Nếu không có tiền thì sao? Không có tiền tôi cám ơn trời đất, đầu óc không cần suy nghĩ. Người ta đưa tiền đến, tôi phải nghĩ dùng nó như thế nào?
Suốt đời của đại sư Ấn Quang, tất cả mọi thứ cúng dường ngài nhận được đều làm một công việc_In ấn kinh. Ngài dùng tiền thập phương cúng dường mở một xưởng in, tự mình in ấn, tự mình xuất bản, chính là hoằng hóa xã tại chùa Báo Quốc Tô Châu. Hoằng hóa xã xuất bản rất nhiều sách, hiệu đính rất chính xác, trong thời cận đại có thể nói nó là bản đẹp. Đây là đại sư Ấn Quang tiếp nhận tứ chúng cúng dường, ngài không dùng một đồng nào, tất cả đều dùng vào công việc này. Khi gặp thiên tai như đói khát, hạn hán, lũ lụt, ngài rút ra mấy ngàn trong khoản tiền in kinh để cứu tế, lúc đó mấy ngàn là đồng bạc, rút ra hai ba ngàn đồng bạc đi cứu tế. Toàn bộ đều dùng để in sách kinh, sách hay. Tôi học cúng dường pháp từ đại sư, tôi có tiền không làm gì khác, cũng làm việc này. Cả đời tôi dùng tiền vào ba nơi, số lượng lớn nhất là ấn tống kinh luận sách hay. Chúng tôi in Đại Tạng Kinh, chắc sắp được mười ngàn bộ, sách hay đều in đem đi tặng. Việc thứ hai là phóng sanh, phóng sanh là tùy duyên. Có người làm việc phóng sanh này, tôi đều tùy duyên cúng dường, đây là chuộc tội cho bản thân. Lúc trẻ, vào thời kỳ kháng chiến, không biết những điều này. Thích săn bắn, tôi săn bắn suốt ba năm, vì thế tôi bắn súng rất giỏi, hầu như bách phát bách trúng, mỗi ngày đều đi săn bắn. Khi học Phật rồi mới biết, nghiệp sát này quá nặng. Bởi vậy vừa học Phật là ăn chay, phóng sanh, để chuộc tội. Thứ ba là bố thí tiền thuốc men, tôi tặng tiền vào bệnh viện, chuyên giúp những người nghèo khổ mua thuốc. Tiền tôi có được đại khái đều dùng vào ba phương diện này.
Tôi ở Đồ Văn Ba Úc Châu, Đồ Văn Ba có một bệnh viện của thành phố, mỗi năm tôi ủng hộ vào đây 120 ngàn tiền Úc. 120 ngàn này là mỗi tháng 10 ngàn tiền thuốc, bố thí thuốc men. Ngoài ra có một trung tâm lâm chung quan hoài do đạo Cơ đốc thành lập, làm rất tốt. Người già sắp lâm chung, họ chăm sóc rất chu đáo, không phân biệt Tôn giáo. Chúng ta là Phật tử, họ dùng nghi thức Phật giáo cho chúng ta, chúng tôi thấy như thế rất hoan hỷ. Họ thiếu kinh phí đến nhờ tôi ủng hộ, tôi cảm thấy công việc này rất tốt, tâm lượng rộng rãi. Không chỉ là đạo Cơ đốc, Tôn giáo nào họ cũng đều hiệp trợ, dùng tâm bình đẳng. Mỗi năm tôi cũng ủng hộ họ 120 ngàn, nghĩa là một tháng 10 ngàn, mỗi năm sau tết là đưa đi, đây là bố thí vô úy.
Tôi thường nói, tôi sẽ không bị bệnh, vì sao vậy? Vì tôi không có tiền thuốc, tiền thuốc đều bố thí hết. Nếu người ta mua bảo hiểm y tế, nhất định bị bệnh, vì sao vậy? Nếu không bảo hiểm họ không dùng đến, trong tâm họ có bệnh! Trong tâm chúng tôi không có bệnh, tiền thuốc men đều bố thí hết. Nhưng điều này đều là đại sư Ấn Quang dạy. Quý vị xem Văn Sao của ngài, hành nghi một đời của ngài. Bình thường bản thân nhất tâm niệm Phật, nhất tâm cầu sanh Tịnh độ, điều này quan trọng hơn tất cả. Sanh Tịnh độ là thành Phật, chắc chắn, vì sao không làm.
Đời này tôi giảng không ít bộ kinh, vì sao không chuyên giảng kinh điển Tịnh độ? Trong tâm tôi muốn chuyên giảng kinh điển Tịnh độ, nhưng không được, người ta đến yêu cầu. Bản thân tôi không có đạo tràng, nên biết tôi học Phật đến sang năm là 60 năm, một giáp. Không có đạo tràng, lưu lạc khắp nơi, sống đời lưu lạc. Tôi thấy người khác có đạo tràng, trong lòng rất ngưỡng mộ, rất khó được. Quý vị xem, có thể ở một chỗ không cần đi đâu, còn tôi lưu lạc khắp nơi, bởi vậy ở đâu mời giảng kinh thì đi đến đó. Tuy ở Mỹ mười mấy năm, nhưng đi khắp nơi, một năm đi qua rất nhiều Châu, những vùng gần nước Mỹ. Ở trên là Canada tôi thường đến đó, đích thực không ở nơi nào cố định. Cũng may bình thường có thể an ủi, suốt đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng không ở nơi nào cố định, tôi còn tốt hơn ngài, còn có nơi ở, còn có phòng để ở. Đức Phật ở dưới gốc cây, không có nhà để ở, quả thật không đơn giản. Nhưng tôi đem phương pháp tu học, một chút kinh nghiệm thành tựu, nói rõ với mọi người khi chúng ta cùng nhau chia sẻ. Một người muốn thành tựu, đúng là ở mỗi người, không do hoàn cảnh. Có môi trường đương nhiên tốt, không có môi trường, cá nhân cũng thành tựu như thường.
