Từ những bậc thánh nhân thế xuất thế gian dạy bảo chúng ta, ở ngay trong cuộc sống thường ngày chúng ta phải nên chú ý điều gì?
Từ những bậc thánh nhân thế xuất thế gian dạy bảo chúng ta, ở ngay trong cuộc sống thường ngày chúng ta phải nên chú ý điều gì? Khổng Lão Phu Tử nói: “Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức”, nhà Phật dạy chúng ta: “Đại từ đại bi, oán thân bình đẳng”, đó là ở ngay trong cuộc sống tu pháp sám hối. Người khác đối với ta tốt, vậy là họ có ân với ta, chúng ta phải tri ân báo ân. Tại sao trên thế gian hiện tại, người vong ân phụ nghĩa nhiều đến như vậy? Họ không biết được ân đức, nói lời hơi khó nghe một chút là không biết được tốt xấu. Bạn nói xem, còn có cách nào không? Không những là người thông thường rất khó phân biệt, mà người nhận qua giáo dục cao đẳng cũng vậy. Chúng ta ở nước ngoài thấy những người nhận được học vị tiến sĩ, có địa vị tương đối ở trong xã hội, cũng tương đối có tiếng tăm, nhưng họ không biết ân nghĩa, không biết cái gì gọi là ân đức, vậy thì họ làm gì biết được báo ân? Thật là thấy lợi quên nghĩa. Họ làm việc ở trong công ty, đương nhiên là họ rất ưu tú, họ có kỹ thuật, họ có năng lực. Khi công ty khác biết được, đến nói với họ: “Anh đến chỗ tôi đi, tôi sẽ cho anh chức vụ cao hơn bên kia, cho anh sự đãi ngộ tốt hơn bên kia”. Họ vừa nghe thì liền từ chức bên kia, vội vàng đi qua bên này. Họ không biết được thân phận địa vị của họ là do người ta mang đến cho họ. Sau khi họ có địa vị rồi, quyền lợi ở nơi khác cao hơn một chút thì liền đi đến nơi đó. Thật đáng trách! Thấy lợi quên nghĩa, không biết được ân đức, đó chính là tạo tác tội nghiệp. Cho nên ngay đến thánh nhân thế gian đều dạy chúng ta “dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức”, chúng ta phải tri ân báo ân. Cho dù người khác hủy báng chúng ta, nhục mạ chúng ta, hãm hại chúng ta, chúng ta cũng dùng tâm thanh tịnh đối đãi với họ, dùng tâm chân thành đối với họ, đó là dĩ trực báo oán. Cái trực này chính là trực tâm mà nhà Phật đã nói, chính là tâm chân thành cung kính, chúng ta vẫn là dùng tâm chân thành tâm cung kính đối với họ. Đó là đạo lý làm người. Vì sao vậy? Tuyệt đối không kết oán thù với người khác. Phải nên biết, sau khi kết oán thù rồi thì đời đời kiếp kiếp báo không cùng tận, tương báo lẫn nhau, đến lúc nào thì mới kết thúc? Ngày nay người khác hủy báng ta, nhục mạ ta, hãm hại ta, đó là quả báo của chúng ta. Vì sao họ không hủy báng người khác, không hãm hại người khác, mà họ lại hãm hại ta? Nhất định là trong đời quá khứ của ta đã huỷ báng họ, hãm hại họ, ngày nay gặp lại họ thì họ hủy báng ta, hãm hại ta, tương báo lẫn nhau, vậy thì phải nên tiếp nhận thôi, cái nợ này chẳng phải đã trả xong rồi sao? Ta không còn tâm oán hận nữa, không còn có tâm báo thù nữa thì nợ này đến đây đã kết thúc, không còn gì nữa. Cho nên chúng ta phải dùng tâm chân thành cung kính để đối đãi với những người này thì nợ này liền trả xong. Không nên đời đời kiếp kiếp báo tới báo lui, thật phiền não. Đây là Phật dạy cho chúng ta, đó mới chân thật là phương pháp thông minh trí tuệ, giải quyết được vấn đề. Chúng ta không nên làm cho vấn đề phức tạp hơn, phải đem vấn đề giải mở. Giải mở rất thỏa đáng, rất viên mãn thì chúng ta trên đạo Bồ Đề mới được thuận buồm xuôi gió, mới không có chướng ngại. Trên Kinh Phật còn nói với chúng ta: “Ư nhất thiết xứ, nhi bất trụ tướng”, trên “Kinh Bát Nhã” thường nói: “Ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp”, không nên đem những pháp tướng này để ở trong lòng, bao gồm tất cả hiện tượng đều không để ở trong lòng. Đối với tất cả hiện tượng không nên sanh ưa ghét, thuận với ý của mình không nên có tâm tham ái, không thuận theo ý mình cũng không nên có tâm sân hận; ở trong thuận cảnh-nghịch cảnh, người thiện-người ác mà tu tâm thanh tịnh của chính mình, tu tâm bình đẳng của chính mình, đó gọi là thật tu hành. Cho nên hiểu được đời sống chân thật hạnh phúc mỹ mãn, đó là gì vậy? Tâm an lý đắc. Không luận ở trong hoàn cảnh nào, tâm của bạn vĩnh viễn là an định, vĩnh viễn không bị cảnh giới bên ngoài dao động, bạn mới chân thật trải qua ngày tháng hạnh phúc. Người xưa Trung Quốc chúng ta thường nói “đạm bạc minh trí”, đời sống càng đơn giản thì đời sống càng khỏe mạnh. Ở ngay trong đó then chốt nhất chính là tâm địa thanh tịnh, không nhiễm một trần.
