Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Tam giải thoát môn: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện

Tam giải thoát môn này có thể kiến tánh, có thể thấy chân tánh. Bất cứ một môn nào trong ba môn (Không, Vô Tướng, Vô Tác) đều được.

“Vị do thử tam giải thoát môn, tắc năng thông chí Niết Bàn, cố danh tam giải thoát môn” (Nghĩa là do giữ lấy ba môn giải thoát, nên có thể thông đạt Niết Bàn; vì thế, gọi là Tam Giải Thoát Môn).

Quý vị thấy ba thứ giải thoát môn này có thể kiến tánh, có thể thấy chân tánh. Bất cứ một môn nào trong ba môn đều được.

Môn thứ nhất là Không, có thể từ Không Môn trực tiếp minh tâm kiến tánh. Môn thứ hai là từ Vô Tướng, biết tất cả hết thảy các tướng chẳng thật, tướng đều là huyễn tướng. Kinh thường nói là “lìa hết thảy tướng, tức là hết thảy các pháp”, hễ lìa tướng bèn là tánh. Loại thứ ba là Vô Tác. Vô Tác còn gọi là Vô Nguyện, chẳng có bất cứ điều gì mong cầu, vì sao? Mong cầu là vọng tưởng, trong tự tánh chẳng có vọng tưởng, buông hết thảy mong cầu xuống bèn kiến tánh. Vô nguyện, vô cầu, tự tánh hiện tiền. Do ba môn này, có thể trực tiếp minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Trước hết, chúng tôi giới thiệu những môn này đôi chút.

Thứ nhất là “Không giải thoát môn, vị quán nhất thiết pháp, giai tùng nhân duyên hòa hợp nhi sanh, tự tánh bổn Không” (Không giải thoát môn, nghĩa là quán hết thảy các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh, tự tánh vốn là Không). Hết thảy các pháp chẳng có tự thể; tự tánh, tánh là thể chất. [Các pháp] chẳng có tự thể, nên Thể đúng là Không. Hiện thời, các nhà Lượng Tử Lực Học bảo chúng ta, vật chất rốt cuộc là gì? Hiện tại, đây là ngành khoa học kỹ thuật tiên phong, họ đã phát hiện: Chẳng có vật chất. Vật chất là một huyễn tướng do ý niệm tích lũy liên tục. Nói theo cách này thì tự tánh vốn Không, nên nếu chúng ta chấp trước [vật chất] là có thì sai mất rồi, đã mê rồi! Quý vị phải biết: Có là Không, Không là Có. Tâm Kinh dùng Sắc để làm đại biểu, Sắc đại biểu vật chất. “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”, cùng một thứ! Không và Sắc là cùng một thứ. Sắc là gì? Là Không, Không là vọng niệm. Vọng niệm tích lũy thành hiện tượng. Bốn câu trong Tâm Kinh đã giảng thấu suốt: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”. Giảng thấu suốt, hiện thời điều này đã được các nhà khoa học Lượng Tử chứng minh.

Quý vị hiểu rõ đạo lý này, liễu giải chân tướng sự thật “vạn pháp đều là Không”. Có Tướng hay không? Tướng là có. Tướng có trở ngại Không hay chăng? Chẳng trở ngại Không! Không cũng chẳng trở ngại Có, Không và Có vô ngại. Đó là quý vị thật sự thông đạt, hiểu rõ! Vì thế, nói hết thảy các pháp là do các duyên hòa hợp sanh ra; ý niệm là nhân, tích lũy là duyên, vọng niệm tích lũy liên tục thành hiện tượng. Chúng ta coi chúng là vật chất, thấy chúng là Sắc pháp. Hiện tượng vật chất vô lượng vô biên, thiên sai vạn biệt. Có những thứ vật chất hết sức kiên cố, [thí dụ như] những thứ kim loại nặng hết sức kiên cố, đó là gì? Các nhà khoa học cho biết, hiện tượng sanh khởi chẳng ngoài chấn động. Chấn động thuộc về năng lượng. Chấn động đương nhiên có tần số. Tần số khác nhau. Tần số chậm bèn biến thành kim loại nặng. Tần số chấn động nhanh hơn một chút, bèn biến thành bùn cát. Cây cối, hoa, cỏ, da dẻ trên thân thể chúng ta đều là những chấn động tương đối nhanh một chút. Nhanh hơn chút nữa bèn biến thành sóng điện từ trong hiện thời. Hiện thời, nhân loại ứng dụng sóng điện từ để chế tạo nhiều thứ máy móc chạy bằng điện, như hiện nay chúng ta coi TV, truyền tin bằng vô tuyến điện, hay mạng Internet, đó là những thứ có tần số chấn động cao. Hiện tượng vật chất dẫu nhiều, nhưng toàn là tần số chấn động khác nhau, nên những hiện tượng được hiện ra cũng chẳng thật. Vì lẽ đó, bất cứ hiện tượng vật chất hay tinh thần nào đều có thể trở về năng lượng, tức là các thứ chấn động đều có thể quy hồi [năng lượng], chẳng khác nhau, là pháp bình đẳng. Do vậy, trong ấy là Vô Ngã. Chữ Vô này thông với những chữ sau, tức là Vô Ngã, Vô Ngã Sở. Ngã còn không có, đương nhiên chẳng có Ngã Sở. Nói đến những thứ được sở hữu bởi Ngã thì là chuyện chẳng có, Ngã và Ngã Sở đều bất khả đắc.

