Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Sự tích về Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát

Ngài Địa Tạng Bồ Tát có lời đại nguyện rằng: Nếu ngài chưa độ hết chúng sanh, thì ngài không chứng quả Bồ Đề, và nếu sự thọ khổ trong địa ngục hãy còn, thì ngài thề không chịu thành Phật.

Đức Địa Tạng Bồ Tát là một vị đã chứng bậc đẳng giác trải đến vô lượng a tăng kỳ kiếp rồi. Ngài có lời đại nguyện rằng: Nếu ngài chưa độ hết chúng sanh, thì ngài không chứng quả Bồ Đề, và nếu sự thọ khổ trong địa ngục hãy còn, thì ngài thề không chịu thành Phật.

Do cái bổn nguyện ấy, nên ngài phân thân nhiều phen, đặng độ thoát hằng hà sa số chúng sanh đương tội khổ, trải đã không biết bao nhiêu kiếp rồi, mà ngài cũng còn làm một vị Bồ Tát như vậy.

Còn như nói đến tiền thân của ngài từ khi chưa chứng quả vị, có kiếp ngài làm con gái, có kiếp thì ngài làm con trai, và cũng có kiếp ngài làm vua nữa.

Nay y theo Kinh Địa Tạng của Phật Thích Ca nói tại cung trời Đao Lợi rất có chứng cớ rõ ràng, mà lược điển một sự tích, khi ngài làm con gái dòng Bà la môn như dưới này.

Hồi đời quá khứ, tại kiếp bất khả tư nghị a tăng kỳ, có đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương ra đời. Sau Phật ấy nhập diệt rồi, đến thời kỳ tượng pháp thì ngài Địa Tạng lúc ấy chưa chứng vị Bồ Tát, sanh làm con gái dòng Bà la môn.

Vì nàng có túc phước rất nhiều, nên hết thảy mỗi người trong hàng thân thích đều tôn trọng cung kính, cho đến khi đi đứng nằm ngồi, cũng đều có hàng chư thiên ủng hộ.

Ngặt vì thân mẫu của nàng tín theo ngoại đạo, nên thường đem lòng tà niệm mà khinh khi Tam Bảo, đã không tin nhân quả nghiệp báo, mà lại còn chê bai chánh pháp nữa.

Khi đó nàng đã biết mẹ mình không tin Phật pháp, thế nào đến khi thác rồi cũng phải trầm luân nơi khổ ải, nên nàng mới hết lòng khuyên can, sớm tối kiếm nhiều lời, phương tiện mà giảng nói, muốn làm sao cho mẹ mình tín ngưỡng theo chánh giáo, thì mới đành lòng.

Song khuyên thì khuyên, can thì can, mà thân mẫu của nàng ác nghiệp đã dẫy đầy và tín tâm lại cạn cợt, nên chẳng có chút gì tin theo.

Ôi chẳng bao lâu bà đã nhuốm bệnh trầm kha, bổng chốc hóa ra người thiên cổ. Vì lúc sanh tiền ác nghiệp đã thành thục, nên chi thần hồn phải theo nghiệp quả mà đoạ lạc vào vô gián địa ngục.

Còn phần nàng, một nỗi thì thương mẹ cách biệt, dậm đất kêu trời, một nổi thì sợ mẹ trầm luân, kinh hồn hãi vía, ngổn ngang trăm mối bên lòng, ăn không ngon, nằm không ngủ, đêm ngày than khóc, ngàn thảm muôn sầu. Tưởng trong cảnh huống ấy, nếu có phương gì mà cứu mẹ được, dầu thịt nát xương mòn nàng cũng không hề tiếc, huống chi nói đến sự gì. Khi ấy nàng mới bán hết những đồ quý báu đem đến chùa Phật mà dâng cúng.

Lúc nàng vào chùa lễ lạy, xem thấy hình tượng của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai sơn vẻ trang hoàng, oai dung nghiêm chỉnh, dường như một vị Phật sống thì trong lòng nàng lại bội phần kính ngưỡng.