Khi tôi cầu học có hoàn cảnh tốt, đạo tràng của thầy Lý. Thầy thành lập một Liên xã ở Đài Trung, tức bây giờ chúng ta gọi là Tịnh Tông Học Hội. Thầy thành lập một thư viện, thư viện Từ Quang. Tôi thích đọc sách, nên phục vụ trong thư viện, làm công quả. Ngoài công việc hằng ngày ra, tôi còn một ít thời gian đọc sách. Tôi theo thầy Lý mười năm, nền tảng kinh điển học được từ đây. Học với đại sư Chương Gia ba năm, cơ sở học Phật của tôi, nền tảng vững chắc là nhờ học ba năm với đại sư. Đại sư dạy tôi nhìn thấu buông bỏ, dạy tôi học Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Phương hướng và mục tiêu này vô cùng chính xác, tôi mới hiểu tu học của Phật pháp, căn bản của căn bản ở chỗ buông bỏ. Đại sư nói với tôi: Nhìn phải thấu, buông phải được, đây là bí quyết.
Nhìn thấu nghĩa là thấu triệt, thấu triệt giúp ta buông bỏ, buông bỏ giúp ta càng thấu triệt. Từ sơ phát tâm đến Như Lai địa, đều nhờ hai phương pháp này hổ tương thành tựu. Thấu triệt là trí tuệ, buông bỏ là chân công phu. Không buông được là hỏng, không buông được là cả đống phiền não, sẽ không có thành tựu. Buông bỏ đừng sợ hãi, đừng nghĩ rằng tôi buông bỏ tất cả, vậy cuộc sống ngày mai của tôi phải làm sao? Đừng nghĩ đến ngày mai, đừng nghĩ đến sang năm, điều này một người xuất gia tu hành tuyệt đối không cho phép. Ngày mai vẫn chưa đến, nghĩ nó làm gì?
Tôi tin vào thần Hộ pháp, tôi không có gì cả, thầy Hộ pháp sẽ chăm sóc tôi. Không chăm sóc tôi thì sao? Ngài không tròn trách nhiệm, ngài sẽ bị cách chức. Tôi tu đạo chơn chánh, ngài hộ pháp thì phải chịu trách nhiệm này. Nếu bản thân tôi truy cầu danh văn lợi dưỡng, đương nhiên ngài không cần hộ tôi. Ngài có thể không để ý đến tôi, nếu tôi tìm cầu danh văn lợi dưỡng. Ngày nay tôi nhất tâm cầu đạo, nếu tôi chết đói, chết lạnh, ngài có chịu trách nhiệm chăng? Có cảm ứng, là thật không phải giả. Chư Phật hộ niệm, Thiên long thiện thần bảo hộ. Huống gì thầy dạy tôi bố thí, càng bố thí càng nhiều, càng nhiều càng bố thì. Bởi vì nhiều quá cũng phiền, suy nghĩ tiền này nên dùng như thế nào.
Một tín đồ của Malaysia cúng dường một số tiền, quý vị xem tôi suy nghĩ năm sáu năm nên dùng tiền này như thế nào. Cúng dường cho tôi một số tiền lớn, 500 vạn USD. Cho nên lúc đó tôi thường vào quốc nội, ông Triệu Bộc vẫn còn, Hoàng Niệm Tổ vẫn còn, mỗi năm tôi đều đi một hai lần, đi thăm bạn bè. Cục Tôn giáo rất tốt đối với tôi, đi cùng tôi đến Phòng Sơn xem Thạch kinh, tôi nhìn thấy vô cùng hoan hỷ. Tôi nói với cục trưởng Diệp, tôi có 500 vạn USD, dùng để in Thạch kinh này, in một ngàn bộ tặng cho quốc gia. Quốc gia có thể làm quà, tặng cho các thư viện của các quốc gia khác lưu giữ, rất có ý nghĩa, ông đã bằng lòng. Sau đó đàm luận, đàm luận rất nhiều lần, nhưng không đến đâu, đành bỏ dở, số tiền này vẫn còn đó.
Năm ngoái tôi gặp được một cơ hội, nhà in ấn Thương Vụ Đài Loan tái bản Tứ Khố Toàn Thư. Đây là cơ hội tốt, nên tôi đặt 100 bộ, một bộ năm vạn, một trăm bộ 500 vạn. Sách in xong, bây giờ để ở HongKong 40 bộ, còn 30 bộ chưa giao đi đâu cả, 30 bộ khác đã đem tặng. Tặng Úc Châu 10 bộ, Indonesia 10 bộ, Malaysia 10 bộ, rất hay! Tôi vốn muốn tặng cho các trường đại học trong nước, việc tốt.
Nếu không có tiền thì sao? Không có tiền tôi cám ơn trời đất, đầu óc không cần suy nghĩ. Người ta đưa tiền đến, tôi phải nghĩ dùng nó như thế nào? Làm sao để làm việc thiện thay họ? Vì thế không có tiền là tốt nhất. Đây là tiền nhiều thì làm nhiều việc tốt, tiền ít làm ít việc tốt, không có là tốt nhất! Tôi không cần lo lắng, nhất tâm niệm Phật A Di Đà. Tất cả đều tùy duyên, không cần phan duyên, tâm sẽ thanh tịnh. Quý vị muốn làm việc gì, phải tìm người giúp đỡ, tâm không thanh tịnh, điều này chướng ngại việc tu hành của chúng ta.
Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 177
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 27.10.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Tâm Hướng Phật/St!