“Nhược năng như thị thông đạt, tắc ư chư pháp nhi đắc tự tại, cố danh Không giải thoát môn” (nếu có thể thông đạt như thế, bèn được tự tại nơi các pháp; vì thế, gọi là Không Giải Thoát môn). Nếu quý vị hoàn toàn hiểu rõ, minh bạch, thông đạt đạo lý này, quý vị được đại tự tại trong hết thảy các pháp, vì sao? Chẳng còn chấp trước nữa, mà cũng chẳng còn phân biệt nữa. Nay chúng ta chẳng tự tại trong hết thảy các pháp, nguyên nhân ở chỗ nào? Ta muốn chiếm hữu, muốn khống chế chúng, há có thể tự tại ư? Thân còn chẳng chiếm hữu được, chẳng khống chế được, lại toan chiếm hữu vật ngoài thân, há chẳng phải là dấy vọng tưởng ư? Đó là tự chuốc khổ! Nếu có thể khống chế cái thân, sẽ là [thân] Kim Cang bất hoại thì tốt hơn nhiều! Chẳng cần nói tới các vị Pháp Thân Bồ Tát, chúng ta nói tới phàm phu cao cấp; trong bốn thánh pháp giới, họ có thể khống chế thân thể chẳng ngã bệnh, có thể khống chế thân thể không ngã bệnh, tức là có thể khống chế thân thể trường sanh bất lão. A La Hán có bản lãnh ấy. Bản lãnh của các Ngài do đâu mà có? Trong phần trước đã nói, họ đạt được ba môn giải thoát này. Các Ngài đạt được ở mức độ nông cạn, vì còn có chướng ngại, do trụ vào Không, chẳng trụ Có. Vì thế, các Ngài chẳng có hết thảy phiền não chướng ngại về Có, các Ngài đã buông xuống. A La Hán trụ nơi Không; thật ra, trụ nơi Không là sai lầm. Trụ Không thì chính mình đắc tự tại, nhưng chẳng thể giúp đỡ người khác! Bồ Tát biết Không và Có bất nhị, Không là Có, Có là Không, nên Bồ Tát có thể giúp đỡ hết thảy chúng sanh, có thể cảm ứng thuận theo ý niệm của chúng sanh. Chúng sanh muốn thấy thân nào, Ngài bèn hiện thân như thế ấy, quý vị thấy tự tại lắm chứ! Đây là giảng cho chúng ta biết chân tướng sự thật.