Nàng lễ bái rồi tự nghĩ rằng: “Phật là bậc đại giác, đủ trí sáng suốt và hiểu thấu các lẽ, nếu được Phật còn tại thế, thì trong lúc mẹ ta chết rồi, thì có phạm tội gì và sanh về đường nào, ắt nhờ Phật từ bi chỉ bảo cho ta biết đặng, có đến nổi đâu mà thảm như thế này!”

Nàng nghĩ như vậy rồi, cứ đứng nhìn sửng tượng Phật mà khóc, không chịu bước ra, dường có vẻ muốn tỏ lòng cầu khẩn với Phật mà mong Phật chỉ bảo chỗ thọ khổ của mẹ mình và nhờ ơn cứu độ.

Vừa một chập lâu, thoạt nghe giữa thinh không có tiếng gọi rằng: “Nàng thánh nữ kia! Thôi đừng buồn rầu khóc lóc nữa, để ta chỉ chỗ thác sanh của mẹ ngươi cho ngươi biết.”

Nàng nghe nói như vậy, liền chấp tay ngửa mặt lên hư không mà bạch rằng: “Từ khi mẹ tôi mất đến nay, ngày đêm thương nhớ, không biết hỏi han ai cho rõ chỗ thác sanh của mẹ tôi, nay không biết đức thánh thần chi mà có lòng đoái thương đến tôi như vậy.”

Lúc nàng nói vừa rồi, giữa thanh không lại có tiếng trả lời rằng: “Ta đây là Giác Hoa Địanh Tự Tại Vương Như Lai mà ngươi cúng dường lễ bái đó! Vì thấy ngươi có lòng thương nhớ mẹ rất tha thiết, thiệt là chí hiếu hơn hạng chúng sanh thường tình, nên ta đến đây mà chỉ bảo.”

Nàng nghe mấy lời Phật nói như thế, thì lòng thiết tha muốn biết rõ tin của mẹ thác sanh về chỗ nào, nên không kể đến thân mình, liền gieo mình xuống đất, tay chân bủn rủn, chết điếng một hồi.

May đâu có những người ở hai bên xúm lại đỡ dậy, nên nàng mới hồi tỉnh lại, rồi bạch với giữa thanh không rằng: “Cúi xin Phật đem lòng từ bi thương xót mà chỉ dùm chỗ thác sanh của mẹ tôi cho mau, chứ tôi đây hình mòn tâm khổ chẳng bao lâu phải chết.”

Khi ấy đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mới nói với nàng rằng: “Ngươi cúng dường và lễ bái xong rồi, mau mau sớm trở về nhà, ngồi ngay thẳng và yên lặng mà nghĩ danh hiệu của ta, tự nhiên biết được xứ sở của mẹ ngươi thác sanh.”

Nàng lễ Phật vừa xong, liền trở về nhà cứ y theo lời Phật dạy, nàng ngồi yên lặng một chỗ, niệm danh hiệu của Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai một ngày một đêm. Thình lình nàng thần mộng đi đến một chỗ bờ biển kia, nước cuồn cuộn sôi trào, ba đào sóng bủa, lại thấy nhiều giống ác thú, cả mình bằng sắt, nhảy nhót bơi chạy trên mặt biển, không biết là bao nhiêu, lại thấy những đàn ông và đàn bà, kể hơn trăm ngàn, lặn xuống trồi lên ở trên ấy, thảy đều bị những thú dữ kia dành giựt bấu xé mà ăn thịt.

Còn quỉ dạ xoa thì hình thù khác nhau, hoặc có thứ nhiều tay nhiều chân, hoặc có thú nhiều con mắt nhiều đầu, hoặc có thứ nanh bén nhọn như gươm mọc ló ra ngoài miệng, thảy đều áp lại lùa đuổi những bọn tội nhân đến gần cho thú dữ kia ăn thịt. Thiệt cái thảm trạng ấy không dám xem cho lâu!

Nhưng nàng nhờ có sức niệm Phật, nên tâm vẫn thanh tịnh, tự nhiên không có chút lo sợ hãi cả. Xảy ra đâu có một quỷ vương, tên là Vô Độc, thấy hình tướng nàng chẳng phải người phàm, oai nghi không giống kẻ tục, bèn đến trước mặt nàng cúi đầu nghinh tiếp mà bạch rằng; “Dám hỏi đức Bồ Tát vì duyên cớ chi mà đi tới đây?”

