Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Sinh tử đại sự – Thệ nguyện giải quyết cho xong việc sinh tử

Sinh tử là việc lớn, không phải là chuyện đùa chơi. Nhiều khi học lý nói: “Ừ! Sinh tử như mộng” hoặc “sinh tử nhàn nhi dĩ”, tức sinh tử nhàn mà thôi!

Sinh tử đại sự

Sinh tử là việc lớn, không phải là chuyện đùa chơi. Nhiều khi học lý nói: “ Ừ! Sinh tử như mộng” hoặc “sinh tử nhàn nhi dĩ”, tức sinh tử nhàn mà thôi! Tuy nói như vậy mà chúng ta chưa thật như vậy. Chúng ta phải biết lúc nào nên nói và lúc nào chưa nên nói. Chuyện này không phải là chuyện đùa chơi hoặc là chuyện lý luận trên miệng.

“Sinh tử là một việc lớn”. Câu này không biết phát xuất từ đâu, nhưng đọc Kinh Pháp Bảo Đàn thì thấy khi Ngũ Tổ bảo môn đệ trình kệ thì Ngài có nhấn mạnh điểm này: “Ta nói cho các ông rõ đời người “sinh tử là việc lớn”, các ông trọn ngày chỉ cầu phước điền mà chẳng cầu ra khỏi biển khổ sinh tử. Nếu mà tự tánh đã mê thì phước điền đâu thể cứu được. Mỗi người hãy đi rồi tự xem lại trí tuệ chính mình, nhận lấy tánh Bát nhã ở nơi bản tâm mình, mỗi người hãy tự làm một bài kệ rồi trình cho ta xem. Nếu tỏ ngộ được đại ý thì ta sẽ truyền y pháp cho người ấy làm Tổ đời thứ sáu”.

Ngũ Tổ nhấn mạnh đời người sinh tử là việc lớn cần giải quyết cho xong chớ chỉ lo cầu phước điền. Đây là điểm cần phải nhớ, phải ý thức cho đậm. Phải nhớ “việc mình chưa sáng cũng như đưa đám tang cha mẹ”. Nghĩa là việc mình chưa sáng thì phải băn khoăn, khắc khoải, nôn nóng như đưa đám tang cha mẹ, chứ không nhàn nhã được. Đời người sinh tử là việc lớn, khi chưa giải quyết xong thì chưa thể nhàn nhã qua ngày, cũng như chưa thể yên tâm ăn ngủ. Do đó, người xưa khi chưa giải quyết được sinh tử thì quên ăn quên ngủ.

Việc này, tôi cũng có kinh nghiệm. Ngày trước, khi mới hạ thủ công phu thì tôi cũng như vậy. Khi cảm nhận được sự vô thường, sự chết bức bách kề bên, lúc đó có cái gì thúc đẩy ghê sợ lắm, tưởng chừng như không còn đủ thời gian để mà tu nữa. Đây, không phải chỉ hiểu lý vô thường theo kinh điển Phật dạy, mà đây là sự cảm nhận sâu trong lòng. Cho nên, hạ thủ công phu phải quyết chí, quên ăn quên ngủ, như Lục Tổ nói “giống như người ngơ ngơ”. Nhiều khi gặp bà con khách xa đến, liền ngó lơ đi không thèm chào hỏi. Nhờ vậy, qua thời gian dài thiết tha công phu, mới thực sự có kết quả chứ không phải dễ dàng.

Ở đây Tổ nhắc: Sinh tử là việc lớn phải có sự thức tỉnh nơi mình. Có khi nhìn các vị cứ lo ngủ gà ngủ gật, bàn ăn bàn uống món này món kia thì thấy run sợ, vì lơ là cái chuyện lớn của mình đi. Phật dạy: “Sinh tử giống như ngục tù”. Ngục tù sinh tử này đã nhốt chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay. Xét kỹ thật đáng sợ chứ không phải tầm thường. Nếu chỉ nói trên lý “sinh tử như mộng”. Như mộng khi nào mình đã thấu suốt được nó. Cho nên, quán kỹ lại mỗi một lần sinh tử là một lần chồng thêm cái mê cách ấm cho mình, qua một lần sinh tử thì quên một lớp, qua một lần nữa thì quên một lớp nữa.

