Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Hai chữ Trung Hiếu làm được viên mãn thì chính là Vô Thượng Bồ Đề

Hai chữ “trung hiếu” này làm được viên mãn rồi thì chính là vô thượng Bồ-đề, chính là quả địa Như Lai cứu cánh, mỗi người thành Thánh thành Hiền, gia đình hòa hợp, xã hội bình yên, tất cả chúng sanh đều có thể chung sống hòa mục.

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Mấy ngày nay, chúng ta nói về hai chữ “Trung Hiếu”. Nói thật ra, người nhận thức được hai chữ này không nhiều, người có thể thật sự thể hội được nghĩa thú mà hai chữ này biểu thị thì ngày càng ít. Do hạn chế thời gian, cho nên chúng tôi chỉ có thể làm một cuộc giới thiệu, gợi ý đơn giản, vắn tắt. Nếu như quí vị có thể thể hội tỉ mỉ thì hai chữ này đã bao gồm tất cả Phật pháp. Không những tất cả pháp mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói trong 49 năm, thậm chí là pháp mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai nói, đều không nằm ngoài hai chữ này.

“Hiếu” là nói thể tướng của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, còn “trung” là nói đại dụng của nó. Nếu dùng đề Kinh của Kinh Hoa Nghiêm để nói, thì hai chữ “trung hiếu” này chính là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. “Trung” là “Phật Hoa Nghiêm”, “hiếu” là “Đại Phương Quảng”. Hàm nghĩa của hai chữ này sâu rộng vô tận, chúng ta cần thể hội thật kỹ. Kinh điển gồm một tạng giáo lớn mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói trong 49 năm chính là phát huy tường tận hai chữ này. Hai chữ “trung hiếu” này làm được viên mãn rồi thì chính là vô thượng Bồ-đề, chính là quả địa Như Lai cứu cánh, mỗi người thành Thánh thành Hiền, gia đình hòa hợp, xã hội bình yên, tất cả chúng sanh đều có thể chung sống hòa mục. Xa rời hai chữ này thì tất cả đều không thể làm được. Cho nên, hai chữ này chúng ta nhất định không được lơ là.

Cổ nhân nói: “Nhất gia nhân, nhất quốc nhân” (Một nhà nhân từ, cả nước nhân từ). “Nhân” là chữ “nhân” trong nhân ái. Chữ “nhân” này cũng là chữ hội ý, đó là ý gì vậy? Nhân ái chính là chúng sanh. Biểu thị của chữ này là hai người, không phải một người; có ta còn có người khác. Ta và người là một thể, ta và người không hai. Đây là ý biểu thị của chữ nhân.

Tông môn có một câu nói: “Biết được nhất thể, muôn việc đều thông”. Phật pháp thường nói: “Vào pháp môn không hai”. Thật sự “biết được nhất thể”, “vào pháp môn không hai” thì người này mới là nhân giả. Nhà Phật gọi người thì gọi là nhân giả, cách xưng hô này là vô cùng tôn kính. Phật ở trong Kinh điển gọi Bồ-tát là nhân giả. Chúng ta hãy xem từ trên mặt chữ, người nhân từ chỉ có Bồ-tát mới là “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Chúng ta muốn một nhà đều làm được nhân ái, các vị nên biết ý nghĩa của “nhân ái” so với “thân ái” không giống nhau. “Thân ái” là xây dựng từ trên tình cảm sâu dày, còn “nhân ái” là xây dựng từ trên lý. Biết là ta và người không hai, vạn pháp nhất thể, tâm thương yêu đó là từ trên lý, từ trong tâm tánh lưu xuất ra, đó là yêu thương chân thật, vĩnh hằng, bất biến. Người khác yêu thương ta, ta cũng yêu thương họ; người khác không yêu thương ta, ta vẫn yêu thương họ; người khác dùng thiện tâm đối với ta, ta cũng dùng thiện tâm đối với họ; người khác dùng tâm bất thiện đối với ta, ta vẫn dùng thiện tâm đối với họ. Đó là Bồ-tát, đó là nhân ái, không phải thân ái mà thông thường nói có thể sánh bằng. Tình thì có nhiều biến đổi, cho nên tâm thương yêu sanh ra từ tình là vô thường, yêu thương có thể biến thành ghét, có thể biến thành hận. Những sự việc này, tôi nghĩ quí vị đồng tu đều hiểu rất dễ dàng.

