Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Kinh Hoa Nghiêm tập 12: Phẩm Hiền Thủ thứ mười hai

Kinh Hoa Nghiêm với tên gọi đầy đủ là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Dưới đây là nội dung phẩm Hiền Thủ thứ mười hai.

Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát nói hạnh thanh-tịnh không trược loạn đại công-đức rồi, vì muốn hiển-thị công-đức của bồ-đề tâm, nên nói kệ hỏi Hiền-Thủ Bồ-Tát :

Nay tôi đã vì chư Bồ-Tát
Nói hạnh thanh-tịnh Phật đã tu
Ngài cũng nên ở trong hội này
Diễn đạt tu hành công-đức lớn.
Lúc đó Hiền-Thủ Bồ-Tát nói kệ đáp :
Lành thay xin ngài lóng nghe đây
Những công-đức đó chẳng lường được
Nay tôi tùy sức, nói ít phần
Như một giọt nước trong biển lớn.
Nếu có Bồ-Tát sơ phát tâm
Thệ cầu sẽ chứng Phật bồ-đề
Công-đức của kia không ngằn mé
Không thể cân lường, chẳng gì sánh.
Huống là vô-lượng vô-biên kiếp
Tu đủ địa, độ, các công-đức
Mười phương tất cả chư Như-Lai
Ðều cùng ngợi khen chẳng hết được.
Vô-biên công-đức lớn như vậy
Nay tôi trong đây nói ít phần
Ví như chân chim vạch không gian
Và như hạt bụi trên đại địa.
Bồ-Tát phát tâm cầu bồ-đề
Chẳng phải không nhơn, không có duyên
Với Phật, Pháp, Tăng khởi lòng tin
Do đây mà sanh tâm rộng lớn.
Chẳng cầu ngũ dục và ngôi vua
Chẳng mong giàu, vui, danh tiếng lớn
Chỉ vì dứt hẳn khổ chúng-sanh
Lợi ích thế-gian mà phát ý.
Thường muốn lợi lạc các chúng-sanh
Trang-nghiêm cõi nước, cúng-dường Phật
Thọ trì chánh-pháp, tu trí-huệ
Vì chứng bồ-đề mà phát tâm.
Thâm tâm, tin, hiểu thường thanh-tịnh
Cung kính, tôn trọng tất cả Phật
Nơi Pháp và Tăng cũng như vậy
Chí-thành cúng-dường mà phát tâm.
Thâm tín nơi Phật và phật-pháp
Cũng tin phật-tử đạo tu hành
Và tin vô-thượng đại bồ-đề
Do đây Bồ-Tát phát tâm nguyện.
Tin là đạo nguồn, mẹ công-đức
Nuôi lớn tất cả những pháp lành
Dứt trừ lưới nghi, khỏi vòng ái
Khai thị niết-bàn, đạo vô-thượng.
Tin không nhơ bợn, lòng thanh-tịnh
Là cội cung kính, trừ kiêu mạn
Cũng là pháp-tạng đệ-nhứt-tài
Là tay thanh-tịnh thọ thiện hạnh.
Tin hay ban cho, không bỏn-sẻn
Tin hay hoan-hỉ vào phật-pháp
Tin hay thêm lớn trí, công-đức
Tin quyết-định được bực Như-Lai.
Tin khiến lục-căn sạch, sáng, lẹ
Tin sức kiên-cố không bị hư
Tin hay dứt hẳn cội phiền-não
Tin hay chuyển hướng Phật công-đức.
Tin nơi cảnh-giới không chấp trước
Xa lìa các nạn, được vô-nạn
Tin hay vượt khỏi các đường ma
Thị-hiện đạo giải-thoát vô-thượng.
Tin là giống công-đức không hư
Tin hay sanh trưởng cây bồ-đề
Tin hay thêm lớn trí tối-thắng
Tin hay thị-hiện tất cả Phật.
Cứ theo công-hạnh nói thứ đệ
Tin là hơn hết, rất khó được
Ví như trong tất cả thế-gian
Mà có như ý diệu-bửu-châu.
Nếu thường tin thờ nơi chư Phật
Thời hay trì giới và tu-học;
Nếu thường trì-giới và tu học
Thời hay đầy đủ các công-đức.
Giới hay khai phát gốc bồ-đề
Học là siêng tu bực công-đức,
Nơi giới và học thường thuận làm
Thời được chư Phật luôn khen ngợi.
Nếu thường tin phụng nơi chư Phật
Thời hay trần-thiết cúng-dường lớn
Nếu hay trần-thiết cúng-dường lớn
Người này tin Phật bất-tư-nghì.
Nếu thường tin phụng nơi tôn-pháp
Thời nghe phật-pháp không nhàm đủ
Nếu nghe phật-pháp không nhàm đủ
Người này tin pháp bất-tư-nghì.
Nếu thường tin phụng thanh-tịnh tăng
Thời được tín tâm bất-thối-chuyển
Nếu được tín-tâm bất-thối-chuyển
Người này tín-lực không dao-động.
Nếu được tín-lực không dao-động
Thời được lục-căn sạch sáng-lẹ
Nếu được lục-căn sạch sáng-lẹ
Thời hay xa lìa ác-tri-thức.
Nếu hay xa lìa ác-tri-thức
Thời được gần gũi thiện-tri-thức
Nếu được gần gũi thiện-tri-thức
Thời hay tu tập quảng-đại-thiện.
Nếu hay tu tập quảng-đại-thiện
Người này được thành nhơn-lực lớn
Nếu người được thành nhơn-lực lớn
Thời được thù-thắng quyết-định giải.
Nếu được thù-thắng quyết-định giải
Thời được chư Phật thường hộ-niệm
Nếu được chư Phật thường hộ-niệm
Thời hay phát khởi bồ-đề-tâm
Nếu hay phát khởi bồ-đề-tâm
Thời hay siêng tu Phật công-đức
Nếu hay siêng tu Phật công-đức
Thời được sanh vào nhà của Phật.
Nếu được sanh ở nhà chư Phật
Thời khéo tu-hành phương-tiện lớn
Nếu khéo tu-hành phương-tiện lớn
Thời tâm tin ưa được thanh-tịnh.
Nếu được tâm tin ưa thanh-tịnh
Thời được tâm tăng-thượng tối-thắng
Nếu được tâm tăng-thượng tối-thắng
Thời thường tu tập ba-la-mật
Nếu thường tu tập ba-la-mật
Thời được trọn đủ pháp đại-thừa
Nếu được trọn đủ pháp đại-thừa
Thời hay đúng pháp cúng-dường Phật.
Nếu hay đúng pháp cúng-dường Phật
Thời được tâm niệm Phật bất-động
Nếu được tâm niệm Phật bất-động
Thời thường thấy được vô-lượng Phật.
Nếu thường thấy được vô-lượng Phật
Thời thấy Như-Lai thể thường-trụ
Nếu thấy Như-Lai thể thường-trụ
Thời biết được pháp trọn bất-diệt.
Nếu biết được pháp trọn bất-diệt
Thời được biện-tài vô-chướng-ngại
Nếu được biện-tài vô-chướng-ngại
Thời hay khai diễn vô-biên pháp.
Nếu hay khai diễn vô-biên pháp
Thời hay từ-mẫn độ chúng-sanh
Nếu hay từ-mẫn độ chúng-sanh
Thời được tâm đại-bi kiên-cố.
Nếu được tâm đại-bi kiên-cố
Thời hay mến ưa pháp thâm-diệu
Nếu hay mến ưa pháp thâm-diệu
Thời hay xa lìa lỗi hữu-vi.
Nếu hay xa lìa lỗi hữu-vi
Thời lìa kiêu-mạn và phóng-dật
Nếu lìa kiêu-mạn và phóng-dật
Thời hay kiêm-lợi tất cả chúng.
Nếu hay kiêm-lợi tất cả chúng
Thời ở sanh-tử không mỏi nhàm
Nếu ở sanh-tử không mỏi nhàm
Thời được dũng kiện không ai hơn.
Nếu được dũng kiện không ai hơn
Thời hay phát khởi đại thần-thông
Nếu hay phát khởi đại thần-thông
Thởi biết hạnh tất cả chúng-sanh.
Nếu biết hạnh tất cả chúng-sanh
Thời hay thành-tựu các quần-sanh
Nếu hay thành-tựu các quần-sanh
Thời được trí khéo nhiếp chúng-sanh.
Nếu được trí khéo nhiếp chúng-sanh
Thời hay thành tựu pháp tứ-nhiếp
Nếu hay thành tựu pháp tứ-nhiếp
Thời cho chúng-sanh lợi vô-hạn
Nếu cho chúng-sanh lợi vô-hạn
Thời đủ phương-tiện trí tối-thắng
Nếu đủ phương-tiện trí tối-thắng
Thời trụ đạo dũng-mãnh vô-thượng.
Nếu trụ đạo dũng-mãnh vô-thượng
Thời hay xô dẹp những ma-lực
Nếu hay xô dẹp những ma-lực
Thời hay vượt khỏi cảnh tứ-ma.
Nếu hay vượt khỏi cảnh tứ-ma
Thời được đến nơi bực bất-thối
Nếu được đến nơi bực bất-thối
Thời được pháp-nhẫn vô-sanh lớn.
Nếu được pháp-nhẫn vô-sanh lớn
Thời được chư Phật thọ-ký cho
Nếu được chư Phật thọ-ký cho
Thời tất cả Phật hiện ra trước.
Nếu được chư Phật hiện ra trước
Thời rõ mật-dụng thần-thông lớn
Nếu rõ mật-dụng thần-thông lớn
Thời được chư Phật thường nhớ tưởng.
Nếu được chư Phật thường nhớ tưởng
Thời dùng Phật-đức tự trang-nghiêm
Nếu dùng Phật-đức tự trang-nghiêm
Thời được thân đoan-nghiêm diệu-phước.
Nếu được thân đoan-nghiêm diệu-phước
Thời thân chói sáng dường núi vàng
Nếu thân chói sáng dường núi vàng
Thời đủ ba mươi hai tướng hảo.
Nếu đủ ba mươi hai tướng hảo
Tám mươi tùy hảo đồng nghiêm-sức
Nếu đủ tùy hảo đồng nghiêm-sức
Thời thân sáng chói vô-hạn-lượng.
Nếu thân sáng chói vô-hạn-lượng