Hiện tại thế gian này ô nhiễm rất nghiêm trọng. Ở bên trong thì ô nhiễm ở trong tâm, ô nhiễm tinh thần, ô nhiễm tư tưởng, ô nhiễm kiến giải vô cùng nghiêm trọng. Dùng phương pháp gì để phòng bị? Dùng phương pháp gì để đối trị? Dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Tâm địa của chúng ta thanh tịnh thì không bị ô nhiễm, trước sau giữ gìn tâm thanh tịnh, giữ gìn tâm bình đẳng. Trong tâm bình đẳng, quan trọng nhất là oán thân bình đẳng. Oán thân có thể bình đẳng thì tất cả những thứ khác đều bình đẳng. Hiện tại chúng ta là phàm phu, khi mới học, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng của hoàn cảnh, cho nên đối với hoàn cảnh không thể không xem trọng. Đến khi bạn chân thật có công phu, hoàn cảnh không ảnh hưởng bạn, vậy thì không hề gì. Hoàn cảnh chính là con người chúng ta thường hay nói phong thủy.
Phong thủy là gì vậy? Là ảnh hưởng của hoàn cảnh. Chúng ta chính mình nếu muốn thân tâm an ổn, bình bình an an, thì nơi hoàn cảnh của chúng ta ở phải bình. Cho nên nếu bạn chịu lưu ý một chút, bạn xem thấy người xưa Trung Quốc xây một cái nhà, xây một nhà vườn phải được tiếp nối nhiều đời. Vào thời xưa, bạn xây dựng một tòa nhà, nếu như không thể duy trì được 300 năm thì người ta sẽ không mời bạn đến xây cất cho họ. Bạn xây dựng một ngôi nhà chí ít phải có thể sử dụng được 300 năm, bạn làm một cái ghế chí ít phải có thể dùng được một trăm năm. Đồ gia dụng này của Trung Quốc hiện tại gọi là đồ cổ, không phải nói dùng vài ngày rồi thì không cần nữa, thì đổi cái khác, làm gì có chuyện xa xỉ vậy, bạn có phước báo bao lớn? Cho nên người Trung Quốc rất xem trọng đối với hoàn cảnh nơi ở, biết được xây dựng nhà phải tứ bình bát ổn, người ở trong đó thân tâm yên ổn. Chúng ta xem thấy nhà cửa của người nước ngoài không phải như vậy, nhà ở nước ngoài rất kỳ lạ, đặc biệt là có rất nhiều góc nhọn, người ở trong nhà như vậy tâm sẽ không bình, cho nên người nước ngoài ở một vài năm thì cắm một cái bảng bán nhà, dọn đi, họ thường hay dọn nhà như dân du mục. Họ không có gốc, người Trung Quốc có cố hương, người ngoại quốc không có cố hương. Người nước ngoài có thể ở một nơi qua được năm năm là rất ít, hai-ba năm thì họ dọn nhà. Tỉ mỉ mà xem thử thì quả nhiên không sai, nhà xây rất kỳ lạ, cái nhà đó không thể ở, ở nơi đó thân tâm đều không an ổn. Hiện tại một số người Trung Quốc trẻ tuổi làm nghề xây dựng cũng học người ngoại quốc xây một cách kỳ lạ, cho nên người ở trong đó tâm của họ cũng kỳ kỳ quái quái, như vậy thì xã hội đó làm sao có thể an ổn được? Họ không có công phu, Phật Bồ Tát ở thì không vấn đề gì, các Ngài không bị ảnh hưởng, còn phàm phu chúng ta bị hoàn cảnh ảnh hưởng (hiện tại nhà khoa học gọi hoàn cảnh là từ trường), họ bị từ trường này ảnh hưởng. Việc này chúng ta không thể không chú ý. Cho nên các vị muốn mua nhà, thì nhà đó phải được xây dựng rất bình ổn, không nên có quá nhiều góc cạnh. Góc nhiều thì phiền não lớn. Nhà của bạn ở không phải là hình vuông, mà là hình chữ nhật hay hình tròn cũng được, không nên có góc. Hiện tại rất nhiều nhà của người nước ngoài luôn luôn ngay cửa cái bị cắt đi một góc. Loại nhà như vậy, người ở trong đó không quá một trăm ngày nhất định sẽ nghĩ tưởng xằng bậy. Căn phòng đó làm phòng khách thì được, người vạn nhất không nên ở nơi đó, vì ở chỗ đó nhất định sẽ khởi vọng tưởng. Cho nên nhất định phải chánh đại quang minh, qui củ trật tự. Giảng đường là hình chữ nhật thì phải là hình chữ nhật, không nên đem cắt đi một góc như vậy. Đó là vì chúng ta bị ảnh hưởng của hoàn cảnh.
