Người tạo nghiệp giết hại nhiều, nhất là những người hành nghề săn bắn, đồ tể, hàng thịt thì không chỉ thiếu phước về sức khỏe và trường thọ mà còn chịu thêm quả báo nghèo hèn, khốn khổ.
1. Sát sinh quả báo nghèo hèn
Quan sát cuộc sống của những thợ săn, đồ tể, hàng thịt thì chúng ta sẽ thấy rất rõ những lời Phật đã dạy ở trên. Do tạo nghiệp sát nặng nề nên theo thời gian thì sự nghiệp của họ càng nhanh chóng tàn lụi, đau bệnh và tai nạn liên tục, gia đình đổ nát, nói chung là tán gia bại sản…
Một trong những nguyên tắc đạo đức căn bản của người Phật tử là không làm tổn hại, không sát hại chúng sinh. Các đoàn sinh Gia đình Phật tử, khi mới vào chùa đã thuộc lòng câu “Em thương người và vật”.
Chẳng những không giết hại, người Phật tử còn nuôi dưỡng tâm từ, luôn thực hành phóng sinh cứu vật. Nếu ai tạo nghiệp sát sinh hại vật nhiều thì chắc chắn chịu quả báo thân thể đau yếu, nhiều bệnh tật, thọ mạng ngắn ngủi, người và vật đều xa lánh vì luôn tỏa ra sát khí nguy hiểm, lạnh lùng.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, người tạo nghiệp giết hại nhiều, nhất là những người hành nghề săn bắn, đồ tể, hàng thịt thì không chỉ thiếu phước về sức khỏe và trường thọ mà còn chịu thêm quả báo nghèo hèn, khốn khổ.
“Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các Thầy có thấy người giết trâu do tạo nghiệp này mà sau được cỡi xe, ngựa, voi lớn chăng?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Thưa không, Thế Tôn!
Thế Tôn bảo: – Lành thay! Các Tỳ-kheo! Ta cũng chẳng thấy, chẳng nghe người mổ giết hại trâu, rồi lại được cỡi xe, ngựa, voi lớn. Sở dĩ như thế vì Ta cũng chẳng thấy người mổ trâu được cỡi xe, ngựa, voi lớn, trọn không có lý này. Thế nào, Tỳ-kheo! Các Thầy có thấy người giết dê, giết heo, người săn bắn nai, những người như thế tạo việc ác này rồi được có tài sản, sau được cỡi xe, ngựa, voi lớn chăng?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Thưa không, Thế Tôn!
Thế Tôn bảo: – Lành thay! Các Tỳ-kheo! Ta cũng chẳng thấy, chẳng nghe người giết dê, sát hại các sinh vật, rồi được cỡi xe, ngựa, voi lớn, trọn không có lý này. Tỳ-kheo các Thầy! Nếu thấy người giết trâu cỡi xe, ngựa, đây là phước đời trước chẳng phải phước đời này, đều là việc làm cũ của đời trước đưa đến. Các Thầy nếu thấy người giết dê được cỡi xe, ngựa, nên biết người này gieo trồng phước cũ ở đời trước.
Vì sao thế? Vì tâm sát chẳng trừ. Vì cớ sao? Nếu có người gần gũi người ác, ưa thích sát sanh, gieo trồng tội địa ngục thì nếu trở lại làm người, thọ mạng sẽ rất ngắn. Nếu lại có người ưa thích trộm cắp, gieo trồng tội địa ngục thì cũng như người mổ trâu kia, mua rẻ bán đắt, dối gạt người đời, chẳng theo Chánh pháp. Người giết trâu cũng lại như thế, do tâm sát nên gây tội lỗi này; chẳng được cỡi xe, ngựa, voi lớn. Thế nên các Tỳ-kheo nên khởi tâm từ đối với tất cả chúng sanh. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm.”
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 36, Thính pháp, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.387).
Quan sát cuộc sống của những thợ săn, đồ tể, hàng thịt thì chúng ta sẽ thấy rất rõ những lời Phật đã dạy ở trên. Do tạo nghiệp sát nặng nề nên theo thời gian thì sự nghiệp của họ càng nhanh chóng tàn lụi, đau bệnh và tai nạn liên tục, gia đình đổ nát, nói chung là tán gia bại sản.
Nhưng chưa hết, không ít người trước khi chết còn biểu hiện cận tử nghiệp nặng nề, giãy giụa, tru tréo, quằn quại, máu me đầm đìa, hồn xiêu phách lạc như những con vật mà họ đã giết hại trước đây.
Trong pháp thoại này, có một điểm đáng chú ý là, ngoài những người nặng nghiệp giết hại rồi chịu nhân quả nhãn tiền, một vài người quả báo xảy đến hơi chậm, nên họ vẫn giàu sang. Chính mắt thường của phàm tình chúng ta không thấu đáo điều này nên nghi ngờ về nhân quả.
