Quả thật là chẳng lìa Phật pháp mà hành pháp thế gian. Pháp thế gian và Phật pháp chẳng có một chút chướng ngại nào!
“Vãn cận, Thái Hư pháp sư đề xướng nhân gian Tịnh Độ” (gần đây, pháp sư Thái Hư đề xướng nhân gian Tịnh Độ), vị này cũng là người sống trước chúng tôi một thế hệ, có khá nhiều cống hiến đối với Phật giáo Trung Quốc, cũng có không ít trước tác. “Tằng tường dẫn Vô Lượng Thọ Kinh văn cú” (từng trích dẫn cặn kẽ nhiều câu trong kinh Vô Lượng Thọ). Trong khi diễn giảng, Sư trích dẫn kinh văn từ kinh Vô Lượng Thọ rất nhiều. “Cái dĩ thử kinh song chiếu thế xuất thế gian” (ấy là vì kinh này soi rọi cả thế gian lẫn xuất thế gian), trong bộ kinh này, đức Phật giảng về pháp thế gian không ít, mà giảng pháp xuất thế gian cũng rất nhiều. “Tường thị Chân Tục nhị đế” (chỉ bày cặn kẽ Chân Đế và Tục Đế), đức Phật nương theo Nhị Đế để thuyết pháp, đó là một tổng nguyên tắc của giảng kinh, giáo học. “Đế” (諦) là gì? Nói theo cách phổ thông hiện thời, Đế là chân lý, chân thật, thực tại. Có hai thứ [chân lý]: Một là Tục Đế, hai là Chân Đế. Tục Đế là pháp thế gian, Chân Đế là Phật pháp, thế gian và xuất thế gian đều quan tâm. Chân Đế là sau khi minh tâm kiến tánh, quý vị đã thấy được Thật Tướng của các pháp, những người tầm thường trong thế gian chúng ta rất khó lý giải điều này. Thật Tướng là thật, nhưng chúng ta chưa tu học đến trình độ ấy, nên đức Phật chẳng nói chuyện này. Ngài giảng về pháp thế gian, cũng có nghĩa là đức Phật rất thông hiểu những kiến thức thông thường. Đức Phật nói về những kiến thức thông thường của người thế gian, chúng ta rất dễ tiếp nhận, rất dễ hiểu. Ngài dạy “cha nhân từ, con hiếu thảo, anh nhường, em kính”, chúng ta nghe rất vui vẻ. Đó là Thế Tục Đế, chẳng phải là Chân Đế. Chân Đế giảng “vạn pháp đều không”, chúng ta sẽ không hiểu, chúng ta thấy rõ hết thảy các pháp hiện tiền, cớ sao là không? Lẽ nào Phật là không? Tôi không hiểu điều này! Đó là Chân Đế, thuộc về Triết Học cao cấp, người bình thường chẳng thể hiểu. Đức Phật nhìn vào căn tánh của chúng sanh, thấy quý vị thuộc trình độ nào bèn thuyết pháp [đến mức đó]. Vì thế, trong toàn bộ Phật pháp, Tiểu Thừa toàn giảng về Tục Đế, Chân Đế cũng nói, nhưng rất ít. Trong pháp Đại Thừa, Chân Đế và Tục Đế đều giảng, ngay cả trong pháp Nhất Thừa [cũng như thế]. Pháp Nhất Thừa là Pháp Hoa và Hoa Nghiêm, trong ấy vừa có Tục Đế, vừa có Chân Đế, không hoàn toàn giảng Chân Đế.
