Thế gian này loại người nào có phước báo lớn nhất? Người không có vọng niệm là có phước báo lớn nhất. Tuyệt đối không thể nói người có địa vị rất cao, có bao nhiêu của cải là người có phước báo, đó không phải phước báo.
Bổn nguyện của chư Phật Như Lai rất hay. Kỳ vọng đối với chúng ta, chúng ta cũng rất là cảm kích. Vấn đề chính là chúng ta có thể làm đến được hay không? Đáp án này là khẳng định, tất cả chúng sanh quyết định đều có thể làm được, bạn ở ngay trong một đời này có thể chứng được quả Phật cứu cánh viên mãn, đó là khẳng định. Vấn đề là ở chỗ nào? Là ở ngay chính bạn, bạn có chịu tin vào chính mình hay không? Nếu như chính mình không tin vào chính mình thì không còn cách nào.
Trong nhà Phật nói “tín”, việc trước tiên là tin chính mình. Bạn xem trong A Di Đà Kinh Yếu Giải của Ngẫu Ích Đại Sư giảng sáu cái “tín” cho chúng ta nghe, thứ nhất là tin chính mình, tin tưởng chính mình ở ngay trong một đời này có thể làm đến được. Chính mình không có lòng tin đối với chính mình, không tin tưởng ngay một đời này ta có thể làm Phật, thì tất cả chư Phật cũng không có cách nào giúp bạn, thì bạn nhất định không thể thành Phật. Vì sao vậy? Bởi vì bạn không có lòng tin ở chính mình. Cái mấu chốt này rất lớn, đây là điều kiện thứ nhất.
Tin thứ hai mới là “tin tha”. Tin tưởng Thích Ca Mâu Ni Phật, tin tưởng A Di Đà Phật. Thứ hai mới là tin tha, thứ nhất phải tin chính mình, tin tưởng chính mình ngay trong một đời này có thể làm đến được. Tin tưởng lý luận, phương pháp, cảnh giới mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói là chính xác, quyết định không có sai lầm, ta chịu y giáo phụng hành. Tin tưởng bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, nguyện nguyện đều hiện thực, ta y theo pháp môn này để tu thì Ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn ta vãng sanh bất thoái thành Phật. Đó là tin tha.
Phật pháp không giống như các tôn giáo khác. Các tôn giáo khác việc đầu tiên không phải là tin chính mình, mà việc đầu tiên là phải tin Thần.
Có một năm tôi hoằng pháp ở Hoa kỳ, gặp được một số mục sư của Ki Tô Giáo, ba bốn người đến nói chuyện với tôi. Họ nói Tịnh Độ Tông chúng ta rất giống như Ki Tô Giáo của họ. Tôi hỏi họ: “Giống chỗ nào?”. Họ nói: “Đều là chữ tín, chúng tôi tin Thiên Chúa, các vị tin A Di Đà Phật”. Tôi nói: “Không giống nhau!”. Họ hỏi: “Không giống nhau chỗ nào?”. Tôi nói: “Chúng tôi thứ nhất là tin chính mình, thứ hai là tin A Di Đà Phật. Các vị hoàn toàn tin tưởng Thiên Chúa, các vị không có lòng tự tin, vậy thì làm sao như nhau? Không như nhau!”. Nhất định phải xây dựng lòng tự tin, tin tưởng Phật đã nói. Phật chân thật hy vọng mọi người ngay trong một đời này viên mãn thành Phật. Pháp môn Tịnh Độ chân thật là “thiện lập phương tiện”. Bốn chữ này nói đến được chỗ cứu cánh.
Lý luận của pháp môn này có hiểu hay không hiểu không hề gì, không hiểu cũng có thể thành tựu. Bạn nói xem, pháp này thuận tiện và thiện xảo dường nào! Không hiểu đều có thể thành tựu, thành thật mà niệm thì được. Vậy vì sao chúng ta còn phải giảng Kinh? Chúng ta giảng Kinh là bởi vì mọi người không có phước báo, cho nên ngày ngày phải giảng Kinh. Người thế nào là có phước báo? Người thành thật mà niệm là có phước báo, người mà ngày ngày chỉ niệm một câu A Di Đà Phật, không nghĩ đến bất cứ thứ gì, thì người đó có phước báo. Chúng ta vì sao không có phước báo? Một ngày từ sớm đến tối nghĩ tưởng xằng bậy, vậy thì không có phước báo.
