Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Tùy hỷ công đức: Phổ Hiền Hạnh Nguyện thứ năm

Điều này vô cùng quan trọng. Trước tiên chúng ta phải nhận biết “công đức” là gì. Chỗ này chúng ta không thể hàm hồ được.

Nguyện thứ năm, “Tùy hỷ công đức”

Điều này vô cùng quan trọng. Trước tiên chúng ta phải nhận biết “công đức” là gì. Chỗ này chúng ta không thể hàm hồ được. Chúng ta xem thấy rất nhiều đạo tràng, phía trước để một cái thùng, bên trên viết là “Thùng công đức”, cho rằng tiền để vào trong đó thì có công đức, vậy thì sai rồi, việc này không hề có công đức. Vào thời xưa, Vua Lương Võ Đế là người trong lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng là một Phật giáo đồ kiền thành, là đại hộ pháp của nhà Phật chúng ta. Khi ông còn đương chức, đã tạo dựng 480 đạo tràng (ngày nay chúng ta gọi là tự viện), quy mô đều rất lớn. Ông luôn khích lệ nhân dân xuất gia, xem thấy người xuất gia thì rất hoan hỉ, cho nên đồ chúng có đến mấy trăm ngàn người, chính ông cũng cảm thấy kiêu ngạo, “việc này thật đáng được tự hào, ta làm được công đức lớn đến như vậy!”. Lúc này, Bồ Đề Đạt Ma – Tổ sư Thiền tông đến Trung Quốc. Đạt Ma Tổ Sư nghe được quốc vương của Trung Quốc nhiệt tâm hộ pháp như vậy nên đương nhiên phải đến bái kiến. Lương Võ Đế cũng rất vui mừng tiếp kiến một vị cao tăng đến từ Ấn Độ. Sau khi gặp mặt, Lương Võ Đế nói với Đạt Ma Tổ Sư về công đức hộ pháp, thành tích hộ pháp của mình. Sau khi nói xong, ông thỉnh giáo với Đạt Ma Tổ Sư: “Công đức của tôi có lớn không?”. Đạt Ma Tổ Sư rất thẳng thắn, không nói nhân tình với người, Ngài trả lời thành thật: “Không có công đức gì!”. Lương Võ Đế nghe rồi lòng rất không vui, cho nên Lương Võ Đế không hộ pháp cho Ngài. Ngài phải đi đến Chùa Thiếu Lâm, quay mặt vào vách chín năm để đợi Huệ Khả.

Lời của Đạt Ma Tổ Sư có đúng hay không? Đúng! Công đức và phước đức không như nhau. Giả như Lương Võ Đế hỏi Ngài: “Phước đức của tôi có lớn không?”, thì Đạt Ma Tổ Sư nhất định liền nói: “Thật lớn! Thật lớn! Ông tu phước báo thật quá lớn!”. Phước đức và công đức là khác biệt. Công đức là chính mình phải tu hành. Chúng ta nêu một thí dụ đơn giản, trì giới có “công”, “công” mà bạn trì giới là có công phu. Bạn trì giới có công phu, được định thì chính là “đức”, cho nên “công” là “tu nhân”, “đức” là “chứng quả”, bạn được định thì mới gọi là công đức. Nếu như bạn giữ giới luật được rất tốt, rất nghiêm, thế nhưng bạn chưa thể được định thì sự trì giới của bạn chỉ là phước đức, không phải công đức, bạn trì giới chưa có công phu, bạn chỉ có được phước báo. Trì giới được định thì việc trì giới luật này mới gọi là có công phu.