Như vậy qua một lần sinh tử thì thêm một lớp quên, rồi càng tạo nghiệp sâu thêm, có khi quên mất gốc. Có những người chừng hai mươi hai mấy tuổi sớm phát tâm xuất gia vào chùa, nhưng do sinh vào gia đình tạo nghiệp sát sinh như lưới cá v.v.., thì lúc nhỏ ở gia đình người này cũng đã tạo thêm nghiệp.

Quán kỹ rồi thấy sợ. Hôm nay chúng ta ngồi chung ở đây, ngày mai bỏ thân này rồi đi đâu? Không biết có còn xuất gia tu hành, còn được nhắc nhở nhau tiến tu như vầy nữa hay không? Vì vậy, Quốc Sư Vô Nghiệp có dạy: “Lúc lâm chung mà còn một mảy tình phàm lượng thánh chưa sạch, một chút bụi tư niệm chưa quên thì theo niệm thọ sanh. Năm ấm nặng nhẹ gá vào thai lừa bụng ngựa cho đến chốn địa ngục. Một phen vào lò lửa vạc sôi thì những điều ghi nhớ nghĩ tưởng, kiến giải trí tuệ từ trước nhất thời đều mất hết, rồi y như trước trở lại làm thân con muỗi con kiến.”

Ngài dạy đến lúc lâm chung mà tình phàm lượng thánh chưa hết, vẫn còn chút mảy bụi tư niệm chưa quên thì liền theo niệm đó mà thọ sanh. Ví dụ như lúc chúng ta sắp chết mà còn nhớ tiếc một cái gì đó thì nguy, hoặc lúc đó mà còn một chút niệm bực tức thì liền theo đó mà thọ sanh. Rồi theo năm ấm nặng nhẹ mà đi vào các đường thọ sanh. Nặng thì vào thai lừa bụng ngựa hoặc vào chốn địa ngục dầu sôi… Lúc đó, quên hết những điều ghi nhớ, những kiến giải trí tuệ từ trước, lý thiền lý đạo, thảy đều mất hết. Lúc đó không thể tự nói “Tự tánh của ta vốn thanh tịnh, địa ngục giống như là mộng” mà chỉ nhớ cái khổ thôi! Rồi y như trước làm thân con muỗi, con kiến.

Chúng ta buông lung thân tâm, tu không khéo một phen đi lạc vào đó rồi thì nguy hiểm. Đây không phải nói để hù dọa mà đó là lẽ thật. Trong kinh Pháp Cú có câu chuyện: Lúc đức Phật ở tinh xá Kỳ Viên, ngài dạy các Tỳ kheo phải luôn tinh tấn tu tập đạo nghiệp để dứt trừ mê mờ, giải thoát các khổ. Có vị Tỳ kheo tâm trí không được thông suốt, cả ngày ăn xong rồi vào phòng đóng cửa nằm ngủ, chỉ quý cái thân huyễn mà không lo tu. Vì không biết mình chỉ sống được bảy ngày nữa thôi. Phật biết sau khi chết ông sẽ đọa vào đường dữ nên thương xót, mới đi đến phòng lúc ông còn đang ngủ, Ngài gõ cửa đọc bốn bài kệ để cảnh tỉnh:

Bài thứ nhất

Ôi! hãy dậy đừng mê
Loài rận ốc trai mọt.
Ẩn mình trong bất tịnh
Mê hoặc chấp làm thân.

Phật cảnh tỉnh: Hãy dậy đừng có mê, giống như loài rận loài trai loài mọt sống trong bóng tối. Con rận sống trong quần áo của người, trong bóng tối. Con trai nó khép hai cái vỏ vào cũng là sống trong bóng tối, loài mối mọt cũng vậy. Chúng đều ẩn mình trong bất tịnh.

Bài thứ hai

Đâu có bị chém thương
Mà tâm như trẻ bệnh.
Đối trước bao ách nạn
Lại tham đắm ngủ nghê.

Tức là, đâu phải người bị chém bị thương tật gì, mà tâm như đứa trẻ bị bệnh cứ lo ngủ.

Bài thứ ba

Biết nghĩ không buông lung
Lo học đạo từ bi.
Do đó không ưu sầu
Thường nhớ trừ vọng tưởng.