Loại thứ hai là “Vô Tướng giải thoát môn, vị ký tri nhất thiết pháp Không, cố quán nam nữ, nhất dị đẳng tướng, thật bất khả đắc” (Vô Tướng giải thoát môn, nghĩa là đã biết hết thảy các pháp là Không, nên quán các tướng như nam, nữ, một, khác v.v… thật sự chẳng thể được). Tướng là huyễn tướng, cảnh giới ấy chẳng dễ hiểu. Hiện thời có những thứ khoa học kỹ thuật rất hữu ích cho sự học Phật của chúng ta, Phật pháp là khoa học. Xưa kia, tôi theo thầy Phương học Triết, thầy bảo tôi: “Phật pháp là triết học”. Khi thầy giới thiệu Phật pháp cho tôi, [đã bảo]: “Thích Ca Mâu Ni Phật là vị triết gia vĩ đại nhất thế giới, kinh Phật là đỉnh cao nhất trong triết học, là đỉnh cao nhất trong triết học của toàn thể thế giới. Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất trong đời người”. Tôi được dẫn dắt vào Phật môn như thế, học gần sáu mươi năm, nay đã biết: Không chỉ là đỉnh cao nhất trong triết học, mà còn là đỉnh cao nhất trong khoa học. Thích Ca Mâu Ni Phật không chỉ là một triết gia vĩ đại, mà còn là một khoa học gia vĩ đại, thật đấy, chẳng giả đâu! Ba ngàn năm sau khi đức Phật diệt độ, hiện thời các nhà Lượng Tử Lực Học mới phát hiện “vật chất là hiện tượng do ý niệm tích lũy liên tục”, nhưng từ ba ngàn năm trước, trong kinh Đại Thừa, đức Phật đã nói tới rồi. Do vậy, kinh Phật vượt trỗi khoa học hiện đại. Lượng Tử Học là ngành khoa học mới nhất, mà đã lạc hậu ba ngàn năm so với Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức Phật giảng rõ ràng, minh bạch. Các hiện tượng ấy, giống như nay ta xem TV, hoặc xem phim ảnh, thấy [hình ảnh] trên màn bạc. Chúng ta biết [những hình tướng] trên màn bạc chẳng thật, ta có thể nhìn, nhưng chẳng thể khống chế nó, chẳng thể chiếm hữu nó, ta có thể thưởng thức nó. Nếu có một người, vào một ngày nào đó, giống như những nhà khoa học Lượng Tử thật sự hiểu rõ, thật sự thông đạt, có phải là sẽ thấy hết thảy các hiện tượng trong hiện thời, thấy hết thảy nam nữ, thấy hết thảy các thứ một và khác; “một” là giống nhau, “khác” là chẳng giống nhau, tức là nói đối với hết thảy vạn vật, [họ] có thấy là “thật sự chẳng thể được” hay không? Có! Họ đã thấy được! Chúng tôi đọc báo cáo của họ, thấy đã nói tới chuyện ấy, nhưng họ như thế nào? Họ vẫn có ý niệm chiếm hữu, vẫn có ý niệm khống chế, họ vẫn đang thật sự làm, đó là gì? Nói theo Phật pháp, nhà khoa học giải ngộ, đã hiểu rõ, nhưng chưa đoạn tập khí phiền não. Họ khác với người tu hành trong Phật môn! Người tu hành trong Phật môn là chứng ngộ. Quý vị thấy một đằng là giải ngộ, một đằng là chứng ngộ. Nay chúng ta gọi giải ngộ là tri thức (kiến thức), chứng ngộ là trí huệ. Trí huệ có thể giải quyết vấn đề, chẳng để lại hậu quả. Tri thức có thể giải quyết vấn đề, nhưng sau đó có hậu quả! Quý vị thấy họ nói giống như Phật pháp, nhưng họ vẫn một mực tranh danh đoạt lợi, vẫn có tự tư tự lợi. Đó là hậu quả, thuộc về giải ngộ, chẳng phải là chứng ngộ. Chứng ngộ hữu dụng, chính mình được thọ dụng, chính mình thật sự vượt thoát. Trong phần trước đã nói là “vượt thoát Nhị Thừa”. Chứng ngộ thì mới có thể vượt thoát, giải ngộ sẽ chẳng thể vượt thoát. Giải ngộ thì quý vị biết nhiều hơn Nhị Thừa, nhưng quý vị thọ dụng chẳng bằng Nhị Thừa, vẫn là phàm phu! Nói cách khác, trước kia, thầy Lý thường nói: “Đáng luân hồi như thế nào thì vẫn luân hồi như thế ấy, chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi”. Hàng Nhị Thừa vĩnh viễn thoát luân hồi, tuy chưa thoát ly mười pháp giới, nhưng đã thoát ly luân hồi. Các nhà khoa học chẳng có cách nào thoát ly luân hồi. Nếu họ thật sự giác ngộ, chẳng bận lòng vì thế giới hư huyễn này, chẳng khởi tâm, không động niệm nơi cảnh giới, bèn vượt thoát, nhập vào [các địa vị] Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, đã chứng đắc.

Phật pháp chú trọng hành – chứng, tín – giải, đó là phương tiện. Công phu đắc lực do hành. Có hành và có chứng thì mới thật sự thọ dụng. Chẳng có hành, chẳng có chứng, chỉ dốc công đổ sức nơi tín giải, chưa đủ! Đó là gieo thiện căn trong Phật môn mà thôi! Thiện căn cũng cần thiết, vì người hành chứng trọn chẳng phải là thành tựu ngay trong một đời! Đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp tu hành thì mới có thể chứng đắc. Chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật đã vì chúng ta thị hiện, biểu diễn: Mười chín tuổi, rời khỏi gia đình đi ra ngoài tham học, ba mươi tuổi buông xuống vạn duyên, nhập Định dưới cội Bồ Đề, đêm nhìn sao Mai, giống như Duyên Giác, cũng chẳng có thầy, nhìn ngôi sao ấy mỗi ngày nhưng chẳng khai ngộ. Ngày hôm ấy bèn khai ngộ, có nhiệm mầu hay chăng? Hằng ngày nhìn thấy mà chẳng khai ngộ, ngày hôm ấy trông thấy bèn khai ngộ là vì ngày ấy khác hẳn, tình tự khác nhau, cảnh quan bên ngoài của ngày hôm ấy được Phật lực gia trì, linh tánh dẫn dắt, hoát nhiên đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, có phải là ngẫu nhiên hay chăng? Là biểu diễn. Trên thực tế thì sao? Trong kinh Phạm Võng, đức Phật đã nói thật: Ngài giáng thế lần này là thị hiện thành Phật lần thứ tám ngàn. Ngài đã sớm thành Phật, quý vị nói xem công phu hành chứng của Ngài sâu cỡ nào? Chúng ta là kẻ sơ học, làm sao có thể đạt đến cảnh giới ấy? Lục Tổ Huệ Năng đại sư đã thị hiện: Hai mươi bốn tuổi đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, cảnh giới của Ngài hoàn toàn bình đẳng với Thích Ca Mâu Ni Phật, chẳng hai, chẳng khác. Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật [quán sát căn cơ của chúng sanh, thấy] nên dùng thân Phật để độ, Ngài bèn hiện thân Phật. Huệ Năng đại sư ở Trung Quốc, hoàn cảnh của Trung Quốc thuở đó đã chẳng thích hợp thị hiện thân Phật, nên Ngài thị hiện thân tỳ-kheo, dùng thân tỳ-kheo để xuất hiện, nhưng cảnh giới bình đẳng, chẳng khác nhau. Điều này nói rõ: Dẫu trong một đời này, chúng ta chẳng thể khế nhập cảnh giới này, chúng ta ngừng ở nơi tín giải, cũng có thể nói là tích lũy tín giải trong một thời gian rất lâu rồi mới có chân hành. Hiện thời, chúng ta đều chẳng phải là chân hành. Vì sao? Xen tạp vọng tưởng, tạp niệm, tự tư tự lợi, tiếng tăm, lợi dưỡng, ít nhiều gì thì trong ấy cũng xen tạp, chẳng thuần! Muốn đạt tới không xen tạp, trong kinh Đại Thừa, Phật, Bồ Tát thường dạy chúng ta, mà [pháp môn] Niệm Phật cũng dạy chúng ta. Ngài Đại Thế Chí dạy chúng ta “tịnh niệm tiếp nối”. Tịnh niệm là gì? Chúng ta niệm Phật mà hoài nghi thế giới Cực Lạc thì ý niệm chẳng thanh tịnh. Chúng ta niệm Phật còn xen tạp, vẫn thường nghĩ đến chính mình, niệm ấy chẳng thanh tịnh. Niệm thanh tịnh, chẳng có hoài nghi, chẳng xen tạp, trong tâm đúng là một câu Phật hiệu bèn hữu dụng!

