Lậu Hoặc là dòng nước đen điu, bẩn thỉu chảy tràn, len lỏi khắp các cõi, không ngừng tươm rỉ những chất độc hại, dơ uế làm ô nhiễm tâm trí của chúng sanh.
1. Lậu Hoặc là gì?
Có bốn dòng nước đen điu, bẩn thỉu chảy tràn, len lỏi khắp các cõi, nó không ngừng tươm rỉ những chất độc hại, dơ uế làm ô nhiễm tâm trí của chúng sanh: Đó là Dục Lậu, Hữu Lậu, Kiến Lậu và Vô Minh Lậu.
Tất cả chúng sanh bị trầm luân, trôi dạt, bị thống khổ, đọa đày trong ba cõi, sáu đường; bị mê mờ, lặn hụp trong biển đen sinh tử không thấy bến bờ là do bị chi phối bởi Bốn Lậu Hoặc này. Chúng hiện đang có mặt khắp nơi, hoá trang nhiều khuôn mặt, phân thân trọng mọi lãnh vực sinh hoạt của thế gian, không dễ gì thấy biết. Vậy, phàm người học Phật, tu Phật thì phải nhận diện chúng, thấy rõ chúng để chúng không còn tác oai, tác quái, mê hoặc chúng ta trong nhiều đời kiếp nữa.
Đầu tiên, Lậu Hoặc là gì? Āsava – Hán tạng dịch là Lậu Hoặc. “Lậu” là rỉ ra, là tươm rỉ bợn nhơ, dơ uế phiền não. “Hoặc” là mê lẩn, mê lú. Dịch như thế là đúng với nghĩa của giáo pháp.
Tuy nhiên, từ āsava – xuất nguyên từ “ā” + căn “su” chỉ có nghĩa là trôi chảy. Sở dĩ được gọi vậy vì chúng chảy tràn ngập tất cả đời sống của chúng sanh trong các cảnh giới, tạo nên bợn nhơ, dơ dáy, uế tạp và làm cho mê lẩn, lú lẩn tâm trí chúng sanh.
Bốn Lậu Hoặc gồm có: Dục lậu, hữu lậu, kiến lậu, vô minh lậu.
1- Dục Lậu (kāmāsava)
Nghĩa chữ của “dục lậu” là do dục, bởi dục mà tươm rỉ ra bợn nhơ phiền não. Nhưng từ kāma chỉ có nghĩa là cõi dục, cõi vật dục, cõi của chúng sanh sống nhờ, sống bởi thế giới vật chất, ham muốn ngũ trần. Dục lậu len lỏi trong các cảnh giới; và chúng tồn tại dai dẳng trong tâm chúng hữu tình, không tha thứ cho một ai! Như vậy, dục lậu chỉ cho sự tham ái, dục vọng ngũ ngầm bên trong tất cả những ai còn phàm nhân. Nó là loại keo có năng lực dính hút, là cái gì cực kỳ lôi cuốn, làm say đắm tất cả chúng sanh. Chúng liên lỉ bám chặt, trồi lên dòng sống và chi phối mọi cuộc sinh tồn.
Dục lậu còn gồm những từ đồng một thuộc tính như: Ô nhiễm, hư hỏng, đồi bại, dơ bẩn, độc hại, bợn nhơ, xú uế, mê tối, lầm lạc… Mọi luyến ái dục lạc ngũ trần, đắm say vật chất đều thuộc về dục lậu.
2- Hữu Lậu (bhavāsava)
Chỉ cho sự tham ái, đeo dính, muốn có mặt, muốn tồn tại trong các cảnh giới. Nói cách khác – bhava (hữu) là hạt giống, là chủng tử; nó là tên gọi khác của hành (ái, thủ, hữu) đưa đến sanh, lão tử ở trong 12 duyên khởi. Với nghĩa này nên có ba hữu: Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu. Dục hữu thì tương tợ dục lậu. Còn sắc hữu và vô sắc hữu là muốn nói đến những đam mê, dính mắc, chấp thủ, trầm mịch trong các trạng thái hỷ, lạc, xả của thiền định. Và chính những sắc ái, vô sắc ái ấy nó tươm rỉ ra phiền não vi tế không dễ gì thấy biết.
