Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Có nên đọc tụng Kinh Địa Tạng ở nhà hay không?

Nhiều người cho rằng tụng Kinh Địa Tạng tại nhà sẽ có nhiều vong linh kéo về nghe, là không tốt. Vậy có nên đọc tụng Kinh Địa Tạng ở nhà hay không?

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện là bộ kinh rất cơ bản xây dựng đời sống đạo đức của người đệ tử Phật. Trong đó làm con phải có hiếu với cha mẹ, làm trò học đạo phải biết phụng dưỡng sư trưởng là nội dung chủ đạo trong bộ kinh này.

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện gồm ba quyển Thượng, Trung, Hạ với 13 phẩm, là những giáo lý căn bản mà người tu học Phật cần nắm rõ trên lộ trình giác ngộ và giải thoát.

1. Địa Tạng Vương Bồ Tát là ai?

Địa Tạng Vương Bồ Tát là một trong sáu vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo Đại thừa, năm vị còn lại là các vị Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát và Di Lặc Bồ Tát.

Địa Tạng Bồ Tát được biết đến bởi lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời kỳ sau khi Phật Thích-Ca Mâu-Ni nhập Niết-bàn cho đến khi Bồ-tát Di Lặc hạ sinh, và nguyện không chứng Phật quả nếu địa ngục chưa trống rỗng (Địa ngục không trống, Thề không thành Phật). Do đó, Địa Tạng thường được xem như là vị Bồ Tát của chúng sinh dưới địa ngục hay là giáo chủ của cõi U Minh.

2. Ý nghĩa Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện

Tựa đề của Kinh Địa Tạng là “U minh Giáo chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát Ma ha tát”. Có nghĩa là đấng giáo chủ cõi U minh là Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát. Một Ngài Bồ tát tên Địa Tạng, Ngài cầm trong tay phải một cây tích trượng và tay trái một hạt minh châu. Ngài xuống địa ngục làm giáo chủ, dùng tích trượng đập phá cửa địa ngục để cứu vớt chúng sinh, nếu chúng sinh chí thành niệm danh hiệu của Ngài. Tuy nhiên, đó có phải là ý nghĩa thực sự?

“Bổn” là Bổn tâm. “Tôn” là tôn quý, “Địa” là tâm địa, “Tạng” là Như Lai tạng. Chỉ có Bổn tâm mới là tôn quý nhất, đó là kho Như Lai tạng tâm địa; chỉ có Bổn tâm mới làm chủ được cõi U minh, tức làm chủ cõi địa ngục tham, sân, si của chính mình.

Địa ngục chính là địa ngục tham, sân, si. Chúng sinh khổ là do tham, sân, si đầy dẫy trong tâm, phiền não khởi phát. Muốn phá được cửa địa ngục này cần phải là Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình vậy. Quan trọng là bản thân nhận ra được bản tính Như Lai trong tâm, thì mình mới có thể đập phá được địa ngục tham, sân, si và cứu giúp chúng sinh muôn loài.

Nếu ta hiểu Ngài Địa Tạng là một vị Bồ tát có hình tướng rõ ràng, và có một cõi địa ngục thật sự, thì chúng ta sẽ ỷ lại vào tha lực, rồi vô tình gạt bỏ quy luật nhân quả. Nếu thật sự có một Ngài Bồ tát đủ khả năng đập phá cửa địa ngục, thì chúng ta khỏi cần tụng kinh, tọa thiền hay tinh tấn tu học, chỉ cần một lòng cầu Ngài Bồ tát, chờ đến lúc chết sẽ có Ngài đến cứu.

Như vậy thì tinh thần ỷ lại, dựa dẫm, mong chờ sự cứu rỗi của Ngài Bồ tát càng tăng lên. Quy luật Nhân Quả cũng không có ý nghĩa. Điều đó dẫn đến sự ra đời của Đức Phật cũng là vô nghĩa. Vậy tại sao chúng ta phải nỗ lực tu hành? Nếu chúng ta không dứt trừ các nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý, thì có vị Bồ tát nào cứu vớt mình được? Chúng ta tu là tu tâm của chúng ta, nếu thanh tịnh cũng là thanh tịnh chân tâm; khi giác ngộ là giác ngộ tự tâm. Ngoài tâm sẽ không có cái gì cả.

Địa ngục chính là tham, sân, si, phiền não của chúng sinh. Địa ngục cũng chính là cảnh giới của ba nghiệp ác, từ thân khẩu ý phát sinh ra. Địa ngục là sự tối tăm ám chướng, là sự mê muội trong tâm thức của mỗi người. Đó chính là địa ngục tự tâm.

Phật nói kinh Địa Tạng là muốn cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tâm mình, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm. Cuối cùng trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình. Đó là nội dung cốt yếu của toàn bộ kinh Địa Tạng.

Có nên đọc tụng Kinh Địa Tạng ở nhà hay không?