Chúng ta nhất định phải chọn lựa hoàn cảnh cư ngụ tốt, chọn lựa thức ăn khỏe mạnh. Ăn uống không cần phải nhiều, không nên nhiều màu sắc quá, cũng không cần phải đồ bổ cao quí gì. Đồ bổ cao quí là bổ cho người khác, chịu thiệt ở nơi mình, chính mình rất cực khổ kiếm ra tiền, mua những thứ này để họ kiếm lời to, phát tài. Khi mang về, thực tế mà nói, đều là giả. Bạn xem, tổ yến nơi đây giá tiền rất cao, có dinh dưỡng hay không vậy? Không hề có. Chưng một cái tổ yến, dinh dưỡng chân thật là ở đường phèn. Tổ yến không có dinh dưỡng, đường phèn rất tốt, có dinh dưỡng. Tiền chẳng phải đã bị người gạt đi mất rồi sao? Bổ cho ai vậy? Bổ cho người bán tổ yến. Người hiện tại thực tế mà nói, chân thật là nghe gạt, không nghe khuyên. Khuyên bạn thì bạn không tin, lừa gạt thì bạn tin. Báo chí, tạp chí đăng những quảng cáo này toàn là gạt người, làm gì là thật? Cho nên đời sống càng đơn giản bình dị càng tốt, tâm địa thanh tịnh, ăn uống giản dị đơn sơ thì khỏe mạnh sống lâu. Chúng ta hy vọng được khỏe mạnh sống lâu thì nhất định phải hiểu được phương pháp tu học, làm thế nào trải qua đời sống khỏe mạnh sống lâu. Cho nên danh lợi đạm bạc càng quan trọng, dưỡng tâm thanh tịnh.
Trên Kinh nói: “Chúng ta ở mọi nơi, đi đứng nằm ngồi phải thuần nhất chánh tâm”. Ở ngay trong cuộc sống thường ngày, không luận là ở lúc nào, không luận nơi nào, luôn là giữ gìn tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, đó chính là đạo tràng bất động mà trong Phật pháp thường nói, đó chính là Tịnh Độ chân thật mà trong Phật pháp nói. Tâm tịnh thì cõi nước tịnh. Tịnh Độ ở đâu vậy? Tịnh Độ chân thật chính ở ngay tâm. Hiện tại bạn ở nơi Tịnh Độ, tương lai khi xả báo thân thì nhất định vãng sanh Tịnh Độ Di Đà. Tịnh Độ này cùng Tịnh Độ kia cảm ứng.