Vì sao có người trì giới có thể được định, còn một số người trì giới không thể được định? Ở đây chính là do đúng pháp và không đúng pháp. Tu học đúng pháp thì có công, tu học không đúng pháp thì không có công. Điểm này các vị đồng tu không luận tại gia hay xuất gia đều phải tường tận. Chúng ta nhất định phải giữ giới, vì giữ giới thì mới tương ưng, không giữ giới thì không tương ưng. Vậy làm sao mới được gọi là có công phu? Lục Tổ Đại Sư Huệ Năng đặc biệt dạy người trì giới, một mực dặn bảo chúng ta: “Nếu là người chân chánh tu hành thì không thấy lỗi thế gian”, thì bạn liền có công phu. Giới luật của ta trì được rất tốt, xem thấy người khác không trì giới thì sanh tâm khinh mạn, xem thường, chính mình lại cống cao ngã mạn. Bạn xem, trì giới như thế thì được kết quả gì? Được cống cao ngã mạn. Người ta trì giới thì được định, từ định khai huệ, còn ta trì giới thì ra cống cao ngã mạn thì làm gì có được công phu chứ? Thế nhưng sự trì giới đó có tốt hay không? Tốt! Sự trì giới đó mang lại phước đức, chính là tu phước hữu lậu trong tam giới sáu đường. Tôi không nói phước báo nhân thiên, mà tôi nói phước báo hữu lậu trong sáu đường. Vì sao vậy? Không thấy được phước báo của họ hưởng được ở nhân gian, việc này chúng ta phải hiểu. Nếu như họ không có được thân người, họ chỉ được thân súc sanh, thân ngạ quỷ thì cũng đều hưởng phước. Bạn thấy đường súc sanh, nếu có phước báu lớn vẫn được cưng chiều chăm sóc chu đáo, con người chúng ta làm sao có thể sánh bằng? Có những con vật cưng được người cả nhà hầu hạ, xem nó như bảo bối, là chủ của cả nhà, chúng ta còn kém xa so với nó, chúng ta chẳng có ai quan tâm. Loại vật cưng đó đời trước đã từng tu phước nên mới được như vậy. Phước báu trong cõi quỷ cũng không nhỏ. Chúng ta xem thấy rất nhiều ở nhân gian Trung Quốc cúng bái những quỷ thần này. Cạnh Cư Sĩ Lâm dường như có một cái Miếu Đại Bá Công, đó chính là cõi quỷ có phước báu. Sơn Thần, Thổ Địa, Thành Hoàng đều là cõi ngạ quỷ, họ đã tu phước nên ở trong cõi quỷ hưởng phước. Cho nên, Phật nói với chúng ta nhất định phải tu tích công đức. Trong công đức tự nhiên có phước đức, còn trong phước đức thì không có công đức, vì vậy tu tích công đức vẫn là tốt nhất.

Chúng ta phải tu công đức bằng cách nào? Kinh này của chúng ta hay, Kinh này đích thực là đệ nhất Kinh mà Thế Tôn đã nói trong suốt 49 năm, “Kinh Hoa Nghiêm” chỉ là hàng kế. Trên đề Kinh đã nói với chúng ta là “Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác”, hay nói cách khác, tu học của chúng ta phải tương ưng với “Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác”, đây chính là công đức. Chúng ta trì giới mà được tâm thanh tịnh, được tâm bình đẳng thì việc trì giới của chúng ta liền có công. Tâm thanh tịnh chính là định. Tu định thì có công, khai trí tuệ chính là đức. Tu định nếu không thể khai trí tuệ thì cái định đó cũng là phước báo. Thế nhưng các vị phải nên biết, phước của định và phước của giới không như nhau. Phước của định lớn hơn rất nhiều. Phước của giới có thể hưởng ở trong ba đường. Chỉ có địa ngục không có hưởng phước, đường ngạ quỷ, đường súc sanh đều có hưởng phước. Phước của định không ở ác đạo, chí ít phải ở Trời Dạ Ma trở lên. Bạn tu định, trong định không thể khai trí tuệ, phước báo của định được hưởng từ Trời Dạ Ma mãi đến Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Đây là bạn tu định được phước báo, không phải công đức. Bạn tu định muốn được công đức thì phải khai trí tuệ. Khai trí tuệ quyết định siêu việt tam giới, vĩnh thoát luân hồi, đó là tu định có công. Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu công đức rõ ràng, tường tận, thông suốt, thấu đáo.