“Phù Tịnh Tông chi diệu, tại ư bất ly Phật pháp, nhi hành thế pháp, bất phế thế pháp, nhi chứng Phật pháp” (Điều hay tuyệt của Tịnh Tông là chẳng lìa Phật pháp mà hành pháp thế gian, chẳng bỏ pháp thế gian mà chứng Phật pháp). Đây là chỗ thù thắng của Tịnh Tông, đúng là xảo diệu. Tiếp đó, sách viết: “Nhân trì danh chi pháp, tối vi phương tiện, tùy địa khả tu” (do pháp trì danh thuận tiện nhất, chỗ nào cũng có thể tu được), có thể tu bất cứ lúc nào, tu ở bất cứ chỗ nào, một câu Phật hiệu trong tâm, phải thật sự làm được tiêu chuẩn “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói, thật sự, chẳng giả. Giữ vững lục căn chẳng cho chúng rong ruổi theo bên ngoài, “phi lễ vật thị, phi lễ vật thính” (phi lễ chớ nhìn, phi lễ chớ nghe), khống chế được! Lục căn chẳng chạy theo cảnh giới lục trần. Đối với phàm phu, cảnh giới lục trần bên ngoài dẫn dụ lục căn, quý vị bèn tạo nghiệp; thật sự có thể khống chế nó, thì có thấy cảnh giới bên ngoài hay không? Thấy chứ! Nhưng thấy ra sao? Chẳng để trong lòng, thấy mà như không thấy, nghe mà chẳng nghe, chẳng bận lòng, đó gọi là công phu. Trong tâm là gì? Trong tâm là A Di Đà Phật, trừ A Di Đà Phật ra, cái gì cũng đều chẳng có. Trò chuyện trao đổi với quý vị, đó là pháp thế gian, nhưng Phật hiệu trong tâm chẳng gián đoạn. Chẳng phải là nói tôi có chuyện phải làm, tôi buông niệm Phật xuống, đó là gì? Đó là công phu vẫn chưa đủ, chưa đạt, người mới học mới phải làm như vậy. Đặc biệt là khi phải dùng đến đầu óc suy nghĩ, quý vị tạm thời buông Phật hiệu xuống để làm việc. Sau khi làm xong xuôi, lại niệm Phật. Nếu đã đạt Niệm Phật tam-muội, sẽ chẳng có chướng ngại, trong mười hai thời Phật hiệu chẳng gián đoạn, làm được, chứ chẳng phải là không làm được!
Xưa kia, tôi ở Đài Loan, vào dịp Tết năm nọ, có một vị lão cư sĩ đến chúc Tết tôi, cụ cũng là tín đồ đã lâu của Hoa Tạng Đồ Thư Quán. Bà cụ đến bảo tôi: “Bạch pháp sư! Nay trong lòng tôi rất thanh tịnh, chuyện gì tôi cũng đều buông xuống, nhưng không thể bỏ cháu nội được!” Công phu niệm Phật của bà cụ rất tốt, không buông cháu nội xuống được, tôi nói với cụ: “Bà hãy tưởng A Di Đà Phật là cháu bà, bà sẽ thành công!” Bà cụ chẳng nghĩ đến cháu, chẳng nghĩ tới, nhưng trong tâm thật sự có cháu, thời thời khắc khắc đều có bóng dáng của đứa cháu, A Di Đà Phật thường treo nơi miệng, trong tâm là cháu. Do vậy, tôi dạy bà cụ một phương pháp để thay đổi: “Hãy đem cháu bà đổi thành A Di Đà Phật, bà sẽ thành công!” Trong lòng thật sự có [A Di Đà Phật]! Đó là niệm Phật! “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật), Đại Thế Chí Bồ Tát nói như thế. Nếu chúng ta một lòng một dạ nghĩ tới thế giới Cực Lạc, mong vãng sanh, chẳng vãng sanh sẽ phiền phức lớn lắm, chẳng vãng sanh sẽ phải luân hồi trong lục đạo. Luân hồi trong lục đạo đúng là khổ quá, chẳng muốn luân hồi nữa! Chẳng còn tiêm nhiễm những thứ trong lục đạo, tâm quý vị bèn định, cái gì cũng đều chẳng nghĩ tới. Mỗi ngày ăn no ba bữa là được rồi, chuyện gì cũng không phải truy tìm, có thể ăn đủ no, quần áo có thể chống lạnh là được rồi, có một chỗ nhỏ bé để ngủ là đủ rồi, cần chi nữa? Quý vị đã biết đủ, biết đủ thường vui. Tâm chẳng có mảy may gánh nặng nào, thân lẫn tâm đều chẳng có áp lực, quý vị nói có tự tại lắm hay không? Trong tâm thật sự có Phật, công phu như vậy nhanh là một năm, chậm thì tối đa là ba năm, quý vị sẽ đạt được Niệm Phật tam-muội. Niệm Phật tam-muội là gì? Tâm thanh tịnh. Trong tựa đề của kinh Vô Lượng Thọ có “thanh tịnh”, quý vị đã đạt được. Tâm thanh tịnh sanh trí huệ, chẳng còn sanh phiền não nữa. Khi nào sẽ vãng sanh? Trong cảnh giới ấy, muốn vãng sanh lúc nào sẽ vãng sanh khi ấy; quý vị vừa nghĩ, A Di Đà Phật liền đến. Có thọ mạng, nhưng chẳng cần thọ mạng nữa, đi ngay bây giờ được chăng? Được! Thông tin của quý vị gởi sang A Di Đà Phật, ở nơi đây vừa khởi niệm, A Di Đà Phật liền biết ngay, Phật đến tiếp dẫn. Chẳng có công phu ấy sẽ không được, nghĩ cách nào Phật cũng chẳng đến, vì sao nghĩ mà Phật không đến? Do quý vị vọng tưởng, nên Phật không đến, vẫn chưa buông những thứ tạp nhạp trong thế gian xuống được! Thật sự buông xuống sẽ có thể ra đi bất cứ lúc nào!
