Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Lời Phật dạy về kết thiện duyên: Lý giải người hay gặp quý nhân

Lời Phật dạy về kết thiện duyên đã để lại cho ta bài học sâu sắc về cuộc sống, từ đó ta biết điều gì mới thực sự quý giá hơn vàng bạc, châu báu ngoài kia.

1. Câu chuyện về hòn đá sang được sông

Trong điển tích Phật giáo có câu chuyện “Hòn đá sang sông”, kể rằng:

Thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế. Một hôm Ngài cùng các đệ tử đi đến một con sông. Nước sông mênh mông, chảy xiết. Đức Phật cúi xuống nhặt một hòn đá khá to lên rồi quay lại hỏi các đệ tử:

“Các con hãy trả lời ta, hòn đá này ném xuống sông thì nổi hay chìm?”.

Vừa nói dứt lời thì Đức Phật ném hòn đá xuống sông. Đương nhiên hòn đá đã bị chìm mất. Chúng đệ tử không hiểu ý thầy hỏi là thế nào, thầm nghĩ: “Đá ném xuống nước tất nhiên phải chìm rồi”.

Họ đồng thanh thưa: “Thưa Thế Tôn, đá chìm ạ”.

Đức Phật thở dài nói: “Ài! Hòn đá này thật là vô duyên”.

Nghe thầy than thở, đệ tử càng ngơ ngác suy nghĩ: “Đá ném xuống nước phải chìm, đấy là lẽ tự nhiên. Sao lại có hòn đá vô duyên hay hòn đá có duyên chứ?”.

Đức Phật chậm rãi nói: “Có hòn đá vuông mỗi chiều 3 thước, đặt xuống nước không những không chìm mà nó còn qua được bên kia khô ráo. Các ngươi có thể nói cho ta biết vì sao không?”.

Các đệ tử suy nghĩ một hồi lâu vẫn không tìm ra lời giải đáp, xin thầy giảng giải.

Đức Phật trả lời:

“Đơn giản quá, chẳng qua hòn đá ấy có thiện duyên. Đó là nhờ cái thuyền, đá đặt trong thuyền chở qua sông, rõ ràng không chìm mà cũng không ướt.

Con người ta cũng như vậy thôi, nếu ai gặp thiện duyên thì mọi việc tốt đẹp, sẽ trở thành người tốt. Nếu không sẽ chẳng làm nên trò trống gì, trở thành kẻ ác. Vậy nên con người ta sinh ra trên đời phải chọn thầy tốt mà học, chọn bạn tốt mà chơi, chọn điều tốt mà theo. Đấy chính là thiện duyên của con người vậy”.

Chúng đệ tử nghe Đức Phật giảng nói mới hiểu rõ đạo lý làm người nên ai nấy vui mừng khôn tả.

Hãy trân quý những mối thiện duyên trong cuộc sống này.

Khi rơi xuống dòng sông, hòn đá chỉ có thể chìm, cho dù nó chỉ nhỏ bằng một hạt sỏi. Tuy nhiên, dẫu là một tảng đá to lớn, thì nó vẫn có thể sang sông khô ráo nếu được ai đó đặt lên một chiếc thuyền.

Và điều đó là nhờ mối thiện duyên giữa hòn đá và chiếc thuyền cũng như với con người đặt nó lên chiếc thuyền kia. Có thể thấy, mối thiện duyên ấy đã làm nên những điều tưởng chừng không thể.

Trong lịch sử nhân loại, không thiếu các bậc vĩ nhân anh hùng khi chưa gặp thời, họ chỉ biết lui về ở ẩn, ngao du sơn thủy… cho đến ngày gặp được minh chủ, chính là gặp được thiện duyên của mình. Lúc đó họ như rồng gặp mây, thỏa chí mang tài mang đức ra giúp ích cho muôn dân muôn họ. Bởi vậy, có thể nói sự tỏa sáng tài năng của một người chính là kết quả của những mối lương duyên đã được an bài.

Vì thế nếu chúng ta có được một cuộc sống tốt đẹp, đạt một sự thành công nào đó, hãy hiểu rằng đó là nhờ những “thiện duyên” mà Thượng Đế đã ban tặng. Tư duy này không hề làm giảm bớt giá trị tự thân hay không thừa nhận những nỗ lực, cố gắng của con người, nó chỉ giúp chúng ta càng nhận thức đúng đắn, viên mãn hơn về nhân sinh.

Những “thiện duyên”, đó chính là chân lý, công bằng, là đạo đức nhân văn… của con người. Vậy nên, nếu có thể tìm gặp được những điều đó trong bạn bè tốt, trong những người hướng dẫn nhiệt tâm, hay trong một cuốn sách quý… thì cũng chính là chúng ta đã gặp được “thiện duyên” của mình vậy!

Và hơn hết, trong cuộc sống này, mỗi chúng ta hãy kết càng nhiều thiện duyên, và thực sự trân quý những mối thiện duyên này.