Thời được quang-minh bất-tư-nghị
Nếu được quang-minh bất-tư-nghị
Quang-minh này hiện những liên-hoa.
Những quang-minh từ liên-hoa hiện
Có vô-lượng Phật ngự trên liên-hoa
Thị-hiện mười phương đều khắp cả
Ðều hay điều-phục các chúng-sanh.
Nếu hay điều-phục các chúng-sanh
Thời hiện vô-lượng thần-thông-lực.
Nếu hiện vô-lượng thần-thông-lực
Thời trụ bất-tư-nghị cõi nước,
Thời diễn thuyết bất-tư-nghị pháp
Khiến bất-tư-nghị chúng hoan-hỉ.
Thời dùng sức trí-huệ, biện-tài
Tùy tâm chúng-sanh mà giáo-hóa.
Nếu dùng sức trí-huệ, biện tài
Tùy tâm chúng-sanh mà giáo-hóa
Thời dùng trí-huệ làm tiên-đạo
Thân, ngữ, ý, thường không lầm lỗi.
Nếu dùng trí-huệ làm tiên đạo
Thân ngữ ý thường không lầm lỗi
Thời nguyện-lực tất được tự-tại
Tùy theo các loài mà hiện thân.
Nếu nguyện-lực ấy được tự-tại
Tùy theo các loài mà hiện thân
Thời lúc tùy chúng, mà thuyết-pháp
Âm-thinh tùy loại, khó nghĩ bàn
Thời với tâm tất cả chúng-sanh
Một niệm biết cả không thừa sót.
Nếu với tâm tất cả chúng-sanh
Một niệm biết cả không thừa sót.
Thời biết phiền-não không từ đâu
Trọn không còn chìm trong sanh-tử.
Nếu biết phiền-não không từ đâu
Trọn không còn chìm trong sanh-tử
Thời được thân công-đức pháp-tánh
Dùng pháp oai-lực hiện thế-gian.
Nếu được thân pháp-tánh công-đức
Dùng pháp oai-lực hiện thế-gian
Thời được thập-địa, mười tự-tại
Tu-hành các độ, thắng giải-thoát
Thời được quán-đảnh đại thần-thông
Trụ nơi tối-thắng các tam-muội.
Nếu được quán-đảnh đại-thần-thông
Trụ nơi tối thắng các tam-muộI
Thời khắp mười-phương chỗ chư Phật
Ðáng thọ quán-đảnh được thắng-vị
Thời được tất cả Phật mười phương
Tay lấy cam-lộ rưới trên đảnh
Thời thân đầy khắp như hư-không
An-trụ bất-động khắp mười-phương.
Nếu thân đầy khắp như hư-không
An-trụ bất-động khắp mười-phương
Thời chỗ sở-hành không ai bằng
Chư thiên, người đời chẳng biết được.
Bồ-Tát siêng tự-tại hạnh đại-bi
Nguyện độ tất cả đều trọn vẹn
Nếu ai nghe thấy mà cúng-dường
Ðều làm cho họ được an-lạc.
Thần-lực của chư Bồ-Tát kia
Pháp-nhãn toàn vẹn không thuyết giảm
Những đạo diệu-hạnh thập thiện thảy
Thắng bửu vô-lượng đều khiến hiện.
Như báu kim-cang trong đại-hải
Do oai-lực này sanh các báu;
Không tăng, không giảm, cũng vô-tận
Công-đức của Bồ-Tát cũng vậy.
Hoặc có quốc-độ không có Phật
Bồ-Tát nơi đó hiện thành Phật,
Nếu có quốc-độ chẳng biết Pháp
Nơi đó Bồ-Tát thuyết diệu-pháp.
Không có phân-biệt, không công-dụng
Trong khoảng một niệm khắp mười-phương
Như mặt nguyệt sáng chiếu khắp nơi
Vô-lượng phương-tiện độ quần-sanh.
Ở trong mười-phương các thế-giới
Niệm niệm thị-hiện thành phật-đạo
Chuyển chánh pháp-luân vào tịch-diệt
Nhẫn đến xá-lợi phân bố rộng.
Hoặc hiện Thanh-Văn cùng Ðộc-Giác
Hoặc hiện thành Phật khắp trang-nghiêm
Như vậy khai-diễn pháp ba thừa
Rộng độ chúng-sanh vô-lượng kiếp.
Hoặc hiện thân đồng-nam đồng-nữ
Trời rồng nhẫn đến a-tu-la,
Cùng với ma-hầu-la-già thảy
Tùy chúng sở-thích đều khiến thấy.
Chúng-sanh hình tướng đều chẳng đồng
Hành-nghiệp, âm-thinh cũng vô-lượng
Tất cả như vậy đều hiện được
Hải-ấn tam-muội oai-thần lực.
Nghiêm-tịnh bất-tư-nghị quốc-độ
Cúng-dường tất cả chư Như-Lai
Phóng-đại quang-minh vô-lượng-biên
Ðộ thoát chúng-sanh cũng vô-hạn.
Trí-huệ tự-tại, bất-tư-nghị
Ngôn-từ thuyết-pháp không chướng ngại
Thí, giới, nhẫn, tấn và thiền-định
Trí-huệ, phương-tiện, thần-thông thảy.
Tất cả như vậy đều tự-tại
Do Phật hoa-nghiêm tam-muội lực.
Trong một vi-trần nhập tam-muộI
Thành-tựu vi-trần tất cả định,
Mà vi-trần kia cũng không thêm
Nơi một hiện khắp vô-biên cõi.
Trong một trần kia, nhiều quốc-độ
Hoặc là có Phật, hoặc không Phật,
Hoặc là tạp nhiễm, hoặc thanh-tịnh
Hoặc cõi rộng lớn, hoặc hẹp nhỏ
Hoặc có cõi thành, hoặc là hoại
Hoặc cõi chánh-trụ, hoặc bàng-trụ,
Hoặc như ánh-nắng giữa đồng-trống
Hoặc như lưới Thiên-Ðế trên trời.
Như chỗ thị-hiện trong một trần
Tất cả vi-trần đều như vậy,
Ðây là những thánh-nhơn cao cả
Tam-muội, giải-thoát thần-thông-lực.
Nếu muốn cúng-dường tất cả Phật
Nhập nơi tam-muội khởi thần-thông
Hay dùng một tay khắp đại-thiên
Cúng khắp tất cả vô-số Phật.
Bao nhiêu hoa đẹp ở mười-phương
Hương thoa, hương bột, báu vô-giá
Ðều từ trong tay xuất hiện ra
Cúng-dường chư Phật ngự đạo-thọ.
Bửu-y vô-giá, xen hương-diệu
Bửu tràng-phan, lọng đều xinh đẹp
Vàng rồng làm hoa, ngọc làm màn
Tất cả đều từ trong tay hiện.
Bao nhiêu vật tốt ở mười-phương
Ðáng đem phụng-hiến đấng vô-thượng
Trong tay tất cả đều hiện đủ
Trước cây bồ-đề cúng chư Phật.
Tất cả kỹ-nhạc ở mười-phương
Chung, cổ, cầm, sắc đủ các loại
Ðồng tấu hòa nhã âm-thinh diệu
Ðều từ bàn tay xuất hiện ra.
Bao nhiêu tán tụng ở mười-phương
Ca ngợi thiệt-đức của chư Phật
Như vậy các thứ diệu ngôn-từ
Ðều từ bàn tay mà khai-diễn.
Bồ-Tát tay mặt phóng tịnh-quang
Trong quang rưới ra nước thơm sạch
Rưới khắp mười-phương các quốc-độ
Cúng dường tất cả Chiếu-Thế-Ðăng.
Lại phóng quang-minh diệu trang-nghiêm
Xuất-sanh vô-lượng hoa-sen báu
Hoa này hình sắc đều rất đẹp
Dùng đây cúng-dường lên chư Phật.
Lại phóng quang-minh hoa trang-nghiêm
Các thứ diệu-hoa họp làm trướng
Rải khắp cõi nước ở mười-phương
Cúng-dường tất cả đấng Ðại-Ðức.
Lại phóng quang-minh hương trang-nghiêm
Các thứ diệu-hương họp làm trướng,
Rải khắp cõi nước ở mười-phương
Cúng-dường tất cả đấng Ðại-Ðức.
Lại phóng quang-minh mạt-hương tốt
Các thứ mạt-hương họp làm trướng
Rải khăp cõi nước ở mười-phương
Cúng-dường tất cả đấng Ðại-Ðức.
Lại phóng quang-minh y trang-nghiêm
Các thứ y phục họp làm trướng
Rải khắp cõi nước ở mười-phương
Cúng-dường tất cả đấng Ðại-Ðức.
Lại phóng quang-minh bửu trang-nghiêm
Các thứ diệu-bửu họp làm trướng
Rải khắp cõi nước ở mười-phương
Cúng-dường tất cả đấng Ðại-Ðức.
Lại phóng quang liên-hoa trang-nghiêm
Các thứ liên-hoa họp làm trướng
Rải khắp cõi nước ở mười-phương
Cúng-dường tất cả đấng Ðại-Ðức.
Lại phóng quang anh-lạc trang-nghiêm
Các thứ chuỗi-ngọc họp làm trướng
Rải khắp cõi nước ở mười-phương
Cúng-dường tất cả đấng Ðại-Ðức.
Lại phóng quang-minh tràng trang-nghiêm
Bửu-tràng rực-rỡ đủ màu đẹp
Các loại vô-lượng đều rất tốt
Dùng dây trang-nghiêm các phật-độ.
Các thứ báu đẹp lọng trang-nghiêm
Những phan lụa đẹp treo rủ xuống
Lạc báu ma-ni, diễn phật-âm
Ðem đến kính-dâng cúng chư Phật.
Tay hiện đồ cúng bất-tư-nghị
Như vậy cúng-dường một Ðạo-Sư
Nơi tất cả Phật đều như vậy
Ðây là thần-lực của Ðại-Sĩ.
Bồ-Tát trụ trong môn tam-muội
Các thứ tự-tại nhiếp chúng-sanh
Ðều đem pháp công-đức đã làm
Vô-lượng phương-tiện để chỉ dạy.
Hoặc dùng môn cúng-dường Như-Lai
Hoặc dùng môn nhẫn-nhục bất-động
Hoặc dùng môn khổ-hạnh tinh-tấn
Hoặc dùng môn thiền-định tịch-tịnh,
Hoặc dùng môn trí-huệ quyết rõ
Hoặc dùng môn phương-tiện tu-hành
Hoặc dùng môn phạm-trụ, thần-thông
Hoặc dùng môn tứ-nhiếp lợi-ích,
Hoặc dùng môn phước-trí trang-nghiêm