Thế giới này khổ ngần ấy, chịu khổ nhiều năm ngần ấy, còn có gì tốt đẹp để lưu luyến nữa? Sanh về thế giới Cực Lạc vĩnh viễn lìa khổ, được vui. Vì sao chẳng làm? Nói thật ra là vì tham sống sợ chết! Nếu có Niệm Phật Đường nào mở ở đây, bảo mọi người: “Đến chỗ tôi niệm Phật, chắc chắn bảy ngày sẽ vãng sanh”, quý vị thấy có ai dám tới hay không? Không dám tới! Mỗi ngày cầu vãng sanh, nhưng bảy ngày chắc chắn vãng sanh thì chẳng ai dám tới Niệm Phật Đường ấy! Giả trất, chẳng thật! Miệng đúng, tâm sai! Sau khi chúng ta hiểu rõ, phải thật sự làm, các đạo lý đều hiểu rõ ràng, minh bạch.
Quả thật là chẳng lìa Phật pháp mà hành pháp thế gian. Pháp thế gian và Phật pháp chẳng có một chút chướng ngại nào! Bất luận làm việc gì, trong tâm Phật hiệu chẳng gián đoạn, đó là “công phu thành phiến”, sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ của Tây Phương Cực Lạc thế giới; nhưng [sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng] chẳng sao cả! Đức Thế Tôn đã nói minh bạch: Sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới liền viên chứng bốn cõi. Quả đức thù thắng này đến đâu để cầu? Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, chỉ có một môn này là có, những môn khác chẳng có. Vì thế, gặp gỡ pháp môn rất khó có này, rất chẳng dễ dàng! Đã gặp mà không chịu tu, ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ, tội ấy rất nặng, có lỗi với chính mình, có lỗi với chư Phật, Bồ Tát, có lỗi với cha mẹ, tổ tiên; bởi lẽ, quý vị vãng sanh sẽ thành Phật, người nhà của quý vị sẽ đắc độ. Bất luận họ ở trong đường nào, quý vị đều thấy rõ ràng, họ gặp khổ nạn, quý vị có thể giúp họ. Họ có duyên với quý vị, cho nên họ có cảm, quý vị sẽ có ứng. Họ đang chịu khổ, chịu nạn, mong mỏi có người giúp đỡ. Đó chính là Cảm. Quý vị có duyên với họ, lập tức nhận được tin tức ấy, thật sự có thể giúp đỡ họ. Chẳng phế pháp thế gian, mà chứng Phật pháp. “Chẳng phế” và “chẳng lìa” có cùng một ý nghĩa. Thế pháp (pháp thế gian) là gì? Thưa cùng quý vị, Đệ Tử Quy là thế pháp, Cảm Ứng Thiên là thế pháp, Thập Thiện Nghiệp cũng là thế pháp. Quý vị thấy đó, vận dụng ba thứ này ngay trong cuộc sống hằng ngày của chính mình, vận dụng ngay vào công việc của chính mình, dùng ngay trong sự đãi người tiếp vật của chính mình, thế pháp đấy! Nêu gương tốt cho người thế gian. Trong tâm là A Di Đà Phật thì sẽ thành công. Thế pháp không chỉ chẳng chướng ngại quý vị, mà quý vị còn tích lũy công đức nơi ấy, nâng cao phẩm vị khi sanh về thế giới Cực Lạc. Quý vị làm bao nhiêu chuyện tốt, nêu gương rất tốt trong xã hội. Tâm quý vị thanh