Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Hộ pháp là gì? Bốn hệ tượng Thần Hộ Pháp trong các ngôi chùa Việt

Hộ pháp là bảo hộ, hộ trì Chánh pháp. Các Thần Hộ pháp có một điểm chung là hộ trì Phật pháp không cho cái xấu cái ác trà trộn vào, giúp con người thanh tĩnh, từ bi, một tâm hướng Phật.

1. Hộ Pháp là gì?

Hộ pháp là bảo hộ, hộ trì Chánh pháp. Tương truyền xa xưa kia Đức Phật từng phái bốn vị Đại Thanh văn, mười sáu vị La-hán đến để hộ trì Phật pháp. Bên cạnh các vị này còn có các vị là Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Thiên Vương, thập nhị thần tướng, hai mươi tám bộ chúng, mười ba phiên thần, ba mươi sáu thần vương, mười tám thiện thần chốn già-lam, Long vương… nhân nghe Phật thuyết pháp mà nguyện hộ trì Phật pháp, những vị này đều được gọi là thần Hộ pháp. Họ có nhiệm vụ, trách nhiệm bảo hộ chúng sanh, độ đời, tiêu trừ mọi tai họa, hàng phục ma chướng… để tâm trong sạch mà hướng Phật.

Trong các ngôi chùa Việt thường không bao giờ đầy đủ các loại tượng này, mà thông thường chỉ tồn tại bốn loại hệ tượng, đó là: Vi Đà Bồ-tát và Tiêu Diện Đại sĩ; Khuyến thiện – Trừng ác; Tứ Thiên Vương và Bát bộ Kim cương.

2. Bốn hệ tượng Hộ Pháp trong các ngôi chùa Việt

Hệ thứ 1 – Vi Đà và Tiêu Diện Đại sĩ

Vi Đà còn gọi là Vi Đà thiên, vốn một vị thần của Bà-la-môn giáo. Vi Đà nguyên là vị thần chiến đấu, có sáu đầu mười hai tay, tay cầm cung tên, cưỡi trên lưng khổng tước. Phật giáo Đại thừa hấp thu vị thần này và biến thành vị thần ủng hộ chốn già-lam. Tương truyền khi Phật nhập Niết-bàn, có một con quỷ đến cướp mất một cái răng của Phật. Vi Đà cấp tốc đuổi theo lấy về. Trong chùa Việt, vị thần này được tạc với thân mang áo giáp, chắp tay, cầm bảo kiếm.

Còn Tiêu Diện Đại sĩ, hay còn gọi là Tiêu Diện Đại Quỷ vương, là vua của loài ngạ quỷ. Có khuôn mặt đỏ, lửa bốc cháy, là vị thần nổi tiếng của Phật giáo. Và người ta cũng cho rằng vị thần này vốn là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ-tát. Hóa thân này với ý nghĩa là dùng hình tượng của cái ác để chế ngự cái ác. Các thế lực xấu khi gặp ngài thì hoảng sợ mà chạy ra hướng có ánh sáng, mà nơi có ánh sáng là sẽ được Phật cứu độ và cảm hóa. Trong dân gian, vào dịp Tết Trung nguyên người ta thường đến chùa bái vị này để cầu mong cho vong nhân của gia đình được trở về thọ thực cùng gia quyến.

Hệ thứ 2 – Khuyến thiện và Trừng ác

Trong các ngôi chùa Việt, hai vị Khuyến thiện và Trừng ác thường tạc to lớn hơn người thường và được bài trí ở tiền đường, gọi là tượng Khuyến thiện và Trừng ác. Tượng với thân hình vô cùng to lớn, trang phục như võ tướng, đầu đội mũ trụ, mặc áo giáp, thân thể vạm vỡ, ngồi trên sư tử, có sẵn khí giới để bảo vệ đạo pháp. Tượng Khuyến thiện thường tô mặt trắng, nét mặt thanh thản, đặt bên tay trái bàn thờ Phật tay cầm viên ngọc thiện tâm. Tượng Trừng ác thường được tô mặt đỏ, đặt bên tay phải bàn thờ Phật. Tượng có nét mặt thần giận dữ, lăm lăm vũ khí để trừng trị kẻ ác tâm như răn đe mọi người lánh xa con đường dẫn đến mọi cái ác xấu.