Hoặc dùng môn nhơn-duyên, giải-thoát
Hoặc dùng môn căn, lực, chánh-đạo
Hoặc dùng môn Thinh-Văn giải-thoát,
Hoặc dùng môn Ðộc-Giác Thanh-tịnh
Hoặc dùng môn Ðại-Thừa tự-tại
Hoặc dùng môn Vô-Thường những khổ
Hoặc dùng môn vô-ngã vô-thọ,
Hoặc dùng môn bất-tịnh, ly-dục
Hoặc dùng môn diệt-tận tam-muội.
Tùy theo chúng-sanh bịnh chẳng đồng
Ðều dùng pháp-dược để đối-trị.
Tùy theo chúng-sanh tâm sở-thích
Ðều dùng phương-tiện khiến đầy đủ.
Tùy theo chúng-sanh hạnh sai-biệt
Ðều dùng chước khéo khiến thành tựu.
những tướng tam-muội thần-thông ấy
Tất cả trời người chẳng lường được.
Có diệu tam-muội tên tùy-lạc
Bồ-Tát trụ đây, khắp quan-sát
Tùy nghi thị-hiện độ chúng-sanh
Ðều khiến vui lòng theo chánh-pháp.
Trong thời-gian, nạn cơ-cẩn, tai
Ban cho thế-gian đồ cần thiết
Tùy chỗ họ muốn đều khiến đủ
Khắp vì chúng-sanh làm lợi-ích :
Hoặc cho những vật uống, ăn ngon
Y-phục, tư-trang, những vật tốt
Cả đến ngôi vua, đều xả được
Khiến kẻ ưa thí theo chánh-pháp.
Hoặc dùng tướng-hảo trang-nghiêm thân
Y-phục thượng-diệu, chuỗi ngọc báu
Tràng hoa nghiêm-sức, hương thoa thân
Oai-nghi đầy đủ, độ hàm thức.
Tất cả thế-gian chỗ ưa chuộng
Sắc tướng, dung-nhan, và y-phục
Tùy nghi hiện đủ, vui lòng họ
Khiến kẻ ưa sắc theo chánh-pháp.
Tiếng ca-lăng-tần-già mỹ diệu
Âm-thinh diệu Câu-chỉ-la thảy
Những thứ phạm-âm đều đầy đủ
Tùy lòng họ thích vì thuyết-pháp.
Tám vạn bốn ngàn các pháp-môn
Chư Phật dùng đây độ chúng-sanh
Bồ-Tát cũng theo pháp sai-biệt
Tùy nghi theo đời mà hóa độ.
Chúng-sanh khổ, lạc, lợi, suy thảy
Những việc thật hành của thế-gian
Ðều hay ứng hiện đồng với họ
Dùng đây phổ-độ các chúng-sanh.
Tất cả thế-gian những khổ hoạn
Sâu rộng không bờ như đại-hải
Ðồng sự với họ đều chịu được
Khiến họ lợi ích được an vui.
Có người chẳng biết pháp xuất ly
Chẳng cầu giải-thoát lìa ồn náo
Vì họ Bồ-Tát hiện thí xả
Thường ưa xuất-gia tâm tịch-tịnh.
Nhà là chốn tham ái, ràng buộc
Muốn khiến chúng-sanh, đều khỏi lìa
Nên hiện xuất-gia được giải-thoát
Với các dục lạc không ưa thích.
Bồ-Tát hiện làm mười công-hạnh
Cũng làm tất cả pháp đại-nhơn
Làm hạnh chư Tiên đều không sót
Vì muốn chúng-sanh được lợi ích.
Nếu có chúng-sanh thọ vô-lượng
Phiền-não vi-tế thích đầy đủ
Trong đó Bồ-Tát được tự-tại
Hiện thọ các khổ : già, bịnh, chết.
Hoặc kẻ tham-dục, sân, ngu-si
Lửa mạnh phiền-não luôn hừng cháy
Bồ-Tát thị-hiện già, bịnh, chết
Khiến chúng-sanh đó đều điều-phục.
Như-Lai thập-lực, vô-sở-úy
Cùng với mười tám pháp bất-cộng
Tất cả vô-lượng các công-đức
Ðều đem thị-hiện độ chúng-sanh.
Thọ-ký, giáo-hóa và thần-túc
Ðều là sức tự-tại của Phật
Chư Ðại-Sĩ kia đều thị-hiện
Hay khiến chúng-sanh đều điều-phục.
Bồ-Tát đem các môn phương-tiện
Tùy thuận thế-pháp độ chúng-sanh
Ví như liên-hoa chẳng dính nước
Tại thế như vậy, khiến người tin.
Là vua văn tài, học uyên-bác
Ca vũ, luận bàn, người đều thích
Tất cả kỹ-thuật trong thế-gian
Như nhà ảo-thuật đều hiện đủ.
Hoặc làm trưởng-giả, chủ trong ấp
Hoặc làm thương mãi, người buôn bán
Hoặc làm quốc-vương cùng quan lớn
Hoặc làm lương-y, nhà hùng-biện.
Hoặc làm cây to giữa cánh đồng
Hoặc làm thuốc hay, những kho báu
Hoặc làm bửu-châu như-ý-vương
Hoặc đem chánh-đạo dạy chúng-sanh.
Nếu thấy thế-giới mới thành lập
Chúng-sanh chưa có vật cần dùng
Bấy giờ Bồ-Tát làm công-thợ
Vì họ bầy ra các nghề nghiệp.
Chẳng làm vật bức-não chúng-sanh
Chỉ nói chuyện thế-gian lợi-ích
Các luận : chú-thuật, dược-thảo thảy
Tất cả như vậy đều nói rành.
Thắng-hạnh của tất cả tiên-nhơn
Trời người, mọi loài đều tín-ngưỡng
Những pháp khổ-hạnh khó làm đó
Bồ-Tát tùy-nghi đều làm được.
Hoặc làm ngoại-đạo người xuất-gia
Hoặc ở núi rừng tự cần khổ
Hoặc để mình trần, không y-phục
Mà làm sư-trưởng của chúng kia.
Hoặc hiện những hạnh tà-mạng thảy
Tập làm phi-pháp cho là thắng
Hoặc hiện oai-nghi, làm phạm-chí
Ở trong chúng kia làm thượng-thủ.
Hoặc chịu ngũ-nhiệt, phơi dưới nắng
Hoặc giữ giới bò, chó và nai
Hoặc mặc áo rách, phụng-thờ lửa
Vì độ chúng kia, làm sư-trưởng.
Hoặc hiện yết-kiến các thiên-miếu
Hoặc lại hiện vào nước sông Hằng
Ăn củ, trái thảy, đều hiện làm
Nơi đó thường suy pháp tối-thắng.
Hoặc hiện ngồi xổm, hoặc co chơn
Hoặc nằm cỏ gai, hoặc trên tro
Hoặc nằm trên chày, cầu xuất-ly
Mà ở chúng kia làm sư-thủ.
Như vậy các phái, các ngoại đạo
Quan-sát ý-giải cùng đồng-sự
Hiện làm : khổ-hạnh đời chẳng kham
Khiến họ xem thấy đều điều-phục.
Chúng-sanh mê-lầm bẩm tà-giáo
Trụ nơi ác-kiến, thọ những khổ
Vì họ, phương-tiện, nói diệu-pháp
Ðều khiến được hiểu lý chơn-thật.
Hoặc theo chú-ngữ nói tứ-đế
Hoặc giỏi mật-ngữ nói tứ-đế
Hoặc dùng tiếng người nói tứ-đế
Hoặc Trời mật-ngữ nói tứ-đế.
Phân-biệt văn-tự, nói tứ-đế
Quyết-định nghĩa-lý, nói tứ-đế
Khéo phá nơi người, nói tứ-đế
Chẳng bị dao-động, nói tứ-đế,
Hoặc tiếng bát-bộ, nói tứ-đế
Hoặc tất cả lời, nói tứ-đế
Tùy ngôn-âm thế-gian hiểu được
Diễn thuyết tứ-đế, khiến giải-thoát.
Tất cả bao nhiêu các phật-tử
Ðều nói như vậy đủ tất cả
Biết cảnh-giới lời bất-tư-nghị
Ðây là thuyết-pháp tam-muội-lực.
Có thắng tam-muội tên an-lạc
Hay khắp cứu độ các quần sanh
Phóng đại quang-minh bất-tư-nghị
Khiến ai được thấy đều điều phục.
Quang-minh đã phóng tên thiện-hiện
Nếu có ai gặp quang-minh này
Tất được lợi-ích chẳng luống uổng
Nhơn đây được thành trí vô-thượng,
Bồ-Tát trước hiện nơi chư Phật
Hiện Pháp, hiện Tăng, hiện chánh-đạo
Cũng hiện tháp Phật và hình tượng
Vì thế nên thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên chiếu-diệu
Chói lấn tất cả sáng chư Thiên
Bao nhiêu ám-chướng đều tiêu-trừ
Khắp vì chúng-sanh làm lợi-ích.
Quang này giác-ngộ tất cả chúng
Khiến cầm đèn sáng cúng-dường Phật
Do dùng đèn sáng cúng-dường Phật
Ðược thành thế-gian Vô-Thượng-Ðăng.
Thắp những đèn dầu và đèn tô
Cũng thắp các thứ đuốc sáng tỏ
Những ngọn nến báu thơm đẹp nhất
Dùng đây cúng Phật được quang này.
Lại phóng quang-minh tên tế-độ
Quang này giác ngộ tất cả chúng
Khiến họ phát tâm đại thệ-nguyện
Ðộ thoát quần-sanh trong dục-hải
Thời hay vượt qua bốn dòng nước
Bước đến thành vô-ưu giải-thoát.
Nơi những đường đi ngang sông lớn
Xây cất cầu đò và thuyền bè
Quở rầy hữu-vi khen tịch-tịnh
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên diệt-ái
Quang này giác-ngộ tất cả chúng
Khiến họ xa lìa cảnh ngũ-dục
Gẩm suy diệu-vị pháp giải-thoát.
Nếu hay bỏ lìa cảnh ngũ-dục
Gẩm suy diệu-vị pháp giải-thoát
Thời hay dùng Phật pháp cam-lồ
Rưới tắt thế-gian những khát-ái.
Bố-thí ao, giếng, và khe suối
Chuyên cầu bồ-đề đạo vô-thượng
Quở trách ngũ-dục, khen thiền-định
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên hoan-hỷ
Quang này giác-ngộ tất cả chúng
Khiến họ ái-mộ Phật bồ-đề
Phát tâm nguyện chứng vô-sư-đạo.
Tạo lập Như-Lai tượng đại-bi
Tướng hảo trang-nghiêm, ngự liên-tòa
Luôn khen những công-đức tối-thắng