Bởi vì một ngày từ sớm đến tối bạn nghĩ tưởng xằng bậy, cho nên mới cần giảng Kinh cho bạn nghe, dạy bạn giác ngộ, dạy bạn tường tận. Nếu như một ngày từ sớm đến tối không còn nghĩ tưởng xằng bậy, không còn một vọng niệm nào, chỉ có một câu “A Di Đà Phật”, thì ba tạng, mười hai bộ Kinh đều có thể xem thành rác rưởi, không cần đến, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh 49 năm cũng là lời thừa. Cho nên Phật độ chúng sanh, có hai loại người dễ độ nhất. Một là thượng căn lợi trí, khuyên họ thì họ liền thông đạt tường tận, một vọng niệm cũng không có, trung thực mà niệm.
Một loại nữa là người ngu hèn. Thượng trí và ngu hèn là dễ độ nhất. Ngu hèn là gì vậy? Họ không muốn hiểu, bảo họ niệm thì họ trung thực mà niệm, họ một ngày từ sớm đến tối không có bất cứ vọng niệm nào, loại người này có thể thành công. Khó độ nhất chính là ở giữa hai loại người này. Chúng ta thuộc về loại người ở giữa này, rất phiền phức. Cho nên Thế Tôn 49 năm khổ cực cần lao đều vì loại người này chúng ta, vì vậy không thể không đem đạo lý, phương pháp, cảnh giới nói ra một cách tỉ mỉ. Chúng ta thật đã tường tận, thật đã thông suốt thì mới chịu buông bỏ. Buông bỏ là đại phước báo.
Thế gian này loại người nào có phước báo lớn nhất? Người không có vọng niệm là có phước báo lớn nhất. Tuyệt đối không thể nói người có địa vị rất cao, có bao nhiêu của cải là người có phước báo, đó không phải phước báo. Hiện tiền tuy là hưởng thụ đời sống vật chất nhưng bạn có thể hưởng được mấy năm? Chết rồi thì phải làm sao? Luân hồi trong ba cõi sáu đường thì sao xem là có phước báo? Trong lòng không có một vọng tưởng nào, một ngày từ sớm đến tối nhớ Phật niệm Phật, con người này qua vài năm thì họ liền đi làm Phật, vậy mới gọi là đại phước báo. Bạn chân thật thông hiểu tường tận thì mới biết được niệm Phật đường công đức thù thắng không gì bằng. Cho nên Phật nói tam thừa là phương tiện nói, ngũ thừa thì càng không cần phải nói. Mục đích của Phật là dạy chúng ta một đời thành Phật.
Có người hoài nghi là “ta rất ngu si, ta tạo ra nghiệp chướng rất nặng, tạo nghiệp rất sâu thì có thể thành tựu được hay không?”. Trên Kinh này nói, một câu Phật hiệu tiêu 80 ức trọng tội sanh tử. Các vị niệm một ngày một đêm được bao nhiêu niệm? Theo đó bạn tính xem số lượng niệm này bạn đã tiêu được bao nhiêu tội nghiệp? Không thể nghĩ bàn! Lời của Phật nói là thật, không phải là giả, đích thực có hiệu quả như vậy. Thế nhưng đã niệm một ngày một đêm rồi nhưng nghiệp chướng vẫn còn rất nặng, vì sao vậy? Nghiệp chướng của bạn quá nhiều, niệm một ngày một đêm đã tiêu được rất nhiều rồi nhưng nghiệp chướng nguyên gốc của bạn so với đây không biết là nhiều hơn gấp bao nhiêu lần, bạn vẫn còn phải tiêu nghiệp.
Ngày ngày đến niệm, ngày ngày tiêu nghiệp, đạo lý này chính là như vậy. Nghiệp chướng dù có nặng hơn nhưng nếu như tiếp tục không ngừng, trên Kinh Phật nói “không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”, không xen tạp thì sức mạnh này rất lớn, bạn có thể không gián đoạn tiếp tục niệm tiếp đến ba năm thì tội nghiệp vô lượng kiếp của bạn thảy đều tiêu hết. Làm sao biết được tội nghiệp của bạn tiêu hết? Khi bạn vãng sanh tự tại, đứng mà đi, ngồi mà đi, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc không phải cõi Phàm Thánh Đồng Cư mà đều là vãng sanh cõi Thật Báo.
