Trong tam nghiệp, ý nghiệp là hệ trọng hơn hết, bởi vì việc làm của thân hay lời nói phát khởi từ miệng đều do ý tưởng suy tính, quyết định cả.
1. Ý nghiệp là gì?
Nghiệp là hành động tạo tác của thân, miệng, ý của chúng sanh; là con đường đi từ Nhân tới Quả. Nếu kiếp trước mình làm điều lành thì tạo được nghiệp lành (thiện nghiệp), còn gọi là tạo phước nghiệp. Nghiệp lành này nó hình thành nên đời sống nhiều may mắn, được an vui, hạnh phúc cho kiếp hiện tại và ngược lại nếu kiếp trước mình làm điều xấu ác thì tạo nghiệp dữ, gọi là ác nghiệp hay bất thiện nghiệp. Nghiệp dữ này nó hình thành nên đời sống nhiều thất bại, hoạn nạn, bất hạnh cho kiếp hiện tại.
Tam nghiệp là hành động tạo tác của thân, miệng, ý của chúng sanh.
Thân nghiệp: Là hành động tạo tác của Thân như: đánh đập người, dắt dìu người già qua đường, phá hủy môi trường sống…
Khẩu nghiệp: Là hành động tạo tác của Miệng như: khuyên dạy mọi người làm điều tốt, mắng nhiếc người, vu oan người khác…
Ý nghiệp: Là hành động tạo tác của Ý tưởng như: suy nghĩ làm điều thiện, toan tín làm điều ác…
Từ nghiệp nhân, tức hành động tạo tác của ba nghiệp, đến nghiệp báo, tức quả báo phải trả khi gây tạo nghiệp nhân đều gọi chúng là nghiệp. Trong tam nghiệp trên, ý nghiệp là hệ trọng hơn hết, bởi vì việc làm của thân hay lời nói phát khởi từ miệng đều do ý tưởng suy tính, quyết định cả. Do vậy, việc ác hoặc thiện chưa bộc phát ra nơi thân và miệng, nhưng nó đã móng khởi ở ý tưởng rồi. Thế nên, người nào có ý ác là đã phạm tội rồi mặc dù nó chưa bộc phát ra hành động.
2. Sự nguy hiểm của ý nghiệp
Đề Bà Đạt Đa tu thiền có kết quả, thậm chí có một số thần thông, đôi khi nói đúng những điều quá khứ vị lai, nhờ thế mà chinh phục được vua A-xà-thế, lôi kéo được một số tỳ kheo.
Nhưng ý nghiệp bên trong không sạch, chưa phải là một người đạo đức, nên sau này chống luôn cả Phật rồi bị đọa địa ngục A Tỳ. Vì vậy, ý nghiệp nhiều khi còn sâu hơn cả phương pháp tu tập thiền định bên ngoài.
Đức Phật dạy Bát Chánh Đạo là hết sức căn bản và cực kỳ chuẩn xác. Ta tu từ Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, tức là tu ý nghiệp trước, rồi mới tới Chánh Niệm, Chánh Định sau cùng.
Phật dạy ta đi từ Chánh Kiến – Chánh Tư Duy – Chánh Ngữ – Chánh Nghiệp – Chánh Mạng, rồi bắt đầu mới đến Chánh Tinh Tấn – tức là thiền định từ đây mới được khởi đầu. Chánh Niệm, Chánh Định là cuối cùng, tức thiền định là điểm cuối cùng của điều thiện. Thiền định rất cao siêu, là cái lõi của sự tu hành trong đạo Phật.
Bởi vậy, khi chúng ta phát tâm tu tập thiền định thì phải tu ý nghiệp trước cho sạch, cho thuần thiện. Nghĩa là từ những tâm niệm, những tác ý trong đời sống hàng ngày lúc nào cũng phải chuẩn xác, đừng trở thành kẻ vô tâm mà vô tình trở thành ác.
3. Hiểu được nhân quả ta mới thấy sợ ý nghiệp của mình
Những ý niệm trong tâm ta phản ánh tâm hồn ta và cũng cho biết cõi mà ta sẽ đi về. Những ý nghĩ thầm kín đó chi phối rất lớn đến cuộc đời, đến tâm hồn, đến phước nghiệp của chúng ta. Không thò tay đánh ai, không mở miệng chửi ai, nhưng ý nghiệp có thể đưa ta xuống địa ngục.
Cũng vậy, nhiều khi chưa tặng ai một số tiền nào, cũng chưa nói lời yêu thương ai, chỉ ý nghiệp thôi cũng có thể làm cho ta trở thành cao sang, quyền quý, biến ta thành người có đầu óc ngày càng sáng suốt, dễ vào thiền định sâu.
Và bởi vì tâm chúng ta còn nhiều loạn động, chưa đủ sức dừng lại suy nghĩ nên vọng tưởng cứ miên man trôi chạy. Điều đáng sợ là ta làm điều tốt để đi lên nhưng ý nghiệp đã chuẩn bị để kéo mình đi xuống.
Bên ngoài ta làm những điều tốt, nói những điều hay, bản thân ta cũng rất muốn mình trở thành người tốt, nhưng bên trong ý nghiệp cứ âm thầm làm điều ngược lại mà ta không kiểm soát, không kiềm chế được. Hiểu nhân quả rồi ta mới thấy sợ cái ý nghiệp của mình.
Tâm Hướng Phật!