Tâm Hướng Phật
Vấn Đáp

Làm sao để hóa giải lời thề độc?

Đối với người Phật tử, lời thề cũng rất cần thiết như là một sự thệ nguyện, phát nguyện tu tập chẳng hạn. Tuy vậy, thề độc thì không nên.

Hỏi:

Tôi là Phật tử đã thọ giới Bồ tát. Thời gian qua, tôi và các con cùng mẹ chồng đi nhận một số tiền do anh chồng gửi (gồm hai phần bằng nhau, mẹ con tôi một phần). Lúc nhận, vì lịch sự tôi trao hết cả hai phần cho mẹ chồng, chờ mẹ “chia” lại nhưng đợi hoài vẫn không thấy. Vậy mà một thời gian sau, mẹ chồng hỏi tôi về số tiền của mẹ con tôi.

Khi tôi giải bày rằng đã đưa hết cho mẹ cả hai phần chứ đâu có nhận riêng thì mẹ chồng nổi đóa, toan hành hung rồi bắt tôi phải ra đền thờ Đức Ông thề độc: “Nếu tôi có nhận số tiền ấy thì ra đường xe cán nát thây”. Vì để minh chứng cho lời nói của mình là sự thật nên tôi chẳng sợ gì cả và đã thề. Giờ đây, dẫu biết rằng tôi chỉ nói đúng sự thật nhưng nhớ lại lời thề độc thì sợ khẩu nghiệp và cảm thấy bất an. Làm sao để hóa giải lời thề độc ấy?

Đáp:

Chuyện mẹ chồng và nàng dâu “cơm không lành, canh không ngọt” xưa nay vốn không phải chuyện lạ. Khi đã không còn thương kính nhau và cộng thêm lòng tham trỗi dậy thì người ta có thể làm mọi chuyện. Trong trường hợp của bạn, đối diện với nỗi oan ức không thể phân trần cùng ai và để chứng minh cho sự trong sáng của mình nên chấp nhận buông lời thề độc cũng là lẽ thường.

Dĩ nhiên, có nhiều cách ứng xử hay hơn thề độc trong những trường hợp như vậy. Luận Bảo Vương Tam Muội có dạy: “Oan ức không cần bày tỏ”. Nếu thực hiện được lời dạy này thì giờ đây hẳn bạn không băn khoăn về khẩu nghiệp và biết đâu chừng sẽ cảm hóa được mẹ chồng.

Đối với người Phật tử, lời thề cũng rất cần thiết như là một sự thệ nguyện, phát nguyện tu tập chẳng hạn. Tuy vậy, thề độc thì không nên. Bởi khi lời thề độc phát ra, dù để thể hiện sự trong sạch thì cũng mang nặng chất liệu sân hận trong tâm ý, ngôn ngữ và hành vi. Cố nhiên, nếu thực sự bạn không làm điều ấy (có nhận tiền mà nói không) thì đúng như bạn nghĩ “chẳng có gì phải sợ cả”. Nhân quả ở đời rất phân minh, con người có thể dùng mọi thế lực để vu cáo, ức hiếp lẫn nhau nhưng không thể tránh khỏi quả báo, thời gian sẽ phơi bày tất cả những sự thật.

Vì thế, việc trước mắt cần làm là bạn hãy bình tâm nhìn nhận lại sự việc. Dù thề độc nhưng bạn đã nói đúng lương tâm và sự thật, không thêm bớt thì dù cho thề trước trời đất hay thánh thần gì cũng chẳng sợ. Bởi đó chỉ là một sự khẳng định đanh thép và trời đất hay thánh thần có linh thiêng đến mấy thì cũng phải tôn trọng sự thật, do đó không cần phải hóa giải gì cả. Tuy nhiên, bạn đã nói lời ác, dữ dằn nên cần phải thành tâm sám hối lời nói ác của mình.

Một trong những hạnh tu căn bản của hành giả thọ giới Bồ tát là nhẫn nhục, vượt lên chấp thủ cái tôi. Vẫn biết kham nhẫn với nghịch cảnh, oan ức là điều khó làm. Một người con Phật là phải vận dụng từ bi để hóa giải thù hận và phát huy trí tuệ để chuyển hóa tham sân, trong đó cảm hóa những người thân, xây dựng hạnh phúc, hòa hợp gia đình là điều quan trọng nhất. “Quảng Tánh”!

Hậu quả phía sau của lời thề độc

Vào thời Đức Phật còn tại thế, có vị tỳ-kheo ni tên là Vi Diệu, sau khi chứng đắc quả A-la-hán liền tự nói ra với ni chúng những quả báo thiện ác của chính mình trong đời trước. Tỳ-kheo-ni Vi Diệu kể lại rằng:

“Vào đời quá khứ, ta từng làm vợ của một vị trưởng giả rất giàu có. Ông này chưa có con nối dõi, nhân có người tiểu thiếp sinh được đứa con trai nên ta ghen tị mà lén lút giết chết đứa trẻ.

Người thiếp ấy oán hận lắm, mắng nhiếc rất nhiều câu khó nghe. Khi ấy ta liền tự phát lời thề độc rằng:

– Nếu quả thật tôi giết con của cô thì CHỒNG TÔI SẼ BỊ RẮN CẮN CHẾT, CON TÔI SINH RA SẼ BỊ NƯỚC QUẤN TRÔI, BỊ SÓI ĂN THỊT, TỰ TÔI SẼ ĂN THỊT CON MÌNH, THÂN TÔI SẼ BỊ CHÔN SỐNG, CHA MẸ NGƯỜI NHÀ ĐỀU BỊ LỬA THIÊU CHẾT.”