Nàng lại hỏi quỷ vương rằng: “Chỗ này kêu là xứ gì?”

Quỷ Vô Độc đáp rằng: “Đây là biển nghiệp thứ nhất, về phía Tây núi Thiết Vi.”
Nàng nghe nói liền bảo rằng: “Ta nghe trong núi Thiết Vi có địa ngục ở chính giữa, việc ấy quả như vậy hay không?”

Quỷ Vô Độc đáp rằng: “Thiệt có địa ngục, chớ không phải huyễn hoặc đâu!”
Nàng nghe rồi bèn khởi lòng kính nghi mà hỏi nữa rằng: “Địa ngục là nơi để giam nhốt những người có tội, còn ta đây có lòng kính ngôi Tam Bảo, mà duyên cớ gì cũng đi đến chỗ ấy như vậy?”

Quỷ Vô Độc đáp rằng: “Phàm người đi đến đây có hai cách: Một là có oai đức thần thông, đến cứu độ cho mấy người tội khổ, hay là đến chơi cho biết, hai là mấy người tội ác đã thành thục, phải đi tới đây mà chịu khổ. Nếu trừ hai lẽ ấy ra, thì không thể đến đây được.”

Nàng lại hỏi nữa rằng: “Nước biển này duyên cớ sao mà lại sôi trào lên hoài, còn ở trong thì có nhiều tội nhân lặn lên hụp xuống, lại bị các loài thú dữ xâu xé ăn thịt như thế!”

Quỷ Vô Độc đáp rằng: “Đây là chỗ nhốt những kẻ chúng sanh tạo ác ở cõi Diêm Phù Đề, nên khi chết rồi, trải qua 49 ngày, không ai kế tự, lo làm việc công đức đặng cứu vớt vong linh bị khốn nạn. Còn những người đã chết đó, lúc sanh tiền lại không có chút mảy gì là điều phước thiện, vì vậy nên cứ theo bổn nghiệp của mình mà chiêu cảm lấy cái khổ báo ở nơi địa ngục tự nhiên trước hết phải đọa tới đây.

Ở bên phía Đông biển này, cách chừng mười vạn do tuần lại có một cái biển nữa, sự đày đọa của chúng sanh bị vào đó còn khổ hơn đây đến bội phần. Còn bên mé Đông biển kia, lại có một cái biển khác, sự thảm trạng thống thiết không thể kể xiết!

Những hạng người thọ khổ là do bình nhật ở thế gian tạo những nghiệp ác mà phải cảm lấy sự tội báo như vậy, nên ba cái biển đó đều gọi là biển nghiệp.”
Nàng lại hỏi quỷ Vô Độc rằng: “Sao đây chỉ thấy có biển nghiệp mà thôi, còn địa ngục lại ở chỗ nào đâu?”

Quỷ Vô Độc đáp rằng: “Ở giữa ba cái biển ấy là chỗ địa ngục. Nếu kể số riêng ra thì nhiều đến trăm ngàn mà sự thọ khổ đều mỗi mỗi khác nhau, như nói về phần ngục lớn thì có 18 chỗ, còn nói về phần ngục trung thì có năm trăm chỗ và lại có ngàn trăm chỗ ngục nhỏ nữa. Sự khổ độc trong mấy chỗ ngục đó không biết bao nhiêu mà kể cho xiết đặng!”

Nàng lại hỏi quỷ vương rằng: “Mẹ ta khi chết đến nay tuy chưa bao lâu mà chẳng biết thần hồn đã đi đến chỗ nào?”

Quỷ vương lại hỏi nàng rằng: “Chẳng hay mẹ của Bồ tát, lúc sanh tiền làm những nghiệp gì, xin tỏ cho tôi rõ.”

Nàng đáp rằng: “Mẹ ta trước bị nhiễm theo tà kiến, chê bai ngôi Tam Bảo, gửi lòng không thường, lập tánh không định, dẫu có nghe lời khuyên can mà tạm tín, rồi cũng trở lại hủy báng nữa. Nay chết tuy chưa bao lâu, ắt có lẽ theo ác nghiệp ấy mà đoạ vào khổ thú, nên ta muốn tìm cho biết chỗ sanh xứ của mẹ ta, nhưng không hiểu ở nơi nào.”