Đây là đánh thức. Người mà khéo biết nghĩ thì không có buông lung, lo học đạo, do đó mà không có ưu sầu.

Bài thứ tư

Chánh kiến luôn trau dồi
Là ánh sáng giữa đời.
Sinh ra phước đầy đủ
Chết không đọa ác đạo.

Khi ấy, Tỳ kheo đang ngủ nghe bài kệ giật mình thức dậy, trông thấy Phật trước cửa hoảng sợ đứng dậy đảnh lễ. Phật mới hỏi: -Ông có biết kiếp trước của ông là gì không?

Vị Tỳ kheo thưa:

– Dạ! Bạch Thế Tôn con vì ấm cái (ấm là năm ấm, cái là ngũ cái) nó che ngăn đâu thể biết được.

Phật bảo:

– Vào thời Đức Phật Tỳ-bà-thi, ông đã từng xuất gia nhưng vì tham lợi dưỡng, lo ngủ nghỉ, cung phụng cái thân huyễn này chẳng chịu tu hành, không nhớ lẽ vô thường. Khi chết, đọa làm loài rận năm chục ngàn năm, kế đó sinh vào loài trai loài sò và sâu mọt ở trong cây, mỗi loài cũng năm chục ngàn năm. Bốn loài này nó đều sinh trưởng trong bóng tối, nó thích chỗ kín đáo tối tăm lấy đó làm nhà, không thích ánh sáng giống như là mê ngủ thích chỗ tối tăm. Quý vị nghĩ nếu chúng ta đọa với khoảng thời gian như vậy thì sao? Năm chục ngàn năm mỗi loại như vậy, đến lúc thoát ra thì chỉ thích bóng tối. Ông nhờ hết nghiệp sinh làm người, được làm Sa-môn thì sao không biết nhàm chán lại ham ngủ?

Khi ấy, vị Tỳ kheo này nhờ uy lực của Phật nhớ lại đời trước của mình. Bây giờ có ai trong đây nhớ lại đời trước của mình chừng năm đời đã từng làm trâu làm heo thì chắc tu tiến lắm. Còn ở đây, nương oai lực của Phật vị Tỳ-kheo nhớ mình năm chục ngàn năm làm rận, năm chục ngàn năm làm trai sò sâu mọt nên vị Tỳ kheo ấy quá hoảng sợ. Ông hổ thẹn sợ hãi tự trách mình và nỗ lực quán xét tu hành nhờ vậy mà ngay hiện đời trừ sạch ngũ cái, chứng A-la-hán.

Đó là một bài pháp rất chí thiết với chúng ta.

Thân này là thân huyễn, vậy mà cứ nuôi dưỡng cưng chìu cung phụng cho nó. Lo cho nó ngủ tức là cưng chìu nó chứ gì? Rồi cho nó ăn uống, nó đòi hỏi ăn uống thế này thế kia, tức là cung phụng cho nó. Nhưng mà nó là cái thân huyễn, cuối cùng vì nó mà chúng ta bị sa đọa thì thật là đau đớn. Cho nên, tu đạo giác ngộ là phải đi đến chỗ sáng, không đi vào chỗ tối. Vậy sao có người vẫn thích ở trong bóng tối? Đó là kiểm để nhắc nhở tất cả đừng lo cưng chiều cái thân huyễn, dung dưỡng nó mà không lo tu hành để thành tựu chí xuất trần của mình.

Khi nghĩ đến con đường sinh tử, chúng ta không thể nào xem thường mà sinh tâm tự mãn. Hiện tại chúng ta đang mở mắt tỉnh táo hoàn toàn đây, mà đối với tình phàm vẫn chưa làm chủ được, thì khi bệnh hoạn đau yếu nghị lực nó cũng yếu theo, lúc nhắm mắt sẽ ra sao? Ít ai chịu nghĩ đến điều này. Điều mà tất cả chúng ta rồi cũng sẽ đi tới!!!