Trong xã hội hiện nay, mọi người thử xem sẽ biết ngay, có bao nhiêu người lúc mới kết hợp là bạn tốt? Khi nam nữ kết hôn, ân ái biến thành vợ chồng, nhưng chẳng bao lâu đã ly hôn, biến thành oan gia, biến thành đối đầu, bạn bè biến thành thù địch, quá nhiều, quá nhiều rồi. Nguyên nhân do đâu? Sự kết hợp của ân ái là tình cảm, cho nên bên ngoài nhìn thấy rất đẹp, nhưng bên trong vấn đề rất phức tạp, nên nó không phải là vĩnh cửu. Tâm thương yêu của Phật Bồ-tát là vĩnh hằng, bất biến. Tại sao vậy? Vì trong ngoài nhất như; bên ngoài là bình đẳng, bên trong là thanh tịnh, không có vấn đề. Đây là tự tánh của chúng ta, đây mới là mặt mũi xưa nay của chúng ta. Học Phật chẳng qua là khôi phục tự tánh, khôi phục lại mặt mũi xưa nay vốn có mà thôi.

Ngày nay thế giới bất bình, nhân tâm bất bình. Tâm của ta bình thì thế giới của ta sẽ bình. Dùng tâm bình đẳng, cái nhìn bình đẳng của ta để thanh tịnh pháp giới, nhập pháp giới chúng sanh được đại tự tại. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Pháp giới vô chướng ngại”, đây hoàn toàn là sự tu dưỡng của cá nhân, trọn đời tràn đầy trí tuệ, tràn đầy nhân từ, vậy thì hạnh phúc biết bao, viên mãn biết bao. Giá trị ý nghĩa của đời người là ở chỗ này. Tôi nói “trọn đời” là nói theo thế tục, nếu nói chân thật thì đó là vĩnh hằng. Mạng sống là vĩnh hằng, nhưng người thế gian mê hoặc, cho rằng có sinh tử. Người sáng suốt thì biết không có sinh tử. Sinh tử là sự việc gì vậy? Sinh tử là sự chuyển biến của nhân và quả. Chuyển biến là tất nhiên, là chắc chắn. Tất cả vạn vật đều đang biến đổi, có pháp nào bất biến đâu? Ngoài chân tánh ra, tất cả đều đang biến đổi, hơn nữa đang biến đổi trong từng sát-na không dừng. Nhân biến thành quả, quả lại biến thành nhân, vĩnh viễn đang tuần hoàn không dừng. Bạn có thể nhận ra được chân tướng này thì liền liễu sinh tử rồi. Nhà Phật thường nói “liễu sinh tử” (liễu là biết rõ), đối với chân tướng sự thật của sinh tử, bạn triệt để biết rõ. Người biết rõ thì chuyển biến tự tại, trong Phật pháp nói là “thừa nguyện tái lai”, “nguyện lực thọ thân”, “chư Phật Bồ-tát ứng hóa tại thế gian”, chuyển biến đó là tự tại. Phàm phu không hiểu rõ chân tướng sự thật, không biết sự thật của chuyển biến này, nên trong tâm khởi vọng tưởng, khởi phân biệt, khởi chấp trước. Phân biệt, chấp trước đều là hư vọng, đều không phải chân thật, cho nên càng chuyển càng bất thiện, càng chuyển càng không tốt. Phàm phu không biết chuyển! Đây là nói sự tướng của sinh tử lưu chuyển.

Mấy hôm nay, có lẽ quí vị đồng tu nhìn thấy từ trên Internet, người nước ngoài nói về tin tức tai nạn của thế giới này. Có rất nhiều đồng tu sau khi xem xong thì trong lòng lo lắng, không biết phải làm sao, đến hỏi tôi. Tôi nói với họ, nếu như thế gian thật sự có tai nạn lớn như vậy, dù bạn tin hay không tin, vẫn có rất nhiều Phật Bồ-tát ứng hóa ở nơi chúng ta, ở thế giới cũng vậy. Ví dụ như gần đây, chúng ta biết Ấn Quang Đại Sư là Bồ-tát Đại Thế Chí ở Thế giới Tây Phương tái lai, Ngài đã tiết lộ tin tức này cho chúng ta. Ở trong Văn Sao nói rất nhiều rồi, nói rằng có tai nạn rất lớn, rất nghiêm trọng. Tai nạn này có cứu được hay không? Cứu được. Chính bản thân Ngài dạy chúng ta Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên, An Sĩ Toàn Thư, chúng ta có thể dựa theo ba quyển sách này mà tu hành, đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện; từ trên căn bản này mà thật thà niệm Phật thì tai nạn này liền hóa giải ngay. Tại sao có thể hóa giải được? Phật ở trong Kinh nói: “Y báo chuyển theo chánh báo”. Chúng ta đã từng đọc qua câu “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, tâm người hằng ngày nghĩ việc ác, hằng ngày tạo ác hạnh thì sẽ chiêu cảm đến tai nạn. Nếu như đem tất cả ác ở trong tâm địa của chúng ta đoạn sạch, chỉ nghĩ thiện, nghĩ tốt, như chúng ta mấy năm gần đây đề xướng “bốn tốt” là giữ tâm tốt, làm việc tốt, nói lời tốt, làm người tốt thì kiếp nạn sẽ chuyển được ngay. Tại sao chúng ta không chịu học tốt? Muốn học tốt thì phải bắt đầu từ không lừa mình, không dối người. Nếu như vẫn cứ lừa mình dối người thì những việc mà bạn làm đều là giả, kiếp nạn này không thể chuyển được.

