Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Kinh Lăng Nghiêm có phải là kinh ngụy tạo chăng?

Tại sao người ta bảo Kinh Lăng Nghiêm chẳng phải do đức Phật Thích Ca thuyết giảng? Chẳng qua vì nghĩa lý trong bộ Kinh rất ư chân thật.

Căn cứ theo truyền thuyết, Kinh Lăng Nghiêm là Kinh tối hậu truyền đến Trung quốc, nhưng cũng là Kinh bị hủy diệt đầu tiên vào thời Mạt Pháp, sau mới đến các Kinh khác, sau rốt còn lại một Kinh A-Di Ðà.

Ðại sư Hám Sơn từng nói hai câu như sau: “Chẳng đọc Pháp Hoa thì chẳng hiểu khổ tâm cứu đời của Như Lai; chẳng đọc Lăng Nghiêm thì không nắm được then chốt về mê hay ngộ của tu tâm”. Ðích xác là như vậy, bởi Kinh Lăng Nghiêm bao gồm hết thảy các pháp, nhiếp thọ hết mọi căn cơ, là pháp môn tinh tủy của các đời, là ấn chứng chính đề thành Phật và làm Tổ. Vì lẽ đó, người tu thiền bắt buộc phải nghiên cứu kỹ lưỡng bộ Kinh này, và hiểu thấu cảnh giới “năm mươi loại ấm ma” đặng tránh khỏi sa vào vòng của Ma vương. Nếu không vậy, không có sự nhận thức cho rõ ràng, thì bạ cảnh giới nào gặp phải cũng sanh tâm chấp trước, hành giả sẽ dễ nhập vào ma cảnh, thành kẻ quyến thuộc của ma vương. Ðó là một điều cực kỳ nguy hiểm!

Chẳng riêng Chú Lăng Nghiêm phải thuộc lòng, mà Kinh Lăng Nghiêm thiền giả cũng phải thuộc nữa. Người ta nói “thuộc sẽ nẩy cái hay”, thời cơ tới sẽ có nhiều lợi ích, sẽ có sự cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Hễ người nào nghiên cứu văn học Trung quốc, tất phải đọc Kinh Lăng Nghiêm, văn từ thì ưu mỹ, nghĩa lý phong phú, tóm lại là một bộ Kinh lý tưởng.

Có một số tự cho mình là học giả có hạng, chưa hề nghiên cứu sâu rộng về Ðạo Phật, đã tự nhận mình là chuyên gia Phật học, tự nhận mình có đủ uy tín mà sự thực không hiểu Phật giáo cho đến ngành ngọn, khinh xuất cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là một kinh ngụy tạo. Từ đó lại có một số, có dụng ý khác, ùa theo phụ họa. Ðúng là kẻ mù dắt kẻ mù, thật đáng thương xót!

Tại sao người ta bảo Kinh Lăng Nghiêm chẳng phải do đức Phật Thích Ca thuyết giảng? Chẳng qua vì nghĩa lý trong bộ Kinh rất ư chân thật. Kinh đã nêu ra cho kỳ hết các căn bệnh của thế gian, bởi đó mà các loài yêu ma quỷ quái, các loài quỷ trâu, quỷ rắn, không còn cách nào hoành hành, phải hiện rõ nguyên hình của chúng. Từ đó chúng tìm mọi cách để phá, chúng phải tuyên truyền Kinh Lăng Nghiêm là kinh ngụy, thì chúng mới có cơ để sinh tồn. Nếu như thừa nhận đây là lời Phật thuyết pháp thì đối với chúng là không xong. Trước hết chúng không giữ được “Lời dạy về bốn loại thanh tịnh”, thứ hai chúng không tu tập được các “Pháp viên thông của hai mươi lăm bậc thánh”, thứ ba chúng không dám đối diện với các cảnh giới của “Năm chục loại ấm ma”.