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên ái-nhạo
Quang này giác-ngộ tất cả chúng
Khiến lòng họ mến kính chư Phật
Mến kính tôn-pháp mến kính tăng;
Nếu tâm thường kính mến chư Phật
Kính mến Pháp và kính mến Tăng
Thời ở trong chúng-hội Như-Lai
Thành được pháp-nhẫn sâu vô-thượng.
Khai-ngộ chúng-sanh số vô-lượng
Khiến họ niệm Phật, Pháp, Tăng-Bửu
Và dạy phát tâm tự-tại công-đức
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên phước-tụ
Quang này giác-ngộ tất cả chúng
Khiến họ thật hành nhiều bố-thí
Dùng đây nguyện cầu đạo vô-thượng.
Lập hội đại bố-thí vô-hạn
Ai đến cầu xin đều thỏa mãn
Chẳng để lòng họ còn thấy thiếu
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên cụ-trí
Quang này giác-ngộ tất cả chúng
Khiến nơi một pháp, trong một niệm
Ðều hiểu vô-lượng các pháp-môn.
Ví các chúng-sanh phân-biệt pháp
Nhẫn đến quyết-liễu nghĩa chơn-thật
Khéo nói pháp nghĩa không thiếu bớt
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên huệ-đăng
Quang này giác-ngộ tất cả chúng
Khiến biết chúng-sanh tánh không-tịch
Tất cả các pháp vô-sử-hữu.
Diễn-thuyết các pháp không, vô-chủ
Như huyễn, như diệm, trăng dưới nước
Cũng như giấc mơ, cùng bóng tượng
Do đây được thành quang-minh này.
Phóng quang-minh tên pháp-tự-tại
Quang này giác-ngộ tất cả chúng
Khiến được vô-tận đà-la-ni
Tổng-trì tất cả các phật-pháp,
Cung-kính cúng-dường người trì-pháp
Cung-cấp hầu-hạ chư thánh-hiền
Ðem chánh-pháp thí cho chúng-sanh
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên năng-xả
Quang này giác-ngộ kẻ xan-tham
Khiến biết tài vật là vô-thường
Thường thích bố-thí lòng không nhiễm.
Lòng keo-kiết khó điều, được điều
Biết của như mộng, như mây nổI
Thêm lớn tâm bố-thí thanh-tịnh
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên trừ-nhiệt
Quang này giác-ngộ kẻ phạm giới
Khiến họ thọ-trì giới thanh-tịnh
Phát tâm nguyện chứng đạo vô-sư.
Khuyên đắc chúng-sanh thọ-trì giới
Mười nghiệp đạo lành đều thanh-tịnh
Lại khiến phát hướng bồ-đề tâm
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên nhẫn-nghiêm
Quang này giác-ngộ kẻ sân hận
Khiến họ lìa sân, trừ ngã-mạn
Thường thích pháp nhu-hòa nhẫn-nhục.
Chúng-sanh bạo ác khó nhẫn được
Vì bồ-đề nên tâm chẳng động
Thường thích chánh-pháp-ngợi đức nhẫn-nhục
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên dũng-mãnh
Quang này giác-ngộ kẻ giải-đãi
Khiến họ thường đối với Tam-Bảo
Cung-kính cúng-dường không nhàm mỏi.
Nếu họ thường đối với Tam-Bảo
Cung-kính cúng-dường không nhàm mỏi
Thời hay vượt khỏi cảnh tứ-ma
Mau thành bực bồ-đề vô-thượng.
Khuyến hóa chúng-sanh khiến tinh-tấn
Thường siêng cúng-dường ngôi Tam-Bảo
Lúc pháp sắp diệt chuyên ủng-hộ
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên tịch-tịnh
Quang này giác-ngộ kẻ loạn tâm
Khiến họ xa lìa tham, sân, si
Tâm chẳng dao động được chánh-định,
Xa lìa tất cả ác-trí-thức
Luận đàm vô-nghĩa, hạnh tạp nhiễm
Khen ngợi thiền-định, hạnh tịch-tịnh
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên huệ-nghiêm
Quang này giác-ngộ kẻ ngu mê
Khiến họ chứng lý, hiểu duyên khởi
Lục căn, trí-huệ đều thông đạt,
Nếu hay chứng lý, hiểu duyên-khởi
Lục-căn, trí-huệ đều thông đạt
Thời được pháp tam-muội nhựt-đăng
Trí-huệ sáng tỏ thành phật-quả,
Của ngoài, trong thân đều hay xả
Vì đạo bồ-đề cầu chánh-pháp
Nghe xong, chuyên cần vì chúng nói
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên phật-huệ
Quang này giác-ngộ các hàm-thức
Khiến thấy vô-lượng vô-biên Phật
Ðều ngự trên bửu-tọa liên-hoa.
Khen Phật oai-đức và giải-thoát
Ngợi Phật tự-tại vô-hạn-lượng
Hiển thị phật-lực và thần-thông
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên vô-úy
Quang này chiếu đến kẻ sợ hãi
Quỷ-mị bắt giữ, những độc hại
Tất cả đều khiến mau trừ diệt,
Hay ban vô-úy cho chúng-sanh
Gặp kẻ não-hại đều khuyên ngăn
Chẩn-tế kẻ cô cùng ách-nạn
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên an-ổn
Quang này chiếu đến người tật bịnh
Khiến trừ tất cả sự khổ đau
Ðều được sự vui trong chánh-định,
Ban cho thuốc hay cứu các bịnh
Diệu-bửu sống lâu, hương thoa thân
Tô, dầu, sữa, mật làm thức ăn
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên kiến-Phật
Quang này giác-ngộ người sắp chết
Khiến, tùy nhớ tưởng, thấy Như-Lai
Mạng chung được sanh cõi nước Phật,
Thấy kẻ lâm-chung khuyên niệm Phật
Lại chỉ tượng Phật bảo nhìn ngắm
Khiến đối với Phật rất kính ngưỡng
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên lạc-pháp
Quang này giác-ngộ tất cả chúng
Khiến nơi chánh-pháp luôn mến thích
Lóng nghe, diễn thuyết và biên chép,
Lúc pháp sắp diệt hay diễn thuyết
Khiến người cầu pháp ý thỏa-mãn
Mến thích chánh-pháp siêng tu tập
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên diệu-âm
Quang này khai-ngộ chư Bồ-Tát
Hay khiến các tiếng trong ba cõi
Người đều nghe là tiếng của Phật,
Dùng âm-thinh lớn ca ngợi Phật
Bố-thí lạc, linh các âm nhạc
Khiến kháp thế-gian nghe tiếng Phật
Do đây được thành quang-minh này.
Phóng quang-minh tên thí cam-lộ
Quang này khai-ngộ tất cả chúng
Khiến bỏ tất cả hạnh phóng-dật
Tu hành đầy đủ các công-đức,
Nói pháp hữu-vi chẳng an-ổn
Vô-lượng khổ-não đều đầy khắp
Hằng thích ca ngợi vui tịch-diệt
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên tối-thắng
Quang này khai-ngộ tất cả chúng
Khiến ở chỗ Phật khắp lóng nghe
Giới, định, trí-huệ pháp tăng thượng,
Thường thích ca ngợi tất cả Phật
Thắng-giới, thắng-định, thắng trí-huệ
Ðó là vì cầu đạo vô-thượng
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên Bửu-nghiêm
Quang này giác-ngộ tất cả chúng
Khiến được bửu-tạng vô-cùng tận
Dùng đây cúng-dường chư Như-Lai,
Ðem các loại bửu-châu thượng-diệu
Dâng lên chư Phật và tháp Phật
Cũng khiến ban cho kẻ nghèo thiếu
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên hương-nghiêm
Quang này giác-ngộ tất cả chúng
Khiến người nghe pháp lòng vui đẹp
Quyết-định sẽ thành công-đức Phật,
Hương tốt quý giá dùng thoa đất
Cúng-dường tất cả đấng Tói-Tôn
Cũng dùng xây tháp và tượng Phật
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên tạp trang-nghiêm
Bửu-tràng, phan lọng số vô-lượng
Thắp hương, rải hoa, tấu âm-nhạc
Thành ấp trong ngoài đều khắp cả,
Ðem những kỹ-nhạc vi-diệu ấy
Cùng những hương, hoa, phan, lọng đẹp
Các thứ trang-nghiêm cúng-dường Phật
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên nghiêm-khiết
Khiến mặt đại-địa đều bằng phẳng
Trang-nghiêm tháp Phật và chỗ ấy
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên đại-vân
Hay khởi mây thơm hay nước thơm
Nước thơm rưới tháp và đình viện
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên nghiêm-cụ
Khiến người thiếu áo được thượng-phục
Vật tốt nghiêm thân đem bố-thí
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên thượng-vị