Quỷ Vô Độc hỏi rằng: “Vậy chớ mẹ của Bồ tát tên họ là chi?”

Nàng đáp rằng: “Cha tên là Thi La Thiện Hiện, còn mẹ hiệu là Duyệt Đề Lợi, đều là dòng dõi Bà la môn cả.”

Quỷ Vô Độc nghe rồi, lật đật chấp tay mà bạch với nàng rằng: “Xin thánh giả trở về bổn xứ, chẳng nên thương nhớ lịnh thân mẫu mà buồn rầu làm cho hao mòn quý thể. Số là Duyệt Đề Lợi đã khỏi sự khổ ở chốn địa ngục này mà sanh lên cõi trời cách nay đã ba ngày rồi. Nguyên bà nhờ có người con hết lòng thảo thuận, lập đàn tràng tu phước và cúng dường nơi tháp tự của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, nên mới cảm đến Phật Thánh mà được sanh về cõi trời như vậy.
Chẳng những thân mẫu của Bồ tát nhờ phước đó mà thoát khỏi chỗ Vô Gián địa ngục, đặng sanh lên cõi trời mà thôi, cho đến những người đồng thọ tội ở đó cũng nhờ duyên phước ấy mà đều đặng an vui mà đồng sanh về cõi thiên đàng trong ngày đó nữa.”

Quỷ vương nói rồi, liền chấp tay tỏ vẻ cung kính mà xin lui.

Còn nàng thì trong lúc ấy, dường như chiêm bao tỉnh giấc, mới rõ biết việc này là nhờ Phật lực làm cho thân mình được đi tới chỗ thác sanh của mẹ như vậy. Nên nàng cảm ơn Phật, lập tức đến trước bổn tượng của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà phát lời thệ nguyện lớn rằng: “Nay tôi nguyện cho đến kiếp vị lai nếu có chúng sanh nào tạo tội mà chịu khổ ở nơi địa ngục, bất luận là kẻ thân thuộc hay người cừu oán, tội lập ra nhiều pháp môn phương tiện mà cứu độ cho đều được phân giải thoát tất cả.”

Hồi đời quá khứ vô lượng a tăng kỳ kiếp, có đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục ra đời. Sau Phật diệt rồi, đến thời kỳ tượng pháp, thì ngài Địa Tạng chưa chứng vị Bồ Tát, sanh làm người con gái tên là Quang Mục.

Khi mẹ nàng từ trần, thì nàng ngày đêm lo sợ, không biết mẹ có thoát khỏi tội khổ hay không. Có một bửa kia, nàng gặp một thầy Tỳ kheo đương khất thực, mà thầy ấy chính là một vị La hán đi giáo hóa chúng sanh. Nàng bèn sắm đủ các món đồ ăn ngon quý, rồi mời vị La hán ấy vào nhà mà cúng dường.

Khi ngài thọ thực rồi, bèn hỏi rằng: “Ngươi muốn cầu nguyện việc chi hay không?”

Nàng thưa rằng: “Bạch ngài! Bởi vì ngày mẹ tôi mất đến nay, tôi buồn rầu thương nhớ bội phần, nghĩ đến ơn nhũ bộ, đức sanh thành, thì ngàn kiếp muôn đời tôi cũng không quên đặng, nên tôi nguyện làm việc tư phước này đặng cầu siêu vong linh cho mẹ tôi nơi chín suối. Nhưng bổn phận tôi là người phàm mắt thịt, không biết mẹ tôi thác sanh về chỗ nào. Vậy xin ngài từ bi chỉ bảo cho tôi biết.”

Vị La hán thấy nàng Quang Mục tuổi nhỏ mà có lòng hiếu đạo như vậy, bèn nhập định thấy mẹ nàng bị đoạ vào chỗ ác thú mà chịu nhiều nỗi thống khổ rất nặng nề.

Khi ngài xuất định rồi, liền hỏi nàng rằng: “Vậy chớ lúc còn sanh tiền ở trên dương thế, mẹ ngươi làm những việc chi, đến nỗi nay lại bị hiện báo ngay ở chỗ ác thú mà chịu hình phạt lớn lao như thế?”

