Cho nên tôi thường hay nói, pháp môn này của chúng ta là pháp môn không già, pháp môn không bệnh, pháp môn không chết.
Đà La Ni cũng là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung Quốc là tổng trì. Tổng tất cả pháp, trì tất cả ý, đó là danh tướng mà thời xưa dịch Kinh. Nếu dùng lời hiện tại mà nói thì cương lĩnh, đại cương, tổng cương lĩnh của hết thảy Phật pháp gọi là Đà La Ni Môn. Bạn nắm vững được tổng cương lĩnh thì bạn đạt được. Thông thường giải thích về tổng cương lĩnh này, thường nói nhiều nhất là “tất cả ác không sanh, tất cả thiện thêm lớn”, đó là Đà La Ni Môn, đó là tổng cương lĩnh. Ngày nay người niệm Phật chúng ta, tất cả Đà La Ni Môn chính là chấp trì danh hiệu. Các vị thử nghĩ xem, một ngày từ sớm đến tối niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật này, các ý niệm khác thảy đều không có. Ý niệm không có chính là các việc ác không sanh, không cần nói tạo ác, mà ý niệm ác cũng không có. Một câu vạn đức hồng danh này là thế xuất thế gian đệ nhất thiện pháp. Từng câu từng câu tiếp tục niệm là tăng trưởng thiện, tất cả thiện pháp đang tăng trưởng.
Các vị bước vào niệm Phật đường liền được tất cả Đà La Ni Môn. Tuy là khi bạn rời khỏi niệm Phật đường công phu liền mất hết, liền sẽ loạn lên, thế nhưng trong một tuần lễ, bạn có thể có được thời gian một ngày được “không sanh không diệt, các tam ma địa, tức đắc tất cả Đà La Ni Môn” là rất cừ khôi rồi. Không dễ dàng! Mỗi một tuần lễ đều đến luyện một lần, huấn luyện hai, ba năm thì công phu của bạn sẽ rất cao. Nếu như bạn có thời gian rảnh rỗi, ngày ngày đến tiếp nhận huấn luyện này thì ba năm bạn liền thành Phật, tội nghiệp trong vô lượng kiếp đều sẽ tiêu được sạch trơn.
Chúng ta xem thấy trong Vãng Sanh Truyện, chúng ta ngay trong một đời thường xem thấy, nghe thấy rất nhiều người niệm Phật vãng sanh, có người đứng mà đi, có người ngồi mà đi, biết trước giờ chết không bị bệnh, đi được hoan hỉ, đi được tự tại, đi được rất đẹp. Đó là công phu gì vậy? Đều là công phu niệm Phật thành tựu. Có một số người nghe được thì nói: “Niệm Phật đường này niệm ba năm thì phải chết, không nên đi”. Như vậy thì còn gì để nói chăng? Sợ chết khiếp! Vậy thì được sao? Có loại ý niệm này là mê hoặc điên đảo, xả không được sáu cõi luân hồi, không xả được ba đường ác, vẫn phải tiếp nối, tham sống sợ chết, vọng niệm sanh tử này bạn chưa có xả bỏ.
Trong pháp môn niệm Phật không có sanh tử, bạn không nên cho rằng đó là chết. Không chết! Vãng sanh là sống mà vãng sanh, chết thì không thể vãng sanh, cho nên pháp môn này gọi là không sanh không diệt, vậy thì đúng. Vì sao vậy? Khi vãng sanh bạn rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, Phật đến tiếp dẫn, ta cùng đi với Phật, cái túi da thối này không cần dùng đến nữa. Bởi vì đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì phải đổi một cái thân kim sắc tử ma, đến nơi đó tướng mạo trang nghiêm giống y như tướng mạo của A Di Đà Phật, thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp. Cái tướng của chúng ta thật là quá xấu, đến nơi đâu cũng không có người hoan nghênh, cho nên chúng ta phải đổi cái thân này, phải đổi thành tướng hảo. Đi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cái thân thể này không cần đến nữa thì bỏ đi. Sống mà ra đi, quyết định không phải chết mà đi. Cho nên tôi thường hay nói, pháp môn này của chúng ta là pháp môn không già, pháp môn không bệnh, pháp môn không chết. Bạn đi đến đâu để tìm? Tôi nói thảy đều là lời thật, chỉ cần bạn niệm Phật, niệm đến tâm địa thanh tịnh, thì như vừa rồi đã nói, bất cứ bệnh khổ nào cũng sẽ niệm tiêu hết, đều không còn, bạn sẽ không bị bệnh, bạn cũng không già yếu, ngày ngày hoan hỉ. Hoan hỉ thì trẻ trung.