Do nghiệp ác đó, sau khi chết ta bị đọa vào địa ngục chịu vô số những khổ não đau đớn. Sau khi chịu tội ở địa ngục xong, trong đời này ta được sinh làm con gái một vị Bà-la-môn.

Khi ấy, ta mang thai sắp đến ngày sinh nở, liền cùng chồng đi về nhà cha mẹ. Giữa đường chợt đau bụng sắp sinh, phải dừng lại sinh trong đêm dưới một gốc cây, bỗng nhiên có một con rắn độc xuất hiện cắn chết chồng ta.

Ta đau buồn khóc lóc, đợi trời vừa sáng thì tay dắt đứa con lớn, tay bồng đứa con nhỏ, gạt nước mắt mà tiếp tục lên đường… Phía trước bỗng gặp một con sông chắn ngang, không có thuyền bè qua lại, ta liền để đứa con lớn ở bờ sông bên này, bế đứa con nhỏ bơi qua sông trước, đặt con trên bờ rồi mới quay lại đón đứa con lớn. Con ta nhìn thấy mẹ thì từ bờ sông chạy ngay ra, không ngờ liền bị nước cuốn trôi đi mất.

Ta không cứu được đứa con lớn, quay lại chỗ đứa con nhỏ thì nó đã bị sói ăn thịt mất rồi, chỉ còn thấy máu thịt còn lênh láng nơi ấy. Đau buồn thống thiết vì cốt nhục chia lìa, ruột gan ta như đứt đoạn, chết đi sống lại.“

Ta tiếp tục đi về nhà thì gặp một vị Bà-la-môn là người quen thân với cha mẹ ta, liền kể hết những nỗi khổ của mình rồi hỏi thăm sức khỏe cha mẹ. Vị ấy liền nói:

“Cách đây mấy hôm nhà bị cháy, hai ông bà cùng tất cả người nhà đều chết cả”.

Nhân đó, ông liền đưa ta về nhà, nuôi dưỡng như con gái. Về sau ta lại tái hôn với một người khác, mang thai đến khi sắp sinh nở thì vừa gặp lúc chồng ta đi uống rượu về, không ai mở cửa nên hắn tự phá cửa vào.

Đang lúc say rượu điên cuồng, chồng ta liền trói ta lại rồi đánh đập tàn độc, rồi quay sang bế đứa con quăng xuống đất cho chết và lại nấu thịt đứa con mới sinh bắt ta phải ăn. Ta quá sợ phải cố nuốt vào một miếng, đau xé tâm can…

Sau việc đó, ta bỏ chồng trốn chạy đi thật xa. Đến nước Ba-la-nại, dừng nghỉ dưới gốc cây thì gặp một người vừa chết vợ, liền cùng ông ta kết làm vợ chồng. Được một thời gian, người chồng này bỗng lăn ra chết.

Theo luật của nước ấy, nếu vợ chồng vẫn còn đang sống với nhau thì khi chồng chết, vợ phải chôn theo. Thế là ta bị chôn sống theo chồng. May thay đêm đó có một bọn trộm cắp kéo đến đào mộ để lấy của cải, ta nhờ đó mà được cứu ra còn sống.

Rồi ta lại bị tên cầm đầu trộm cắp bắt làm vợ, được một thời gian tên đó lại lăn ra chết, ta lại bị bắt và chôn sống theo. Đêm đó mưa lớn, đất ở mộ bị nước mưa cuốn trôi, bầy sói đến đào lớp đất nơi ta nằm để kiếm ăn, ta chui ra khỏi hố đất lại thoát chết lần nữa… đau đớn thấu tâm can.

Khi ấy ta tự suy nghĩ, không biết mình đời trước đã tạo tội gì mà chỉ trong một thời gian ngắn đã phải liên tục gặp những tai họa đau đớn khủng khiếp đến như thế?

Khi nghe biết đức Phật Thích-ca đang ở nơi tinh xá Kỳ Hoàn, ta liền tìm đến chỗ Phật, cầu xin được xuất gia. Vì trong quá khứ ta đã có lần cúng dường thức ăn cho một vị Phật Bích-Chi, lại nhân đó có phát nguyện tu hành, nên nhờ nhân duyên ấy mà đời này được gặp Phật, cuối cùng tu tập chứng đắc quả A-la-hán.

Trích: Kinh Hiền Ngu Nhân Duyên!

Tâm Hướng Phật/Th!

Bài viết cùng chuyên mục

Tận hư không khắp Pháp giới hết thảy pháp là chính mình

Định Tuệ

Làm thế nào mới có thể khởi phát được tâm thành kính?

Định Tuệ

Niệm A Di Đà Phật hay Quán Âm Bồ Tát trong lúc gặp tai nạn nguy cấp?

Định Tuệ

Vì sao đệ tử Phật gặp nhau chắp tay xưng danh A Di Đà Phật?

Định Tuệ

Nên tụng Kinh gì cho người mới mất để vãng sanh về cõi lành?

Định Tuệ

Vì sao niệm Phật mười niệm có thể diệt trừ tội nhiều kiếp?

Định Tuệ

Vì sao phải siêu độ tổ tiên và oan gia trái chủ vãng sanh Cực Lạc?

Định Tuệ

Vì sao có hiện tượng nhiều người bị hành, bị trêu do nơi đất ở?

Định Tuệ

Ma Vương Ba Tuần là từ đâu tới?

Định Tuệ

Viết Bình Luận