Nếu như ai ai cũng đọc Kinh Lăng Nghiêm, cũng hiểu rõ Kinh Lăng Nghiêm, thần thông của hàng ngoại đạo sẽ hết linh ứng, thành ra vô dụng khiến cho không ai còn tin vào thần thông của họ nữa. Ðó là lý do bọn thiên ma ngoại đạo chỉ còn tìm cách dèm pha, tuyên truyền, bảo Kinh Lăng Nghiêm là kinh ngụy.

Chẳng cứ chỉ những người tại gia phỉ báng Lăng Nghiêm là Kinh giả, ngay cả những kẻ xuất gia cũng bắt chước nói theo. Tại sao vậy? Bởi vì có một số xuất gia ít học, có khi không thông chữ nghĩa, không xem được Kinh điển, trong khi đó văn Kinh Lăng Nghiêm lại thâm thúy, ý nghĩa huyền diệu, khiến họ không hiểu được nên không làm sao phân biệt được chân giả. Ðến khi nghe người ta bảo Kinh này là giả, Kinh kia là ngụy, thì họ đâu có suy xét gì, người ta nói sao thì nhắc lại y hệt. Tự nhiên Kinh Lăng Nghiêm bị lãnh tiếng oan là vì lẽ đó.

Lúc xưa tại Ấn Ðộ, Kinh Lăng Nghiêm được liệt vào hàng quốc bảo và có lệnh cấm không cho mang những thứ quý ra ngoại quốc. Những ai xuất cảnh đều bị khám xét gắt gao và, để phòng Kinh lọt ra ngoài, các nhân viên hải quan thường đặc biệt chú ý đối với các Tăng xuất cảnh.

Hồi đó tại Ấn độ – bên Trung Hoa lúc đó là đời Ðường – một vị cao tăng pháp danh là Ban Thích Mật Ðế (Paramiti) đã khổ công tìm mọi cách để mang Kinh Lăng Nghiêm qua Trung quốc. Sợ bị phát hiện tại trạm kiểm soát, ông phải nghĩ ra cách giấu giếm, nhét Kinh vào sâu trong cánh tay và sau cùng ông đã đổ lên bộ tại địa phận Quảng Châu. Lúc đó là thời gian Tể tướng Phòng Dung bị Võ Tắc Thiên giáng chức xuống làm Thái Thú Quảng Châu. Ban Thích Mật Ðế được Phòng Dung mời tới để phiên dịch bộ Kinh này và chính Phòng Dung là người nhuận sắc cho bản dịch. Bởi vậy Kinh Lăng Nghiêm biến thành một tác phẩm văn học có giá trị, rồi sau đó trình lên cho Võ Tắc Thiên. Thời bấy giờ đương có tin đồn Kinh Ðại Vân là kinh ngụy tạo nên Hoàng Ðế Võ Tắc Thiên không cho Kinh này được lưu hành.

Ðến khi Thiền sư Thần Tú được phong làm Quốc sư rồi được cúng dường ở trong hoàng cung, một hôm Thiền sư thấy được bộ Kinh này, thấy Kinh rất có lợi cho những hành giả tu thiền, mới cho Kinh này được phổ biến. Từ đó Kinh Lăng Nghiêm mới được lưu hành ở Trung quốc. Căn cứ theo truyền thuyết, Kinh Lăng Nghiêm là Kinh tối hậu truyền đến Trung quốc, nhưng cũng là Kinh bị hủy diệt đầu tiên vào thời Mạt Pháp, sau mới đến các Kinh khác, sau rốt còn lại một Kinh A-Di Ðà.

Ghi chú: Thượng nhân Tuyên công chủ trương dứt khoát rằng Kinh Lăng Nghiệm chính là tâm ấn của chư Phật, điều này ngàn vạn lần đích xác. Bởi vậy ngay sau khi đặt chân tới Mỹ, Tuyên công liền giảng Kinh Lăng Nghiêm. Tại sao vậy? Phật Pháp truyền bá tới đất Mỹ, thì Mạt Pháp sẽ biến thành Chánh Pháp, và đó là tâm cơ của Thượng nhân trong sứ mạng nối tiếp huệ mạng Phật.

