Điều này nói ra rất dễ, nhưng cũng rất khó. Muốn khôi phục lại trí huệ quang minh của bổn tánh, trước hết là nên giảm bớt dục niệm, tức là ít ham muốn.
Vấn đáp với Hòa Thượng Tuyên Hóa
Hỏi: Chúng con nên làm thế nào để khôi phục lại bổn tánh của mình?
Đáp: Điều này nói ra rất dễ, nhưng cũng rất khó. Muốn khôi phục lại trí huệ quang minh của bổn tánh, trước hết là nên giảm bớt dục niệm, tức là ít ham muốn. Giảm trừ dục niệm thì trí huệ mới hiện tiền; dục niệm nhiều thì trí huệ chân chánh sẽ không hiển hiện được.
Hỏi: Quốc Phụ, Tôn Trung Sơn lúc trước đã từng nói: Phật Giáo là đạo nhân từ cứu thế, là mẹ của triết học. Nghiên cứu Phật giáo có thể bù đắp vào cái thiên lệch của khoa học. Tại sao Quốc Phụ lại nói vậy?
Đáp: Phật học là khoa học thật sự. Vì vậy khoảng mấy ngàn năm về trước, lúc khoa học chưa phát triển mà Phật đã nói: “Phật quán một bát nước, tám vạn bốn ngàn trùng, nếu không trì chú này, như ăn thịt chúng sanh.”
Dựa vào điểm này ta thấy rằng, lúc đương thời Phật không có kính hiển vi, đâu có kính phóng đại chi mà Ngài đã biết trong bát nước có đến cả tám vạn bốn ngàn vi trùng rồi. Mãi đến nay người ta mới chứng nghiệm là đúng vậy. Cho nên nói trí huệ con người kém hơn trí huệ Phật rất xa.
Như Quốc Phụ nói: “Phật học có thể bổ sung vào chỗ thiên lệch của khoa học.” nhưng theo tôi, Phật học không những chỉ bổ sung vào chỗ thiên lệch mà còn bao gồm cả khoa học, nhưng khoa học không thể nào bao gồm Phật học được.
Hỏi: Sáu căn trong nhà Phật, bảo là sáu căn thanh tịnh, là nói gì vậy? Xin Hòa Thượng khai thị.
Đáp: Sáu căn thanh tịnh tức là: mắt thấy sắc nhưng không bị sắc trần làm dao động; tai nghe âm thanh nhưng không bị thanh trần làm dao động; mũi không bị hương trần làm dao động; lưỡi không bị vị trần làm dao động; thân không bị xúc trần làm dao động; ý không bị pháp trần làm dao động.
Nếu thường không bị cảnh giới làm dao động, đó gọi là Tam Muội, cũng tức là Định. “Định” không nhất thiết là chúng ta phải tọa thiền mới có được định mà đi, đứng, nằm, ngồi chi mình cũng đều ở trong định được cả.
Hỏi: Làm sao khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian?
Đáp: Nếu quý vị không tranh, không tham, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối thì chánh pháp sẽ luôn luôn trụ thế.
Hỏi: Chúng con không biết học giới luật như thế nào?
Đáp: Lục Đại Tông Chỉ ở Vạn Phật Thành tức là giới luật. Không tranh thì không phạm giới sát sanh; không tham thì không phạm giới trộm cắp; không ích kỷ thì không phạm giới nói dối.
Tại sao người ta nói dối? Tại vì muốn bảo vệ cái quyền lợi cho bản thân, cho nên đi tới đâu thì gạt người và nói lời giả dối tới đó. Không tự lợi thì không phạm giới uống rượu. Người uống rượu cho rằng, rượu có thể làm cho máu huyết lưu thông, giúp ích thân thể, nhất định sẽ được mạnh khỏe. Nhưng lúc uống say thì cảm thấy mình lâng lâng như thành thần thành tiên. Đó đều là vọng tưởng ích kỷ của người say đang tác quái.
Không nói dối đã được bao gồm trong năm điều đã nói ở trên. Vì để đề cao cảnh giác cho đại chúng và đặc biệt nhấn mạnh chỗ tai hại của sự nói dối, cho nên tôi mới thêm một điều mục nữa để cảnh tỉnh đó.
Hỏi: Tại sao những bài chú của Mật Tông lại linh nghiệm quá vậy? Thí dụ như “Tử Chú” có thể trù tới chết người.
Đáp: Không sai, sức mạnh của mật chú rất lớn, nhưng vì đa số các hành giả đều có tâm sân hận, tâm báo thù nặng nề. Nếu như có người làm ngược ý, hoặc không nghe lời thì họ sẽ niệm Chú và họ niệm những câu chú này trong vòng bảy ngày là có thể trù cho người đó chết, hoặc mức độ thấp nhất là cũng đem lại tai ương tật bịnh, thậm chí còn khiến cho gia đình đó phân ly, tán gia bại sản, hoặc là tự đi đến chỗ chết. Cho nên có rất nhiều người tuy theo Mật Tông nhưng lại thiếu lòng từ bi và có tánh Tu La rất nặng.
Hỏi: Gần đây con xem kinh Phật có nói rằng: “Muốn vãng sanh Tây phương thì phải phát nguyện.” Vậy là chúng ta tự phát nguyện trong lòng muốn vãng sanh Tây phương, hay là phải phát nguyện trước bàn thờ Phật?
Đáp: Nguyện là vì sợ ý chí của mình không kiên cố. Cho nên phát nguyện là giúp mình có chí khí. Mình có chí thánh hiền thì là thánh hiền, có chí như anh hùng hào kiệt thì là anh hùng hào kiệt; có chí như Phật, Bồ Tát thì là Phật, Bồ Tát.
Chúng ta lập chí thì lập được rồi, nhưng e rằng ý chí sẽ không kiên cố nên phải phát nguyện. Phát nguyện là tỏ rõ ý nguyện của mình muốn làm như vậy, không hối hận, không thoái tâm.
Mình phải “niệm bất thoái,” niệm tư tại tư, sanh niệm nào biết niệm đó và y theo nguyện lực của mình mà làm; “hành bất thoái,” là hành động của mình cũng y theo nguyện lực mà làm. Sau đó được quả vị cũng tức là “vị bất thoái,” đắc được sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả. Cho nên phát nguyện là giúp ích cho chí khí của mình.
Phát nguyện trước tượng Phật cũng được, hoặc tự kiên định chí khí của mình cũng được. Chúng ta không nên làm với tánh cách bên ngoài, mà phải chân thật thực hành một cách thực tiễn.
Hòa Thượng Tuyên Hóa – Trích: Gậy Kim Cang Hét 2, trang 17,14,18,19!