Ngũ dục là gì? Ngũ dục là năm sự ham muốn, là năm thứ dục lạc của trần cảnh nên cũng gọi là Ngũ tiềm. Ngũ dục cũng còn gọi là ngũ độc tiễn (năm mũi tên độc hại).
1. Ngũ dục là gì?
Ngũ dục là năm sự ham muốn, là năm thứ dục lạc của trần cảnh nên cũng gọi là Ngũ tiềm.
- Sắc dục: ham muốn sắc đẹp, ưa thích tướng tốt, hay người nữ thích người nam hoặc ngược lại.
- Thanh dục: ham muốn tiếng hay, lời nói ngọt ngào, êm tai.
- Hương dục: ham muốn mùi thơm ngào ngạt, hay mùi hương của người nữ hoặc người nam.
- Vị dục: ham muốn đồ ăn, thức uống ngon ngọt, bổ dưỡng để phục vụ cho cái thân giả tạm.
- Xúc dục: ham muốn sự đụng chạm mềm dịu của người nữ để thỏa mãn dục vọng.
Ngũ dục còn có năm thứ sau:
- Tài dục: ham muốn tiền bạc, vàng ngọc thật nhiều như cái bình không đáy.
- Sắc dục: ham sắc đẹp, mỹ miều, kiêu sa, nghiêng nước nghiêng thành.
- Danh dục: ham muốn địa vị cao sang, tiếng tốt, ông này bà nọ…
- Thực dục: ham muốn thức ăn ngon và ăn thật nhiều cao lương mỹ vị để thỏa mãn cho cái thân này.
- Thùy dục: ham muốn ngủ nghỉ thật nhiều.
Ngũ dục cũng còn gọi là ngũ độc tiễn (năm mũi tên độc hại). Ngũ dục là năm món dục của chúng sanh, từ súc sanh đến người và chư thiên. Nếu ta không điều phục Ngũ căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thức) để cho say đắm ngũ dục thì thất lạc thiện căn, sa vào nẻo ác và đọa lạc. Tham đắm ngũ dục sẽ bị trói buộc bởi năm thứ độc hại của ham muốn.
2. Ngũ dục còn độc hơn mũi tên độc
Trong kinh Trung Bộ 2, kinh Potaliya, Đức Phật có dạy, ngũ dục ví như con chó đói mà gặm xương khô, như kẻ cầm lửa mà đi ngược gió, như được của trong giấc mộng. Hoặc là người mê ngũ dục như mới nhốt con rắn độc, như một miếng thịt mà cả bầy chó tham ăn, như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, như dấu vẽ trên nước, như giọt mật ngọt trên đầu lưỡi dao bén nhọn. Ngũ dục chỉ là của tạm bợ, không thể tồn tại lâu dài.
Trong kinh Di Giáo, đức Phật dạy rằng: “Tỳ-kheo các ông! Đã có thể an trụ trong giới rồi, phải kiềm chế ngũ căn, chẳng để buông lung theo ngũ dục. Thí như người chăn trâu, cầm roi nhìn nó, chẳng cho chúng vào lúa mạ của người khác. Nếu thả lỏng ngũ căn, chẳng những chạy theo ngũ dục không bờ mé, không thể kiềm chế được, mà còn gây hại rất nặng, cũng như ngựa chứng, chẳng dùng dây cương chế ngự thì chính nó sẽ đưa người ta vào hầm hố”.
Vì thế, là một Tăng sĩ, chúng ta phải biết tránh xa ngũ dục, và ly dục, ly bất thiện pháp, hành theo Bát chánh đạo và Tứ diệu đế, luôn giữ gìn tứ oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) và siêng tu giới định tuệ, lấy trí tuệ để đạp đi vô minh ngũ dục thế gian, phòng hộ các căn của mình. Hãy quán thân này là giả tạm vô thường, luôn chánh niệm tỉnh giác từng sát-na sanh diệt. Hãy nhớ đến chí nguyện lớn nhất của người tu là “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sanh”.