tịnh, người ta nhìn không thấy, nhưng Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp của quý vị người ta sẽ thấy, để thay đổi phong thái xã hội hiện thời cần phải có những điều này! Tổ tiên để lại cho chúng ta những thứ tốt đẹp, yêu thương con cháu dường ấy, ân sâu đại đức khôn sánh! Nay chúng ta là con cháu bất hiếu trong đời này, chẳng hiểu lòng yêu thương của tổ tiên, gạt bỏ giáo huấn của họ sang một bên, lại còn chê họ lỗi thời, tâm thái như vậy, quý vị nói xem: Có tránh khỏi chẳng bị báo ứng hay chăng? Chúng ta đúng là khó có, trong thời đại này và trong lứa tuổi như vậy mà được gặp gỡ [pháp môn này], mới giác ngộ, mới hiểu rõ, nhanh chóng quay đầu sốt sắng học tập, tự lợi, lợi tha, lợi tha là tự lợi. Bản thân quý vị chẳng sốt sắng học tập, sẽ không có cách nào lợi tha. Chính mình thật sự học, sẽ thật sự đạt được lợi ích, người khác trông thấy sẽ học theo, [do thấy chúng ta có] biểu hiện tốt đẹp mà!
Tôi nhớ năm xưa chúng tôi ở Mỹ, hàng xóm gần đó đều là người Mỹ. Tôi sống trong một căn nhà nhỏ đối diện nhà Hàn Quán Trưởng. Những người hàng xóm rất hâm mộ chúng tôi. Có một buổi sáng, chúng tôi ra ngoài tản bộ, bên ngoài là công viên; những người hàng xóm trông thấy tôi, bèn nói họ thấy chúng tôi mỗi ngày đều vui vẻ dường ấy, khuôn mặt tràn đầy dáng vẻ tươi cười, hỏi: “Các vị làm nghề gì vậy? Vì sao vui sướng ngần ấy?” Chúng tôi bảo họ: “Chúng tôi niệm Phật”. Họ hỏi: “Niệm Phật là gì?” Có cơ hội giáo dục rồi! “Niệm Phật đích thực là học điều gì?” Chúng tôi bảo họ: “Niệm Phật chính là học trí huệ”. Họ nghe xong, [bèn nói] điều này cần thiết, tôi cũng muốn học. Tôi nói: “Thứ hai là trường thọ, thứ ba là vui sướng”. Họ nói: “Chúng tôi cần [những điều ấy]” Bọn họ đều là tín đồ Cơ Đốc, mỗi Chủ Nhật đều đi nhà thờ, tôi bèn khuyên họ: “Ngày thứ Bảy các vị hãy đến Phật đường của chúng tôi để học trí huệ, học trường thọ, học vui sướng. Ngày Chủ Nhật, quý vị đi nhà thờ, chẳng vi phạm [luật đạo]. Ở chỗ quý vị có Chúa, còn chúng tôi ở đây có thầy”. Đức Phật là thầy của chúng ta, Ngài chẳng phải là thần. Đúng là sau đấy, dần dần người ta đến đông hơn, những vùng phụ cận đều đến. Bởi lẽ, họ quan sát trước, quan sát mấy tháng rồi mới tiếp cận chúng tôi, từ từ họ hiểu biết. Vì lẽ đó, tôi nói: Tín ngưỡng tôn giáo và học Phật chẳng xung đột. Quý vị tín ngưỡng tôn giáo, thần là cha của quý vị, có quan hệ cha con hoặc chủ tớ với quý vị. Quý vị đến chỗ chúng tôi, có quan hệ thầy trò với Thích Ca Mâu Ni Phật. Ở nhà, quý vị có cha mẹ, ở trường có thầy, làm sao xung đột cho được? Họ nghe nói rất vui thích, chẳng xung đột mà!
