Tâm Hướng Phật
Nhân Quả

Lỡ tay làm chúng sinh chết, ta phải làm sao đây?

Trước cảnh đau khổ và chết của chúng sanh, con phải làm như thế nào để tránh sự trạo hối trong tâm con? Nhất là con đã xuất gia, để khỏi bị khuyết giới và nhân quả?

HỎI: Kính thưa Thầy! Thầy đã dạy chúng con tu tập trau dồi lòng từ, bi, hỷ, xả, trong công việc làm hàng ngày lỡ tay làm chúng sanh đau khổ hoặc chết. Trước cảnh đau khổ và chết của chúng sanh, con phải làm như thế nào để tránh sự trạo hối trong tâm con? Nhất là con đã xuất gia, để khỏi bị khuyết giới và nhân quả?

ĐÁP: Xưa, Đức Thế Tôn là người đi kinh hành nhiều nhất, ngay cả ban đêm, vì thế làm sao không vô tình giẫm đạp lên chúng sanh.

Giới luật dạy không giết hại chúng sanh, tức là dạy không cố tình giết hại chúng sanh, chứ không phải dạy vô tình.

Tứ vô lượng tâm là dạy từ, bi, hỷ, xả là để đối trị tâm tham, sân, si, ngã mạn, nghi, chứ không phải dạy vô tình sát sanh.

Chánh niệm tỉnh giác định là dạy chúng ta tỉnh thức trong mọi hành động để tránh sự vô tình sát sanh. Có tỉnh thức làm sao vô tình sát sanh, chỉ thiếu tỉnh thức say mê công việc, hoặc làm cho rồi việc thì mất tỉnh thức nên mới có trường hợp xảy ra vô tình sát sanh.

Người đi tu có tỉnh thức không bao giờ vô tình sát sanh. Người làm mọi công việc có tỉnh thức cũng không vô tình sát sanh.

Chỗ nào có chúng sanh nhiều chúng ta nên tránh, dưới cỏ, dưới đất, ta rất ý tứ nhưng không thấy lỡ tay làm cho chúng đau khổ hoặc chết, khi làm lỡ tay như vậy, trước thể xác chúng sanh con hãy chấp tay lên trước ngực và xin ước nguyện cho chúng sanh đang chết được sanh làm người, được gặp Phật pháp, được gặp Minh sư, được tu hành đến nơi đến chốn, đừng sanh làm loài chúng sanh nữa.

Một hạt gạo, một củ khoai, một trái cây, chúng ta ăn để sống hàng ngày, đều có sự gián tiếp giết hại chúng sanh trong đó.

Người nông dân sản xuất gạo và thực phẩm cho sự sống của con người, họ phải giết hại các loài sâu bọ, côn trùng mà còn phải giết các loài chim, chuột và các loài cầm thú khác để bảo vệ thực phẩm mùa màng.

Tuy chúng ta không trực tiếp giết hại, nhưng chúng ta ăn thực phẩm là đã gián tiếp giết hại, bởi vậy có thân này là thân nhân quả nghiệp báo không thể nào thoát khỏi nhân quả, tuy là vô tình nhưng cũng phải đền nợ máu. Đời sống chúng ta không còn cách nào khác hơn khi ta đã là con người và chúng sanh đã là con vật. Nợ máu xương trong tiền kiếp, kiếp này gặp nhau tuy vô tình cũng phải trả vay, vay trả.

Đạo Phật dạy chúng ta những gì chưa thấu hiểu, phải thấu hiểu. Có thấu hiểu lý của Đạo ta mới vững tâm tu hành, nếu không thấu lý của Đạo, tưởng chừng như không thể nào tu hành nổi.

Mới nghe giới luật đạo đức hiếu sinh của đạo Phật chúng ta chỉ còn có nước nhịn ăn, nhịn uống, treo chân, treo tay, chẳng còn dám làm gì cả. Nhưng, tội do đâu mà có?

– Do tâm mà có tội.
– Tâm do đâu mà có?
– Do dục mà có.
– Dục do đâu mà có?
– Do tham, sân, si mà có.