Đức Phật thường nhắc nhở các hàng đệ tử, phải có thái độ thận trọng đối với ngũ dục, Ngài không khuyến khích lìa bỏ ngũ dục một cách thái quá, để sống đời sống khổ hạnh ép xác, vì hai lối sống cực đoan ấy đều không đưa đến an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau.
Thế gian ai cũng muốn mưu cầu hạnh phúc để hưởng thụ ngũ dục lạc gồm có tiền tài, sắc đẹp, danh vọng địa vị, ăn uống thoải mái và ngủ nghỉ tự do, tùy theo phước báo của mỗi người mà có sự sung mãn hay nghèo nàn trong hưởng thụ. Hưởng thụ ngũ dục như là nhu cầu cần thiết của đời sống con người và ai cũng nghĩ rằng đó là điều kiện mang lại hạnh phúc.
Đức Phật thường nhắc nhở tất cả mọi người phải biết sự tác hại của ngũ dục, không nên tham cầu quá đáng. Tiền bạc hay của cải vật chất là phương tiện để nuôi sống chúng ta tồn tại, nhưng nó do ta làm ra chính vì vậy khi ăn uống, ta phải quan niệm ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn. Rồi kế đến là ngủ nghỉ nó cũng là nhu cầu cần thiết, nếu chúng ta chỉ đam mê ham làm giàu để hưởng thụ dục lạc về sắc đẹp thì sức khỏe sẽ bị tàn phá nhanh chóng và tuổi thọ suy giảm.
Đức Phật khuyến khích mọi người hãy nên giảm bớt ham muốn quá đáng, tham cầu trong khả năng của mình, biết tiết độ trong mọi nhu cầu để có sự an lạc thảnh thơi, mà không bị những lo lắng, thất vọng, sợ hãi… làm mình phiền não khổ đau.
Tâm mong cầu, tham muốn các dục là động lực thúc đẩy con người tích cực làm việc để có đời sống ổn định. Vì thế sự tham muốn, mong cầu về các dục khiến cho con người khổ não nhiều hơn là an vui.
3. Tác hại của ngũ dục
Đức Phật thường nhắc nhở tất cả mọi người phải biết sự tác hại của ngũ dục, không nên tham cầu quá đáng.
Một hôm đức Phật kêu các thầy Tỳ Kheo nói:
– Ví như trên núi tuyết, chỗ đất bằng người thú qua lại. Có kẻ lấy nhựa cây gài bên thức ăn để nhử đàn khỉ. Một vài con khỉ vì tham ăn, rời khỏi đàn tìm đến bên thức ăn lấy tay bốc. Ngờ đâu tay vừa bám vào liền bị nhựa dính cứng! Chú khỉ bèn lấy tay kia gỡ ra, thương thay! Lại dính luôn một tay nữa. Chú khỉ lại lấy chân mặt quào ra, và một chân nữa lại dính luôn vào nhựa. Tiếp theo chân trái đồng dính cứng cả. Khổ thay! Chú khỉ chỉ còn cái mồm, chú hy vọng dùng mồm để cạp may ra thoát khỏi. Nhưng than ôi! Nhựa cây kia cũng không chừa lại. thế là hai tay, hai chân và cái mồm chú khỉ dính cứng vào nhựa cây. Thật đáng thương! Người thợ bẩy kia có thể xách chú đi đâu tùy ý.
Này các Tỳ Kheo! Nhựa cây kia ví như ngũ dục, còn năm bộ phận (hai tay, hai chân và cái mồm) dính vào nhựa ví như năm căn.
Mắt dính sắc. Tai dính thanh. Mũi dính mùi. Lưỡi dính vị. Thân dính xúc.
Như chú khỉ kia, khi năm bộ phận dính cứng vào nhựa cây thì tùy ý người kia đem đi. Cũng vậy, người nào năm căn dính cứng vào ngũ dục thì tùy ý ma dẫn đi.
Tóm lại vì không chịu ở nơi địa vực của mình nên mới bị nạn khổ. Thế nào là ở nơi địa vực của mình? Tức là quán “Tứ niệm xứ”. Người thường quán tứ niệm xứ thì không bị lôi, không bị dẫn. Cũng như chú khỉ kia nếu ở trong đàn thì không bị nạn.