Hệ thứ 3 – Tứ Đại Thiên Vương

Tứ Đại Thiên Vương còn được gọi là Hộ thế Tứ Thiên Vương, là bốn vị Thiên tướng thủ hộ Phật pháp, thuộc chư Thiên bộ trong Nhị thập thiên hoặc Thập nhị thiên của Phật giáo. Tương truyền Tứ Đại Thiên Vương cư trụ trên núi Tu-di, trấn giữ bốn phương Đông Nam Tây Bắc, cai quản hộ trì tứ châu đó là: Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Cu Lô Châu.

Trong các ngôi chùa Việt thì Tứ Thiên Vương được thờ trong Thiên vương điện được đặt sau sơn môn, hoặc bốn góc của cửa tháp. Hình tướng của Tứ Đại Thiên Vương được tạc như sau:

Đông phương Trì Quốc thiên hộ trì đất nước, bảo hộ chúng sanh. Cư trụ phía Đông núi Tu-di, mặc giáp trụ, nét mặt phẫn nộ, tay cầm đàn tỳ bà. Trì Quốc Thiên Vương biểu thị lòng từ bi, dùng âm nhạc để cảm hóa chúng sanh quy y Phật pháp. Chủ quản Đông phương Phất-đề-bà châu.

Nam phương Tăng Trưởng thiên có năng lực hộ trì chúng sanh tăng trưởng thiện căn. Cư trụ ở phía Nam núi Tu-di, nét mặt giận dữ, mặc giáp trụ, tay cầm bảo kiếm bảo hộ Phật pháp không cho tà ác xâm phạm. Chủ quản Nam phương Diêm-phù-đề châu.

Tây phương Quảng Mục thiên có thể dùng Thiên nhãn thanh tịnh quán sát thế giới hộ trì chúng sanh. Cư trụ phía Tây núi Tu-di, hiện tướng giận dữ, mặc giáp trụ, tay quấn con rắn. Chủ quản Tây phương Anh-da-ni châu.

Bắc phương Đa Văn thiên từng bảo hộ đạo tràng của Như Lai, do đó được nghe Như Lai thuyết pháp nhiều. Cư trụ ở phía Bắc núi Tu-di, hiện tướng phẫn nộ, tay cầm bảo tháp, biểu thị phước đức đa văn, chế phục chúng ma, bảo hộ tài bảo của chúng sanh. Chủ quản Bắc phương Úc-đơn-việt châu…

Tứ Đại Thiên Vương cùng Phạm Thiên và Thiên chúng thuộc cõi trời Dục giới, là những vị thần bảo hộ Phật pháp, cũng như hộ trì chúng sanh tu tập thiện pháp, tồi phá trừng phạt những kẻ tà ác bất thiện xâm hại Phật pháp.

Hệ thứ 4 – Bát bộ Kim cương

Bát bộ Kim cương là tám vị thần bảo hộ Phật pháp. Kim cương biểu hiện cho tâm trong sáng, không hủy hoại, kiên định trong tu hành hay hộ trì Phật pháp nên gọi là Kim cương Hộ pháp, mặc áo nhẫn nhục hay còn gọi là áo tùy hình chống lại ba mũi tên độc tham, sân, si. Theo kinh Phóng quang Bát-nhã thì bất cứ ai tu hạnh Bồ-tát trên đường thành Phật sẽ được thần Kim cương gìn giữ bảo vệ.

Tượng Bát bộ Kim cương trong chùa Việt được tạo tác với tay cầm các binh khí khác như gươm, chùy, việt phủ.. Tám vị thần đó có tên là: Thanh Trừ Tai, Tích Độc Thần, Hoàng Tùy Cầu, Bạch Tịnh Thủy, Xích Thanh Hỏa, Định Trừ Tai, Tử Hiền Thần, Đại Thần Lực…

Nhìn chung các hệ tượng Hộ pháp trong chùa Việt thường chia làm hai loại là thiện thần và ác thần. Thiện là khuyến khích chúng sinh làm điều thiện, ác là trừng trị cái ác, cảm hóa cái ác đi đến cái thiện.