Họ vẫn làm ác đấy nhưng có hề hấn gì đâu! Thậm chí có người toan đổi nghề theo họ cho mau giàu. Thực chất thì những người ấy nhờ có phước cũ dư tàn lại nên tuy làm ác mà vẫn an ổn, sung túc.
Đến khi phước cũ cạn hết, tội nghiệp mới trổ quả thì ngay lập tức đọa lạc. Nhân quả là một tiến trình rất phức tạp, có ba thời là hiện báo, sinh báo và hậu báo. Nên làm ác mà giàu sang, theo Thế Tôn thì “trọn không có lý này”. Người đệ tử Phật, tin sâu nhân quả, luôn nuôi dưỡng tâm từ, quyết không làm tổn hại chúng sinh để vun bồi công đức, tăng phước tăng thọ.
2. Sát sinh đọa địa ngục
a. Giết lợn bị đọa và địa ngục a Tỳ
Truyện Pháp Cú kể rằng: Lúc Thế Tôn cùng các Tỳ kheo ở tại tinh xá Trúc Lâm, cách đó không xa, có đồ tể Cunda sống bằng nghề mổ lợn. Mỗi lần giết lợn, ông ta trói thật chặt vào cột và nện nó bằng một cây chày vuông, rồi banh hàm và rót nước sôi vào họng, kế đến đổ nước sôi lên lưng, làm tuột lớp da đen và thui lớp lông cứng bằng một bó đuốc. Cuối cùng ông cắt đầu lợn bằng một thanh kiếm nhọn rồi xẻ thịt, lột da.Và Cunda đã sống bằng nghề mổ và bán thịt như thế gần hai mươi năm.
Dù đức Ðạo Sư ở tinh xá cách đó không xa mà chẳng khi nào Cunda cúng dường Ngài, dù là một cành hoa hay một nắm cơm, cũng không làm một việc công đức nào cả. Một hôm ông mắc bệnh, và dù ông ta vẫn còn sống nhưng lửa của địa ngục A Tỳ đã bốc cháy trước mặt. Khi cực hình địa ngục giáng xuống đồ tể Cunda, ông ta bắt đầu kêu eng éc và bò bằng tay và đầu gối. Người nhà rất kinh khiếp tìm mọi cách bịt miệng ông ta, chặn các cửa và nhốt ông ở trong nhà. Suốt bảy ngày, chịu sự đau khổ, ông luôn mồm rống eng éc như lợn.
Vài tỳ kheo đi ngang qua cửa nhà ông, nghe tiếng lợn kêu eng éc ồn ào, khi về tinh xá, bạch với Đạo Sư: “Bạch Thế Tôn, trong bảy ngày qua cửa nhà đồ tể Cunda đóng kín và ông ấy vẫn tiếp tục giết lợn. Thế Tôn nghĩ xem, biết bao nhiêu con bị giết. Thật từ trước tới nay chưa thấy ai độc ác và dã man như thế!”
Đức Đạo Sư nói: “Này các Tỳ kheo! Ông ta không giết lợn trong bảy ngày qua đâu. Sự trừng phạt phù hợp với việc làm ác đã xảy đến đối với ông ta. Ngay khi ông ta còn sống, cực hình của địa ngục A Tỳ đã đến. Vì cực hình này, ông ta bò tới bò lui trong nhà, kêu la eng éc như một con lợn suốt bảy ngày. Hôm nay ông ta đã chết và bị đọa vào địa ngục A Tỳ”.
b. Giết trâu đền tội
Trong quyển Hồi hương bút ký có một đoạn mô tả như sau: Vào đời Thanh Tuyên Tông, năm Đạo Quang ở huyện Đào Khê (Trung Quốc) có một kẻ chuyên môn mổ thịt trâu đem bán mà mọi người ai cũng biết. Đó là Phạm Đăng Sơn. Suốt đời giết hại không biết bao nhiêu con trâu vừa đem bán, vừa để ăn.
Một hôm trên không bỗng nhiên mây đen tích tụ lại, trời đất tối sầm, rồi mưa gió nổi lên dữ dội, sấm chớp vang rền. Ngay lúc ấy, sét đánh trúng Phạm Đăng Sơn nhưng không chết, song mặt mày cháy lém, da thịt cuộn lại, đau đớn rên la, kêu rống lên một cách thê thảm, hai mắt đẫm lệ trợn lên như sắp lồi ra ngoài.
Do lửa đốt, da thịt nứt nẻ, anh ta dùng tay cạo những chỗ thịt bị rã nát, vò lại rồi bỏ thẳng vào miệng vừa ăn vừa nói: thịt trâu ngon quá. Trải qua chừng vài tháng rồi tắt thở. Những người chứng kiến cảnh ấy, ai nấy đều cảm thấy lạnh xương sống.