Cư sĩ Lưu Tố Vân mắc chứng hồng ban lang sang (Systemic Lupus Erythematosus) gần mất mạng, còn nghiêm trọng hơn ung thư, đối với chứng bệnh này, Trung Y lẫn Tây Y đều chẳng có cách nào. Bà ta niệm Phật được lành, hiệu quả khiến cho kẻ khác kinh ngạc. Khi lành bệnh, trên mặt ngay cả một vết sẹo cũng không có! Điều này khiến vị bác sĩ điều trị chánh yếu của bà ta cũng chẳng có cách nào tưởng tượng được! Bà ta lành bệnh như thế nào? Thưa cùng quý vị, tịnh niệm tiếp nối! Bà ta thật sự làm được câu ấy, bà ta niệm A Di Đà Phật, chẳng hoài nghi tí nào, chẳng xen tạp chút nào! Từ tấm gương của bà ta, chúng ta có thể hiểu: Thân thể chúng ta bất luận bệnh tật gì, khi quý vị thật sự là “tịnh niệm tiếp nối”, sẽ niệm lành bệnh, có đạo lý hay không? Có! Đạo lý gì vậy? Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng. Thân và tâm của quý vị do tâm tưởng của chính quý vị sanh ra, nên tâm tưởng của chính quý vị có thể biến đổi nó. Tâm tưởng của chúng ta bất thiện, nó bèn phát triển theo hướng trái nghịch, bèn ốm đau, tử vong, đi theo phương hướng ấy. Nếu chúng ta là tịnh niệm tiếp nối, nó bèn phát triển theo phương hướng tốt đẹp. Tốt đẹp là gì? Khỏe mạnh, sống lâu, đạo lý là như vậy đó! Có cần đến thuốc men hay không? Chẳng cần! Cư sĩ Lưu Tố Vân đã nêu gương khó có. Con người hiện thời chẳng có một mẫu gốc ở chỗ nào thì mọi người chẳng tin. Hễ có tấm gương thì quý vị bèn tin tưởng. Chúng ta nói “con người tánh vốn lành”, Tam Tự Kinh đã nói [như thế], [điều ấy] đã được học mấy ngàn năm: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Con người do giáo dục mà tốt đẹp, nhưng chẳng có ai tin tưởng. Mọi người nghe xong đều rất hoan hỷ, đều rất tán thán, nhưng làm chẳng được! Đó là lý tưởng, há có thể làm được? Chúng tôi làm thí nghiệm tại Thang Trì, chính chúng tôi cũng chẳng ngờ làm ba bốn tháng liền thành công, hiệu quả rõ rệt. Chúng tôi cảm tạ, bội phục tổ tiên, sao mà con người dễ dạy dường ấy? Chỉ cần có người cầm đầu, có giáo viên tốt nêu gương cho họ thấy, xướng suất, họ tin tưởng, thật sự học theo. Quý vị thấy sau ba, bốn tháng, [người dân Thang Trì] bèn quay đầu. Quay đầu là bờ, phàm phu vừa quay đầu bèn là Phật, Bồ Tát.