ĐẠI BIỂU CHÁNH PHÁP – KINH LĂNG NGHIÊM

Kinh Lăng Nghiêm là kinh được dùng như kính chiếu yêu quỷ trong Phật giáo.

Kinh Lăng Nghiêm là kinh được dùng như kính chiếu yêu quỷ trong Phật giáo. Tất cả các loại thiên ma, ngoại đạo và các loại ma quỉ ly, mỵ, vọng lượng đều tự phơi bày chân tướng khi gặp phải Kinh Lăng Nghiêm. Chúng không có cách nào che dấu và cũng không có chỗ để chạy trốn. Trong quá khứ, khi Đại sư Trí Giả nghe thấy có sự hiện hữu của kinh này, ngài hướng về nước Ấn Độ lễ lạy suốt mười tám năm. Trong mười tám năm đó, ngài dùng tâm chân thành tột bực để cầu nguyện Kinh này sẽ dược truyền bá đến Trung Hoa.

Trong tất cả những vị cao tăng thạc đức trong quá khứ, tất cả những tăng ni trí tuệ cao thượng, không có một vị nào mà không ca tụng kinh Lăng Nghiêm. Vi vậy, hễ Kinh Lăng Nghiêm còn tồn tại trên thế gian này, thì Phât Pháp còn tồn tại. Nếu Kinh Lăng Nghiêm bị hủy diệt thì Phật Pháp cũng sẽ bị hủy diệt theo. Phật Pháp sẽ suy tàn như thế nào ? Đó là khi Kinh Lăng Nghiêm bắt dầu bị hủy diệt. Ai sẽ hủy diệt Kinh Lăng Nghiêm ? Những thiên ma ngoại đạo sẽ hủy diệt kinh Lăng Nghiêm. Chúng thấy kinh Lăng Nghiêm giống như cây đinh trong mắt của chúng, như cây gai nhọn trong thớ thịt của chúng. Chúng không thể ngồi yên, hay đứng yên, mà sẽ tìm cách tạo ra một tà thuyết mới cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là giả tạo.

Là Phật tử, chúng ta nên nhận biết đạo lý chân thật. Mỗi chữ giáo pháp trong kinh Lăng Nghiêm đều là tuyệt đối chân thật, không một chữ nào không diễn bày chân lý. Vì vậy hiện tại chúng ta đang nghiên cúu phần Năm Mươi Ấm Ma, chúng ta càng nên nhân thức kinh Lăng Nghiêm quan trọng như thế nào. Kinh Lăng Nghiêm là kinh mà các loại tà ma, quỉ, yêu tinh sợ nhất.

Hòa Thượng Hư Vân sống đến 120 tuổi, và trong suốt cuộc đời của mình, ngài đã không viết chú giải cho bất cứ một kinh nào khác ngoại trừ kinh Lăng Nghiêm. Ngài đặc biệt cẩn thận giữ gìn những bản thảo chú giải của mình về kinh Lăng Nghiêm. Ngài giữ gìn những bản thảo này qua nhiều thập niên, nhưng sau đó chúng đã bị mất trong biến cố Vân Môn. Đây là việc khiến Hòa Thượng Hư Vân ân hận nhất trong đời. Ngài đề nghị rằng, là người xuất gia, chúng ta nên nghiên cứu học kinh Lăng Nghiêm cho đến mức mà chúng ta có thể tụng đọc thuộc lòng Kinh từ đầu đến cuối cũng như từ cuối lên đầu, xuôi ngược đều thuộc. Đó là đề nghị của ngài. Tôi biết rằng, suốt cuộc đời ngài, Hòa Thượng Hư Vân đã xem Kinh Lăng Nghiêm đặc biệt quan trọng.