Nàng nghe nói khôn xiết nổi buồn rầu, liền khóc òa một hồi rồi thưa rằng: “Bạch ngài! Số là bình nhật sở hảo của mẹ tôi chỉ thích ăn loài cá trạch, mà lại còn ưa ăn những trứng của nó, hoặc chiên xào, hoặc nấu nướng, không biết ngàn vạn nào mà kể xiết. Thường cái nghiệp sát sanh của mẹ tôi đó cũng đã quá nặng, vậy xin ngài đem lòng từ bi thương xót đến kẻ thơ ấu này làm thế nào cứu vớt mẹ tôi đặng thoát khỏi nơi khổ thú, thì ơn đức ấy vô lượng vô biên.”

Vị La hán thấy tấm lòng chân thiệt của nàng yêu cầu khẩn thiết như vậy, liền dùng cơ phương tiện mà khuyên nhủ nàng rằng: “Ngươi nên chí thành xưng niệm danh hiệu của Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, và phát tâm đắp vẻ sơn thếp hình tượng của Phật mà thờ, thì ngày sau nhờ cái công đức đó mà kẻ còn sống đặng thêm sự lợi ích, và người mất rồi lại khỏi sự khổ nạn, hai đàng đều nhờ phần phước báu tất cả.”

Khi nàng Quang Mục nghe lời của vị La hán nói trên, nàng dẫu bỏ thân mạng cũng không tiếc, huống chi là sự gì. Nên nàng liền bán hết thảy những đồ nữ trang và có bao nhiêu tiền của cũng đem ra mướn thợ tạo tượng Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục và mua vàng sơn thếp mà cúng dường như tỏ dấu yêu cầu đến Phật, đặng nhờ ớn cứu độ cho từ thân.

Có một đêm kia, ước chừng lúc canh ba, nàng vừa mơ màng giấc điệp, bỗng thấy thân Phật hiện ra sắc vàng rực rỡ, lại có hào quang sáng chói mà tỏ cho nàng biết rằng: “Mẹ ngươi chẳng bao lâu rồi cũng thác sanh vào nhà ngươi, hể vừa biết sự đói lạnh thì nói liền, khi đó ngươi sẽ rõ.”

Nàng Quang Mục tỉnh giấc dậy, thì biết là điềm linh ứng của Phật mách bảo, nhưng chưa hiểu cách thác sanh làm sao, nên luống những ưu sầu mà trông đợi.
Cách ít lâu, người tớ gái của nàng sanh được một đứa con, chưa đầy ba ngày mà đã biết nói.

Có một bửa nọ, đứa nhỏ thấy nàng Quang Mục liền cúi đầu mà khóc lóc rất thảm thiết, rồi nói rằng; “Đường sanh nẻo tử, mối nghiệp dây duyên, nếu đã tạo tọi thì tất phải chịu lấy quả báo, chớ không thể tránh được. Ta đây vốn thiệt là mẹ ngươi khi trước. Từ lúc vĩnh biệt đến nay, ta bị đoạ vào địa ngục, chịu nỗi đắng cay, may nhờ phước lực của ngươi, nên ta mới được đầu thai lên đây. Nhưng vì tội báo còn nặng nên ta phải sanh làm thân hèn hạ như thế này. Đã vậy mà lại không thọ, ta chỉ sống được mười ba tuổi mà thôi, rồi lại phải chết vì bị đoạ vào ác đạo nữa. Bây giờ ngươi nghĩ có cách gì làm cho ta ngày sau thoát khổ ấy đặng hay không?

Nàng nghe nói đầu đuôi tự sự, hiệp với lời của Phật mách bảo trong điềm chiêm bao, thì biết là thiệt mẹ của mình, nàng động mối thương tâm, tơ sầu vấn vít, giọt lệ chứa chan, mà thưa với đứa nhỏ ấy rằng: “Nếu quả là mẹ tôi, thì chắc biết đặng những sự tội lỗi lúc sanh tiền làm hạnh nghiệp gì mà phải đoạ vào ác đạo như vậy? Xin tỏ hết cho tôi làm tin.”

