Bản thân quý vị ăn chay, xa rời việc sát sanh ăn thịt. Đây là bố thí vô úy, quả báo là trường thọ mạnh khỏe, suốt đời ăn chay sẽ mạnh khỏe trường thọ.
Lời Phật dạy: “Ăn chay là cốt yếu để nuôi dưỡng lòng từ bi và tinh thần bình đẳng. Phật tử không lý nào lại không thực hành đức từ bi trong đời sống của mình từ ý nghĩ, lời nói, cho đến cách ăn uống”.
Chữ chay nguyên âm là Trai, dịch từ Phạn âm Ô ba va sa tha (Upavasatha), có nghĩa là Thanh Tịnh và một nghĩa nữa là Thời thực. Thời thực là dùng bữa ăn trưa vào giờ Ngọ và Phi Thực là ăn trưa sau giờ Ngọ. Theo quan niệm phổ thông của Phật tử Ðại thừa Việt Nam, ăn chay là dùng những chất thanh đạm, không ăn cá thịt và các thứ hôi nồng thuộc về loại ngũ tân vị (năm món gia vị có mùi cay nồng gồm: Hành, hẹ, tỏi, kiệu và hưng cừ).
Sở dĩ phải như vậy vì việc dùng chay mang đến cho con người một sự thân tâm, thanh tịnh, tránh được nhiều bệnh tật trong cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra ăn chay tăng thêm phần công đức trên phương diện tiến tu qua lời dạy của đức Phật là vì lòng thương xót chúng sinh; tránh ác báo của nghiệp sát và muốn dứt tâm tham nhiễm nơi vị trần.
1. Lợi ích việc ăn chay đối với sức khỏe
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Hầu hết các loại thực vật đều không có cholesterol và chất béo bão hòa. Các chất béo này chỉ có nhiều trong thịt động vật. Vì vậy, người ăn chay ít bị cao cholesterol, một chất dinh dưỡng mà nếu có tỷ lệ quá cao trong máu, đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch, vữa xơ động mạch, nhồi máu cơ tim. Nhiều nghiên cứu cho hay, nếu giảm cholesterol trong máu xuống 10% thì nguy cơ bệnh động mạch vành sẽ giảm đến 30%.
Giảm nguy cơ béo phì
Nghiên cứu của Hiệp Hội Y Khoa Anh Quốc (British Medical Association) cho hay người ăn chay thường có trọng lượng cơ thể vừa phải hơn so với những người ăn nhiều thịt, cá.
Một thành viên tham gia trong cuộc nghiên cứu mang tên Oxford Vegetarian Study là P. Appleby cho hay người không ăn thịt thường có vóc dáng mảnh mai hơn người ăn thịt.
Ít bị rối loạn tiêu hóa
Ăn rau trái đã được chứng minh là rất tốt để không bị táo bón và bị bệnh chi nang ruột (diverticulosis) với các túi nhỏ lồi ra ở niêm mạc ruột. Nhà nghiên cứu J. S. Gear nhận thấy chỉ có 12% người ăn chay bị bệnh này trong khi tỷ lệ mắc bệnh này ở người không ăn chay là 33%. Lý do là chất xơ trong rau trái hút nhiều nước, giúp cho phân lớn, mềm, dễ dàng cho việc đại tiện, đồng thời lại kéo theo chất cặn bã độc trong ruột già để thải ra ngoài. Nhưng cũng xin lưu ý là nếu đột nhiên tăng lượng chất xơ lên quá nhiều trong phần ăn sẽ có thể đưa tới tắc ruột.
Giảm nguy cơ bị cao huyết áp
Huyết áp cao có thể đưa tới bệnh tim, tai biến động mạch não, suy thận. Các chuyên gia dinh dưỡng F.M. Sacks và B. Armstrong nhận thấy người ăn chay có huyết áp thấp hơn người không ăn chay.
Một chuyên gia dinh dưỡng khác thấy ăn chay cũng có thể làm giảm huyết áp ở người đang bị bệnh cao huyết áp. Hiện tượng này được giải thích là có thể do ăn chay người ta ít mập béo hoặc do ăn rau trái có ít muối, hoặc cũng có thể do người ăn chay thường có nếp sống điều độ, lành mạnh hơn.
Sỏi túi mật
Thành phần hóa học của sạn túi mật là cholesterol, mật và muối calci. Các sạn này được tạo ra trong túi mật và gây đau cho người bệnh.
Nghiên cứu ở một nhóm 750 phụ nữ, người ta thấy nhóm ăn chay chỉ có 12% bị sỏi túi mật, trong khi đó nhóm không ăn chay tỷ lệ lên tới 25%. Các nhà nghiên cứu giải thích là người ăn chay tương đối ít béo mỡ hơn, thực phẩm của họ ít cholesterol và nhiều chất xơ, tất cả đều giúp giảm nguy cơ sỏi túi mật.
Giảm nguy cơ loãng xương
Loãng xương gây ra do mất khoáng calci trong xương, làm cho xương trở nên giòn, dễ gãy. Bệnh thường thấy ở nữ giới vào thời kỳ mãn kinh.
Kết quả nghiên cứu của A.G. Marsh công bố năm 1988 cho biết là sự mất calci ở người ăn chay ít xảy ra hơn ở người không ăn chay. Theo Marsh, chất đạm động vật có nhiều sulphur, chất này làm tăng độ acid trong máu, đưa đến tăng lượng calci thải ra trong nước tiểu, do đó làm giảm calci trong xương.