Hay khiến kẻ đói được mỹ-thực
Các thứ ăn ngon đem bố-thí
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên đại-tài
Khiến kẻ nghèo cùng được của báu
Ðem vật vô-tận cúng Tam-Bảo
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên nhãn-thanh-tịnh
Hay khiến kẻ mù được ngó thấy
Ðem đèn cúng Phật và tháp Phật
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên nhĩ-thanh-tịnh
Hay khiến kẻ điếc được nghe rõ
Trổi nhạc cúng Phật và tháp Phật
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên tỹ-thanh-tịnh
Xưa chưa nghe hương, đều được nghe
Ðem hương cúng Phật và tháp Phật
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên thiệt-thanh-tịnh
Hay dùng tiếng tốt ca ngợi Phật
Trừ hẳn lời nói thô và ác
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên thân-thanh-tịnh
Kể năm căn thiếu khiến hoàn cụ
Ðem thân lễ Phật và tháp Phật
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên ý-thanh-tịnh
Khiến kẻ quên-lãng được chánh-niệm
Tu-hành tam-muội đều tự-tại
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên sắc-thanh-tịnh
Khiến thấy Phật-sắc bất-tư-nghị
Ðem những diệu-sắc trang-nghiêm tháp
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên thinh-thanh-tịnh
Khiến biết thinh-tánh vốn không tịch
Quán thinh duyên-khởi, như tiếng vang
Do đây được thành quang-minh ấy.
Lại phóng quang-minh tên hương-thanh-tịnh
Khiến vật hôi nhơ đều thơm sạch
Nước thơm rửa tháp, cây bồ-đề
Do đây được thành quang-minh ấy.
Lại phóng quang-minh tên vị-thanh-tịnh
Hay trừ tất cả độc trong vị
Hằng cúng Phật, Tăng cùng cha mẹ
Do đây được thành quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên xúc-thanh-tịnh
Hay khiến thô-nhám đều dịu mềm
Ðao, mâu, kiếm, kích trên rơi xuống
Ðều khiến biến làm tràng hoa đẹp,
Bởi xưa từng ở giữa đường sá
Thoa hương, rải hoa, trải y-phục
Rước đưa chư Phật đi trên đó
Vì thế nay được quang-minh này.
Lại phóng quang-minh tên pháp-thanh-tịnh
Hay khiến tất cả những chưn lông
Ðều diễn diệu-pháp bất-tư-nghị
Ai nghe pháp này đều vui hiểu,
Nhơn duyên sanh ra, vốn vô-sanh
Pháp-thân của Phật, chẳng phải thân
Pháp-tánh, thường-trụ như hư-không
Do thuyết nghĩa trên được quang ấy.
Những môn quang-minh như đã thuật
Hằng-hà sa-số vô-hạn-lượng
Ðều từ chưn lông Ðại-Tiên phóng
Mỗi quang công-dụng đều sai-biệt.
Như một chưn lông phóng quang-minh
Vô-lượng vô-số như hằng-sa
Tất cả chưn lông đều như vậy
Ðây là Ðại-Tiên tam-muội-lực.
Như bổn-hạnh xưa, được quang-minh
Tùy ai, túc duyên, đồng tu-hành
Nay phóng quang-minh nên như vậy
Ðây là Ðại-Tiên trí tự-tại.
Thuở xưa đồng tự-tại nơi phước-nghiệp
Và người mến thích hay tùy-hỉ
Thấy kia thật hành cũng vui theo
Nay nơi quang này đều được thấy.
Nếu ai tự tu các phước-nghiệp
Cúng-dường chư Phật vô-lượng-số
Nơi công-đức Phật thường nguyện cầu
Ðược quang-minh này làm giác-ngộ.
Như kẻ sanh-manh chẳng thấy trời
Chẳng phải mặt trời không mọc lên
Những người mắt tỏ đều thấy rõ
Riêng theo phận mình làm công việc,
Quang-minh Bồ-Tát cũng như vậy
Người có trí-huệ đều thấy cả
Phàm-phu tà-tín, kẻ mê-si
Nơi quang-minh này không thấy được.
Ma-ni cung-điện và xe kiệu
Báu đẹp hương thơm dùng thoa sáng
Người có phước-đức tự nhiên đủ
Người không phước-đức chẳng ở được.
Bồ-Tát quang-minh cũng như vậy
Người có trí sâu đều chiếu đến
Tà-tín, hiểu-kém, kẻ phàm ngu
Chẳng thể thấy được quang-minh ấy.
Nếu ai nghe quang này sai biệt
Hay sanh lòng tin sâu, thanh-tịnh
Dứt hẳn tất cả các lưới nghi
Mau thành tràng công-đức vô-thượng.
Có thắng tam-muội hay xuất-hiện
Quyến-thuộc trang-nghiêm đều tự-tại
Tất cả mười-phương các quốc-độ
Phật-tử chúng-hội không sánh kịp.
Có diệu liên-hoa, quang trang-nghiêm
Lượng bằng tam-thiên đại-thiên giới
Thân ngài đoan-tọa khắp liên-hoa
Ðây là tam-muội thần-thông-lực.
Lại có mười cõi vi-trần-số
Liên-hoa xinh đẹp bao vòng quanh
Chúng Phật-tử ngồi trên hoa đó
Trụ nơi tam-muội oai-thần-lực.
Ðời trước thành-tựu nhơn-duyên lành
Tu-hành đầy đủ Phật công-đức
Những chúng-sanh này quanh Bồ-Tát
Cùng nhau chấp tay nhìn không chán.
Như mặt nguyệt giữa các tinh-tú
Bồ-Tát trong chúng cũng như thế
Công-hạnh Bồ-Tát pháp như vậy
Vào nơi tam-muội oai-thần-lực.
Như sự thị-hiện ở một phương
Các chúng phật-tử cùng vây quanh
Trong tất cả phương đều như vậy
Trụ nơi tam-muội oai-thần-lực.
Có thắng tam-muội tên phương-võng
Trụ đây Bồ-Tát rộng khai-thị
Trong tất cả phương khắp hiện thân
Hoặc hiện nhập-định hoặc xuất-định,
Hoặc ở phương Ðông nhập chánh-định
Rồi ở phương Tây nhập chánh-định
Rồi ở phương Ðông mà xuất-định,
Hoặc ở phương khác nhập chánh-định
Rồi ở phương khác mà xuất-định,
Nhập xuất như vậy khắp mười-phương
Ðây gọi Bồ-Tát tam-muội-lực.
Cùng tận phương Ðông các quốc-độ
Chư Phật Như-Lai vô-lượng-số
Ðều hiện trước Phật thân-cận cả
Trụ nơi tam-muội tịch bất-động,
Nhưng nơi phương Tây các thế-giới
Chỗ của tất cả chư Phật ngự
Ðều hiện từ nơi tam-muội xuất
Sắm sửa vô-lượng đồ cúng-dường.
Cùng tận phương Tây các quốc-độ
Chư Phật Như-Lai vô-lượng-số
Ðều hiện trước Phật thân-cận cả
Trụ nơi tam-muội tịch bất-động,
Những nơi phương Ðông các thế-giới
Chỗ của tất cả chư Phật ngự
Ðều hiện từ nơi tam-muội xuất
Sắm sửa vô-lượng đồ cúng-dường.
Như vậy mười-phương các thế-giới
Bồ-Tát vào khắp không bỏ sót
Hoặc nhập tam-muội tịch bất-động
Hoặc hiện cung-kính cúng-dường Phật.
Ở trong nhãn-căn nhập chánh-định
Nơi trong sắc-trần từ định xuất,
Thị-hiện sắc-tánh bất-tư-nghị
Tất cả trời người chẳng biết được;
Ở trong sắc-trần nhập chánh-định
Nơi nhãn xuất-định, tâm chẳng loạn
Thuyết nhãn, vô-sanh và vô-khởi
Tánh : không, tịch-diệt và vô-tác.
Ở trong nhĩ-căn nhập chánh-định
Nơi trong thinh-trần từ định xuất
Phân biệt tất cả tiếng ngữ ngôn
Chư Thiên, thế-nhơn chẳng biết được.
Ở trong thinh-trần nhập chánh-định
Nơi nhĩ xuất định, tâm chẳng loạn
Thuyết nhĩ, vô-sanh và vô-khởi
Tánh không, tịch-diệt và vô-tác.
Ở trong tĩ-căn nhập chánh-định
Nơi trong hương-trần từ định xuất
Khắp được tất cả thượng-diệu hương
Chư Thiên, thế-nhơn chẳng biết được.
Ở trong hương-trầm nhập chánh-định
Nơi tỉ, vô-sanh và vô-khởi
Tánh : không, tịch-diệt và vô-tác.
Ở trong thiệt-căn nhập chánh-định
Nơi trong vị-trần từ định xuất
Khắp được tất cả những thượng-vị
Chư Thiên, thế-nhơn chẳng biết được.
Ở trong vị-trần nhập chánh-định
Trong thiệt xuất-định, tâm chẳng loạn
Nói thiệt, vô-sanh và vô-khởi
Tánh : không, tịch-diệt và vô-tác.
Ở trong thân-căn nhập chánh-định
Nơi trong xúc-trần từ định xuất
Khéo hay phân-biệt tất cả xúc
Chư Thiên, thế-nhơn chẳng biết được.
Ở trong xúc-trần nhập chánh-định
Trong thân xuất-định, tâm chẳng loạn
Thuyết thân, vô-sanh và vô-khởi
Tánh : không, tịch-diệt và vô-tác.
Ở trong ý-căn nhập chánh-định
Nơi trong pháp-trần từ định xuất
Phân biệt tất cả các pháp-tướng
Chư Thiên, thế-nhơn chẳng biết được.