Tôi thường khuyên người, Phật dạy chúng ta phải phá bốn tướng. Phá bốn tướng hoàn toàn không phải nói đối với người tu hành thượng thừa. Quí vị hãy xem thật kỹ trong Kinh Kim Cang, Tu Đà Hoàn Tiểu thừa đã lìa bốn tướng, “không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”, Tu Đà Hoàn đã bắt đầu rồi. Bản thân người chứng quả Tu Đà Hoàn không tự cho rằng họ đã chứng được Tu Đà Hoàn, đây chính là lìa bốn tướng. Chúng ta đối với “ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả” có phân biệt, chấp trước kiên cố như vậy, nên không thể vào được cửa của Phật pháp. Sơ quả là vào cửa, giống như đi học ở trường vậy, là lớp một tiểu học, trong pháp Đại Thừa 51 cấp bậc Bồ-tát thì đây là Bồ-tát quả vị Sơ Tín. Nếu không xả ly bốn tướng thì bạn không có đủ tư cách là Bồ-tát quả vị Sơ Tín. Bạn học Phật có tốt đi nữa cũng chẳng qua là trong “quả vị danh nghĩa” hữu danh vô thực mà thôi, như trước đây lão sư Lý thường nói là “đáng sinh tử như thế nào thì vẫn phải sinh tử như thế ấy, đáng luân hồi như thế nào thì vẫn phải luân hồi như thế ấy”. Tại sao vậy? Khởi tâm động niệm, mọi thứ tạo tác đều là nghiệp luân hồi. Học là học Phật pháp, nói là nói Phật pháp mà tạo là tạo nghiệp luân hồi thì có lợi ích gì. Tại sao chúng ta không thể chuyển được vậy? Tội nghiệp của bản thân chúng ta quá nặng, vô lượng kiếp đến nay tập khí phiền não đoạn không hết; vẻ bề ngoài làm giống như là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, nhưng ở trong tâm thì giống như đống lửa lớn vậy, lửa cháy dữ dội, không phải là sự bình lặng. Sự thù thắng của Phật pháp là bắt đầu làm từ công phu bên trong. Đó gọi là nội học. Làm thế nào có thể dập tắt lửa phiền não, để nó hóa thành mát lành? Đó là nhờ trí huệ. Cho nên, trong 49 năm giảng Kinh thuyết pháp, Thế Tôn đã dùng 22 năm để giảng Kinh Bát Nhã. Chỉ có trí huệ chân thật mới có thể làm được Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác Ngộ, Từ Bi. Không có trí huệ chân thật thì cho dù bạn làm được rồi, nhưng đó chỉ là bên ngoài, là giả tướng, không phải chân thật. Giả tướng tuy cũng đáng yêu, nhưng sớm muộn cũng bị người ta vạch trần. Bản thân bạn không thể tu hành chứng quả, đó là ngụy trang, là giả mạo, không phải chân thật. Bạn phải biết, người chân thật tu hành thì nhất định không thể xa rời “giới – định – tuệ”.

Nói về “giới” thì Ấn Quang Đại Sư đã khải thị cho chúng ta, điều thấp nhất, cơ bản nhất là “ngũ giới, thập thiện”, chúng ta không thể không làm. Ngũ giới thập thiện có thể cải tạo vận mệnh, có thể tiêu trừ kiếp nạn. Nếu như chúng ta muốn thoát khỏi lục đạo luân hồi, muốn chứng Thánh quả, Phật quả thì nền tảng đó chính là “tịnh nghiệp tam phước”. Cho nên, tuy trước mắt có rất nhiều tai nạn, nhưng chỉ cần chúng ta thật sự nỗ lực học ngũ giới thập thiện thì tai nạn này liền có thể tránh khỏi. Vì vậy Ấn Quang Đại Sư cả đời chỉ đề xướng mỗi sự việc là hành “ngũ giới thập thiện, lão thật niệm Phật”. Các bạn nghĩ xem, việc mà bản thân Ấn Quang Đại Sư suốt đời làm là gì? Khẩu hiệu của Ngài là mười sáu chữ: “Đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”. Cả đời Ngài thật sự đã làm được mười sáu chữ này và làm rất viên mãn.