(Trích Kinh A Hàm)
Lời bình:
Ngũ dục vốn không hại người, chỉ tại người bỏ quên chánh niệm mà đam mê ngũ dục. Như chú khỉ kia vì ham ăn mà tách ra khỏi đàn nên chịu khổ. Cho nên người tu không khó, chỉ đừng đam mê ngũ dục. Nhưng ngũ dục vốn không lỗi, lỗi tại tâm dấy niệm. Mà dấy niệm tức là động, động thì chẳng phải chánh niệm. Trái lại, tâm nếu không thì cảnh vốn lặng, tuy ở trong ngũ dục mà thường giải thoát. Cho nên trong Tín Tâm Minh có câu:
“Muốn đến nhất thừa, chớ ghét sáu trần.
Sáu trần không ghét, hoàn đồng chánh giác”.
4. Đắm say trong dục vui ít khổ nhiều
“Một thời Đức Phật ở Câu-tát-la, du hành giữa nhân gian và có đại chúng Tỳ-kheo đi theo. Bấy giờ Đức Thế Tôn đang đi giữa đường, chợt thấy có đống cây lớn ở một nơi kia đang bùng cháy dữ dội.
Thế Tôn thấy vậy, liền bước xuống bên đường, đi đến một cây khác, trải Ni-sư-đàn, kiết-già mà ngồi. Đức Thế Tôn ngồi rồi bảo các Tỳ-kheo:
– Các ngươi có thấy đống cây lớn đằng kia bùng cháy không?
Khi đó các Tỳ-kheo trả lời:
– Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy.
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
– Các ngươi nghĩ sao, với đống cây lớn phừng cháy hừng hẫy đó mà hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm; hay là, với người con gái của dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, hay thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc, trang sức thân thể, hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm; việc nào vui sướng hơn?
Lúc ấy các Tỳ-kheo thưa rằng:
– Bạch Thế Tôn, với đống cây lớn đang phừng cháy hừng hẫy hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm thì rất khổ. Bạch Thế Tôn, hoặc có người con gái dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ hay thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc, trang sức thân thể mà tới hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm thì rất vui sướng.
Đức Thế Tôn bảo:
– Ta sẽ nói cho các ngươi biết, không để cho các ngươi Sa-môn mà lại mất đạo Sa-môn. Các ngươi nếu muốn thành tựu Phạm hạnh vô thượng thì thà ôm đống cây lớn đang phừng cháy hừng hẫy, hoặc ngồi, hoặc nằm. Việc ấy mặc dù vì thế mà phải chịu khổ sở, hoặc chết. Nhưng không phải do đó mà thân hoại mạng chung phải thẳng đến ác xứ hay sinh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới và không tinh tấn, sinh ra ác pháp bất thiện; không phải là phạm hạnh mà gọi là phạm hạnh, không phải là Sa-môn mà gọi là Sa-môn, hoặc ôm người con gái dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ hoặc thợ thuyền, đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa chuỗi ngọc trang sức thân thể, hoặc ngồi, hoặc nằm; người ngu si kia vì vậy mà lâu dài không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác pháp, khi thân hoại mạng chung thẳng đến cõi xấu, sinh vào địa ngục”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bảy pháp, kinh Mộc tích dụ, số 5 [trích])
Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo đi ngang khu rừng có một đống cây đang bốc cháy dữ dội. Ngài liền dùng hình ảnh đó cảnh tỉnh các Tỳ-kheo trong sự nghiệp tu hành thà ôm cột cây cháy đỏ mà chết, quyết không phạm vào sắc dục. Bởi nghiệp ái rất sâu dày, thường chi phối mạnh mẽ lên đời sống con người. Ái dục là cội nguồn của sinh tử nên những ai chuyên tu Phạm hạnh thì không thể xem thường.