Con người vì sao mà già? Lo buồn thì già. Người xưa thường nói: “Lo có thể khiến cho con người già”. Bạn thường hay lo buồn thì bạn dễ dàng lão hóa. Trong lòng bạn thường hay hoan hỉ thì bạn làm sao già? Bạn không thể già. Cho nên ở trong niệm Phật đường buông bỏ tất cả thân tâm thế giới, pháp hỉ sung mãn, bạn không già không bệnh không chết, bạn đi làm Phật. Hơn nữa, nếu thật đến được chỗ này, khi công phu chín muồi thì sanh tử tự tại, bạn muốn đi lúc nào thì có thể đi ngay lúc đó, bạn muốn ở thêm vài năm cũng không ngại gì. Sau khi công phu thuần thục thì thân không còn là thân nghiệp báo. Ngày nay chúng ta muốn ở thêm vài năm cũng không được, thọ mạng đến rồi không đi không được, không được tự tại, thọ mạng chưa đến muốn chết cũng chết không được, thọ mạng đến rồi muốn sống cũng sống không được. Phiền phức này thật lớn!
Công phu niệm Phật của bạn thành tựu thì bạn liền tự tại, muốn ở thêm vài năm cũng không ngại gì, muốn đi sớm một chút thì liền có thể đi sớm, đến lúc đó bạn chính mình liền biết được chính mình phải nên làm thế nào. Nếu ở thêm vài năm nữa ở thế gian này là vì lý do gì? Độ chúng sanh. Còn có một số chúng sanh có duyên với mình, bạn vì để giúp đỡ những chúng sanh này nên ở thêm vài năm để độ họ. Đó mới là lý do. Quyết định không phải do ham thích hưởng thụ thế gian này. Hưởng thụ thế gian làm gì có thể sánh được với Thế giới Tây Phương Cực Lạc? Ở chỗ này của chúng ta, phòng ở cũng xem là không tệ, nhưng ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì cái phòng này không có người nào ở, họ đều là ở cung điện bằng bảy báu. Bên trên chúng ta chỉ họa một số phù điêu, thiếp vàng lên trên, đó là loại vàng giấy rất mỏng dán lên một lớp vậy thôi. Còn những đồ vật đó ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều thuần là vàng, làm gì chỉ dán lên một lớp mỏng? Bạn xem, dưới đất thì đất bằng lưu ly. Lưu ly là gì vậy? Hiện tại người thế gian chúng ta gọi là tủy thuý, ở trong Kinh Phật gọi là lưu ly, ngọc màu xanh, loại quý nhất trong các loại ngọc. Đất đai ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc là bằng lưu ly, trong suốt, cho nên từ mặt đất có thể nhìn thấu xuống lòng đất. Vàng ròng là dùng để đắp đường, như chúng ta lót thảm. Như vậy thì bạn làm sao có thể lưu luyến đối với thế gian này, vậy thì quá kỳ lạ, không hề có đạo lý này.