Trong thế giới hiện tiền, bất luận làm gì đều phải có gương tốt, có điển hình tốt; nếu chẳng có, người ta chẳng tin! Phật pháp tốt đẹp như thế, thật sự có mấy người làm gương rõ rệt, xác thực là thân tâm của chính mình khỏe mạnh, gia đình hòa thuận, sự nghiệp rất thuận lợi, đối xử hòa hài với xóm giềng làng nước nơi ta cư trụ, xã hội an định, thế giới hòa bình, [những điều này] có thể làm được, chẳng phải là không làm được! Do vậy, quý vị nhất định phải hiểu: Đây là trí huệ chân thật, hoàn toàn giống như kinh Đại Bát Nhã đã nói. Kinh Đại Bát Nhã đã dạy: “Hết thảy các pháp vô sở hữu, rốt ráo không, bất khả đắc”. Có rất nhiều người thấy điều này, [tưởng là Bát Nhã] dường như quá tiêu cực! Bất khả đắc thì ta học nó để làm gì? Bất khả đắc mà hết thảy quý vị đều đạt được, quý vị đạt được gì? Quý vị đạt được tận hư không, khắp pháp giới. Quý vị có sở đắc, dốc hết tánh mạng mong cầu, nhưng đạt được hết sức hữu hạn, đạt một chút ít như thế! Lại nữa, một tí tẹo ấy, đến cuối cùng, quý vị vẫn chẳng mang theo được. Thứ gì quý vị cũng đều chẳng đạt được. Khi quý vị bất khả đắc, thứ gì cũng đều đạt được, quý vị đạt được toàn thể pháp giới. Quý vị thấy chẳng phải là các vị Bồ Tát ấy đã đạt được hay sao? Khắp pháp giới hư không giới, chúng sanh có cảm, các Ngài bèn có thể hiện thân thuyết pháp, chẳng phải là các Ngài đã đạt được ư? Tự tại lắm! Tuy hiện hết thảy các thân, tuy nói hết thảy các pháp, nhưng tâm địa của chính mình là tâm thanh tịnh, bình đẳng, chẳng nhiễm trước mảy may, chẳng kể công, chẳng nói “hôm nay ta làm chuyện tốt”. Chẳng có ý niệm ấy, làm mà chẳng làm! Tiếp đó, nói tới Vô Tác thì Vô Tác mang ý nghĩa này.