Được sinh ra làm người là điều khó, được xuất gia tu hành lại càng khó hơn. Thế nên, người tu cần quý trọng nhân duyên hy hữu của mình để lo tấn tu đạo nghiệp. Nếu phạm vào sắc giới, sự nghiệp giác ngộ giải thoát trong hiện đời không thể thành tựu. Đó là chưa kể tà kiến ngã mạn cống cao “không phải là Phạm hạnh mà gọi là Phạm hạnh, không phải là Sa-môn mà gọi là Sa-môn” đắm say trong dục thì quả báo xấu ác sẽ chờ đợi vị ấy ở tương lai.
Thế nên, tu hành là đi ngược với thế tục, quay lưng với dục lạc. Nhờ thành tựu giới, trang nghiêm Phạm hạnh tâm mới được an ổn để thể nhập thiền định, trí tuệ mới phát sinh và giải thoát luân hồi sinh tử.
5. Tại sao người Phật tử nên thiểu dục?
Ham muốn chẳng những là nguồn gốc của khổ đau ở đời kiếp nầy, mà nó còn là những nhân không lành cho nghiệp báo dẫn dắt ta tiếp tục đi mãi trên con đường sanh tử luân hồi. Bởi thế càng ham muốn nhiều thì càng khổ nhiều.
Thí dụ như một người với ước vọng được sống lâu trăm tuổi thì chính người ấy sẽ tìm mọi cách để duy trì thân tứ đại nầy; một chút gì trục trặc cũng gây ra hết sức ưu phiền cho họ. Từ sự ham muốn, con người sẽ nảy sanh ra vô số hành động cố ý, có khi thiện, mà lắm khi thì bất thiện. Những hành động nầy thể hiện qua thân, khẩu, ý… Con người sanh ra do lòng ham muốn, rồi phải chịu già, bịnh, chết, hoặc bất cứ sự đau khổ nào khác cũng đều do lòng ham muốn. Do bởi lòng ham muốn không cùng, không tận mà phàm phu đã tạo ra không biết bao nhiêu là gian tham, tội ác.
Ham muốn nhỏ có thể đưa ta đến chỗ trộm cắp, còn ham muốn lớn hơn có thể xúi ta gây nên chiến tranh, tàn hại chúng sanh… Nếu ta cứ buông lung mà chạy theo ham muốn thì chẳng những ta nắm chắc cái chết khổ, mà đôi vai ta lại phải trỉu nặng với những nghiệp, dù ác dù thiện, cho một kiếp khác trong tương lai. Có những ham muốn chỉ với ý định, chứ chưa được thể hiện qua hành động, thì chưa đủ để tạo nghiệp. Thí dụ như chỉ mới có ý định sát sanh, chứ chưa bao giờ sát sanh hại vật; hoặc giả ngộ sát chứ không cố ý thì nghiệp báo nếu có cũng nhẹ hơn là sự cố ý tạo tác. Nói gì thì nói, theo nhà Phật, dù chỉ mới có ý định, cũng đã mang ác nghiệp ở nơi ý rồi; dù ngộ sát đi nữa thì ta cũng đã làm di hại đi một chúng sanh.
Cho nên Đức Từ Phụ đã từng nhắc nhở hàng đệ tử rằng: “Con người càng ít ham muốn chừng nào thì sự tự chủ càng cao, do đó mà được an nhiên tự tại hơn.” Chính vì lòng ham muốn mà con người đã sanh ra không biết bao nhiêu là phiền toái như sân hận và si mê, mà sân hận và si mê chính là cội nguồn đưa ta vào vô minh. Một khi đã lạc vào rừng vô minh thì cứ mãi luân hồi sanh tử khó ra.
Tóm lại, nếu ai cũng quyết tâm thực hành hạnh “thiểu dục tri túc” thì những bất công trong xã hội sẽ giảm thiểu, trật tự sẽ được ổn định hơn, nạn cướp bóc sẽ bớt đi hoặc không còn nữa. Do đó con người tự nhiên sẽ khỏe mạnh và sống lâu hơn. Xin hãy hành trì những lời Phật dạy, hãy bớt ham muốn, mà trái lại nên rộng lòng bố thí thì chẳng những cá nhân, gia đình, mà xã hội cũng đều thanh tịnh và an lạc.
Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!