Ăn uống, bạn thấy trên Kinh nói, muốn ăn thứ gì, ý niệm vừa nghĩ thì đồ ăn đã bày ra trước mắt. Đến lúc đó liền sẽ nghĩ, chúng ta không phải là phàm phu nữa, không phải chúng sanh sáu cõi, ý niệm muốn ăn là tập khí ở trong sáu cõi, khi tập khí khởi lên, nó tự nhiên liền hiện hành. Vừa giác ngộ thì lập tức không còn nữa, lại biến mất hết, sạch sẽ tinh khiết. Cho nên Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có nhà bếp, cũng không có rác rưởi. Bạn nói xem, tự tại dường nào!
Cung điện của bạn ở sạch sẽ tinh khiết, trong đây trống rỗng không có bất cứ thứ gì, bạn muốn bất cứ một thứ nào thì thứ đó liền hiện ra, khi không cần nữa thì không còn. Bạn nói xem, tự tại cỡ nào! Làm gì giống như chúng ta hiện tại đồ đạc để lộn xộn rối rắm, từng đống từng đống, khi dọn dẹp thì cũng rất phiền phức. Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, những hiện tượng này thảy đều không có. Bạn thử nghĩ xem, khi người đã công phu tới rồi, vì sao mà họ không mau đi? Họ đi hưởng phước. Hai thế giới này đem so sánh thì kém nhau quá xa. Họ có phước báo lớn như vậy nhưng họ không hưởng phước, họ lưu lại ở nơi đây, đó là xả mình vì người, giúp đỡ một số chúng sanh, có duyên mang theo nhiều người cùng đi. Lý do ở ngay chỗ này. Nếu như chính mình không có duyên phận với chúng sanh thì khi công phu thành tựu rồi, không ai mà không đi sớm hơn.
Người thông thường chúng ta muốn đi mà đi không được, đó là bất đắc dĩ thôi. Chân thật có được năng lực này thì ai mà không hy vọng đi sớm hơn, sớm một ngày thấy Phật. Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi ngày bạn không chỉ cúng dường mười vạn ức Phật. Trên “Kinh A Di Đà” nói mười vạn ức Phật, đó là không dụng ý. Trên thực tế, mỗi ngày bạn đi cúng dường vô lượng vô biên chư Phật. Thế Tôn nói với chúng ta mười vạn ức là vì chúng sanh thế giới này của chúng ta mà nói. Bởi vì chúng sanh thế giới này tình chấp rất nặng, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc luôn là nghĩ đến địa cầu từ trước là quê hương của chúng ta, quê hương hiện tại như thế nào rồi, quan tâm một chút, cho nên mới nói mười vạn ức cõi nước Phật, ý này chính là như vậy. Bạn lúc nào cũng có thể quay lại địa cầu này để thăm viếng. Phật nói pháp dụng ý chính ngay chỗ này, năng lực thực tế siêu vượt hơn đây rất nhiều lần. Thế giới tốt đẹp như vậy, đến nơi đó có được thành tựu thù thắng như vậy, vì sao chúng ta không chịu đi?
Hai câu này nếu như chúng ta tu các pháp môn khác thì không dễ gì đạt đến được, thế nhưng tu pháp môn Tịnh Độ thì rất dễ dàng đạt đến được, cho nên đối với các pháp môn khác, các Bồ Tát trong các pháp môn khác chân thật là pháp khó tin. Cho nên không vào cảnh giới này thì họ không tin, nan tín chi pháp, chúng ta cũng có thể thể hội. Niệm Phật đường này của chúng ta, chúng tôi nói với mọi người là niệm Phật đường này rất thù thắng. Họ nghe đến sau cùng thì không tin, họ đều khó tin, nhưng đến nơi đây niệm Phật vài ngày thì họ tin tưởng. Ngay đến một việc nhỏ xíu như vậy mà họ còn khó tin, huống hồ Phật Kinh nói cảnh giới viên mãn thù thắng như vậy. Cho nên tỉ mỉ mà thể hội, đem việc nhỏ này so sánh với những việc thù thắng như vậy thì chúng ta có thể thể hội được một chút, tăng thêm tín tâm của chúng ta, tăng thêm nguyện lực của chúng ta. Tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ quyết định thành tựu.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 42
Tâm Hướng Phật/St!