Nên biết rằng sự báo ứng của nghiệp sát sinh hết sức là trầm trọng, mà quả báo của việc giết trâu bò lại càng trầm trọng hơn vì chúng có công với người đời.
3. Không nên sát sinh
Quý vị hãy nhớ tích xưa trong sử, ngày mà vua Tỳ Lưu Ly giết sạch giòng họ Thích ca, đầu Đức Phật cũng bị nhức thống thiết. Nguyên nhân từ đâu? Đó là vào kiếp quá khứ xa xưa, khi dòng họ Thích là dân làng chài và đức Phật Thích ca là một cậu bé trong làng chài đó. Khi dân chài bắt được con cá lớn, sắp giết thịt ăn, cậu bé tiền thân Phật đã đùa nghịch lấy cây đánh vào đầu nó ba cái. Con cá lớn đó chính là tiền thân vua Lưu Ly, khi sinh làm người đã giết sạch dòng họ Thích-ca, còn đức Phật cũng trả báo nhẹ là bị nhức đầu.
Chuyện này quý vị không thể không tin! Báo ứng rất rõ ràng và đáng sợ. Vì lý do này mà Phật nghiêm cấm sát sinh.
Không những Phật từ bi với con người, mà còn thương cả đến loài trùng kiến nhỏ bé. Bởi vì trong cái nhìn của Phật, tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật. Trong kinh Phạm Võng nói: “Tất cả nam nhân là cha, tất cả nữ nhân là mẹ”. Chúng sinh trầm luân lưu chuyển trong sáu đường, từng làm cha mẹ quyến thuộc của nhau. Vì vậy giết hại chúng sinh cũng xem như là giết hại cha mẹ.
Người đời không biết, không tin thuyết này nên mặc tình giết hại, ăn nuốt lẫn nhau. Quý vị cần tin sâu nhân quả. Nếu tin sâu nhân quả, thì trong lòng dù chưa sửa đổi, hạnh thiện cũng đã thành, vì mỗi khi hành động nghĩ suy, quý vị luôn biết thận trọng cân nhắc, cho nên hành vi sẽ tự nhiên ứng theo chiều thiện.
Những ai thường gặp tai nạn là do ác nghiệp, biệt nghiệp chiêu cảm nên. Phải biết những tai họa xảy đến là do quý vị đã từng gieo nhân ác trong quá khứ. Thế nên các tai nạn binh đao, chiến tranh, lụt lội, hỏa tai, địa chấn thảy đều do nghiệp quả chín mùi, đã tới lúc trổ, nên quý vị phải nhận.
Nhân thiện chiêu quả thiện! Bằng chứng là trong hai trận Thế giới chiến vừa qua, chỉ có Hoa kiều ở Úc là được bình an. Vì sao ư? Vì trong tiền kiếp bọn họ không hề tạo nghiệp sát!
Năm Giáp Dần (1914) tôi đang giảng kinh tại Long Hoa Sơn, thì 4 huyện trong phủ Đại Lý phát sinh địa chấn kinh hồn, tại Đại Lý là nặng nhất: Nhà cửa thành quách đều nhất loạt sụp đổ không còn gì. Chỉ có chùa viện, bảo tháp là không sao, vẫn đứng yên như cũ. Trong cơn địa chấn đất rung chuyển nứt nẻ trầm trọng, còn phát sinh lửa dữ cháy ngùn ngụt tràn lan. Người ta tranh nhau chạy tránh nạn, thì dưới chân đất bỗng nứt ra, làm họ bị lọt xuống mắc kẹt trong đó, họ cố hết sức trèo lên, nhưng vừa ló được cái đầu thì đất liền khép lại, cắt đầu đứt lìa nằm mắc kẹt lại trên đất. Cảnh tượng hãi hùng nhìn giống như người đang sống mà bị hãm trong địa ngục cắt chém hay lửa thiêu, thảm đến mắt chẳng nỡ nhìn.
Mấy ngàn hộ dân trong thành tử nạn gần hết, sống sót rất ít. Trong đây có hai tiệm vàng: Tiệm Vạn Xương của họ Triệu và tiệm Trạm Nhiên của họ Dương – khi lửa cháy đến nhà hai gia đình này thì liền tự tắt. Chỗ họ ở cũng không hề bị địa chấn. Mỗi hộ này chỉ có mấy mươi người, nhưng thảy đều bình an vô sự. Nguyên do là hai dòng họ này, đời đời ăn trường trai, lại hay làm phước bố thí nên mới chiêu cảm được quả lành hi hữu như vậy. Ai biết đến chuyện họ cũng đều xúc động.
Đã là Phật tử thì quý vị phải thấu suốt lý nhân quả khó nghĩ lường này và tin sâu không nghi. Nếu tin sâu nhân quả thì quý vị sẽ tự nguyện hành thiện, trì giới, trường trai và không còn dám sát sinh.
Hòa thượng Hư Vân khai thị!
Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!