Ở trong pháp-trần nhập chánh-định
Nơi ý xuất định, tâm chẳng loạn
Thuyết ý, vô-sanh và vô-khởi
Tánh : không, tịch-diệt và vô-tác.
Trong thân đồng-tử nhập chánh-định
Trong thân tráng-niên từ định xuất
Trong thân tráng-niên nhập chánh-định
Trong thân lão-niên từ định xuất,
Trong thân lão-niên nhập chánh-định
Trong thân thiện-nữ từ định xuất,
Trong thân thiện-nữ nhập chánh-định
Trong thân thiện-nam từ định xuất,
Trong thân thiện-nam nhập chánh-định
Thân tỳ-kheo-ni từ định xuất
Thân tỳ-kheo-ni nhập chánh-định
Trong thân tỳ-kheo từ định xuất,
Trong thân tỳ-kheo nhập chánh-định
Thân học vô-học từ định xuất,
Thân học vô-học nhập chánh-định
Thân Bích-Chi-Phật từ định xuất,
Thân Bích-Chi-Phật nhập chánh-định
Hiện thân Như-Lai từ định xuất,
Nơi thân Như-Lai nhập chánh-định
Trong thân chư Thiên từ định xuất,
Trong thân chư Thiên nhập chánh-định
Trong thân đại-long từ định xuất,
Trong thân đại-long nhập chánh-định
Trong thân Dạ-xoa từ định xuất,
Trong thân Dạ-xoa nhập chánh-định
Trong thân quỷ-thần từ định xuất,
Trong thân quỷ-thần nhập chánh-định
Trong một chưn lông từ định xuất,
Trong một chưn lông nhập chánh-định
Tất cả chưn lông từ định xuất,
Tất cả chưn lông nhập chánh-định
Trên đầu một lông từ định xuất,
Trên đầu một lông nhập chánh-định
Trong một vi-trần từ định xuất,
Trong một vi-trần nhập chánh-định
Tất cả vi-trần từ định xuất,
Trong tất cả trần nhập chánh-định
Trong đất kim-cang từ định xuất,
Trong đất kim-cang nhập chánh-định
Trên cây ma-ni từ định xuất,
Trên cây ma-ni nhập chánh-định
Trong quang-minh Phật từ định xuất,
Trong quang-minh Phật nhập chánh-định
Ở trong sông biển từ định xuất,
Ở trong sông biển nhập chánh-định
Ở trong lửa lớn từ định xuất,
Ở trong lửa lớn nhập chánh-định
Nơi gió xuất định tâm chẳng loạn,
Ở trong phong-đại nhập chánh-định
Ở trong địa-đại từ định xuất,
Ở trong địa-đại nhập chánh-định
Nơi Thiên-cung-điện từ định xuất,
Nơi Thiên-cung-điện nhập chánh-định
Hư-không xd tâm chẳng loạn,
Ðây gọi bực vô-lượng công-đức
Tam-muội tự-tại khó nghĩ bàn.
Mười-phương tất cả chư Như-Lai
Trong vô-lượng kiếp nói chẳng hết,
Tất cả Như-Lai đều cùng nói
Chúng-sanh nghiệp báo khó nghĩ bàn.
Chư long biến-hóa, Phật tự-tại
Bồ-Tát thần-lực cũng khó nghĩ
Muốn dùng ví-dụ để hiển bày
Trọn không có dụ để dụ được;
Nhưng những người trí-huệ thông-đạt
Nhơn thí-dụ để hiểu nghĩa đó.
Hàng Thinh-Văn trụ bát giải-thoát
Những sự biến hiện đều tự-tại :
Có thể một thân hiện nhiều thân
Lại hiệp nhiều thân thành một thân;
Ở giữa không gian nhập hỏa-định
Ði, đứng, nằm, ngồi giữa hư-không
Trên thân phun nước dưới tuôn lửa
Trên thân tuôn lửa dưới tuôn nước
Như thế đều nơi trong một niệm
Các môn tự-tại vô-lượng-biên;
Thinh-Văn chẳng đủ đại từ-bi
Chẳng vì chúng-sanh cầu phật-đạo
Còn hiện được thần-thông vô-lượng
Huống là Phật Bồ-Tát đại-lực !
Như mặt nhựt, nguyệt trên hư-không
Bóng tượng cùng khắp cả mười-phương
Trong nước ao hồ, đầm, chậu, chén
Sông ngòi, biển lớn đều hiện cả.
Bồ-Tát sắc tượng cũng như vậy
Hiện khắp mười-phương bất-tư-nghị;
Ðều do tam-muội sức tự-tại
Chỉ có Như-Lai là chứng biết.
Như trong nước trong, bóng vũ-khí
Các loại sai khác không xen tạp
Kiếm kích, cung tên, loại rất nhiều
Mão giáp xe cộ chẳng phải một,
Tùy kia bao nhiêu tướng sai khác
Nước trong hiện rõ tất cả bóng
Nhưng nước vốn tự không phân biệt
Bồ-Tát tam-muội cũng như vậy.
Trong biển có thần tên Thiện-Âm
Tiếng thần, thuận hết loài trong biển
Bao nhiêu ngôn ngữ đều hiện rõ
Khiến tất cả chúng đều vui đẹp.
Hải-thần có đủ tham, sân, si
Mà còn khéo hiểu tất cả tiếng
Huống là tổng-trì tự-tại-lực
Mà chẳng khiến được chúng vui mừng !
Có một phụ-nữ tên Biện-Tài
Cha mẹ cầu trời mà sanh nàng
Có ai lìa ác, thích chơn-thiệt
Vào trong thân nàng sanh diệu-biện.
Nàng ấy có tham dục, sân, si
Còn cho người theo có biện tài,
Huống là Bồ-Tát đủ trí-huệ
Mà chẳng cho chúng được lợi-ích !
Như nhà aỏ-thuật biết ảo-pháp
Hiện được nhiều loại cùng nhiều vật
Giây lát hiện làm ngày tháng năm
Thành ấp giàu có rất an vui,
Thuật-gia có đủ tham-sân-si
Còn biến hóa được vui thế-gian
Huống là thiền-định, sức giải-thoát
Mà chẳng khiến được chúng vui mừng !
Lúc trời cùng tu-la chiến đãu
Tu-la thua trận đồng chạy trốn
Vũ-khí, xe cộ và quân lữ
Ðồng thời trốn mất không kiếm được,
Tu-la có đủ tham-sân-si
Còn hay biến-hóa bất-tư-nghị
Huống bực thần-thông vô-úy-lực
Biến hiện tự-tại đâu lường được !
Thích-Ðề-Hoàn-Nhơn có tượng-vương
Lúc nó biết Thiên-Ðế muốn đi
Tự hóa đủ ba mươi hai đầu
Mỗi đầu đều đủ sáu ngà trắng,
Trên mỗi ngà đều có bảy ao
Mỗi ao đầy nước, thơm, trong sạch
Trong mỗi ao nước thơm trong ấy
Có bảy hoa sen rất xinh đẹp,
Trên mỗi hoa sen xinh đẹp ấy
Ðều có bảy ngọc-nữ cõi trời
giỏi nghề đờn ca trổi âm-nhạc
Cùng với Thiên-Ðế đồng vui chơi,
Voi ấy hoặc lại bỏ bổn hình
Tự hóa thân nó như chư Thiên
Oai nghi đi đứng như trời thiệt
Nó có sức thần-biến như vậy.
Tượng-vương có đủ tham-sân-si
Còn hiện thần-thông được như vậy
Huống bực đầy đủ trí phương tiện
Mà nơi tam-muội chẳng tự-tại.
Như A-tu-la biến thân hình
Chưn đạp đáy biển kim-cang-tế
Nước biển tột sâu ngập nửa thân
Ðầu cao ngang đỉnh núi Tu-Di;
Tu-la có đủ tham-sân-si
Còn hiện được thần-thông to lớn
Huống bực phục-ma Chiếu-Thế-Ðăng
Mà không tự-tại oai-thần-lực !
Trời cùng Tu-la lúc đánh nhau
Thiên-Ðế thần-lực bất-tư-nghị
Tùy theo số chúng để cùng đấu,
Hiện thân bằng số để cùng đấu,
Các A-tu-la tự nghĩ rằng :
Thích-Ðề-Hoàn-Nhơn đến đánh ta
Tất sẽ bắt tinh-tấn trói tay chơn
Do đây chúng nó đều lo lắng,
Ðế-Thích hiện thân có ngàn mắt
Tay cầm kim-cang tuôn lửa ngọn
Mặc giáp cầm gậy rất oai-nghiêm
Tu-la trông thấy đều sợ chạy.
Thiên-Ðế chỉ do chút phước-đức
Còn dẹp phá được oán-địch lớn
Huống bực đại-bi cứu tất cả
Ðủ công-đức lại chẳng tự-tại !
Trong trời Ðao-Lợi có thiên-cổ
Từ nghiệp báo trời mà cảm ra
Lúc biết chư Thiên ham phóng-dật
Trên không tự-nhiên vang tiếng này :
‘Tất cả ngũ-dục đều vô-thường
‘Như bọt nước kia, tánh hư giả
‘Các cõi như mơ, như ánh nắng
‘Như trăng trong nước, như mây nổi,
‘Phóng-dật là oán, là khổ não
‘Là đường sanh-tử, chẳng mát-mẻ
‘Nếu ai ham say việc phóng-dật
‘Lọt vào miệng cá lớn sanh-tử;
‘Những cội gốc khổ của thế-gian
‘Tất cả thánh-nhơn đều nhàm sợ,
‘Ngũ-dục hoại diệt các công-đức
‘Các ngài phải thích pháp chơn-thật.
Tam-thập tam-thiên nghe tiếng trống
Cùng dắt nhau lên Thiện-Pháp-Ðường,
Thiên-Ðế vì họ giảng diệu-pháp
Ðều khiến thuận đạo, trừ tham ái.
Tiếng trống vô-hình không thấy được
Còn hay lợi-ích chúng chư Thiên
Huống bực Ðại-Từ hiện sắc-thân
Mà chẳng tế-độ loài hàm-thức !
Trời cùng Tu-la lúc đánh nhau
Chư Thiên phước-đức thù-thắng-lực
Thiên-cổ vang tiếng bảo chư Thiên :
Các ngài chẳng nên có kinh sợ !
Chư Thiên được nghe tiếng trống này
Ðều hết lo sợ thêm thế-lực