Mục đích tu tập của đạo Phật là đoạn dứt tham, sân, si, chứ không phải đoạn dứt sự vô tình sát sanh.

Khi nào tâm tham, sân, si hết là tâm đã bất động, mà tâm đã bất động thì còn hoàn cảnh, đối tượng và sự việc nào làm họ đau khổ thì làm sao gọi là có tội.

“Tánh tội vốn không do tâm tạo
Tâm bất động rồi tội có được không?”

Ở đây chúng ta đã hiểu được lý của Đạo nhưng còn tu hành phải như thế nào?

Tùy mọi hoàn cảnh, mọi việc làm, mọi đối tượng, cẩn thận, ý tứ, tỉnh thức để tránh vô tình sát sanh được ở mức nào tốt mức nấy. Đừng làm đại, làm đùa cho xong việc, mà hãy lấy việc làm thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm, tránh vô tình giết hại bằng sức tỉnh thức và pháp hướng tâm để quét sạch tâm tham, sân, si (vô lậu).

Người đời không biết tu, dù họ có tránh sát sanh hoặc vô tình sát sanh bằng mọi cách, nhưng tội khổ họ vẫn phải chịu.

Người tu biết cách diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp, dù tội họ có chất ngập cả không gian này, tâm họ bất động vẫn không thấy có tội. Tại sao vậy? Tại vì có tâm động mới có tội.

Mục đích tu hành là lo diệt ngã, xả tâm, chứ không đoạn dứt sự vô tình sát sanh nhưng phải cẩn thận, ý tứ, từng hành động để tránh sự vô tình sát sanh, đó là một hành động tu tỉnh thức tốt nhất.

Trước sự quằn quại đau thương của chúng sanh dưới bàn tay vô tình của mình, chúng ta không thấy thương tâm sao?

Người tu sĩ Phật giáo phải lấy tứ vô lượng tâm thực hiện định chánh niệm tỉnh giác, nhờ đó mới đạt được tâm “vô lậu” và nhập được “Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định” một cách dễ dàng, không còn khó khăn nữa.

Đừng tu tập theo kiểu Tịnh Độ một cách giả dối gian ác và lừa đảo mọi người. Tay cầm dao cắt cổ gà miệng đọc chú vãng sanh: “Nam Mô a di đa bà dạ, đa tha dà đa dạ…”. Đọc thần chú này khi con gà bị chết, linh hồn sẽ được về Cực Lạc Tây Phương, để được sanh làm người, thật là lừa đảo, dối người.

Những người tu theo Tịnh Độ với việc làm như vậy được xem là thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả” ư?

Thời nay, người xuất gia làm nhiều việc không phải việc của người xuất gia, nên thường phạm tội lỗi, nhất là tội sát sanh, ngày xưa người xuất gia chỉ duy nhất có một nghề khất thực, vì nghề đi khất thực nên ít phạm lỗi lầm, do đó tập tu Tứ Vô Lượng Tâm rất dễ dàng, chỉ cần tỉnh thức trên từng bước đi của mình là đã thực hiện được tâm từ, bi, hỷ, xả.

(Trích sách Đường về xứ Phật – Tập 3, NXB Tôn Giáo – 2011, trang 89-94)

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

Bài viết cùng chuyên mục

Đã giết hại sinh vật nhưng nay phóng sinh có bù trừ hết tội hay không?

Định Tuệ

Một lần mưu đồ giết hại cha mẹ, phải chịu khổ báo nhiều kiếp

Định Tuệ

Con cái ngày nay vì sao không có hiếu thuận với cha mẹ?

Định Tuệ

Người có Âm đức lớn khiến cho quỷ thần kính sợ

Định Tuệ

Phóng sinh cải đổi vận mạng cứu được mạng con

Định Tuệ

Uy thần công đức của Kinh Địa Tạng và Chú Đại Bi

Định Tuệ

Nhân quả nghiệp báo của nghề bán ốc

Định Tuệ

Lý Sĩ Khiêm thích bố thí

Định Tuệ

Những oan hồn trong Tử Cấm Thành

Định Tuệ

Viết Bình Luận