Bồ Tát, như Thích Ca Mâu Ni Phật đã biểu diễn trong thuở trước: Mỗi ngày đều vì mọi người giảng kinh, thuyết pháp, giáo học chẳng ngưng nghỉ. Một người tìm đến bèn dạy một người, hai người tìm đến bèn dạy hai người. Mấy trăm, mấy ngàn người tìm đến, bèn dạy mấy trăm, mấy ngàn người. Hằng ngày, người từ bốn phương tám hướng tìm đến rất náo nhiệt. Chúng ta thấy Phật giáo học khá vất vả, nhưng thật ra, đức Phật có mệt hay không? Đức Phật chẳng mệt! Vì sao? Ngài chẳng chấp tướng, Ngài chẳng làm, làm mà không làm. “Không làm” là về mặt tướng thì có làm, về mặt Sự thì có làm; nhưng theo Lý, chẳng làm; trong tâm chẳng làm! Ngài chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, Ngài làm gì? Do vậy, có người hỏi Ngài: “Vô Tác thì làm sao làm được?” Đức Phật dùng chuông, trống làm tỷ dụ. Ngài nói: “Quý vị thấy cái chuông đó, trong chuông có gì hay không?” “Trống không!” “Trong bụng cái trống có gì hay không?” “Trống không!” Gõ to bèn kêu to, gõ nhỏ bèn kêu nhỏ. Chẳng gõ, chẳng kêu! Khi quý vị gõ, trống có chẳng kêu hay không? Chẳng có! Chuông có chẳng kêu hay không? Không có. Chuông chẳng nói: “Quý vị gõ ta một tiếng, ngay lập tức ta dùng âm thanh đáp ứng”. Chẳng có! [Chuông, trống] chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước. Gõ là gì? Đức Phật bảo “pháp nhĩ như thị”, [nghĩa là] tự nhiên là như vậy. Chúng ta phàm phu thì không được! Người ta nêu câu hỏi, chúng ta suy nghĩ phải trả lời người ấy như thế nào; đó là hữu tác, hữu vi. [Đối với Phật, Bồ Tát], căn bản là chẳng nghĩ ngợi gì cả, thuận theo tự nhiên mà trả lời, vô tác, vô vi! Vô tác, vô vi là Tánh Đức khởi dụng; hữu tác, hữu vi là ý thức khởi dụng, khác hẳn! Ý thức khởi dụng là tạo nghiệp, tự tánh khởi dụng chẳng tạo nghiệp. Phật, Bồ Tát chẳng làm, không làm mà làm, làm mà không làm. Chư Phật, Bồ Tát hiện thân, hiện mà vô hiện, vô hiện mà hiện. Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp, vô thuyết mà thuyết, thuyết nhưng vô thuyết, mầu nhiệm ở chỗ này! Từ chỗ này, chúng ta có thể biết: Tam Không của Tiểu Thừa đúng là khác hẳn Tam Không của Đại Thừa. Tam Không của Tiểu Thừa có Tự Thọ Dụng, chẳng có Tha Thọ Dụng, cho nên chẳng viên mãn! Tam Không của Đại Thừa thì Tự Tha Thọ Dụng bình đẳng, chẳng có chướng ngại. Đó gọi là viên mãn, là Đại Tam Không tam-muội.
“Nhược năng như thị thông đạt chư pháp vô tướng, tức đắc tự tại, cố danh Vô Tướng giải thoát môn” (Nếu có thể thông đạt các pháp vô tướng như thế, liền đắc đại tự tại, nên gọi là Vô Tướng Giải Thoát Môn). Tu môn giải thoát ấy, tôi tin tưởng người biết tu sẽ chẳng cần một thời gian rất dài, chắc chắn ba năm sẽ nhập tam-muội. Cách tu như thế nào? Xem TV phải biết xem. Khi xem TV mà chẳng biết xem, hoàn toàn bị ô nhiễm bởi TV. Khi biết xem, bản thể chính là Không, trọn chẳng thể được! Hằng ngày, quý vị thấy những gì diễn ra trên TV hoàn toàn giống như thế gian này. Những thứ ấy là giả, thế gian cũng là giả. Xem bằng cách như vậy suốt ba năm, quý vị bèn khai ngộ, xem TV bèn có thể thành Phật! Chẳng biết xem, sẽ đọa địa ngục, quý vị bị nó làm hư, trong tương lai, quý vị khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi, tổn người, lợi mình, nên đọa địa ngục A Tỳ. Biết xem sẽ khai ngộ, biết xem là gì? Nguyên lai toàn là giả, chẳng có gì là thật, quý vị đắc tự tại! Vô tướng giải thoát, từ trong tướng mà thấy vô tướng. Do vậy, trong cảnh giới chẳng có thiện hay ác thật sự. Nói cách khác, hết thảy các pháp chẳng có đối lập. Thiện và ác là đối lập, chân và vọng là đối lập, tốt và xấu là đối lập, không có những thứ ấy. Chúng ta thấy Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, nêu ra năm mươi ba pháp môn đều có thể chứng Vô Thượng Bồ Đề, đều có thể thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, há có chướng ngại! Nơi pháp chẳng có chướng ngại, nơi Lý và Sự chẳng có chướng ngại, chư pháp chẳng có chướng ngại. Chướng ngại là do vọng niệm của chính mình, đức Phật quy nạp các vọng niệm ấy thành ba món chướng ngại: Khởi tâm động niệm là món thứ nhất, phân biệt là món thứ hai, chấp trước là món thứ ba, những thứ ấy gây chướng ngại. Buông phân biệt, chấp trước xuống, chướng ngại bèn giảm một nửa. Đã đắc ba môn giải thoát của Tiểu Thừa, buông khởi tâm động niệm xuống bèn đắc ba môn giải thoát của Đại Thừa. Người Tiểu Thừa nhập cảnh giới, đắc Thiên Chân Niết Bàn, buông phân biệt, chấp trước xuống, vượt thoát lục đạo luân hồi. Đại Thừa buông khởi tâm động niệm xuống, vượt thoát mười pháp giới, đắc đại tự tại.

Thứ ba, “Vô Tác giải thoát môn. Vô Tác, hựu vân Vô Nguyện, vị nhược tri nhất thiết pháp vô tướng, tắc ư tam giới vô sở nguyện cầu” (Vô Tác giải thoát môn. Vô Tác còn gọi là Vô Nguyện, ý nói: Nếu biết hết thảy các pháp vô tướng, sẽ đối với tam giới chẳng có mong mỏi gì). Quý vị biết “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, sẽ trừ bỏ ý niệm mong cầu. Khế nhập cảnh giới gì? Khế nhập “khắp pháp giới hư không giới và ta là một Thể”. Thân của chúng ta là vật chất, bên trong là tinh thần, tinh thần của chúng ta tương ứng với tự tánh. Kinh Hoa Nghiêm nói Pháp Tánh, quý vị thấy đã mở rộng cỡ nào? Khôi phục đến mức viên mãn, thân thể chúng ta và tất cả vật chất trong pháp giới hư không giới trở thành một Thể. Tâm là Pháp Tánh, thân là Pháp Tướng, đó là Pháp Thân Bồ Tát, là minh tâm kiến tánh. Minh tâm kiến tánh bèn chẳng còn chấp trước thân này là ta, [mà sẽ nhận biết] Pháp Tướng là thân ta, Pháp Tánh là tâm ta. Thân tâm ta còn lớn hơn cả vũ trụ, toàn thể vũ trụ là một hiện tượng do thân tâm của ta biến hiện, đó là Diệu Giác, viên mãn thành Phật. Trong khắp pháp giới hư không giới, quý vị khởi tác dụng là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm nhằm giảng chuyện như thế. Tâm và Pháp Tánh kết hợp thành một Thể, thân và Pháp Tướng dung hợp thành một khối. Chuyện là như vậy đó, nói về chuyện này, đó gọi là “nhập Đại Bát Niết Bàn”, vĩnh viễn chẳng có sanh tử. Trong ấy tràn ngập trí huệ, tràn đầy đức năng, tràn đầy tướng hảo. Cổ nhân có hai câu nói: “Chẳng đọc Hoa Nghiêm, chẳng biết sự phú quý do thành Phật”. Quý vị đọc Hoa Nghiêm rồi mới biết, thật sự đạt được phú quý viên mãn! Vua chúa trong nhân gian quá nhỏ. Đại Phạm Vương vẫn thua kém quá nhiều, Ma Hê Thủ La Thiên Vương vẫn chẳng sánh bằng! Cảnh giới ấy lại là bình đẳng, ai nấy đều có thể chứng đắc.