Lời Phật dạy về kết thiện duyên: Lý giải người hay gặp quý nhân

2. Làm thế nào để có thêm thiện duyên?

Luôn ý thức về việc mở rộng thiện duyên

Mỗi ngày, tháng qua đi, ta gặp gỡ không biết bao nhiêu là người và đó chính là nhân duyên trong cuộc sống. Người ta chia ra 2 loại nhân duyên bao gồm: Thiện duyên và ác duyên.

Ta tạm hiểu rằng ác duyên là những mối quan hệ theo kiểu “oan gia”, gặp ta để cản trở, gây khó dễ, chuốc thêm thù hận. Còn thiện duyên thì chính là mang đến cho người ta sự tốt lành, may mắn, hỗ trợ.

Nói đến nhân duyên có người quan niệm rất sâu, có người quan niệm hời hợt. Nhưng Đức Phật khuyến khích chúng ta kết thiện duyên rộng rãi thì tương lai mới tốt đẹp.

Khi bạn trao đi thiện lương, có thể bạn sẽ không nhận được sự báo đáp ngay trước mắt, nhưng nhất định vào một thời điểm khi duyên lành hội đủ… bạn có thể gặp được quý nhân của mình, những lúc ấy có khi tiền bạc, châu báu hay của cải chất đầy cũng chẳng thể giúp được ta nhưng thiện duyên lại hoàn toàn có thể.

Do đó, cần ý thức về việc mở rộng thiện duyên vì khó khăn, tai họa luôn có khả năng ập đến với chúng ta bất cứ khi nào nhưng người đã kết thiện duyên rộng rãi thì thường được giúp đỡ, gặp họa hóa lành.

Lời Phật dạy về kết thiện duyên nhắc nhở chúng ta nên xem trọng các mối quan hệ diễn ra xung quanh mình. Nên lựa chọn cho mình một người thầy tốt, một người sếp tốt, đồng nghiệp tốt, bạn bè tốt,… đấy cũng chính là thiện duyên rồi.

Thiện duyên của một người không phải truy cầu rồi mà có, hoặc ngồi im đợi là đến. Nó là một mối quan hệ qua lại. Bạn cho đi tấm lòng thiện lương thì sẽ kết được những mối thiện duyên không ngờ nhất.

Biết trân trọng nhân duyên

Khi tìm được nhân duyên tốt, nhất định phải giữ lấy họ bên mình, trân trọng từng người đã xuất hiện trong cuộc đời của ta. Ngược lại nếu duyên ác thì ta cũng cần biết tìm cách hóa giải chứ chớ nên xem thường.

Khi ở cùng người khác cho dù chỉ là trong một khoảng thời gian bằng “cái chớp mắt” cũng phải đem tấm lòng lương thiện truyền cho đối phương. Đây chính là cách quý trọng duyên tốt nhất.

Lời Phật dạy về kết thiện duyên trên đây giúp ta ý thức được rằng trong hành trình của cuộc đời, chúng ta gặp rất nhiều người khác nhau rồi cuối cùng họ trở thành “khách qua đường”, cũng có người trở thành người quen biết, bạn thân, thậm chí là người yêu…

Đời người có quá nhiều điều không thể biết, chỉ một ý niệm trong đầu, một lần quyết định sẽ có thể nắm được hoặc bỏ qua một lần nhân duyên.

Tiếp nhận một ai, một điều gì đều là vì duyên, mà bỏ qua cũng là vì duyên. Hết thảy đều là do duyên đã định trước, trong sinh mệnh là như vậy và trong cuộc sống cũng là như thế, nhưng dù sao cũng phải trân trọng, đối xử tốt với họ, biết đâu có ngày họ trở thành quý nhân của ta không chừng.

Chính bạn cũng mang tới thiện duyên cho người khác

Thiện lương dẫu không thể mang lại bất cứ hồi báo vật chất nào, cũng không thể khiến bạn sau một đêm trở thành vĩ nhân, nhưng lại có thể đem đến cho bất cứ ai một cảm giác bình yên và thanh thản trong lòng.

Thiện lương không phải là việc cứ muốn là có thể làm được, nhất là khi ta gặp ác duyên, gặp những kẻ gieo cho ta buồn bực, khổ đau. Nếu không có trí tuệ soi sáng ta sẽ lầm đường lạc lối vì trong tâm sẽ toàn là hận thù, muốn báo oán, cứ thế ác duyên cứ lặp đi lặp lại hết đời này sang đời khác.

Do đó, giữa người với người thêm một chút cảm thông, thêm một phần thấu hiểu thì tự khắc tâm rộng rãi, lòng bao la, trời đất cũng ứng theo mà giao hòa, cuộc sống cũng nhẹ nhàng, thanh đạm, an yên.

3. Mở rộng thiện duyên

Chúng ta đều biết tham là tật xấu không tốt, nhưng có lúc chúng ta lại rơi vào một cực đoan khác là keo kiệt, cũng chính là hẹp hòi, tiếc rẻ và bủn xỉn. Có người cho rằng đây là tiết kiệm. Thật ra, keo kiệt và tiết kiệm là hai việc khác nhau.