Lúc đó Tu-la lòng sợ khiếp
Bao nhiêu binh tướng kéo chạy lui.
Cam-lộ diệu định, như thiên-cổ :
Hằng vang tiếng hàng ma, tịch-tịnh
Ðại-bi xót thương cứu tất cả
Khiến khắp chúng-sanh dứt não-phiền.
Thiên-Ðế ứng khắp các thiên-nữ
Chín mươi hai na-do-tha thân
Khiến chư thiên-nữ đều tự bảo
Thiên-Vương chỉ cùng ta riêng vui.
Như khắp ứng với chư thiên-nữ
Trong Thiện-Pháp-Ðường cũng như vậy
Hay trong một niệm hiện thần-thông
Ðều đến trước mặt mà thuyết pháp.
Thiên-Ðế có đủ tham, sân, si
Hay khiến quyến-thuộc đều hoan-hỷ
Huống bực phương-tiện đại-thần-thông
Mà chẳng khiến được chúng vui-đẹp !
Tha-Hóa-Tự-Tại đại Thiên-Vương
Ở trong cõi dục được tự-tại
Dùng hoặc-nghiệp khổ, làm rọ lưới
Cột trói tất cả hạng phàm-phu.
Thiên-Vương kia có tham, sân, si
Với chúng-sanh còn được tự-tại
Huống bực đủ cả mười trí-lực
Mà chẳng khiến được chúng đồng hành !
Ðại-thiên thế-giới Ðại-Phạm-Vương
Tất cả chỗ ở của Phạm-thiên
Ðều hay hiện thân ngồi ở trước
Diễn thông tiếng phạm-âm vi-diệu.
Ðại-Phạm-Vương kia ở thế-gian
Thiền-định, thần-thông còn như ý
Huống đấng xuất thế-gian vô-thượng
Mà thiền giải-thoát chẳng tự-tại !
Ma-Hê-Thủ-La trí tự-tại
Ðại-hải long-vương lúc làm mưa
Có thể phân-biệt đếm từng giọt
Ở trong một niệm biết rõ-ràng.
Bực vô-lượng kiếp siêng tu học
Ðược trí-giác bồ-đề vô-thượng
Há lại chẳng được trong một niệm
Biết khắp tất cả tâm chúng-sanh !
Chúng-sanh nghiệp-báo bất-tư-nghị
Dùng sức đại-phong, khởi thế-gian
Biển rộng, núi to, thiên cung-điện
Các báu, quang-minh, muôn vật loại,
Cũng hay nổi mây cùng mưa lớn
Cũng hay làm tan những vân-khí
Cũng hay thành-thục loài ngũ-cốc
Cũng hay an-lạc các chúng-sanh;
Ðại-phong chẳng học ba-la-mật
Cũng chẳng học Phật các công-đức
Còn làm thành việc bất-tư-nghị
Huống bực đầy đủ những hạnh-nguyện
Nam-tử nữ-nhơn các thứ tiếng
Âm-thinh của tất cả chim muông
Tiếng biển gào, sông chảy, sấm nổ
Ðều hay vừa đẹp ý chúng-sanh.
Huống bực biết tiếng, tánh như vang
Ðến được biện-tài diệu vô-ngại
Ứng khắp chúng-sanh mà thuyết pháp
Mà chẳng khiến được chúng-sanh mứng !
Biển có pháp hi-kỳ đặc biệt
Bình-đẳng ấn tượng tất cả cảnh
Bửu-vật, thế-gian, và muôn dòng
Dung nạp tất cả không chống đối.
Vô-tận thiền-định, bực giải-thoát
Là bình-đẳng ấn cũng như vậy
Phước-đức, trí-huệ, các diệu-hạnh
Khắp tu tất cả không nhàm đủ.
Ðại-hải Long-vương lúc du-hí
Nơi nơi chốn chốn được tự-tại
Nổi mây trùm khắp cả bốn châu
Mây đó đủ những màu trang-nghiêm,
Ðệ-lục Tha-Hóa-Tự-Tại thiên
Nơi đó màu mây như chơn-kim,
Mây trời Hóa-Lạc màu xích-châu,
Mây trời Ðâu-Suất màu sương tuyết,
Mây trời Dạ-Ma màu lưu-ly,
Mây trời Ðao-Lợi màu mã-não,
Trời Tứ-Vương-Thiên màu pha-lê,
Trên mặt Ðại-Hải màu kim-cang,
Cõi Khẩn-Na-La màu diệu-hương,
Chỗ ở chư Long màu liên-hoa,
Chỗ ở Dạ-Xoa màu bạch-nga,
Trong A-Tu-La màu sơn-thạch,
Châu Uất-Ðơn-Việt màu vàng lửa,
Trong Diêm-Phù-Ðề màu thanh-bửu,
Hai châu kia màu tạp trang-nghiêm,
Tùy chúng sở-thích mà ứng đó.
Và lại Tha-Hóa-Tự-Tại thiên
Trong mây chớp sáng như nhựt-quang,
Trên trời Hóa-Lạc như nguyệt-quang,
Trên Ðâu-Suất thiên vàng diêm-phù,
Trên Dạ-Ma thiên màu kha-tuyết,
Trời Ðao-Lợi sáng màu lửa vàng,
Trên Tứ-Vương-thiên màu các báu,
Trong Ðại-Hải kia màu xích-châu,
Chỗ Khẩn-na-la màu lưu-ly,
Chỗ Long-Vương ở màu bửu-tạng,
Chỗ Dạ-xoa ở màu pha-lê,
Trong A-tu-la màu mã-não,
Châu Uất-Ðơn-Việt màu hỏa-châu,
Trong Diêm-Phù-Ðề màu đế thanh,
Nơi hai châu kia tạp trang-nghiêm
Như màu của mây chớp cũng vậy.
Tha-Hóa sấm nổ như phạm-âm,
Hóa-Lạc Thiên như tiếng đại-cổ,
Ðâu-Suất Thiên như tiếng xướng chánh-pháp,
Dạ-Ma Thiên như tiếng thiên-nữ,
Nơi trên trời tam-thập-tam kia
Như âm-thinh của Khẩn-na-la,
Nơi cõi Tứ-Vương thiên hộ thế
Như tiếng của thần Càn-thác-bà,
Trong biển như tiếng hai núi chạm,
Trong Khẩn-na-la tiếng tiêu địch,
Trong thành Long-Vương tiếng tần-già,
Chỗ Dạ-xoa ở tiếng Long-nữ,
Nơi A-Tu-La tiếng trống trời,
Ở trong nhơn-loại tiếng hải-triều.
Tha-Hóa-Tự-Tại mưa diệu-hương
Các thứ tạp hoa dùng trang-nghiêm
Hóa-Lạc-thiên mưa hoa đa-la
Mạn-đà-la hoa và rưới hương,
Trên Ðâu-Suất thiên mưa ma-ni,
Ðầy đủ các thứ bửu trang-nghiêm,
Bửu-châu trong tóc như nguyệt-quang
Y-phục thượng-diệu màu chơn-kim,
Trời Dạ-Ma mưa tràng phan lọng
Tràng-hoa, hương thoa đồ nghiêm-sức
Y thượng-diệu màu xích chơn-châu
Và cùng các thứ kỹ nhạc tốt,
Ðạo-Lợi thiên mưa châu như-ý
Hương kiên-hắc trầm-thủy, chiên-đàn
Uất-kim, kê-la, đa-ma thảy
Hoa đẹp nước thơm xen nhau rưới,
Trong thành Trí-Vương mưa thức ngon
Ðủ sắc, hương, vị thêm sức khỏe
Cũng mưa vô-lượng các diệu-bửu
Tất cả đều do Long-vương làm.
Và lại nơi trong đại-hải kia
Mưa tuôn chẳng dứt như trục xe
Lại mưa vô-tận tạng đại-bửu
Cũng mưa các thứ đồ trang-nghiêm,
Xứ Khẩn-na-la mưa anh-lạc
Y-phục màu liên-hoa và bửu
Hương mạt-lợi và bà-sư-ca
Các thứ âm-nhạc đều đầy-đủ,
Trong thành chư Long mưa xích-châu,
Thành Dạ-xoa mưa ma-ni quang,
Trong A-Tu-La mưa dao gậy
Dẹp trừ tất cả những oán địch,
Châu Uất-Ðơn-Việt mưa anh-lạc
Cũng mưa vô-lượng hoa thượng-diệu,
Phất-Bà, Cù-Gia hai châu kia
Ðều mưa các món đồ trang-nghiêm,
Diêm-Phù-Ðề mưa nước trong sạch
Thấm nhuần mọi nơi thường phải thời
Nuôi lớn cây hoa quả và thuốc
Thành thục tất cả những lúa mạ.
Như vậy vô-lượng diệu trang-nghiêm
Các thứ mây, chớp và sấm, mưa,
Long-Vương tự-tại đều làm được
Mà thân chẳng động, chẳng phân-biệt.
Long-Vương ở trong biển thế-gian
Còn hay hiện được sức nan-tư
Huống bực vào biển pháp công-đức
Mà chẳng hiện được đại thần-biến !
Môn giải-thoát của chư Bồ-Tát
Tất cả ví-dụ không lệ được
Nay tôi tạm dùng các ví-dụ
Lược nói Bồ-Tát tự-tại-lực.
Trí-huệ đệ-nhứt, huệ quảng-đại,
Trí-huệ chơn-thiệt, huệ vô-biên,
Thắng-huệ và dùng huệ thù-thắng,
Pháp môn như vậy nay đã nói.
Pháp này hi-hữu rất kỳ-đặc
Nếu người nghe xong lãnh thọ được
Hay tin, hay thọ, hay khen nói
Việc làm như vậy rất là khó.
Tất cả phàm-phu ở thế-gian
Người tin pháp này rất là khó
Nếu ai siêng tự-tại phước thanh-tịnh
Do nhơn lành xưa mới tin được.
Quần-sanh trong tất cả thế-giới
Ít ai muốn cầu Thanh-Văn thừa
Người cầu Ðộc-Giác lại càng ít
Người hướng Ðại-Thừa rất khó gặp.
Người hướng Ðại-Thừa còn là dễ
Tin được pháp này lại khó hơn
Huống lại trì tụng vì người nói
Ðúng pháp tu-hành hiểu chơn thật.
Hoặc người đem Ðại-thiên thế-giới
Ðầu đội một kiếp thân chẳng động
Việc người này làm chưa là khó
Người tin pháp này mới là khó.
Hoặc người tay bưng mười quốc-độ
Ðứng giữa không-gian trọn mười kiếp
Việc người này làm chưa là khó
Tin được pháp này mới là khó.
Nơi mười cõi vi-trần số chúng
Cho vật sở-thích trọn một kiếp
Phước-đức người này chưa là thắng
Người tin pháp này mới tối-thắng.
Nơi mười cõi vi-trần số Phật
Ðều kính cúng thờ trọn một kiếp
Nếu tụng trì được phẩm kinh này
Phước này tối-thắng hơn người trước.