Đức nhỏ bèn nói rằng: “Bởi ta ngày trước phạm vào hai nghiệp tội: một là sát sanh và hai là hay mắng người, nên phải đoạ vào địa ngục mà chịu nổi khổ báo như vậy. Nếu không nhờ phước lực của ngươi niệm Phật và đắp vẻ hình tượng của ngài mà thờ, đặng cầu cứu vớt cho ta, thì tưởng không phương gì mà ta mong phần giải thoát cho đặng.”

Nàng lại hỏi nữa rằng: “Vậy chớ những sự tội báo ở nơi địa ngục ra thế nào?”
Đứa nhỏ nói rằng: “Ôi sự thống khổ ấy không nỡ nói ra, mà đã nói thì cũng không biết chừng nào cho hết chuyện.”

Nàng nghe mấy lời ấy liền khóc òa, rồi ngửa mặt lên hư không mà bạch rằng: “Tôi nguyện với chư Phật xin đem lòng đại bi mà cứu cho mẹ tôi đời đời khỏi đoạ vào địa ngục, và từ nay cho mẹ tôi khỏi phạm tội nặng mà sa vào đường ác đạo khác nữa.”

Nàng bèn ra quỳ trước bàn thờ đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục mà nguyện rằng: “Nay tôi vái cùng mười phương chư Phật, xin từ bi thương xót mà chứng minh cho mấy lời thệ nguyện của tôi ở giữa này. Nếu mẹ tôi đời đời lìa khỏi ba đường dữ cùng khỏi làm người hèn hẹ, và đến kiếp nào kiếp nấy cũng khỏi đầu thai làm thân con gái nữa, thì từ đó tôi đối trước tượng Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục đây cho đến trăm ngàn muôn ức kiếp về sau, hễ thế giới nào có chúng sanh bị các tội khổ ở trong địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, thì tôi thệ nguyện ra sức cứu vớt cả thảy khỏi sự thống khổ nơi ba đường ấy và chừng người nào người nấy đều đặng thành Phật tất cả, tôi mới chịu chứng bậc chánh giác.”

Khi nàng phát thệ nguyện vừa rồi, bỗng nghe giữa hư không có tiếng nói rằng: “Nàng Quang Mục! Ngươi có lòng từ bi lân mẫn rất lớn, biết vì mẹ mà phát lời đại nguyện như thế, nay ta là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, chờ mẹ ngươi mãn đến khi 13 tuổi, được thác sanh làm người Phạm Chí, hưởnng thọ đến trăm tuổi, rồi sau lại được sanh về cõi Vô Ưu, hết sự lo phiền, đủ điều khoái lạc, lại sống lâu đến đời đời kiếp kiếp, và sau được thành Phật quả mà cứu độ tất cả chúng sanh ở cõi nhân gian và thiên thượng, nhiều như số cát sông Hằng.”

Nàng nghe đủ mọi điều tiên chúc của Phật tỏ bày, thì lấy làm vui mừng khôn xiết, liền lễ lạy mà cảm ơn đức ngài. Từ đó về sau nàng nuôi dưỡng và săn sóc đức con nít ấy kỹ càng và khi đến 13 tuổi nó chết, nàng thương xót và chôn cất một cách tử tế như mẹ vậy.

Trước đời quá khứ vô lượng a tăng kỳ na do tha bất khả thuyết kiếp, thì đức Nhất Thiết Thí Thành Tựu Như Lai và ngài Địa Tạng Bồ Tát đều chưa xuất gia tu hành. Hai người đồng làm vua lân bang với nhau trong một thời kỳ.

Khi ấy, hai vị quốc vương kết nghĩa làm bạn và giao hảo với nhau một cách rất thân thiết, đều phát tâm làm mười điều lành, muốn trên thì quần thần được hưởng cuộc sống hạnh phúc vô vi, dưới thì bá tánh được an cư lạc nghiệp, và sau nữa tất cả chúng sanh đều gội ơn giáo hóa, cảm đức nhân từ, mà bỏ dữ làm lành, đặng mọi phần lợi ích.