Keo kiệt khác với tiết kiệm, mục đích chủ yếu của tiết kiệm là đúng chỗ, giống như chúng ta có mười đồng tiền, vì muốn bố thí mà tính kỹ việc thu chi, tiết kiệm lại một đồng; đây không phải là keo kiệt. Trái lại, nếu như sinh hoạt của chúng ta chỉ cần chi phí năm đồng, nhưng lúc đó gặp người thiếu cơm ăn, áo mặc đến xin, chúng ta tiếc rẻ năm đồng còn lại, không dám bố thí cho họ; đó là keo kiệt. Vì thế, keo kiệt là mình có dư của cải cũng không chịu cho người khác mà để cất giữ cho nhiều, hành vi như thế không ích lợi cho ai cả.

Nhưng nó không giống tham là cứ muốn lấy đồ của người khác làm của mình; cho nên, keo kiệt không hại đến người khác, so ra đỡ hơn tham một chút. Mặc dù keo kiệt không làm tổn hại người khác, nhưng có nhiều người tiếc của không chịu bố thí, nên ngăn trở sự trưởng thành của mình. Như có người học vấn rất tốt, hiểu biết phong phú; hoặc rất giỏi kỹ thuật, nhưng họ không muốn truyền trao cho người khác, cũng không muốn chia lợi cho mọi người cùng hưởng. Sau khi chết khác nào đem trí tuệ, tài sản vào trong quan tài; như thế chẳng phải vô ích sao?

Lại như trong công ty bạn có rất nhiều công nhân, viên chức. Họ ra sức làm việc số tiền lãi bạn thu về rất nhiều, nhưng rốt cuộc bạn không thưởng cho họ đồng nào; như thế, công ty này có tiếp tục tồn tại phát triển được không? Có lợi thì mọi người cùng hưởng chung, khi phân chia có thể theo công sức góp phần, người làm nhiều hưởng nhiều, người làm ít thì hưởng ít. Có một ông chủ đầu tư hết vốn liếng, đem hết trí tuệ và tâm lực để làm việc việc kinh doanh; bởi vì ông ta bỏ ra rất nhiều nên thu lợi nhiều là việc bình thường. Nhưng một viên chức bình thường, ít nhất cũng phải ra sức làm việc bằng trí tuệ và nỗ lực, thậm chí làm hoàn thành công việc trước thời gian công ty quy định, vì để cho công bằng thích hợp, chia hưởng hợp lý là điều nên làm. Nếu như ông chủ chỉ biết bóc lột, hoặc không muốn chia cho nhân viên hưởng lợi ích thì dần dần sẽ mất đi nhân lực và quần chúng, tổn thất này do keo kiệt đưa đến.

Có người tuy không có tài sản gì, nhưng họ rất rộng rãi, bằng lòng đem tất cả tài vật chia cho người khác cùng hưởng. Nhờ họ sống rộng rãi như vậy, cho nên được nhiều người tin tưởng, ủng hộ họ, có thể nói là nhân tài lãnh tụ. Nhưng kẻ keo kiệt vì không muốn chia tiền vật của mình cho mọi người cùng hưởng, nên không có mối quan hệ với mọi người, không được họ ủng hộ và thương yêu. Nhưng người hào hiệp khác với kiểu “giả làm người hào hiệp”. Hào hiệp là mình không có tiền, hoặc có tiền không nhiều, nhưng đem hết khả năng của mình giúp đỡ người khác.

Có người tuy không có gì, nhưng dùng nhiều cách lấy đồ của nhà giàu, như mua chịu, mượn, lấy trộm… đem chia cho người nghèo cùng hưởng, cũng là của người phúc ta; đó là “giả làm người hào hiệp”. Người nào đời này không kết duyên rộng với mọi người thì đời sau sẽ thành kẻ ngu si. Nếu bản thân mình có tiền vật đem chia cho người cùng hưởng thì đời sau mới tăng trưởng phước tuệ. – “HT. Thánh Nghiêm”!

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Hoa Nghiêm tập 14: Phẩm Tu Di Sơn Đảnh Kế Tán

Định Tuệ

Kinh Pháp Hoa: Phẩm Pháp sư thứ mười

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 26: Lễ cúng thính Pháp

Định Tuệ

Những lợi ích của việc lạy sám hối 35 vị Phật

Định Tuệ

Kinh Kim Quang Minh Quyển 5: Phẩm Tứ Thiên Vương quán sát trời người

Định Tuệ

Không trên trời, giữa biển – Kinh Pháp Cú 127

Định Tuệ

Linh ứng Kinh Kim Cang: Nhờ tụng kinh mà được hưởng vui Niết bàn

Định Tuệ

Hoằng nguyện và đại hạnh của A Di Đà Phật

Định Tuệ

Nói dối có tác hại gì? Quan điểm của Phật giáo về việc nói dối

Định Tuệ

Viết Bình Luận