Lúc Hiền-Thủ Bồ-Tát nói kệ này rồi, thập phương thế-giới chấn-động sáu cách, cung ma ẩn khuất, ác đạo thôi dứt. Thập phương chư Phật đều hiện ra trước đồng đưa tay hữu xoa đảnh ngài và đồng tiếng khen : ‘Lành thay! Ông khéo nói pháp này. Chúng tinh-tấn tất cả đều tùy-hỷ’.

Mời quý vị đọc trọn bộ Kinh Hoa Nghiêm tại: Kinh Hoa Nghiêm trọn bộ PDF cho bạn đọc tụng – Thích Trí Tịnh

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Địa Tạng phẩm thứ mười hai: Thấy nghe được lợi ích

Định Tuệ

Kinh Pháp Hoa: Phẩm Trì thứ mười ba

Định Tuệ

Hồi hướng công đức là gì? Hồi hướng công đức có tác dụng gì?

Định Tuệ

Chúng sinh muốn vào chánh định cần nghiêm trì giới luật…

Định Tuệ

Định luật nghiệp quả: Bốn loại nghiệp

Định Tuệ

Phẩm thứ 38: Cái Sự – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Kim Quang Minh Quyển 5: Phẩm Nương không đạt nguyện

Định Tuệ

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát sơ phát Bồ đề tâm

Định Tuệ

Kinh Pháp Hoa: Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự thứ 27

Định Tuệ

Viết Bình Luận