Giới luật là mạng mạch của Phật pháp. Giới luật còn là Phật pháp còn. Đức Phật dạy rằng, người nào sống không giới luật, tuy ở gần ta mà cũng như cách xa ta muôn dặm; người nào sống có giới luật, tuy ở xa ta muôn dặm mà cũng như ở cạnh bên ta.
1. Giới Luật là gì?
Giới tiếng Phạn là SiLa, phiên âm thành Thi La. Trung Hoa dịch là Thanh Lương mát mẻ. Do công năng hành giả giữ gìn Giới nên ngăn ngừa ba nghiệp bất thiện của thân, khẩu, ý.
Giới còn gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa phiên âm từ tiếng Phạn Pàtimokha có nghĩa là hướng đến. Nghĩa bóng là hành giả cần nương về nội tâm tu hành tìm ra con đường giải thoát. Giải thoát có hai nghĩa: Biệt giải thoát và Biệt biệt giải thoát.
Luật theo tiếng Phạn là Vinàya phiên âm là Tỳ Nại Da. Trung Hoa dịch là điều phục, có hai nghĩa: nghĩa đen là “khử” là “chân”, nghĩa bóng là loại bỏ bao nhiêu các việc xấu quấy để giữ lại cho cái chơn, cho nên gọi là hàng phục tâm. Chấm dứt tâm vọng động, đừng cho tâm phát khởi, nên gọi là chân tâm. Như hàng phục giới liền sanh trí huệ.
Luật cũng dịch là Thiện Trị vì hành giả khéo chế ngự các hạnh bất thiện của mình, còn điều phục hết thảy bất thiện hạnh cho chúng sanh. Như vậy, Giới luật còn nghĩa rộng là hòa hợp chúng, sống trong đoàn thể thanh tịnh tăng luôn biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Cũng là nền tảng muôn pháp lành, điều phục nghiệp xấu ác của thân khẩu ý, đoạn trừ phiền não của tham, sân, si. Nhờ Giới học mà hành giả tu hành đạt quả Tịch diệt Niết Bàn.
Giới Luật: dựa trên công dụng mà có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng nghĩa chính của Giới Luật là phân định phán đoán của các tội khinh, trọng, khai, giá, trì phạm để ngăn ngừa những tội lỗi của thân tâm. Bởi thế mới nói Giới luật của đức Thế Tôn chế ra chỉ là “Tùy phạm tùy kiết”.
Nghĩa là có người gian gốc độ khác nhau mà hành trì. Hơn nữa, ranh giới giữa người vi phạm và người tuân thủ pháp luật cách nhau chỉ một niệm đúng sai, vậy cần phải có chuẩn mực để phân định rõ ràng. Cũng thế, trong Đoàn thể tu hành Phật giáo cũng cần phải sử dụng đến Giới luật để phân minh, khinh, trọng tùy theo hành giả vi phạm lỗi lầm, nên thỉnh Thế Tôn Kiết Giới.
2. Tại sao nói Giới luật là mạng mạch của Phật pháp?
Giới luật là mạng mạch của Phật pháp. Giới luật còn là Phật pháp còn. Đức Phật dạy rằng, người nào sống không giới luật, tuy ở gần ta mà cũng như cách xa ta muôn dặm; người nào sống có giới luật, tuy ở xa ta muôn dặm mà cũng như ở cạnh bên ta.
Trong kinh Di Giáo, trước khi vào Niết bàn, đức Phật khuyên các thầy Tỳ kheo: Sau khi Như Lai diệt độ rồi, các Tỳ kheo phải lấy Ba-la-đề-mộc-xoa (Giới luật) làm Thầy cũng như ta còn tại thế. Nếu ta còn tại thế mà Tỳ kheo các ông không y theo giới Ba-la-đề-mộc-xoa thì cũng như ta đã diệt độ.
Đức Phật là một đấng đại Từ Bi, Ngài xem tất cả chúng sinh mọi loài như con một. Lòng yêu thương chúng sinh của Đức Phật trong Kinh Lăng Nghiêm có nói, như mẹ thương con, chỉ mong làm sao cho con mình được hết tất cả khó và hưởng tất cả vui, cho nên trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Đức Phật không có cái tâm tưởng nào khác ngoài tâm đại Từ đại Bi, ban vui cứu khổ cho tất cả chúng sinh”.
Vì vậy Đức Phật ra đời, cũng không ngoài mục đích ấy, vì thương chúng sinh như con một mà phải ban vui cứu khổ, và trong kinh Pháp Hoa Đức Phật nói rõ: “Đức Phật ra đời vì muốn cho tất cả chúng sinh được Khai Phật tri kiến, Thị Phật tri kiến, Ngộ Phật tri kiến và Nhập Phật tri kiến, được thành Phật như Phật không khác”.
Chỉ một hoài bão duy nhất đó mà Đức Phật mới ra đời và Đức Phật cũng nói thập phương Chư Phật ra đời cũng một hoài bão duy nhất đó mà thôi.
Do đó, tất cả Pháp của phật nói ra cho chúng ta cũng như tất cả chúng sinh, những người có thể tin được, có thể làm được cũng đến nơi mục đích là hết khổ được an vui cứu cánh giải thoát, đầy đủ trí Tuệ đại Từ Bi như Đức Phật không khác.
Cho nên bổn phận hôm nay của chúng ta cũng như các vị Giới Sư, chỉ vì mục đích duy nhất là đem Giáo Pháp của Phật truyền nói lại cho những người kế thừa mình để cho Chánh Pháp của Phật mãi mãi lưu truyền ở thế gian không dứt. Để chi? Để cho những người hiện tại cũng như tất cả những người ở tương lai và rộng đến tất cả mọi loài chúng sanh đều được nhuần nơi chánh Pháp (ban vui cứu khổ) để hết khổ và được an vui.
Như Đức Phật dạy: “Sau khi Phật diệt độ, chúng ta phải coi Giới luật là bậc Thầy sáng suốt, cũng như Phật còn tại thế không khác”.
Bởi vậy, sau Phật diệt độ, nhất là trong thời kỳ mạt Pháp nầy, nếu chúng ta có một tâm giữ gìn được Chánh Pháp của Đức Như Lai để làm lợi ích cho tất cả mọi người, mọi chúng sinh đều được an vui hết khổ, thì trước hết phải giữ gìn Giới luật của Đức Phật còn tồn tại ở thế gian, giới luật có tồn tại ở thế gian thì mới có thể làm nền móng cho Chánh Pháp được tồn tại.
Muốn giữ gìn Giới luật được tồn tại tại thế gian thì phải thực hành nơi giới luật của Phật chế ra lúc Phật còn tại thế. Do đó, mà được truyền nối đến ngày nay. Thế nên ở nơi chúng ta là người đã thọ giới và thực hành theo giới, mà phải đem Giới luật ấy mà ban bố lại cho những người hậu lai để có sự kế thừa liên tục.
Vì vậy, nên ta phải làm Giới Sư, phải truyền giới để cho giới đó được giới, học giới và giữ giới. Các vị giới tử đó khi đã có giới rồi thì cũng sẽ truyền lại cho những người khác cũng được thọ giới, học giới và giữ giới. Được như vậy thì giới Pháp của Đức Phật mới có thể tồn tại, mà Giới Pháp tồn tại thì Phật Pháp mới còn, đây là lời nói ở trong Kinh như vậy.
Tâm Hướng Phật!