Một người trong khi qua lại làm việc hoặc trong đời sống, quả nhiên có thể giữ được nguyên tắc trên Kinh Kim Cang nói là “bất thủ ư tướng, như như bất động”, ngoài không dính mắc, trong không động tâm, thì đó gọi là nhất tướng Tam Muội. Ở ngay trong mọi cảnh giới phải bình đẳng, bạn ở trong thuận cảnh không khởi ưa thích, tâm là bình lặng; trong nghịch cảnh không khởi sân hận. Trong cảnh giới thuận nghịch, bạn có thể giữ được tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, đó chính là “nhất tướng Tam Muội, nhất hành Tam Muội”. Có thể tu hai loại Tam Muội này, Phật ở trên kinh nói: “Thí dụ đất này có trồng, đất này đã có gieo hạt giống, thổ nhưỡng phì nhiêu, hạt giống này nhất định bám rễ, nẩy mầm, tươi tốt kết trái”. Thí dụ này là thí dụ cho người tu hành chúng ta. Bạn phải có thể tuân thủ nguyên lý nguyên tắc trong Kinh giáo của Phật đã giảng cho bạn, đem những đạo lý này, những phương pháp này ứng dụng ở trong đời sống. Mọi người nhất định phải nên biết, đạo lý trong kinh Phật nói là đạo lý làm người, đạo lý làm việc; phương pháp đã nói là phương pháp sinh hoạt, phương pháp làm việc, phương pháp qua lại đối nhân xử thế tiếp vật. Phật nói ra là những đạo lý này, đều có liên quan mật thiết với đời sống hiện thực của chúng ta, không hề tách rời khỏi. Cho nên bạn học rồi thì bạn lập tức có thể dùng ngay trong cuộc sống, quyết định không phải là học xong thì không thể dùng. Nếu như đã học mà không thể dùng thì chúng ta học để làm gì, Phật làm sao có thể được gọi là trí tuệ viên mãn? Thế gian có không ít người có trí tuệ, người có học vấn đã giảng cho chúng ta nghe rất nhiều đại đạo lý, thế nhưng những đại đạo lý này không có liên quan gì với đời sống, không dùng được, cho nên gọi là “huyền đàm thuyết diệu”. Vào thời đại Ngụy Tấn, Nam Bắc triều, “Thanh Đàm” nói được rất huyền diệu, nói được rất cao, nhưng không hợp với đời sống, không dùng được thứ nào, đó không phải là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Trí tuệ cứu cánh viên mãn nhất định là dạy cho quần chúng rộng lớn, tất cả chúng sanh sau khi học rồi hiện tại liền được lợi ích, hiện tại liền có thể dùng được ngay, đó mới gọi là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Phật là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Những gì Phật giảng ở trong tất cả Kinh nếu tách rời, đều không liên quan với đời sống, ăn uống, đi đứng của chúng ta, thì những Kinh điển này của Phật không thể được gọi là trí tuệ cao độ. Chỗ này chúng ta phải nhận biết cho tường tận bản chất của Phật pháp, sau đó biết được Phật pháp có quan hệ gì với chúng ta. Chúng ta có quan hệ gì với Phật pháp? Chúng ta vì sao phải học Phật? Ngày trước Đại Sư Âu Dương nói rất hay: “Phật pháp là thứ mà đời nay cần đến”. “Cần đến” chính là không thể thiếu được. Ai không thể thiếu được? Mỗi một người đều không thể thiếu, không luận nam nữ, già trẻ, bạn trải qua đời sống như thế nào, bạn từ nơi một công việc nghề nghiệp nào, thảy đều cần đến, không có ai là ngoại lệ, thậm chí người học các tôn giáo khác cũng cần đến, cũng không thể rời khỏi. Nếu như bạn rời khỏi rồi thì bạn sẽ không học được thứ gì. Nếu như bạn học được rồi thì đó là trí tuệ chân thật cứu cánh viên mãn. Chỉ có trí tuệ chân thật cứu cánh viên mãn mới có thể mang đến cho bạn một đời hạnh phúc chân thật, mang đến cho bạn ngay trong đời này chân thật mỹ mãn. Món quà tốt đến như vậy, nếu chúng ta không chăm chỉ học tập chẳng phải là tự cam đọa lạc, tự cam chịu khổ hay sao? Vậy đâu phải là người thông minh! Làm gì là người có trí tuệ?
Chúng ta học Phật, ngày nay chúng ta hiểu rõ, thấu suốt rồi, lợi ích chân thật của Phật pháp chúng ta có được rồi, hôm nay học hôm nay liền dùng được. Chúng ta có cái tốt thù thắng đến như vậy thì cũng nên đem cái tốt này giới thiệu cho bạn bè thân thích của chúng ta, giới thiệu cho những người mà chúng ta thường hay tiếp xúc. Chúng ta bằng lòng cùng hưởng với họ, đem công đức lợi ích thù thắng của Phật pháp giới thiệu cho họ. Đó chính là độ chúng sanh, chính là lợi ích chúng sanh. Mọi người đều có thể y theo Phật pháp mà tu học thì xã hội chúng ta liền tốt, chúng ta liền có thể trải qua ngày tháng thái bình, liền có thể trải qua đời sống phồn vinh hưng vượng. Cho nên lợi tha sau cùng vẫn là tự lợi. Ta giúp đỡ mọi người, mọi người giúp đỡ ta, cùng nhau tạo thành một xã hội mỹ mãn, an định, phồn vinh, giàu có, thì mọi người chúng ta cùng nhau hưởng thụ. Đó là lợi ích hiện tiền của Phật pháp. Nếu như lợi ích hiện tiền chúng ta không hưởng thụ được, mà nói đợi đến tương lai sẽ càng thù thắng hơn thì ai có thể tin tưởng được? Hiện tiền liền được lợi ích, lợi ích thù thắng về sau chúng ta mới có thể tin được, mới có thể tiếp nhận.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 20