Thiền sư Đại Huệ từng bảo: “Như tôi lúc mà chưa ngủ thì những điều Phật dạy, những điều Phật ngợi khen tôi y theo đó mà làm. Điều Phật quở trách thì chẳng dám vi phạm. Trước kia y chỉ theo thầy tự thực hiện công phu được chút sở đắc thì lúc tỉnh thức đều được thọ dụng. Nhưng mà đến lúc lên giường mơ màng nửa thức nửa ngủ thì làm chủ tể không được. Mộng thấy vàng bạc thì mừng rỡ vô hạn, mộng thấy người dùng dao gậy bức hiếp và các cảnh giới dữ dằn thì thấy sợ hãi kinh hoàng. Tôi tự nghĩ thân này hãy còn chỉ có ngủ mà làm chủ không được, huống là đất nước gió lửa phân tán, các thứ khổ bừng dậy thì làm sao chẳng bị lôi kéo. Nghĩ đến đây mới bắt đầu lo lắng”.

Chính ngài Đại Huệ mà còn than, lúc tỉnh thức thì được thọ dụng, nhưng khi lên giường ngủ mơ mơ màng màng thì làm chủ không được. Ngài Đại Huệ tự thực hiện công phu có chút sở đắc còn như vậy, chúng ta có như vậy không? Thật chưa có công phu gì? Vậy thì khi sắp chết, lúc mà đất nước gió lửa phân tán, các thứ khổ nó kéo nhau tới thì chúng ta sẽ ra sao? Nghĩ đến đó rồi mới thấy lo lắng.

Cho nên, mỗi người chúng ta phải tự xét lại xem có đáng lo sợ hay không? Trong lúc tỉnh táo có ai làm chủ thực sự chưa? Đó là chưa nói đến lúc ngủ. Nếu chưa được vậy thì đâu tránh khỏi bị sinh tử dẫn đi. Rồi chí xuất trần của chúng ta có bảo đảm thẳng đường mà đi không? Hay chỉ ngày qua ngày vẫn thấy bình thường không lo tu hành.

Tổ Xà Dạ Đa ở Ấn Độ thuật lại: “Ngài đã năm trăm đời làm chó, chỉ có hai lần được ăn no mà lại bị nạn, bị chặt đầu”. Thật đáng sợ. Cũng như ngài An Thế Cao độ sư huynh. Vị sư huynh là người thông suốt kinh điển nhưng tâm hay sân hận. Đi khất thực mà gặp thí chủ nào cúng dường không vừa ý thì nổi giận. Ngài An Thế Cao khuyên hoài không được. Nên nói: Ông hãy cố gắng nếu không về sau sẽ đi đường xấu. Quả thật sau vị sư huynh chết làm thần miếu ở Cung Đình Hồ tại Trung Hoa. Tuy là thần miếu nhưng thân là đại mãng xà. Ngài An Thế Cao nhớ tình đồng đạo, nên đến độ thoát cho.

Vì vậy, mỗi lần nghĩ đến kiếp luân hồi này, rồi kiểm lại đời tu của mình chưa có công phu gì đáng kể, đạo nhãn cũng chưa sáng thì quảû bất an vô cùng, chứ không phải dễ!

Trong bài Tiểu Tham của Thiền sư Ỷ Ngộ ở Pháp Xương, dạy: « Nghiệp thức mênh mông không gốc có thể tựa, ăn năn lại chẳng kịp. Thọ báo theo duyên thay đầu đổi mặt đều chưa thể định được. Đâu chẳng thấy các bậc Bồ-tát học Bát-nhã ngày trước chớ có tự lừa dối chính mình phải rất cẩn thận, còn một mảy may chẳng hết là chưa thoát khỏi luân hồi. Một chút tình niệm chưa quên đều theo đó mà chìm đắm. Ông muốn biết loài mang lông đội sừng chăng? Chính là ông lúc bình thường làm chủ tể tầm bậy. Còn ông muốn biết địa ngục rút lưỡi không? Chính là lừa dối trong đường mê. Ông muốn biết băng lạnh vạc dầu sôi ư? Chính là ông lạm dụng của tín thí. Ba đường dữ tám nạn khổ đều là tự tâm ông làm ra hết. Chỉ vì con mắt đạo chưa sáng mới thành ra như vậy!