Song nhân dân trong các nước lân bang, phần nhiều hay làm điều ác nghiệp, như là tham lam, nóng giận, ngu si, tà kiến, nói thì ngoa ngôn ác ngữ, mắng rủa lẫn nhau, không kính Phật trọng Tăng, chẳng trì giới sát, tật đố mấy người lương thiện, mưu hại những kẻ trung thành, chẳng có chút gì là lòng nhân đức cả.
Đã vậy mà hễ có xảy ra những tai bệnh gì, thì cứ rước bóng rước chàng, vái ma vái quỷ, đem thân mạng mà cầu cứu với bọn tà sư ngoại đạo, sát hại vật mà cúng tế luôn luôn, tạo tác không biết bao nhiêu là tội nghiệp. Hai vị quốc vương thấy nhân dân ở các nước lân bang cứ chuộng sự tà mà làm việc chẳng lành như vậy, động lòng thương xót, mới bàn luận cùng nhau tìm phương tiện gì, đặng hóa độ cho những kẻ ấy khỏi bị cái ác nghiệp thọ báo, trầm luân nơi biển khổ về sau.

Lúc bàn luận xong rồi, một vị phát nguyện rằng: “Nay tôi nguyện xuất gia cầu đạo Bồ Đề cho đặng mau thành chánh giác mà hóa độ tất cả chúng sanh đều được vào cõi niết bàn, thì lòng tôi mới lấy làm thỏa mãn.”

Còn một vị, thì phát nguyện rằng: “Nay tôi nguyện xuất gia tu hạnh Bồ Tát, nếu tôi không độ những loài chúng sanh bị tội khổ được mọi điều an lạc và chứng quả bồ đề, thì tôi chưa chịu thành Phật.”

Trong hai vị quốc vương đồng thời phát nguyện như đã nói trên, thì phát nguyện sớm thành Phật mà hóa độ chúng sanh, tức là ngài Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Còn vị phát nguyện độ hết chúng sanh rồi sau sẽ thành Phật, tức là ngài Địa Tạng Bồ Tát.

Vì lời thệ nguyện của đức Địa Tạng như vậy, nên đã trải vô số kiếp mà ngài cũng còn làm một vị Bồ Tát. Thiệt tấm lòng độ sanh của ngài to lớn biết là dường nào!
Hồi đời quá khứ, thuộc về kiếp bất khả thuyết, thì tiền thân của đức Địa Tạng Bồ Tát lại sanh làm ông đại trưởng giả, rất hào tộc và có đức độ.

Đương thời kỳ ấy, có đức Phật hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai ra đời. Một bữa kia, ông trưởng giả tình cờ gặp vị Phật ấy, thân tướng tốt đẹp, ngàn phước trang nghiêm, thiệt là tuyệt thắng trên đời, xưa nay chưa thấy. Ông càng xem lại càng thương và càng kính, làm cho ông sanh lòng hân hạnh bội phần.

Ông bèn lại gần, cúi đầu chấp tay mà thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Tôi trộm thấy cái dung quang của ngài rất đoan trang nghiêm nghị và viên mãn trăm phần, càng ngó lại càng tươi, càng nhìn lại càng đẹp, thiệt là chẳng ai có cái báo thân như thế! Nhưng tôi tự nghĩ rằng nếu được quả tốt, ắt có nhân lành, vậy chẳng rõ mấy kiếp trước, ngài làm những hạnh nguyện gì mà ngày nay cảm được thân tướng tốt đẹp như thế! Xin ngài từ bi giảng nói cho tôi biết, chứ tôi đây cũng lấy làm ước ao sao cho được cái tướng hảo ấy.”

Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai thấy ông trưởng giả có lòng ước sự làm lành, nên ngài liền bảo rằng: “Nếu ngươi muốn được kim thân diệu tướng như ta đây, thì phải phát tâm tu hành, trải vô lượng kiếp cầu đạo Bồ Đề và một lòng tinh tấn mà hóa độ tất cả những loài chúng sanh thọ khổ cho thoát khỏi đường tội báo và được phần khoái lạc tiêu diêu, do cái duyên phước ấy mà ngày sau sẽ cảm đặng tướng hả như ta đây, chớ không khó gì.”

