Niệm Nam mô A Di Đà Phật (sáu chữ) và niệm A Di Đà Phật (bốn chữ) cách nào tốt hơn? Niệm A Di Đà Phật ngắn gọn dễ nhập tâm hơn. Còn việc thành kính là do ở tâm.
6- Hỏi: Người tu Tịnh nghiệp có bắt buộc phải ăn chay trường không?
Đáp: Không bắt buộc, nhưng hành giả Tịnh Độ quyết tâm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, thành Phật độ chúng sanh mà còn ăn thịt chúng sanh là thiếu tâm từ bi.
Tâm này không tương ứng với tâm Phật nên khó vãng sanh phẩm vị cao. Tổ thứ tám Liên Trì đại sư dạy: “Ác lớn nhất là sát sanh”. Ăn chay là ngưng sát sanh, ngừng được nghiệp sát. Vậy ăn chay được càng nhiều ngày càng tốt, trường chay là quý nhất. Lại nữa, Tổ cũng dạy:
“Trong các hạnh thiện, phóng sanh là bậc nhất”. Vì sao?
Vì chúng sanh tham sống, sợ chết. Phóng sanh là cứu mạng sống chúng sanh, là mình tự tu Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), tự tu lục độ (bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy) và tự sám hối (chuộc tội sát sanh trước đây). Hưởng phước đức hiện đời là không bệnh hoạn, được sống lâu. Nếu hồi hướng vãng sanh Cực Lạc thì đã chuyển phước đức thành công đức. Công ít mà phước nhiều, nhân nhỏ mà quả to. Không cần phải chờ ngày lễ lớn phóng sanh chim, cá mà hằng ngày nên phóng sanh kiến, dán, ruồi, muỗi,… khi chúng vào nhà cũng tốt lắm rồi.
7- Hỏi: Niệm Nam mô A Di Đà Phật (sáu chữ) và niệm A Di Đà Phật (bốn chữ) cách nào tốt hơn?
Đáp: Xét nghĩa:
– Danh hiệu là A Di Đà Phật.
– Nam mô là quy mạng, là quay về nương tựa.
– Niệm Nam Mô A Di Đà Phật (sáu chữ) là nói quay về nương tựa Phật A Di Đà, tỏ lòng thành kính dễ cảm ứng hơn.
– Niệm A Di Đà Phật (bốn chữ), ngắn gọn dễ nhập tâm hơn. Còn việc thành kính là do ở tâm.
Liên Trì đại sư nói: “Ngài dạy đại chúng niệm Nam mô A Di Đà Phật, còn Ngài thì niệm A Di Đà Phật”.
8- Hỏi: Phản văn, văn tự tánh là sao?
Đáp: Là quay cái nghe lại, nghe tự tánh mình niệm.
Người đạt Bất Niệm Tự Niệm, nghe tự tánh mình niệm Phật bằng tánh nghe mới đúng nghĩa phản văn, văn tự tánh.
9- Hỏi: Nhập tâm và Bất Niệm Tự Niệm có khác nhau không? Nếu có, khác chỗ nào?
Đáp: Khác nhau, khác ở chỗ cạn, sâu.
Nhập tâm, hành giả chỉ nghe tiếng niệm Phật của tự tánh mình trong thời gian ngắn nào đó (còn gián đoạn, chưa nghe được toàn thời gian lúc thức, còn non cạn) tạm gọi là bước đầu của Bất Niệm Tự Niệm.
Trích: Niệm Phật đạt bất niệm tự niệm bảo đảm Vãng Sanh – Phần VII: Tổng Kết!