Bởi lẽ, hễ có nguyện cầu thì trật mất rồi! Chúng ta học Phật, Phật còn bảo chúng ta phát nguyện, cầu sanh Tịnh Độ, vì sao? Cảnh giới [Cực Lạc] tốt đẹp như thế! Trong hoàn cảnh lục đạo của cõi này, chúng ta học chẳng thành công. Hoàn cảnh hiện thời bất lợi cho tu hành, quá nhiều chướng duyên; trong hoàn cảnh này, nếu chẳng có thiện tri thức chân chánh, thiện tri thức chân chánh là Phật, nhưng Phật chẳng tại thế, chẳng có đồng tham đạo hữu chân chánh, nên tu học vô cùng khó khăn. Đức Phật bảo chúng ta phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nhằm thay đổi hoàn cảnh học tập. Hoàn cảnh trong cõi kia tốt đẹp, chẳng có chướng ngại, thầy ở bên kia là A Di Đà Phật. Ngoài A Di Đà Phật, còn có mười phương chư Phật Như Lai đều giúp A Di Đà Phật giáo hóa. Các Ngài thường đến thế giới Cực Lạc chẳng gián đoạn, thường xuyên lui tới. Nếu chúng ta sanh về thế giới Cực Lạc, sẽ có cơ hội thường xuyên gặp gỡ chư Phật, nghe các Ngài dạy bảo, thỉnh giáo các Ngài, hoàn cảnh ấy quá tốt đẹp. Trong hoàn cảnh ấy, muốn gì bèn có nấy, khi chẳng dùng, nó sẽ không còn nữa. Ở nơi đây, chúng ta cần tài liệu thì vẫn phải dùng kệ sách chất một đống lớn. Ở bên đó, họ muốn có tài liệu gì, nó liền bày ra trước mặt. Chẳng cần thì chẳng còn nữa. Không cần tồn trữ, quý vị nói xem có tự tại lắm hay không? Do vậy, giảng đường trong Tây Phương Cực Lạc thế giới sạch làu, chẳng nhiễm mảy trần, một chút thừa thãi cũng chẳng có. Khi cần bèn biến hiện ở ngay trước mặt. Khi chẳng cần, bèn không còn nữa. Quý vị nói xem: Tự tại lắm, đúng là thuận theo lòng muốn!

Hoàn cảnh tốt đẹp dường ấy, quý vị muốn ăn, thích ăn, đến thế giới Cực Lạc muốn ăn thứ gì, thứ ấy bèn bày ngay trước mặt, chẳng cần phải nấu nướng, mùi vị đều là ngon lành nhất. Ăn xong, chẳng cần nữa, chẳng phải rửa chén, đĩa, chúng chẳng còn nữa, chẳng thấy nữa, giống như ảo thuật biến hiện. Chúng ta phải tin tưởng lời đức Phật nói là chân thật, chẳng phải là lời lẽ giả dối. Cách nói ấy chẳng phải là ảo tưởng, các nhà khoa học đã chứng thực. Nói theo Lý thì thông suốt, nhưng trên mặt Sự vẫn chưa làm được, vì sao không làm được? Khoa học kỹ thuật chưa đủ sức, vẫn chưa đạt tới cảnh giới ấy. Nói theo Lý thì năng lượng và vật chất có thể chuyển biến [thành lẫn nhau]. Họ có năng lượng ấy, trí huệ viên mãn, đức năng viên mãn. Điều ấy thuộc về đức năng, họ có năng lực dùng niệm lực biến đổi năng lượng thành vật chất. Khi chẳng cần, bèn biến những vật chất ấy trở về năng lượng, chẳng còn nữa! Các nhà Vật Lý Học cận đại đã biết chuyện này, nghe nói bom nguyên tử được phát minh theo đạo lý này, từ vật chất giải phóng năng lượng. Hiện thời, chẳng có cách nào biến năng lượng thành vật chất, [phương pháp] khoa học kỹ thuật ấy vẫn chưa có. Nếu có, mọi người chẳng cần tranh đoạt tài nguyên như trong hiện tại, tự mình có thể biến ra! Tất cả vật chất đều do năng lượng biến hiện; hiện thời, mọi người đều hiểu đạo lý này. Chúng ta cần có vàng, bèn biến năng lượng thành vàng, vàng dùng chẳng hết. Hiện thời đã hiểu đạo lý sau đây: Hiện tượng vật chất khác nhau, có nhiều thứ vật chất là do tần số dao động khác nhau. Khi nào có thể khống chế tần số dao động, há chẳng phải là “thuận theo lòng muốn” ư? Người kiến tánh có bản lãnh, kẻ đã mê mất tự tánh bèn đánh mất bản năng (năng lực sẵn có). Đức Phật dạy chúng ta: Chẳng phải là thật sự đánh mất, mà là tạm thời mất đi; khi nào quý vị giác ngộ, nó bèn trở lại nguồn. Ngày nào giác ngộ, ngày ấy trở lại nguồn! Khi mê bèn mất đi, khi ngộ bèn trở lại nguồn, nó là Tánh Đức, Tánh Đức vĩnh viễn chẳng mất đi. Vì thế, có thể thật sự lý giải điều này, sau đấy khắc chế chính mình, nghiêm túc tu hành, tu hành như thế nào? Chẳng tạo tác nghiệp sanh tử.

