Dưới đây là nghi thức lễ cúng Phật thành Đạo, ngày đức Phật từ một con người thế gian trở thành xuất thế gian, từ con người mê thành con người giác.
Sự thành đạo của Đức Phật ngày đó là một kết quả thành tựu do đã trải qua hằng sa vô số kiếp Đức Phật không ngừng tu tập hạnh Bồ tát “Vì xót thương chúng sinh”.
1. Ngày Đức Phật thành đạo – 8/12 âm lịch
Theo Phật giáo Bắc truyền, ngày Thành đạo diễn ra vào ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch.
Sau khi vượt thành xuất gia, Sa môn Cù Đàm trải qua nhiều năm tháng tầm sư học đạo và khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sinh tử. Ngài đã thọ giáo nơi các tiên nhân nổi tiếng như Kalama, Ramaputta, và đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng ở cõi trời cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát vì còn trong Tam giới.
Cuối cùng Ngài nhận ra rằng, chỉ nên tìm học ở ngay chính mình chứ không tìm cầu bên ngoài mà được. Miệt mài thiền định dưới cội Tất bát la (Bồ đề), Ngài chứng quả vị tối thượng vào đêm thứ 49, khi sao Mai vừa mọc. Từ đó, Sa môn Cù Đàm trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đêm lịch sử ấy được gọi là Đêm Thành đạo.
“Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, Bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.”
“Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.” (Tăng chi I phẩm Một người, tr. 28, xb. 1980).
2. Bảy ý nghĩa ngày đức Phật thành đạo
- Ý nghĩa thứ nhất của Thành đạo nói lên rằng con đường đi đến giải thoát là Trung đạo.
- Ý nghĩa thứ hai là bằng nỗ lực của tự thân, với sự tu tập đúng pháp, con người có thể giác ngộ ngay tại đời này.
- Ý nghĩa thứ ba, nội dung của Thành đạo là đoạn trừ vô minh, ái, thủ (đoạn diệt Mười hai nhân duyên), hay đoạn trừ Mười kiết sử.
- Ý nghĩa thứ tư, có sự kiện Thành đạo có nghĩa là vô minh, ái, thủ… không thực có, hay không có tự ngã. Tự ngã chỉ là sản phẩm của vô minh, không thuộc thực tại.
- Ý nghĩa thứ năm, đức Phật thành đạo có nghĩa là các pháp được nhìn dưới cái nhìn vô chấp thủ, được thấy thoát ly các tướng hay Vô ngã tướng.
- Ý nghĩa thứ sáu, Thành đạo là trở về Thật pháp, trở về “Vô sinh”, “Tịch diệt”, đi ra mọi nghĩa đối đãi của thường, đoạn, khứ, lai, hữu, vô, sinh và diệt.
- Ý nghĩa thứ bảy, sự kiện Thành đạo của Thế Tôn mở ra cho nhân loại một con đường thoát khổ, một niềm tin thoát khổ.
Mời quý Phật tử đọc tụng Nghi lễ cúng Phật thành Đạo tại file PDF dưới đây.
[pvfw-embed viewer_id=”4219″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]