Các Hộ pháp có một điểm chung là hộ trì Phật pháp không cho cái xấu cái ác trà trộn vào, giúp con người thanh tĩnh, từ bi, một tâm hướng Phật. Các tượng thường chế tác rất lớn với các tư thế nghiêm nghị, cương quyết, thể hiện sức mạnh mang tính siêu nhiên. Đầu đội mũ kim khôi, mình mặc giáp trụ để ngăn ngừa tam độc, nhờ đó mà giữ được cái tâm trong sáng và cương quyết như kim cương.

Các tượng thường được đặt trên lưng con lân, tượng trưng cho sức mạnh trí tuệ. Vì chỉ có trí tuệ sáng suốt và cái tâm thanh tịnh thì mới loại trừ được ác nghiệp. Đó cũng là chân lý để đi tìm con đường giải thoát, mưu cầu hạnh phúc vĩnh viễn.

3. Câu chuyện: Ngài Hư Vân và Long thần Hộ Pháp

Ngài Hư Vân là một vị thánh tăng cao khiết, nên Ngài ở đâu cũng được Long Thần Hộ pháp âm thầm bảo vệ. Cuộc đời ngài có rất nhiều điều thần bí: Khi Ngài viếng núi Kê Túc thì chuông mõ tự ngân. Lên chùa Cao Đảnh thì lan tiên tỏa hương thơm ngào ngạt.

Lúc giảng kinh thì cây khô sống lại, mai trổ sen, rau cải trong vườn trổ sen. Thậm chí tất cả nến thắp trong đạo tràng cũng nở hình sen. Cầu mưa được mưa, cầu tuyết được tuyết, toan tính gì đều có long thần hộ pháp ngầm phò trợ: Giúp dời đá, lấp sông…

Khi Ngài bắt buộc phải đốn cây cổ thụ thì cây đổ cũng lựa hướng bình an cho chùa. Lúc Nhật nhắm vào chùa Ngài dội bom, thì bom lại rơi xuống chỗ vắng. Không thiệt mạng ai nhưng phi cơ Nhật tử nạn, vỡ nát. Nhật sợ đến độ sau đó hễ có việc phải bay thì cũng đi đường vòng, không dám bay ngang chùa Ngài.

Con vật nào được Ngài quy y thì lập tức ăn chay, tánh hung dữ hiếu chiến bỗng chuyển thành hiền lành. Bò cũng tìm đến Ngài cầu cứu, hổ cũng biết tìm Ngài cầu giới. Thọ thần, Long vương đều hóa hiện thân người tìm tới xin thọ giới.

Năm 43 tuổi Ngài phát tâm triều lễ núi Ngũ Đài, ba bước lạy một lạy. Lễ Đức Văn Thù suốt từ Nam đến Bắc để cầu báo ân cho mẹ, ngót ba năm mới đến nơi. Điều đáng nói là giữa đường ngài mấy lần bệnh nặng suýt chết. Việc này khiến Bồ tát Văn Thù “chịu hết nổi’, phải xuống trần dưới thân phận gã ăn mày để cứu nguy. Gánh đồ, nấu nướng, phụ việc cho Ngài.

Dưới đây là một giai thoại ly kỳ về việc triều sơn của ngài (lúc này có lẽ ngài gần trăm tuổi, do đệ tử ngài kể lại). Tôi may mắn được đọc đến, xin chia sẻ phúc duyên này cùng độc giả:

Long thần hộ Pháp bắc cầu qua vực thẳm

Một ngày nọ, chúng tôi đang đi trên núi Vĩnh Phong thì bị lạc lối, cùng đường. Vì phía trước là một vực thẳm rộng hơn mười mét, nhìn xuống sâu hun hút không thấy đáy. Thầy trò xem như không thể nào đi qua bờ đối diện bên kia. Lúc này trời dần tối, hết cách xoay sở nên chúng tôi đành ngồi xuống tĩnh tọa. Bắt đầu thời khóa tu, chuẩn bị qua đêm ở đây.

Ngay lúc đó một trận cuồng phong nổi lên. Đến khi gió lặng, thì bỗng thấy bờ bên kia núi xuất hiện một con mãng xà khổng lồ, bề ngang gần nửa thước, miệng há to như cái chậu, Sư phụ bảo tôi:

– Thánh An, chúng ta có thể đi qua vực thẳm được rồi!