“Đôn luân tận phận” chính là hai chữ “trung hiếu”. “Luân” là luân thường, “đôn” là hòa mục; cả nhà hòa, cả nước hòa, cả thế giới hòa hợp, tròn bổn phận của bản thân chúng ta. Bản thân chúng ta là thân phận gì, đang ở cương vị công tác gì, phải đem chức trách của mình làm đến tận thiện tận mỹ, đây là tận phận. Chúng tôi hiện nay là thân phận người xuất gia. Người xuất gia cần phải làm những việc gì? Phải học Thích-ca Mâu-ni Phật giáo hóa chúng sanh; lời nói việc làm phải làm nên tấm gương tốt cho tất cả chúng sanh, làm nên tấm gương “Chân Thành”, làm nên tấm gương “Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác”, làm nên tấm gương “Từ Bi”, làm nên tấm gương “Nhìn Thấu, Buông Xả”, làm nên tấm gương “Tự Tại, Tùy Duyên”, làm nên tấm gương “Thật Thà Niệm Phật”. Đây là bổn phận của người xuất gia. Đối với tăng đoàn thì cung kính, tán thán một cách chân thành. Cổ đức thường nói: “Nếu muốn Phật pháp hưng, chỉ có tăng khen tăng”, đôi bên cung kính lẫn nhau, tán thán lẫn nhau, một tập thể hòa hợp thì Phật pháp sẽ hưng. Không những đoàn thể này của chúng ta phải hòa mục, phải tôn kính, phải tán thán mà mở rộng đến tất cả mọi đoàn thể trong xã hội này, trong thế giới này, chúng ta đều phải tôn trọng, đều phải tán thán, chung sống hòa mục, hỗ trợ hợp tác. Có một số người nói là không dễ dàng làm được, nhưng tôi nói với họ là việc này không khó làm. Chỉ cần bạn thật sự làm được ba việc sau đây thì việc này sẽ làm được ngay.

– Thứ nhất là tâm chân thành chí thiện.

– Thứ hai là tâm thương yêu chân thật.

– Thứ ba là bố thí, cúng dường vô tư, vô điều kiện.

Bạn chỉ cần làm được ba việc này thì thiên hạ thái bình, ngay cả yêu ma quỷ quái cũng hòa hợp. Ngạn ngữ chúng ta thường nói: “Nhân giả vô địch”, bạn thử nghĩ câu nói này. “Nhân”, trong Phật pháp gọi là người đại từ bi. Sao gọi là “vô địch”? Ở trong tâm không có kẻ địch. Ý này là nói người đại từ bi có thể hòa hợp chủng tộc khác nhau, có thể hòa hợp với tất cả chúng sanh. Đây mới là đem trung hiếu làm được viên mãn, thật sự làm đến tận trung tận hiếu. Ở trong bản này chú giải rất nhiều, chú giải vô cùng dài, vô cùng tường tận. Đoạn này tôi chỉ giảng đến đây. Phần chú giải hy vọng quí vị đồng tu hãy tự mình xem, nếu có chỗ nào nghi hoặc thì có thể đến hỏi. Hai chữ này tôi sẽ không giảng nhiều thêm nữa.

Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 22

Bài viết cùng chuyên mục

Tại sao từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta vẫn không thành Phật?

Định Tuệ

Muốn tiêu trừ bảy thứ tai nạn phải nên xưng niệm Phật A Di Đà

Định Tuệ

Phương pháp bậc nhất của hết thảy chư Phật phổ độ chúng sanh là trì danh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ

Định Tuệ

Niệm Phật là việc của đời sau, đời hiện tại có lợi ích không?

Định Tuệ

Phương pháp giúp tiêu tai giải nạn thù thắng nhất

Định Tuệ

Vì sao bình thường chúng ta cần phải niệm Phật?

Định Tuệ

Cách niệm Phật đạt đến Nhất Tâm Bất Loạn

Định Tuệ

Người tin Phật, niệm Phật có bị tai nạn hay không?

Định Tuệ

Nhất tâm bất loạn là gì? Cách niệm Phật nhất tâm bất loạn

Định Tuệ

Viết Bình Luận