3- Kiến Lậu (diṭṭhāsāva)
Là gồm chung là 62 tà kiến như đã được đề cập đến trong kinh Brāhmajāla (Phạm Võng). Do sự luyến ái ý tưởng, tư tưởng; các quan điểm, lý thuyết, triết lý cục bộ, giới hạn, lầm lạc, nghiêng lệch… lại còn chấp thủ vào chúng nữa nên đưa đến đối kháng, tranh chấp, bảo vệ. Đấy chính là kiến lậu. Là những phiền não thuộc về sở tri, kiến thức, quan niệm. Chúng đẻ ra biết bao nhiêu hỗn loạn, chiến tranh, hận thù, bạo tàn giữa cuộc đời. Những chủ thuyết chính trị, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, lý tưởng và quan điểm của các tôn giáo với nhưng cố chấp tệ hại, xuẩn động đã làm tổn thương biết bao nhiêu sinh mạng; đã làm khô rỗng mọi giá trị nhân ái, công bằng và lẽ phải giữa con người và con người.
Nếu dục lậu, hữu lậu thuộc về phiền não tâm thì kiến lậu thuộc về phiền não trí – chúng tươm rỉ mọi dơ uế, bẩn thỉu từ thế giới tinh thần. Cho chí mọi lý tưởng có vẻ cao đẹp ở bên ngoài với mục đích phục vụ nhân sinh, đưa đạo vào đời, cải tạo xã hội, nếu không có trí tuệ dẫn lối, soi đường thì chúng đều đi theo gót chân bụi bẩn, dơ uế của kiến lậu vậy.
4- Vô Minh Lậu (avijjāsava)
Là trạng thái vô minh liên quan đến Tứ Diệu Đế, ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên… Đấy là không biết gì về khổ, về nguyên nhân khổ, sự diệt khổ và con đường khổ diệt. Nói theo thiền quán minh sát là không biết gì về tiến trình sinh diệt của ngũ uẩn, của 12 duyên khởi; không biết rõ, thấy rõ “cái ta” là giả ngã, không thực tính, không thực thể, là tánh không.
Nói dễ hiểu hơn chút nữa, vô minh là trạng thái không sáng suốt, không tỉnh thức, không tỉnh giác, thiếu hiểu biết… Do vô minh che mờ nên tạo ra những hành động lầm lạc, gieo cấy các vọng nghiệp rồi trầm luân trong 3 cõi, 6 đường.
Trong 4 lậu hoặc, vô minh là lậu hoặc gốc. Có vô minh mới sinh “hành” và tiến trình duyên khởi sinh tử mới vận động. Vô minh nó tồn tại trong tâm trí phàm phu, cho chí nó còn đeo dính đến quả vị thánh A-na-hàm; chỉ khi đắc quả A-la-hán nó mới hoàn toàn vắng mặt “minh hiện, vô minh diệt”.
2. Làm thế nào để đoạn trừ các Lậu Hoặc?
Nhằm giải quyết bài toán “làm thế nào để đoạn trừ các lậu hoặc?”, Đức Phật đã đưa ra nhiều phương cách tu tập như: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Thần Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo… Hành giả thích hợp với pháp môn nào thì hành trì pháp môn đó!
Đặc biệt, bài “Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc” (Sabbàsava Sutta) nằm trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikãya) do Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch sang Việt Ngữ, Đức Phật đã đưa ra một số phương pháp diệt trừ lậu hoặc. Bài pháp này Đức Thế Tôn đã giảng tại thành Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp-Cô-Độc) cho các vị tỳ-kheo.
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Khi ở tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo!” –“Bạch Thế Tôn”, các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói: “Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Người pháp môn phòng hộ tất cả lậu hoặc”. Hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói”. –“Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Thế Tôn nói như sau:
(Tóm lược)
— Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt. Này các Tỷ-kheo, có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ)
Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý; vị này vì không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý.
Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng, hay vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Những pháp ấy là những pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý. Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp cần phải tác ý mà vị ấy không tác ý? Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt. Những pháp ấy là những pháp cần phải tác ý mà các vị ấy không tác ý. Do vị ấy tác ý các pháp không nên tác ý, do vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.
Vị ấy không như lý tác ý như sau: “Ta có mặt trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ hình vóc như thế nào? Trước kia ta-là gì và ta đã có mặt như thế nào trong thời quá khứ? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai?” Hay nay vị ấy có nghi ngờ về mình trong thời hiện tại: “Ta có mặt hay ta không có mặt? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt hình vóc như thế nào? Chúng sanh này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu?”.
Với người không như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên: “Ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; “Ta không có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn; “Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; “Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn. “Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; hay tà kiến này khởi lên với người ấy: “Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta-là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại”. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược. Này các Tỷ-kheo, trói buộc bởi kiến kiết sử, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói kẻ ấy không thoát khỏi khổ đau.
Này các Tỷ-kheo, và vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, tuệ tri các pháp cần phải tác ý, tuệ tri các pháp không cần phải tác ý. Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý và tác ý các pháp cần phải tác ý.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp không cần phải tác ý và vị này không tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh… (như trên)… hay vô minh lậu chưa sanh được khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Đó là những pháp không nên tác ý và vị ấy không tác ý. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh… (như trên)… hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt, đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý. Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.
Vị ấy như lý tác ý: “Đây là khổ”, như lý tác ý: “Đây là khổ tập”, như lý tác ý: “Đây là khổ diệt”, như lý tác ý: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”. Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ? Ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ con mắt. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ con mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ với sự phòng hộ con mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Vị ấy như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ tai… (như trên)… sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗi mũi… (như trên)… sống phòng hộ với sự phòng hộ lưỡi… (như trên)… sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ thân căn… (như trên)… sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ ý căn. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ ý căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ ý căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc phạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng.
Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hổ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”.
Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng sàng tọa, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc phạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loại bò sát, chỉ để giải trừ nguy hiểm của thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.
Vị ấy như lý giác sát thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác khổ thống đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn.
Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát, kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc phạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; kham nhẫn những cách nói mạ l , phỉ báng. Vị ấy có tánh kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn, khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước. Có những chỗ ngồi không xứng đáng ngồi, những trú xứ không nên lai vãng, những bạn bè ác độc mà nếu giao du thì bị các vị đồng phạm hạnh có trí nghi ngờ, khinh thường; vị ấy như lý giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai vãng ấy và các bạn độc ác ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát không có chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (dục niệm ấy); không có chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (sân niệm ấy); không có chấp nhận hại niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (hại niệm ấy); không chấp nhận các ác bất thiện pháp luôn luôn khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại (các ác bất thiện pháp ấy). Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn diệt.
(Các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát tu tập niệm giác chi, niệm giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; như lý giác sát tu tập trạch pháp giác chi… (như trên)… tu tập tinh tấn giác chi… tu tập hỷ giác chi… tu tập khinh an giác chi… tu tập định giác chi… tu tập xả giác chi; xả giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.
(Kết luận)
Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo những lậu hoặc nào phải do tri kiến được đoạn trừ đã được tri kiến đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do phòng hộ được đoạn trừ đã được phòng hộ đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do thọ dụng dược đoạn trừ đã được thọ dụng đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do kham nhẫn được đoạn trừ đã được kham nhẫn đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tránh né được đoạn trừ đã được tránh né đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do trừ diệt được đoạn trừ đã được trừ diệt đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do tu tập được đoạn trừ đã được tu tập đoạn trừ; này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là đã sống phòng hộ với sự phòng hộ tất cả lậu hoặc, đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, đã chánh quán kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau.
Như vậy Thế Tôn thuyết giảng. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
Tâm Hướng Phật/ST!