Thông thường người thế gian xem thấy người khác tu tích công đức thì khởi lên ý niệm đố kỵ, xem thấy người khác tốt hơn mình thì trong lòng liền khó chịu, liền bực bội, nghĩ ra hết cách để chướng ngại, thậm chí còn nghĩ ra cách phá hoại. Bạn phá hoại người tu hành, tội lỗi này rất lớn. Ngoài ra còn có Bồ Tát tu tích công đức. Bồ Tát thị hiện ở ngay trong quần chúng xã hội, nam nữ, già trẻ, việc họ làm hiện tại chúng ta gọi là việc từ thiện xã hội. Thế nhưng Bồ Tát làm việc từ thiện xã hội và người thế gian làm việc từ thiện xã hội có một chút khác biệt. Sự khác biệt ở đâu vậy? Các vị phải tỉ mỉ mà quan sát thì mới có thể thấu hiểu. Bồ Tát tu tích, làm những việc từ thiện xã hội thì sau cùng nhất định giúp cho họ phá mê khai ngộ, đó chính là làm công đức. Nếu như chỉ là làm việc từ thiện xã hội, mà không dạy họ phá mê khai ngộ, thì đó là thuộc về phước đức. Tại vì sao đối với chúng sanh, trước phải dùng từ thiện cứu tế để giúp đỡ người? Đó là “Tứ Nhiếp Pháp” của Phật, là phương tiện để nhiếp thọ chúng sanh. Ở trên Kinh, Phật cũng tường tận dạy cho chúng ta: “Tiên dĩ lợi dục câu, hậu linh nhập Phật trí”. Bạn thấy, Phật thật từ bi đến tột đỉnh. Bạn bảo người thế gian đến học Phật thì họ lắc đầu không đến; bạn mời họ đến ăn cơm thì họ rất vui mừng, họ lập tức liền đến. Ăn cơm xong bạn mới bảo họ học Phật thì tương đối dễ dàng. Vì sao vậy? Đã nhận ân huệ rồi, không ở lại nghe thì rất khó coi, luôn là không thể ăn xong rồi thì đi. Cho nên nhà Phật dùng phương cách từ thiện này, bố thí, ái ngữ, đồng sự, lợi hành đều là mục đích nhiếp thọ chúng sanh. Sau đó nói rõ cho họ chân tướng của vũ trụ nhân sanh, nói rõ chân tướng chính chúng ta và hoàn cảnh sinh hoạt của chính mình. Khi đã hiểu rõ chân tướng thì họ quay đầu là bờ. Cách làm này nếu như bạn còn chấp tướng mà làm thì bạn vẫn là tu phước. Nếu như bạn rời tướng, không chấp tướng, tam luân thể không, đó là lấy lợi ích chúng sanh làm công đức, do nhân giới được định, đó là công đức tu học của chính mình. Hai loại công đức này đều sẽ bị người đố kỵ, đều sẽ bị người chướng ngại, cho nên khi chúng ta tu tích phải có trí tuệ cao độ, phải có phương tiện khéo léo.

Địa vị của chúng ta càng thấp càng tốt. Đối đãi với bất cứ người nào, cho dù là người phê bình chúng ta, người hủy báng chúng ta, người chướng ngại chúng ta, người phá hoại chúng ta, chúng ta cũng phải dùng tâm chân thành cung kính đối đãi với họ, làm cho họ dần dần có thể bị cảm động, có thể giác ngộ, có thể quay đầu. Chúng ta đem những ác duyên này chuyển biến thành thiện duyên, đem những việc ác này chuyển thành công đức chân thật. Đây gọi là tùy hỷ. Chính chúng ta nhất định phải làm ra một tấm gương tốt thì mới có thể giáo hóa chúng sanh.