3. Lợi ích của tụng Kinh

Người đọc tụng, thọ trì và truyền bá Kinh Phật sẽ gặt hái nhiều lợi ích cho mình và tha nhân:

– Nắm vững yếu nghĩa lời Phật dạy, nhờ đó, người thọ trì xóa bỏ cái nhìn phân cách, ngộ nhận giữa hai truyền thống. Tất cả chỉ có một nguồn chánh pháp, chỉ thuần nhất hương vị: an lạc, giác ngộ, giải thoát.

– Đọc tụng để lời nói, ý nghĩ, việc làm được trong sạch; để từ bỏ các điều ác, thực hành các hạnh lành, sống tùy hỷ, sống theo bi-trí-dũng, thương yêu, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau; để làm hành trang cho cuộc sống, làm hương thơm cho đời.

– Đọc tụng để mở rộng tầm nhìn đúng đắn về con người, về thế giới, về nguyên nhân sai biệt cũng như yếu tố hình thành vũ trụ. Đọc tụng để xóa bỏ mê lầm, trở về chánh pháp, sống chánh tín, chánh mạng và an lạc.

– Đọc tụng để chuyển hóa nhận thức và hành động. Nhờ đó, cá nhân được thuần thiện, gia đình được đầm ấm, xã hội được an vui và nhân loại được thái bình, hạnh phúc trong chánh pháp Phật-đà.

3. Có nên đọc tụng Kinh Địa Tạng ở nhà?

Kinh Địa Tạng là dạng kinh văn thuộc hệ Đại Thừa, là chân kinh chính thống của nhà Phật. Trọng tâm của Kinh Địa Tạng chủ yếu nói về tâm địa là Chơn tâm và Phật tính cùng hạnh nguyện cứu độ chúng sinh của Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Tuy nhiên trên thực tế, Kinh Địa Tạng thường được tụng niệm trong các khóa lễ cầu siêu nên nhiều người cho rằng việc tụng Kinh Địa Tạng tại nhà sẽ có nhiều vong linh kéo về nghe và đây điều này là không tốt. Vậy có nên tụng Kinh Địa Tạng ở nhà? Quý phật tử có thể hiểu rõ hơn qua những lời chia sẻ sau đây:

Có khá nhiều kinh văn thuộc hệ Đại thừa thường sử dụng ngôn ngữ biểu tượng và Kinh Địa Tạng cũng vậy, thông qua các biểu tượng để thuyết minh Phật tính hay tâm địa và triển khai con đường làm hiển lộ, chứng đạt cho Phật tính ấy.

Địa Tạng Vương Bồ Tát ra vào các cõi cứu độ chúng sinh thực chất là biểu trưng của quá trình chuyển hóa và thanh lọc vọng tâm chúng sinh cho đến khi chơn tâm hiển lộ và thành Phật.

Để trả lời cho câu hỏi có nên tụng Kinh Địa Tạng ở nhà thì chắc chắn là nên. Đức Phật luôn khuyến khích mọi người đọc kinh và tụng kinh mà không phân biệt là ở nhà hay ở chùa, hễ là người có lòng thì đều được Phật chứng giám.

Những người tụng Kinh Địa Tạng tại nhà có cuộc sống ngày một trở tốt đẹp hơn, khỏe mạnh hơn và tiêu nghiệp bớt khổ cho cả bản thân và gia đình.

Ngoài ra, Kinh Địa Tạng bên cạnh giúp siêu độ vong linh thì còn mang đến lợi ích cho hiện tại và cả có ích cho kiếp sau, cho cả người sống và người mất. Vì vậy phải hiểu ý nghĩa của bộ kinh này, sau đó mới trì tụng để thâm nhập nghĩa lý sâu xa và ứng dụng cho việc tu hành. Quý Phật tử tụng kinh như thế mới thực sự mang lại lợi ích và không còn phân vân hay lo sợ bất cứ điều gì.

Phật tại tâm, quý Phật tử có lòng thì việc tụng niệm kinh Phật tại gia cũng là điều nên làm.

Mời bạn tham khảo: Nghi thức tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện đầy đủ, chuẩn nhất

Tâm Hướng Phật!

Bài viết cùng chuyên mục

Hạn Tam Tai là gì? Sự thật về hạn Tam Tai trong Phật giáo

Định Tuệ

Nếu không hạ thủ công phu thì đó chỉ là đùa giỡn với Phật pháp

Định Tuệ

Thế giới Cực Lạc trang nghiêm thù thắng không gì bằng

Định Tuệ

Điều kiện vãng sanh và lý do không được vãng sanh

Định Tuệ

Ma dựa, quỷ đè là gì?

Định Tuệ

Những huyền ký của đức Phật về Tịnh độ

Định Tuệ

Những tác hại của mê tín dị đoan

Định Tuệ

Thị phi, thiện ác, tà chánh, bạn phải có năng lực phân biệt

Định Tuệ

Nhất tâm niệm Phật để mau chóng về An Dưỡng Cực Lạc Quốc

Định Tuệ

Viết Bình Luận