Khoa học gia B.J. Abelow nhận thấy hiện tượng gãy xương hông do loãng xương thường xảy ra ở dân chúng thuộc các quốc gia ăn nhiều thịt động vật.
Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư
Đã có nhiều chứng minh là việc ăn uống có nhiều liên hệ nhân quả với các loại ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở người ăn thịt động vật cao hơn so với ở những người ăn nhiều rau trái hoặc ăn chay. Tỷ lệ tử vong vì ung thư cũng cao hơn ở người ăn nhiều thịt đỏ (là các loại thịt heo, bò, cừu… có màu đỏ, khác với thịt trắng là các loại thịt gà, vịt…).
Giáo Sư Tim Byers thuộc trường Đại Học Colorado ở Denver cho biết: “Nhiều luận cứ khoa học cho rằng trái cây và rau là những thành phần có khả năng bảo vệ cơ thể đối với tất cả bệnh ung thư tiêu hóa và các ung thư do hút thuốc lá gây ra.”
2. Ăn chay có những lợi ích gì?
Không vướng mắc vào nhân quả của nghiệp giết hại. Nghiệp sát sanh ở thế gian rất nặng, vì chúng sanh bị bắt giết thì chúng ta mới có thịt ăn.
Ăn chay vì tình thương không nỡ ăn thịt loài vật. Tình thương phát sanh thì mong muốn mọi loài đều được an vui, do đó làm các việc lành. Như thế, tâm từ đã sanh ra. Ví như mình thương người em, người cháu thì đâu muốn nó khổ, đã không muốn nó khổ thì không làm những việc bất thiện. Do vậy, tâm bi cũng sanh khởi mà làm các việc lành.
Tâm từ bi có được, cội gốc do ăn chay mà thành. Thuở nhỏ, những người bạn trong xóm sắm giàn thun để bắn chim, tôi cũng làm theo. Bạn bè sắm cần câu để câu cá, tôi cũng sắm cần câu đi câu theo. Từ lúc biết ăn chay, tôi thấy con gà, con chim, các con vật khác thì thương nó lắm. Nếu người ăn thịt thì tình thương không thể phát sanh. Ví như, chúng ta có con em, mỗi ngày mình ăn thịt nó mà cho rằng thương nó thì không được.
Tình thương phát sanh ảnh hưởng nơi “Từ” thì làm lành, nơi “Bi” thì không làm ác. Điều thiện lành thì tăng thêm, việc xấu ác ắt giảm dần và dứt sạch. Như vậy, chúng ta ăn chay tự nhiên làm được hai việc mà đức Phật từng dạy: “Từ bỏ các việc ác, Luôn làm các việc lành”. Do đó, tâm từ bi là cội gốc để đi lên con đường Hiền Thánh. “Hòa Thượng Thích Trí Tịnh!”
Ăn chay, không sát sinh là Bố Thí Vô Úy
Bản thân quý vị ăn chay, xa rời việc sát sanh ăn thịt. Đây là bố thí vô úy, quả báo là trường thọ mạnh khỏe, suốt đời ăn chay sẽ mạnh khỏe trường thọ.
Không sát sanh, tâm địa nhân từ lương thiện, như vậy sẽ tâm an lý đắc. Tâm của quý vị là định, tâm là an, tâm là hoan hỷ, trong nhà Phật gọi là tâm từ bi.
Chư vị học Phật đều cảm thấy bản thân nghiệp chướng sâu nặng. Đời trước và đời này khi chưa học Phật đã tạo ra những điều ác có lỗi với chúng sanh như giết chúng, ăn thịt chúng.
Ăn, giết hại sát sanh hiện đời chịu nhiều tật bệnh, tàn tật, chết yểu (sở dĩ quý vị còn yên ổn là vì quý vị còn chút xíu phước báu, đừng để đến lúc hết phước rồi thì sẽ họa vô đơn chí), sát sanh chiêu cảm nhiều tai họa, khiến cho cốt nhục chia lìa; sát sanh là góp phần gây họa chiến tranh, thiên tai, lũ lụt, hạn hán v.v… Quả báo là sau khi chết đọa ba đường ác (địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh), chịu vô lượng thống khổ.
Sát sanh và những hành vi tương tự: Tự tay mình giết, xúi người khác giết, giúp đỡ, khen ngợi việc giết hại, cung cấp dụng cụ giết, chỉ phương pháp giết, thích ăn thịt động vật, bắt và ăn thai trứng động vật.
Khi học Phật mới biết tâm hành này là sai lầm, chúng ta sám hối thay đổi làm mới. Chẳng những không còn sát sanh, mà còn bảo hộ chúng, đối đãi tốt với tất cả chúng sanh, tâm an lý đắc. Vì một thế giới hòa bình chúng sanh an lạc xin hãy chọn sống thuần chay!
Giống như cố Hòa Thượng Tuyên Hoá từng dạy: “Khi các con ăn chay lúc còn sống thì có vẻ bị thiệt thòi hơn so với người ăn mặn. Nhưng sau khi chết rồi, vào cõi siêu hình, lúc này người không biết ăn chay (tức người ham ăn mặn) sẽ bị thiệt thòi hơn rất nhiều so với người mà đã ăn chay lúc còn sống”. Đây là lời dạy rất quý của một Bậc đã chứng đạo mà quý vị cần nên chiêm nghiệm.
Tâm Hướng Phật/St!