Ngày nay, ở bất cứ nơi nào trên toàn thế giới mà chúng ta hoằng dương Phật pháp, chúng ta đều có một tổng đề mục, có một tổng mục tiêu, tổng phương hướng, đó chính là “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Chúng ta rất rõ ràng, tường tận, cả thảy Phật pháp Đại thừa đều không ngoài hai câu này. “Tác sư”, sư là gương mẫu, tuyệt nhiên không phải chỉ nói người xuất gia gọi là pháp sư thì phải tác sư (vì đó là lý đương nhiên), mà mỗi một vị đồng tu tại gia cũng đều phải tác sư, tác phạm. Ngay trong cương vị công tác hiện tại, ngay trong đời sống hiện tiền của chúng ta, chúng ta phải làm ra tấm gương tốt cho đại chúng, đó chính là tác sư tác phạm. Chư Phật Bồ Tát là tấm gương, là mô phạm tốt nhất cho tất cả chúng sanh chín pháp giới. Chúng ta phải hiểu được ý này. Ngày trước, tôi đã nói qua với các vị đồng tu, đã từng có người nói với tôi: “Cha mẹ hiện tại rất khó quản giáo con cái, con cái không nghe lời; học trò trong trường học không nghe lời của thầy giáo, thầy giáo dạy học rất khổ; ở trong xã hội thì công nhân không nghe lời ông chủ”. Hiện tại ở trên toàn thế giới, các khu vực phổ biến bạn đều có thể xem thấy hiện tượng này. Đó là một vấn đề lớn, nghiêm trọng trong xã hội.

Toàn thế giới có rất nhiều người lãnh đạo có trí tuệ, thông minh. Trong giới học thuật, nhà máy xí nghiệp, trong giới công thương nghiệp, các lãnh đạo tôn giáo đều đang tìm cầu phương pháp giải quyết vấn đề xã hội ngày nay. Rốt cuộc lỗi lầm là do đâu? Năm trước, tôi xem thấy trong Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh có đề tám chữ “Học vi nhân sư, thân vi thế phạm”. Thế nhưng thời gian tôi ở trong trường không lâu, ngay trong lúc tiếp đón, tôi đã nói qua mấy câu. Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc dạy bảo chúng ta: “Tác thân, tác quân, tác sư”. Cho nên, tôi xem thấy tám chữ này liền liên tưởng đến nhà Nho giáo huấn chúng ta là phải “tác chi quân, tác chi thân, tác chi sư”. Chúng ta không thể xem câu này theo nghĩa hẹp, cho rằng câu nói này đại khái là Khổng Tử kỳ vọng đối với những người lãnh đạo quốc gia, không liên quan gì với dân chúng thông thường chúng ta, vậy thì bạn hiểu sai rồi. Giáo học của Nho và Phật là đối với tất cả chúng sanh, không phân biệt giai cấp, nam nữ, già trẻ, nghề nghiệp, đều là hy vọng mỗi một người đều biết được “tác quân, tác thân, tác sư”. Quân là gì vậy? Là người lãnh đạo rất tốt. Người lãnh đạo rất tốt cần chuẩn bị điều kiện gì vậy? Nhân từ. Đối với những người cấp dưới mình thì bạn phải chân thành quan tâm họ, chân thành thương yêu họ, chân thành chỉ đạo họ. Bạn là một người lãnh đạo tốt, đồng thời bạn phải là người thân, dùng cái tâm của cha mẹ thương yêu cấp dưới của bạn. Cho nên Trung Quốc thời xưa, thủ trưởng chính phủ địa phương gọi là quan phụ mẫu, ý nghĩa không như nhau. Hiện tại, người làm quan thời đại dân chủ được gọi là người đầy tớ của dân, là người hầu. Bạn làm quan thì bạn là người hầu, lão bá tánh là chủ nhân, quan hệ chủ bộc. Người hầu có lúc cũng gạt người chủ, không thấy được chân thật hiếu trung với bạn, quan tâm bạn. Thế nhưng cha mẹ thương yêu con cái thì không hề có điều kiện, cho nên chúng ta vẫn hy vọng người làm quan là cha mẹ của chúng ta, không nên là người hầu trong nhà chúng ta. Người hầu thật không đáng tin, vẫn là cha mẹ đáng tin hơn nhiều so với người hầu, cho nên phải làm người thân, làm cái tâm của cha mẹ, tâm của thầy giáo thương yêu học trò. Không luận thân phận ngày nay của chúng ta như thế nào, cho dù chúng ta là một công nhân cấp thấp thì cũng phải làm được ba điều kiện này. Tuy không có chức vụ, không có địa vị, nhưng bạn phải có ba loại tâm này để làm sức ảnh hưởng đồng liêu đồng sự của chính chúng ta, ảnh hưởng bạn bè của chúng ta, ảnh hưởng người mà chúng ta quen biết, sau đó mở rộng ra có thể ảnh hưởng xã hội. Người người đều có thể phát tâm “tác thân, tác sư, tác quân”. Đây gọi là chân thật tùy hỉ công đức, và như vậy thì lợi ích đối với người, việc công đức lợi ích làm gì có thể có chướng ngại chứ? Không những không có chướng ngại, trái lại sẽ toàn tâm toàn lực tán thán giúp đỡ, không có sức mạnh tán trợ cũng sẽ tán thán. Việc này có thể ảnh hưởng đại chúng xã hội, cùng nhau phát triển, mang đến cho xã hội lợi ích chân thật.