Ông trưởng giả nghe Phật dạy bảo như vậy, liền quỳ xuống trước mặt ngài mà phát nguyện rằng: “Tôi nguyện từ nay cho đến đời vị lai, không biết bao nhiêu kiếp số về sau, nếu có chúng sanh nào ở trong sáu đường, bị thống khổ về sự tội báo, thì tôi dùng đủ phương tiện mà độ cho được giải thoát tất cả, chừng đó tôi mới chứng Phật quả.”

Vì trong kiếp làm trưởng giả nói trên, đức Địa Tạng có phát lời đại nguyện như vậy, nên từ đấy đến nay, trải đã trăm ngàn vạn ức na do tha, không biết bao nhiêu kiếp số rồi, mà ngài hãy còn làm một vị Bồ Tát.

Xem đó thì biết cái thệ nguyện lợi tha của ngài là vô cùng vô tận, và cái công đức cứu khổ của ngài thiệt là vô lượng vô biên.

Trong truyện Thần Tăng có nói rằng: Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt 1,508 năm, nhằm đời nhà Tấn, niên hiệu Vĩnh Huy, năm thứ tư, thì đức Địa Tạng Bồ Tát giáng sanh tại nhà vua nước Tân La. Ngài tục tánh là Kim, tên là Kiều Giác.
Khi được 24 tuổi, ngài xuất gia tu hành có dắt theo một con chó trắng, kêu là con Thiện Thinh (Thiện Thinh là con chó biết nghe tiếng người) qua tỉnh Giang Nam, huyện Thanh Dương, về phía Đông phủ Trì Châu. Ngài lên trên đỉnh núi Cửu Hoa ngồi thiên định trọn 75 năm.

Đến đời nhà Đường niên hiệu Khai Nguyên, năm thứ 16, tối 30 tháng 7, ngài chứng thành đạo quả. Lúc ấy ngài đã được 99 tuổi, mà cũng còn ở trong động núi Cửu Hoa.

Thuở đó, có một vị cát lão là ông Mẫn Công, sẵn lòng từ thiện, hay làm những sự phước thiện, hay làm những sự phước duyên. Trong nhà ông thường năm, mỗi khi trai tăng là 100 vị, mà ông chỉ thỉnh 99 vị, còn một vị để dành thỉnh ngài cho đủ số.

Có một bữa kia, ngài xin ông Mẫn Công một chỗ đất, ước vừa trải đủ cái y cà sa của ngài mà thôi. Khi ông bằng lòng cho, thì ngài lấy y trải ra, trùm hết cả khoảng đất tại cạnh núi.

Ông Mẫn Công thấy sự thần kỳ như vậy, biết là một vị thánh tăng, nên lại càng bội phần hoan hỉ mà nguyện cúng hết đất ấy, còn người con ông thì xin xuất gia theo ngài.

Ít lâu ông cũng đi tu, trở lại đầu cơ với con, tức là thầy Đạo Minh Hòa Thượng.
Sau ngài lại thiền định 20 năm nữa, đến đời nhà Đường, niên hiệu Chí Đức thứ hai, bữa 30 tháng 7, ngài nhập diệt.

Vì có sự tích của ngài chuyển thế như vậy, nên người đời sau tạo tượng mà thờ ngài, bên tả có thầy Đạo Minh, còn bên hữu có tượng ông Mẫn Công đứng hầu, và mỗi năm đến ngày 30 tháng 7, ai cũng làm lễ kỷ niệm ngài là do tích đó.

Trích: Sự tích Phật A Di Đà và bảy vị Bồ Tát!

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 13: Thọ chúng vô lượng

Định Tuệ

Phẩm Thứ Nhất: Phạm Thiên Thỉnh Pháp – Kinh Hiền Ngu

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ Phẩm thứ nhất và thứ hai

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 20: Đức phong hoa vũ

Định Tuệ

Trong gia đình nên có bàn thờ tranh tượng ngài Địa Tạng Bồ Tát

Định Tuệ

Kinh Hoa Nghiêm tập 8: Phẩm Tứ Thánh Đế thứ tám

Định Tuệ

Phẩm thứ 23: Kim Thiên – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Địa Tạng phẩm thứ mười hai: Thấy nghe được lợi ích

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 17: Tuyền trì công đức

Định Tuệ

Viết Bình Luận