Trong Kinh này có nói ba bậc vãng sanh, bạn là thượng phẩm vãng sanh, bạn mới biết được câu Phật hiệu này tiêu nghiệp chướng không thể nghĩ bàn. Cho nên khoảng năm Càn Long đầu nhà Thanh, Pháp sư Từ Vân Quán Đảnh đã nói ở trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh Chú Giải rất có đạo lý(chú giải đó của Ngài gọi là Quán Kinh Trực Chỉ, thâu tập trong Đại Tạng Kinh): “Nghiệp chướng của chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, nghiệp chướng cực trọng, bất cứ Kinh luận nào trong Phật pháp, bất cứ sám pháp nào cũng không thể sám trừ được nghiệp chướng. Hay nói cách khác, thí dụ có một người bị bệnh độc quá nặng, tất cả thuốc men đều vô hiệu, đều không thể trị được loại bệnh này, sau cùng vẫn còn một phương pháp là niệm Phật có thể tiêu trừ được”. Như vậy bạn mới biết được công đức niệm Phật quá lớn.
Pháp môn niệm Phật này là thù thắng như vậy. Lời nói của Ngài có đạo lý. Tôi đọc qua chú giải này của Ngài, tôi rất là bội phục. Nếu Ngài không phải là người tái sanh thì không thể khế nhập được cảnh giới này, không thể nói ra được câu này, quyết định không phải là người thông thường có thể nói ra được. Trong nhà Phật, Pháp sư Quán Đảnh được xem là một nhà thông thái, Tông, Giáo, Hiển, Mật Ngài đều có thể quán thông. Trước tác của Ngài rất là phong phú, trong Vạn Tự Tục Tạng Kinh thâu tập rất hoàn bị, đại khái có hơn ba mươi loại. Ngài có chú giải “Kinh Lăng Nghiêm”. Từ xưa đến nay, Lăng Nghiêm thần chú trong “Kinh Lăng Nghiêm” không có người nào chú giải. Trong chú giải của Ngài, ngay đến Lăng Nghiêm thần chú Ngài cũng chú giải ra. Cho nên xưa nay, chú giải Lăng Nghiêm thần chú chỉ có một mình Ngài.
Như vậy, ở đây nói rõ tam thừa là Phật phương tiện nói, nhất thừa mới là nói thật. Trong pháp nhất thừa chính là niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, cho nên mười phương tất cả chư Phật Như Lai đều khuyên người niệm Phật. Tất cả chư Phật Như Lai đều giảng Kinh Tịnh Độ, các Kinh điển khác không nhất định giảng, phải xem khế cơ, không khế cơ thì Phật không nói, chỉ có Tịnh Độ ba Kinh thì nhất định phải nói, tất cả chư Phật Như Lai đều giảng giải. Vì sao vậy? Có thể khế cơ được tất cả chúng sanh, cho nên tất cả chư Phật Như Lai nhất định giảng ba Kinh Tịnh Độ, nhất định khuyên người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Trừ khi bạn không tin tưởng, bạn không ưa thích pháp môn này thì Phật mới khai mở pháp môn khác, khai ba thừa. Điều này hiển thị rõ ra “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân”.
Bạn không cầu vãng sanh, bạn cầu thứ khác cũng được, Phật cũng dạy cho bạn, Phật không bỏ rơi bạn. Thậm chí bạn nói làm người vẫn không tệ, Phật cũng dạy cho bạn, dạy cho bạn đời sau vẫn có được thân người, vẫn trở lại làm người, luôn mãn cái nguyện của bạn. Bạn muốn làm người, Phật liền dạy cho bạn phương pháp làm người. Bạn muốn sanh thiên, Phật liền dạy cho bạn phương pháp sanh thiên. Bạn thấy, Phật đích thực là không có cố chấp, không có thành kiến, Phật không yêu cầu chúng sanh tùy thuận Ngài, Ngài có thể tùy thuận tất cả chúng sanh. Thật cừ khôi! Chỗ này chúng ta phải nên học tập, phải học tập có thể tùy thuận người khác, không nên yêu cầu người khác tùy thuận ta. Học Phật ngay đến điểm này cũng không học được thì thật đáng tiếc!
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 42
Tâm Hướng Phật/St!