Việc thiện ác thế gian thật quá nhiều. Vì sao Phật đặc biệt nêu ra “tùy hỷ công đức”? Thực tế mà nói ý nghĩa của điều này rất sâu. Phật biết được phiền não tập khí của tất cả chúng sanh là tích lũy từ vô lượng kiếp, mỗi một chúng sanh đều có. Tập khí gì vậy? Tham-sân-si, ngạo mạn, đố kỵ. Tập khí mang theo từ lúc mới sinh, không cần người dạy. Bạn tỉ mỉ mà quan sát những trẻ nhỏ mấy tháng tuổi chưa biết nói chuyện, đặt chung hai đứa trẻ gần bằng tuổi nhau lại, một đứa trẻ có kẹo ăn, một đứa kia không có kẹo ăn, cái tâm đố kỵ đó liền nổi lên. Bạn xem ai dạy chúng vậy? Không ai dạy chúng. Tùy hỷ công đức chính là đối trị tâm ngạo mạn, đố kỵ, đặc biệt là đối trị đố kỵ. Đố kỵ, ngạo mạn là tạo tội nghiệp cực trọng; giữa khoảng một niệm chuyển đổi lại thì liền biến thành vô lượng công đức. Phật và phàm phu khác biệt ở ngay chỗ này. Chúng sanh thì không thể chuyển được, tùy theo phiền não mà trôi lăn trong sanh tử sáu cõi. Chư Phật Bồ Tát trong khoảng một niệm chuyển đổi lại, thành tựu vô lượng vô biên công đức. Cho nên, chúng ta phải học cách chuyển, phải chuyển được mau. Sau khi chuyển lại rồi xem thấy người ta tu tích công đức bao lớn, bạn tùy hỉ công đức thì bạn cũng có được công đức lớn như người ta vậy, quyết định không có khác biệt. Tuyệt đối không thể nói con người này tu tích công đức lớn, ta tùy hỉ thì công đức của ta nhỏ. Không hề có việc như vậy, nhất định là công đức lớn như nhau. Người ta tu tích công đức rất cực khổ, bạn vừa tùy hỉ công đức thì cũng lớn như họ vậy, bạn thấy bạn chiếm được bao nhiêu lợi ích? Bạn phải hiểu được đạo lý này.

