học Phật này chúng ta không thể không học.
“Hãy cảm kích những người ruồng bỏ ta, bởi vì họ dạy cho chúng ta biết tự lập”. Khi chúng tôi rời khỏi Đài Loan, rời khỏi nước Mỹ, lúc đó giống như là bị ruồng bỏ vậy, việc đó dạy cho chúng tôi phải biết tự lập. Sau cùng chúng tôi di cư đến Úc Châu, tôi ở tại Úc Châu nói với mọi người, chúng tôi cả đời đều là lưu lạc ở bên ngoài, hiện nay chúng tôi muốn bám đất định cư, chúng tôi sẽ định cư lâu dài ở Úc Châu. Điều kiện ở Úc Châu cho phép việc này, đất đai bất động sản đều rất rẻ, so với bên này rẻ hơn rất nhiều. Khu dân cư cao cấp ở bên [Singapore] này, nhà ở một tầng lầu là hơn 3-4 triệu đô. Chúng tôi tại Úc Châu cả một đạo tràng Học Viện Tịnh Tông mà chỉ mới gần 3 triệu đô, bạn xem nó rộng gần 3-4 mẫu Anh, xây được nhiều công trình kiến trúc như vậy, rất nhiều đồng học cũng đã đi qua đó rồi. Ở Singapore này thì chỉ mua được một tầng lầu mà thôi. Tôi sống ở vùng quê [nước Úc], miếng đất mà tôi mua là 28 mẫu Anh, lớn hơn so với Cư Sĩ Lâm này mấy mươi lần, có hai ngôi nhà, mười căn phòng, bốn phòng khách, tổng cộng giá tiền là bao nhiêu? 800.000 đô-la mà thôi. Cho nên chúng tôi mới có thể định cư lâu dài ở Úc được, ở Singapore thì chúng tôi không có đủ năng lực. Hiện tại Singapore tấc đất tấc vàng, nơi này là chỗ ở cho người giàu sang, người giàu thì ở đất quý, đất quý người giàu ở, cho nên điều này đã dạy chúng tôi phải biết tự lập. Khi còn trẻ lưu lạc khắp nơi vẫn chưa có cảm xúc gì lắm, nhưng khi già rồi thì không được, tuổi tác cao rồi thì đích thực là cần một nơi nho nhỏ để có thể trú nắng che mưa, có thể tự lập.
Câu thứ năm là “hãy cảm ơn những người làm ta vấp ngã, bởi vì họ làm cho năng lực của ta mạnh mẽ hơn”. Câu sau cùng là “hãy cảm ơn những người đã trách mắng ta, bởi vì họ giúp ta tăng trưởng định huệ.”
Cả đời vĩnh viễn sống trong thế giới cảm ơn, tâm tình này vui sướng biết bao. Hết thảy mọi người đều là Phật Bồ-tát, hết thảy người đều là thiện tri thức của ta, vậy thì chúng ta đã học cùng với Ngài Thiện Tài rồi. Năm xưa tôi giảng Tứ Thập Hoa Nghiêm, nhìn thấy Thiện Tài Đồng Tử là bậc mô phạm cho chúng ta. Bạn xem 53 lần tham vấn, có thiện duyên có ác duyên, có thuận cảnh có nghịch cảnh, xem Ngài là dùng cái tâm gì, học tập trong hoàn cảnh như thế nào để thành tựu đạo nghiệp của chính mình, không ngừng nâng lên cao, không bị chướng ngại. Chướng ngại sanh ra từ chính mình, bản thân bạn có phân biệt, có chấp trước, có phiền não thì bạn có chướng ngại, nếu bạn có thể buông bỏ hết thảy những thứ này thì trên đường Bồ-đề sẽ thuận buồm xuôi gió, không có chướng ngại. Hoàn cảnh như thế nào chúng ta cũng đều có thể trải qua, Ngài Thiện Tài đã dạy chúng ta “trải sự luyện tâm” (mượn việc luyện tâm).
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 343
Tâm Hướng Phật/St!