Lúc này tôi thấy con đại mãng xà, miệng há to, lưỡi lo le, mắt nhấp nháy, mắt đầu hướng về chúng tôi gật gật. Tôi sợ rụng rời, khi nghĩ đến cảnh nó sẽ ăn thịt mình, tôi quay lại thưa với Sư phụ:

– Có phải ngài nói đùa với con không, có chắc là nó sẽ không ăn thịt chúng ta chứ?

Hòa thượng Hư Vân mỉm cười bảo:

– Đừng sợ, đó là Long thần hộ pháp, Bồ tát sai nó đến giúp chúng ta!

Sư phụ thấy tôi vẫn còn sợ, ngài bảo tôi nhắm mắt lại và nắm tay tôi dắt đi. Tôi hé mắt nhìn: Thấy cảnh con đại mảng xà vươn đầu qua vực thẳm và nằm mọp giống như tư thế bắc cầu. Hòa thượng Hư Vân cùng tôi bước qua, tôi có cảm giác như đạp trên chiếc cầu to có độ đàn hồi vậy. Cuối cùng chúng tôi qua được bờ đối diện. Lúc này mới phát hiện con mãng xà này dài quá sức tưởng, vì tôi không nhìn thấy đuôi nó nằm ở đâu.

Đi qua bờ xong rồi, thì Hòa thượng Hư Vân liền ngồi xuống tụng kinh. Một trận gió nổi lên, khi chúng tôi mở mắt ra thì không thấy mãng xà đâu nữa.

Sơn Thần hiện thân Hộ pháp

Còn một lần nữa, khi chúng tôi đi vào vùng sơn lâm nguyên thủy, núi này có tên là Hổ Khâu Sơn.

Bỗng dưng khí trời thay đổi, gió bụi nổi lên mịt mù, trời càng lúc càng tối. Nơi đây phía trước không có thôn làng, phía sau chẳng có quán xá, chỉ có tiếng gió vù vù. Một lát sau, mưa trút xuống ào ạt, băng đá rơi đầy, một hồi sau mới tạnh.

Cơn mưa lớn qua rồi, khắp nơi ẩm ướt, đường trơn trợt. Trời mỗi lúc một tối, thế là chúng tôi đành trú ngụ tại đây. Tôi đi lấy nước, kiếm ít củi để nhóm lửa nấu nước. Do chúng tôi ai cũng mặc đơn sơ. Lại bị một trận mưa to giáng xuống, nên toàn thân đều ướt và lạnh. Tôi vừa nấu nước vừa thổi lửa, thì bỗng nghe có tiếng hổ rống to. Chỉ nghe âm thanh chứ không nhìn thấy hổ. Nhưng một tiếng rống cất lên lại được mấy tiếng rống khác hòa đáp, hưởng ứng theo, coi bộ không phải chỉ có một con hổ!

Sư phụ thấy mặt mày tôi biến sắc, liền nói:

– Lại nhát gan nữa rồi! Số chúng ta chưa hết thì sẽ sống mà, nếu mạng tận thì mới làm thức ăn cho hổ. Con hãy tới gần đây nương vào ta này, như vậy con sẽ không sợ nữa!

Do chúng tôi quá ngọ không ăn, giờ đành uống nước nóng lót dạ và ngồi tựa vào nhau.

Tôi khi đó còn nhỏ lắm, bởi đi đường quá mệt, nên chốc lát là ngủ say. Đến nửa đêm, tôi cảm thấy càng lúc càng ấm, vừa mở mắt ra thì… Ôi trời ơi! Hiện có sáu con hổ bự đang vây quanh chúng tôi. Đã vậy Hòa thượng Hư Vân còn đưa tay vuốt ve đầu con hổ chúa to nhất nữa chứ.

Lúc này đầu óc tôi thật sự hoang mang, vì không biết mình đang mơ hay là tỉnh? Lẽ nào tôi đang nhìn thấy cảnh “Hổ phục La hán”? Đã ba lần tôi định đứng dậy, nhưng Sư phụ đều ngăn lại không cho tôi đứng lên. Ngài bảo tôi hãy mau niệm Phật, nhiếp tâm. Được một lát, tôi lại thiếp đi. Trời sáng, khi tôi thức dậy, Sư phụ cười bảo:

– Đêm qua con sợ lắm hả? Là Sơn thần đến thăm đấy.