Phật dạy chúng ta, chúng ta có thể đem công đức của A Di Đà Phật chuyển biến thành công đức của chính mình. Cách chuyển thế nào vậy? Y theo một bộ kinh này tu học thì được rồi. Ở trên Kinh này Phật dạy cho chúng ta thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói. Bạn chỉ cần đem ba câu nói này làm cho được, bạn liền chuyển công đức từ trong vô lượng kiếp của A Di Đà Phật thành công đức của chính mình. Ngay trong lúc giảng dạy, chúng ta cũng thường nói: “Đồng tâm, đồng nguyện, đồng đức, đồng hạnh với A Di Đà Phật”, liền đem công đức của Di Đà chuyển biến thành công đức của chính mình, vậy bạn mới là người thông minh bậc nhất trên thế giới. Nếu chúng ta không dựa vào công đức của A Di Đà Phật để tu hành, mà chỉ dựa vào chính mình thì chúng ta phải tu đến kiếp nào? Chúng ta ở ngay trong mấy mươi năm ngắn ngủi của đời này, chỉ cần chúng ta hiểu được đạo lý, hiểu được phương pháp này, thì sự tu hành mấy mươi năm của chúng ta chính là A Di Đà Phật tu hành vô lượng kiếp, trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói “Niệm kiếp viên dung”, chúng ta chân thật có thể làm đến được. Các vị không nên xem thường bỏ lỡ cơ hội này, nhất định phải nắm lấy cơ hội này, ngay trong một đời thành tựu công đức cứu cánh viên mãn. Bạn xem, cư sĩ Lý Mộc Nguyên xây dựng đạo tràng này, mời pháp sư đã tốn biết bao hơi sức, đó là công đức của ông ấy. Hôm nay chúng ta đến nơi đây tùy hỷ thì công đức viên mãn của ông ấy chúng ta thảy đều có được. Chúng ta giới thiệu mấy người bạn bè thân thích đến nơi đây nghe Kinh, cũng chính là lợi dụng đạo tràng này, lợi dụng cơ duyên này của cư sĩ Lý Mộc Nguyên, chúng ta độ được mấy người làm Phật. Bạn nói xem, công đức của chúng ta lớn hay không? Thật là độ họ đi làm Phật. Họ ngay đời này có thể y giáo tu hành, có thể vãng sanh hay không, đó là việc riêng của họ, việc đó không hề gì. Chỉ cần họ đến đạo tràng này, thấy được Phật tượng, nghe được một, hai câu Kinh văn, một khi nghe qua tai, mãi đã trồng thiện căn, hạt giống Kim Cang vĩnh viễn không hư hoại, sẽ có một ngày gặp được duyên khởi hiện hành, tương lai họ niệm Phật vãng sanh làm Phật, họ sẽ nghĩ lại “cái nhân ban đầu là do một người nào đó độ ta”. Đây là chúng ta hiểu được làm thế nào tu tùy hỉ công đức.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 21

Bài viết cùng chuyên mục

Phương pháp tiêu trừ nghiệp chướng

Định Tuệ

37 phẩm trợ đạo là gì? Bao gồm những pháp gì?

Định Tuệ

Có nên đốt giấy tiền vàng mã hay không?

Định Tuệ

Bí quyết được phước báo hiện tiền, mọi chuyện hanh thông

Định Tuệ

Cõi Vô sắc giới là gì? Tìm hiểu những cõi trời thuộc Vô sắc giới

Định Tuệ

Công đức và Phước đức nhất định phải phân biệt, hiểu rõ ràng

Định Tuệ

Chú Dược Sư tiếng Việt và tiếng Phạn, lợi ích khi trì tụng thần chú

Định Tuệ

Pháp môn Tịnh Độ thù thắng không thể nghĩ bàn

Định Tuệ

Huân Văn thành chủng là mấu chốt quan trọng của cả đời tu học

Định Tuệ

Viết Bình Luận