Tức là nghiệp thức mênh mông không bờ mé, nếu chúng ta tu không khéo trôi theo nó thì ăn năn không kịp. Rồi theo duyên thọ sanh, lúc đó thay đầu đổi mặt, bây giờ mang thân này nhưng không biết qua đời sau mang thân nào? Đừng nghĩ loài mang lông đội sừng nó ở đâu xa, chính là chúng ta lúc bình thường làm chủ tể sai lầm, hành động sai lầm nên không khéo đi vào các loài đó. Nếu lúc ra đi còn một tình niệm chưa quên bị nó dẫn đi, đến lúc đó thì không thể nói lý, không thể nói sinh tử như mộng hoặc tự tánh Niết-bàn. Trong khi chúng ta hiện nay tình niệm còn nhiều, nghiệp thức còn khá mà không lo tận tâm tinh tấn để công phu thì sẽ đi đến đâu? Rồi ý nghĩa xuất trần nó sẽ được thành tựu ra sao? Đó là điều mà tất cả chúng ta đều phải kiểm lại. Cho nên chúng ta phải quán kỹ, nhớ kỹ việc sinh tử là việc lớn chứ không phải là chuyện tầm thường.

Thệ nguyện giải quyết cho xong việc sinh tử

Chúng ta đã biết rõ ý nghĩa xuất trần, nỗi khổ của kiếp sinh tử, sự trói buộc của đám trần lao hệ lụy này rồi, thì chúng ta không thể tu lừng chừng cho qua ngày tháng. Chúng ta không thể sinh tâm buông lung, dễ duôi để phước ngày càng tổn, càng mỏng dần. Nên nhớ rằng: Chớ có xem thường việc nhỏ. Một ngày mình buông lung một chút là nó tổn phước một chút, cộng lại nhiều lần thì phước tổn sâu. Khi tổn phước rồi sẽ ảnh hưởng đến công phu tiến đạo, đến đạo tâm của mình. Cho nên ý thức được trách nhiệm bổn phận, ngay đây chúng ta phải phát tâm mạnh mẽ thề giải quyết xong vấn đề sinh tử này, chứ không thể dễ duôi được.

Người xưa có câu: «Đời này chẳng thẳng đời này độ, còn đợi đời nào mới độ thân». Nghĩa là ngay đây không chịu độ mà còn hẹn chờ đợi đến đời nào nữa. Đợi đến đời sau thì đời sau ai vào đó để độ? Cũng là mình thôi chứ đâu ai vào đó độ thay cho mình, vậy thì tại sao ngay đây không độ liền đi? Khỏi phải tốn thời gian thêm nữa. Trong khi qua một thời gian thì nó tạo thêm nghiệp mới nữa. Ngay đây độ liền có phải là bớt ít thời gian hơn không? Nếu còn hẹn đời sau, chính là tạo cơ duyên cho tâm giải đãi. Khéo là phải ngay đây bắt tay vào liền chứ không có đợi chờ.

Hoà Thượng Thủy Am dạy chúng: «Xưa các ngài Đại Ngu, Từ Minh, Cốc Tuyền, Long Nha kết bạn với nhau để cùng đến tham vấn ngài Phần Dương. Tức là ngài Phần Dương Thiện Chiêu, ngài ở vùng đất Hà Đông, nơi đó rất lạnh. Một số người ở đó chịu không nổi bỏ đi, chỉ có ngài Từ Minh là người có chí học đạo ngày đêm không lười mỏi. Ban đêm ngồi thiền buồn ngủ ngài bèn lấy cái dùi tự đâm vào thân và than rằng: Cổ nhân vì việc lớn sinh tử mà không ăn không ngủ còn ta là hạng người nào mà dám phóng túng buông lung. Lúc sống thì vô ích lúc chết không để tiếng tăm về sau. Ấy là tự bỏ mình vậy.

Ngài Từ Minh tự nhắc mình, người xưa vì việc lớn sinh tử là như vậy đó. Cho nên, đâu thể hèn yếu so đo tính toán chần chừ để nuôi lớn tâm sinh tử thêm. Xưa các ngài chỉ một đao mà chặt đứt không ngó lại, phải dũng mãnh như vậy để mà tiến tới. Chính trong bản Thanh Quy của Thiền viện, Hòa Thượng cũng khẳng định điều đó:

Thứ nhất là tính dứt khoát. Dứt khoát tức là đời ra đời đạo ra đạo, tu phải đến nơi đến chốn, không có thái độ lưng chừng mà phải quyết tu đến sáng đạo, phải dứt khoát như vậy.

Thứ hai là tính kiên quyết. Dù khó khăn chướng ngại do ngoại cảnh hay bản thân tạo ra đều khẳng định vượt qua, kiên quyết thực hiện kỳ được giải thoát viên mãn mới thôi. Không đổ thừa là tại ngoại cảnh làm cho khó tu rồi chuyển đổi thoái tâm, hoặc do bệnh hoạn gì đó hay do cái gì trở ngại, đều khẳng định vượt qua hết, phải tu đến giải thoát viên mãn mới được, kiên quyết dứt khoát.

Ngài Hám Sơn cũng từng nhắc nhở: «May thay trong kiếp này nhờ sự trợ giúp và chỉ dạy của Chân sư, hạt giống Bát-nhã ở trong chư vị có cơ tăng trưởng. Nhờ thế lòng mộ đạo và quả quyết của chư vị được thức tỉnh, nhưng chư vị phải nhận thức rằng không dễ gì nhổ được, lấp được các gốc rễ luân hồi đã ăn sâu trong chư vị từ thời vô thủy. Công việc này không phải là tầm thường, chỉ có những người có ý chí và sức mạnh, đủ can đảm để mà đảm đương cái gánh nặng như vậy. Và dấn thân tới trước không chút do dự hay rụt rè thì mới vào được đạo.

Tức là chúng ta cũng còn có duyên tốt trong kiếp này, nhờ được các bậc Chân sư nhắc nhở đánh thức cho nên hạt giống Bát-nhã trong tâm mới có cơ hội nẩy mầm, tăng trưởng nhưng không phải ngay đó sạch hết các gốc luân hồi. Vì gốc luân hồi đã ăn sâu từ vô thủy rồi không phải một lúc mà sạch hết. Phải là những người có sức mạnh và ý chí can đảm, sẵn sàng dấn thân tới trước mới mong vào được đạo, nào phải việc tầm thường.

Qua đó, chúng ta mới thấy chư Tổ đều như nhau, luôn luôn thúc đẩy người tu phải có sự quyết tâm mạnh mẽ để tinh tiến vượt lên, chứ không thể lừng chừng hẹn nay hẹn mai. Chúng ta mê lầm huân tập từ vô thủy kiếp cho đến ngày nay, đâu thể một ngày hai ngày mà dứt trừ được. Tuy nay chúng ta cũng có được cái duyên tốt, được thầy bạn tốt nhắc nhở đánh thức hạt giống Bát-nhã trong tâm, để có cơ hội phát khởi tăng trưởng, nhưng những nghiệp tập nó đâu có một lần mà hết được. Thỉnh thoảng nó sống dậy, do đó chúng ta phải có một ý chí sức mạnh vươn lên, sẵn sàng tiến tới chứ không thể ỷ lại, không thể chần chờ. Phải có sự quyết tâm thề nguyện giải quyết xong việc lớn sinh tử, không phải vào chùa an nhàn chỉ một thời sám hối hai thời ngồi thiền vậy là đủ trả nợ. Mà chúng ta phải giải quyết xong việc lớn sinh tử này, phải sáng tỏ được đạo, chứ không phải chỉ bấy nhiêu đó đủ rồi.

Trích: Chí xuất trần – Hòa thượng Thích Thông Phương!

Bài viết cùng chuyên mục

Ý nghĩa của Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện là gì?

Định Tuệ

Mê ngộ là căn bản, thiện ác lại là thứ yếu, là cành ngọn

Định Tuệ

Tụng tâm chú Lăng Nghiêm mỗi ngày có lợi ích vô cùng

Định Tuệ

Vì sao niệm Phật A Di Đà mà không phải là niệm Phật khác?

Định Tuệ

Sám hối nghiệp chướng cần phải từ trong tâm địa của chính mình

Định Tuệ

Giải đáp mười điều nghi vấn về cõi Tịnh độ phần 1

Định Tuệ

Cúng thí thực là gì? Những lợi ích của cúng thí thực

Định Tuệ

Cõi Dục giới là gì? Tìm hiểu về cõi Dục giới trong Phật giáo

Định Tuệ

Nội dung và ý nghĩa Vãng Sanh Tịnh độ Thần Chú

Định Tuệ

Viết Bình Luận