Gặp đức Văn Thù Bồ Tát

Ở Ngũ Đài Sơn có một câu châm ngôn: Bồ tát đối với người hữu duyên thì “Xa tiếp tám trăm, tiễn đến ngàn dặm” . Chung quanh Ngũ Đài Sơn khoảng tám trăm dặm không hề có thổ phỉ.

Hôm đó chúng tôi đang dừng nghỉ, đồng ngồi trò chuyện. Hòa thượng Hư Vân giải thích cho tôi hiểu các chuyện đã xảy ra. Ngài nói: Khi đó chúng ta gặp không phải mãng xà đâu, mà chính là rồng. Còn khi ở trên núi loài chúng ta gặp cũng không phải là hổ, mà là Vương báo. Con xem, khi lên gần đến Ngũ Đài Sơn thì sẽ có người tiếp chúng ta.

Hôm đó trời đầy sương, Sư phụ hơi bị choáng đầu, chúng tôi nghỉ một chút thì lại lên núi tiếp.

Đi tới lưng chừng núi, thì bỗng thấy phía trước sáng rực, giống như có ánh điện quang vậy. Hòa thượng Hư Vân liền bảo chúng tôi hãy mau mau quỳ xuống hành lễ. Lúc này, thấy trên sườn núi xuất hiện Bồ tát Văn Thù, tay cầm phất trần phe phẩy, giống như muốn nói chi đó. Cảnh tượng này kéo dài năm phút, quả thực là Bồ tát Văn Thù có hiện đón chúng tôi thiệt.

Điều này khiến chúng tôi mừng vui, toàn thân như được tăng thêm sức mạnh. Cả ngày lội bộ ngót mấy cây số, bữa trưa không ăn mà giờ cũng không thấy đói. Đến tối chúng tôi mới tới chùa Hạ Phong và ngụ lại đây hai ngày.

Sau đó khi chúng tôi ra về, rời khỏi Ngũ Đài chừng khoảng ba mươi dặm, thì thấy sườn núi bỗng dưng sáng rực ánh Phật quang. Có một lão thái thái từ trên đi xuống, từ xa đã lên tiếng hỏi chúng tôi:

– Có mệt không?

Lúc này đang là mùa thu, bà lão lấy từ trong giỏ ra mấy trái hạnh to tặng cho bốn người chúng tôi.

Bà nói: Ăn trái thứ nhất thì không đói, ăn trái thứ hai thì không khát. Ăn trái thứ ba thì hết mệt, ăn trái thứ tư thì toàn thân nhẹ nhàng tâm tình thư thái. Tôi nhận quả hạnh xong, nhìn lại thì không thấy bà lão đâu nữa.

Lúc này chúng tôi mới hiểu ra: Đây nhất định là Bồ tát Quan Thế Âm đã giúp chúng tôi. Bởi vì lúc đó là tiết thu, mùa thu thì làm sao có trái hạnh? Nhưng trong tay chúng tôi rõ ràng đang có trái hạnh. Trái hạnh này ăn xong rồi, đúng là mấy ngày không thấy khát, cũng chẳng thấy đói, tinh thần cực kỳ tốt.

Đây là những kỷ niệm về Long thần hộ pháp, thật hi hữu khó quên trong những lần chúng tôi triều sơn cùng Hòa thượng Hư Vân (Theo Báo ứng hiện đời).

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Tại sao A Di Đà Phật được tất cả chư Phật tán thán?

Định Tuệ

Bố thí với tâm hoan hỉ không mong cầu được đền đáp sẽ hưởng quả báo thù thắng

Định Tuệ

Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng và niệm thánh hiệu Bồ Tát Địa Tạng

Định Tuệ

Trong cuộc sống thường ngày chúng ta phải nên chú ý điều gì?

Định Tuệ

Nguồn gốc của Chú Đại Bi và sự linh ưng khi đọc tụng

Định Tuệ

Có nên đọc tụng Kinh Địa Tạng ở nhà hay không?

Định Tuệ

Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả – Hãy mau mau niệm Phật

Định Tuệ

Thế gian này loại người nào có phước báo lớn nhất?

Định Tuệ

Hành giả Tịnh Độ phải tu sao để được bảo đảm vãng sanh?

Định Tuệ

Viết Bình Luận