“Nhược vô sanh tử chi nghiệp, tức vô quả báo chi khổ nhi đắc tự tại” (nếu không có nghiệp sanh tử, sẽ được tự tại vì chẳng có nỗi khổ do quả báo). Nghiệp sanh tử là gì? Trong giáo pháp Đại Thừa thường nói, kinh này cũng có nói, Kiến Tư phiền não là nghiệp sanh tử, đừng nên tạo tác những nghiệp ấy nữa. Kiến Tư phiền não quy nạp thành sáu điều là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Chẳng còn tạo sáu chuyện ấy, sẽ chẳng có sanh tử. Sanh tử là nghiệp luân hồi, [chẳng còn tạo Kiến Tư phiền não, sẽ] chẳng còn luân hồi trong lục đạo nữa. Do vậy, chớ nên tham. Đức Phật bảo chúng ta đoạn tâm tham, chẳng bảo chúng ta thay đổi đối tượng, nhất định phải hiểu rõ điều này. Vì sao? Rất nhiều người học Phật, sanh khởi tâm tham đối với Phật pháp, sai mất rồi! Đó là thay đổi đối tượng, chứ quý vị chẳng đoạn tâm tham. Như Lương Vũ Đế xưa kia, Lương Vũ Đế tham công đức, tham Phật pháp. Nhà vua chẳng làm chuyện ác, đã đoạn hết thảy ác, nhưng tham tu hết thảy thiện, đó là sai lầm! Đoạn ác tu thiện là đúng, chẳng sai, nhưng trong ấy chẳng có tham, sân, si, mạn, nghi, thì là đúng, đó là Phật pháp. Đoạn ác tu thiện, nhưng trong ấy còn có tham, sân, si, mạn, nghi, thì chỉ có thể nói là thiện pháp thế gian! Tu những thiện pháp ấy, đắc phước báo nhân thiên, chẳng đọa lạc tam đồ, nhưng không thoát khỏi luân hồi, chớ nên không biết điều này! Trong đoạn ác tu thiện, chẳng vì tự tư tự lợi, chẳng có đúng, sai, ta, người, chẳng có tham, sân, si, mạn, bèn thoát khỏi lục đạo. Nếu niệm Phật, đem công đức ấy hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ, quyết định được sanh, không chỉ vượt thoát lục đạo, mà còn vượt thoát mười pháp giới, công đức ấy thù thắng khôn sánh. Đây là cách giải thích thông thường đối với ba môn giải thoát.

Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa!
Pháp Sư Tịnh Không!

Bài viết cùng chuyên mục

Nên bố thí như thế nào cho hợp lý?

Định Tuệ

Nhân quả rất đáng sợ, phàm phu chúng ta phải cảnh giác

Định Tuệ

Phương pháp trợ niệm giúp người lâm chung vãng sanh Cực Lạc

Định Tuệ

Cách học Phật như thế nào?

Định Tuệ

Người phạm tội ngũ nghịch thập ác niệm Phật có được vãng sanh?

Định Tuệ

Người mê mà tỏ ngộ gần mãi cảnh uế trược thời tất sẽ mê lại

Định Tuệ

Người học Phật có nên nấu món thịt mặn cho cha mẹ ăn không?

Định Tuệ

Phật khuyên bảo chúng ta phải nỗ lực tu thiện, bồi đắp lỗi lầm của chúng ta

Định Tuệ

Nghe Chú Đại Bi có tác dụng gì? Ý nghĩa của Chú Đại Bi là gì?

Định Tuệ

Viết Bình Luận