Khi có người cho Hòa Thượng Hư Vân biết rằng có những người cho Kinh Lăng Nghiêm là giả tạo, ngài giảng giải rằng sự suy đồi của Phật pháp xảy ra chỉ vì những người này đã tìm cách cho rằng mắt cá là ngọc trai, làm mê lầm người khác khiến họ không phân biệt được đúng sai. Họ làm cho chúng sanh mù quáng đến nỗi không còn nhận thức được Phật pháp. Họ cho thật là giả, cho giả là thật. Hãy nhìn xem: người này viết một quyển sách và mọi người đều đọc, người kia viết một quyển sách và mọi người cũng đều đọc. Còn Kinh thật do chính Phật nói thì nằm trên kệ sách, không ai từng đọc đến. Từ điều này, chúng ta có thể thấy rằng nghiệp của chúng sanh rất nặng. Nếu họ nghe điều tà tri tà kiến, thì sẵn sàng tin liền. Còn nếu quý vị nói Pháp dựa trên chánh tri chánh kiến, thì họ sẽ không tin theo. Tại sao họ không tin theo ? Vì họ không có đủ thiện căn và nền tảng tốt. Đó là lý do vì sao họ có sự nghi ngờ đối với Chánh pháp. Họ luôn hoài nghi và không muốn tin.

Ở đây tại Vạn Phật Thành, chúng ta sẽ lập Lăng Nghiêm Đàn Tràng, như thế sẽ là nơi lý tưởng cho những ai muốn phát tâm đọc tụng Kinh Lăng Nhiêm mỗi ngày một hay hai tiếng đồng hồ. Quý vị có thể học Kinh Lăng Nghiêm hằng ngày như đang học ở trường học, và học thuộc lòng để quý vị có thể tụng từ trí nhớ. Nếu quý vị có thể tụng từ trí nhớ Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa hay ngay cả Kinh Hoa Nghiêm, thì đó là điều tốt nhất. Nếu có người nào có thể thuộc lòng Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa và Kinh Hoa Nghiêm, thì điều này có nghĩa rằng vẫn còn Chánh pháp tồn tại trên thế gian này. Vì vậy, tại một nơi kỳ diệu như Vạn Phật Thành, mọi người nên phát tâm Bồ đề làm những việc này. Không phải rằng chúng ta tranh nhau, nhưng chúng ta nên trở thành kiệt xuất, vượt lên đám đông, để làm những việc này.

Trong quá khứ, tôi có một ước vọng: Tôi muốn có thể tụng thuộc lòng kinh Lăng Nghiêm và kinh Pháp Hoa. Ở Hồng Kông, có một môn đệ tên Quả Nhất (Hằng Định) có thể tụng thuộc lòng Kinh Lăng Nghiêm. Tôi dạy ông ta học Kinh Pháp Hoa, nhưng cuối cùng có lẽ ông ta vẫn chưa học thuộc hết, đó là điều rất đáng tiếc. Ở một nơi tốt đẹp như chúng ta đang có ở đây, tất cả quý vị nên phát đại quyết tâm học kinh Phật và giới luật – Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Tứ Phần Luật và Kinh Phạm Võng – cho đến quý vị thuộc lòng. Đó là điều tốt đẹp nhất vì lúc đó Chánh Pháp chắc chắn sẽ còn tồn tại rất lâu trên thế gian này .

Hòa Thượng Tuyên Hoá giảng vào năm 1983!

Trích: Khai thị về Kinh và Chú Thủ Lăng Nghiêm – HT Tuyên Hóa

Bài viết cùng chuyên mục

Miệng thường niệm câu Phật hiệu, sẽ có hai tác dụng

Định Tuệ

Những lưu ý cơ bản về trì tụng Chú Lăng Nghiêm Phật tử nên biết

Định Tuệ

Quý vị thảy đều buông xuống, còn có gì đau khổ nữa?

Định Tuệ

Người tu Đạo cần phải nhẫn nhục, Nhẫn là hạt châu vô giá

Định Tuệ

Công đức xây chùa dựng tượng mang lại phước báu vô biên

Định Tuệ

Đức Phật nhập cõi Niết bàn ngày nào? Ý nghĩa ngày Phật nhập Niết bàn

Định Tuệ

Nhất tâm bất loạn trì danh hiệu Phật có diệt tội được không?

Định Tuệ

Công đức là gì? Cái gì gọi là công đức chân thật?

Định Tuệ

Không tin chính mình thì học Phật cũng như không

Định Tuệ

Viết Bình Luận