Tiếp đó, cụ Hoàng nhắc nhở chúng ta: “Tùy địa khả tu, hà đãi độn nhập sơn lâm, tùy thời khả niệm, bất lao bế quan yến tọa” (tu ở bất cứ chỗ nào cũng được, chẳng cần phải trốn vào núi rừng; niệm bất cứ lúc nào cũng được, chẳng nhọc công bế quan, ngồi yên), ý nói: Chẳng cần phải tìm một A Lan Nhã. A Lan Nhã (Aranya) là tiếng Phạn, tức là tìm một nơi thanh tịnh. [Pháp môn Tịnh Độ] có thể tu trong bất cứ lúc nào. Hương Cảng là nơi phồn hoa nhất, có thể tu được hay chăng? Có thể! Chẳng bị trở ngại gì, [pháp môn Tịnh Độ] thuận tiện hơn các pháp môn khác. Thí dụ như học Thiền, học Mật sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ hoàn cảnh, đều phải tìm một nơi thanh tịnh, [nơi ấy] gọi là Lan Nhã, [Lan Nhã] có nghĩa là thanh tịnh, rất an tĩnh. Tiêu chuẩn như thế nào? Vào thời cổ, [chỗ ấy] phải là nơi không nghe tiếng trâu kêu, lấy đó làm tiêu chuẩn. Tại nông thôn nuôi trâu, tiếng trâu kêu lớn nhất. Chỗ quý vị [tu Thiền hay tu Mật] phải là nơi không nghe thấy tiếng trâu kêu trong thôn trang, nơi đó gọi là đạo tràng thanh tịnh. Niệm Phật phải có phước báo; nhưng khi tôi thiếu phước báo thì ở chốn náo nhiệt vẫn tu được, vẫn có thể học thành công. Do vậy, không cần phải lánh vào rừng núi, cũng không cần phải bế quan, yến tọa, “yến tọa” (宴坐) là tĩnh tọa. Tiểu gia đình trong xã hội hiện thời, công việc vô cùng bận bịu, lấy đâu ra thời gian để tĩnh tọa? Do vậy, pháp môn này thù thắng, pháp môn này chẳng có một tí chướng ngại nào!
“Đản phát quảng đại giác tâm, nhất hướng chuyên niệm danh hiệu, hạ chí thập niệm, nhất niệm, diệc đắc vãng sanh. Bất ngộ thế gian công tác, y cựu đốn thoát sanh tử. Ký năng tự giác, giác tha, quảng độ chúng sanh ư vị lai, diệc phục tự tha câu lợi, tạo phước xã hội ư đương thế” (chỉ cần phát khởi giác tâm rộng lớn, một mực chuyên niệm danh hiệu, tối thiểu là mười niệm, hay một niệm cũng được vãng sanh, chẳng trở ngại công việc trong thế gian, mà vẫn nhanh chóng thoát khỏi sanh tử y như thế. Đã có thể tự giác, giác tha, rộng độ chúng sanh trong thời vị lai, lại còn khiến cho mình lẫn người đều được lợi lạc, tạo phước cho xã hội trong đời hiện tại). Đây là sự thật, nói rõ pháp môn này thích hợp bất luận thời đại nào; đặc biệt là trong xã hội hiện tại, khoa học kỹ thuật phát triển, những người công việc bận rộn, phải tranh thủ từng phút, từng giây, khoa học kỹ thuật thay đổi hằng ngày, hằng tháng, nếu quý vị không nỗ lực học tập, sẽ trở thành lạc hậu! Nhất là những người làm việc trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, chúng ta thấy họ có lớp huấn luyện bổ túc, cứ mỗi nửa năm lại phải tái giáo dục. Những thứ mới mẻ hơn ra đời, họ phải đi học từ một tuần cho đến hai tuần, nhằm tiếp nhận những thứ mới mẻ. Đôi khi mỗi ba tháng lại phải học huấn luyện bổ túc một lần. Mỗi năm, chẳng thể thiếu hai hoặc ba lần [huấn nghiệp như vậy]. Quả thật cuộc sống trong xã hội này rất bận rộn, nếu quý vị muốn thành tựu đạo nghiệp sẽ chẳng dễ dàng. Nhưng Tịnh Độ đã tạo phương tiện cho quý vị, hóa giải vấn đề khó khăn này!
Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 9
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang