Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Lời Phật dạy về lòng tin giúp ta tránh đau khổ, mất mát và thất vọng

Lời Đức Phật dạy về lòng tin sẽ giúp ta có những nhận định sáng suốt trước mỗi vấn đề trong cuộc sống để tránh những đau khổ, mất mát và thất vọng khi đặt sai niềm tin ở ai đó hay điều gì đó.

1. Lời Phật dạy về lòng tin

Trong cuộc sống, ai cũng từng trải qua cảm giác thất vọng, đau khổ vì lầm tin một ai đó hay điều gì đó. Mất mát tiền bạc vì tin vào mối quan hệ bạn bè lâu năm, mất người yêu vì nghe những lời đồn đại phiến diện, mất sự nghiệp vì những lời gạ gẫm, vẽ vời… Đặc biệt là mất đi nhân cách khi tin vào những điều hoang tưởng mà ai đó đặt ra khi biết được những tham vọng của bạn.

Thời Đức Phật còn tại thế, anh chàng Vô Não là tấm gương để ta học hỏi. Vì muốn đắc đạo mà Vô Não đã nghe lời xúi dục của một người thầy tà đạo bảo rằng: Phải chặt một ngàn ngón tay, sau đó kết thành sợi chuỗi đeo vào cổ sẽ chứng được quả vị tối thượng. Vì ham muốn mà không suy xét nên anh chàng Vô Não đã sát hại biết bao nhiêu người để chặt ngón tay của họ. Khi còn thiếu đúng một ngón tay, Đức Phật đã thị hiện để giáo hóa và ngăn chặn kịp thời tội ác của anh ta.

Trong cuộc sống đời thường cũng vậy. Hiện nay có rất nhiều lời đồn đại về pháp tu này pháp tu kia siêu hình sẽ giúp người ta có thần thông, phép thuật, đắc đạo nhanh chóng. Đến những cách bói toán, lên đồng, gọi vong linh của người thân khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lầm tin rồi mất cả tiền tài, sa sút tinh thần và tự mang bệnh tật vào thân, ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân và người thân.

Trong kinh Tăng Chi Bộ Đức Phật đã dạy rằng:“Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình”.

Đoạn kinh này được Đức Phật dạy cho người dan Kalama, vốn được biết đến là tộc người có đạo đức và sống lương thiện dù họ không phải là tín đồ Phật giáo. Một lần, có một đoàn đạo sĩ của các tôn giáo khác đến phổ biến những giáo điều và lôi kéo học cải đạo. Người dân nơi đây rất hoang mang nên đã tìm đến Đức Phật để tham vấn. Người đã dạy họ những điều trên. Thông qua bài Pháp này, Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta biết được Mười điều về lòng tin:

Lời dạy thứ nhất: Đừng tin vì nghe theo lời truyền khẩu

Lời truyền khẩu không bao giờ phản ánh đúng sự thật nguyên bản của nó. Bởi mỗi người sau khi nghe một điều gì đó, họ sẽ kể lại sự việc có thêm vào sự nhận định, cảm xúc của mình. Chưa kể một số chi tiết có thể họ quên hoặc dùng những từ ngữ diễn tả không rõ ràng, đúng nghĩa ban đầu. Lời truyền miệng đó từ người này qua người khác, từ vùng này qua vùng khác, từ năm này qua năm khác sẽ làm mất đi giá trị nguyên gốc của nó. Vì thế ông bà ta có câu “Muốn tin điều gì phải tai nghe mắt thấy”. Nghe thôi chưa đủ mà phải thấy rõ sự việc mới có thể tin.

Lời dạy thứ 2: Đừng tin vì đó là truyền thống

Truyền thống là những việc làm, hành động được truyền từ đời này sang đời khác của một quốc gia hay một đại phương được xã hội công nhận. Thế nhưng Đức Phật dạy rằng đừng tin theo truyền thống bởi không phải truyền thống nào cũng tốt đẹp, cũng có giá trị nhân văn và đúng chánh Pháp.

Nhìn lại lịch sử, ta thấy nhiều bộ tộc có truyền thống tế thần bằng cách dâng lên thần linh sinh mạng của loài vật, máu của chúng hay kể cả của con người. Điều này đúng hay sai? Đôi khi có những việc làm đã trở thành thói quen nên người ta mất dần đi sự nhận định, cho đó là lẽ thường tình nhưng vô tình đang lấn sâu trong tội nghiệp mà không hay biết.

Lời dạy thứ ba: Đừng tin vì nghe đồn đại

Lời đồn đại còn gọi là lời thêu dệt, được tạo ra từ những điều vô căn cứ rồi lan rộng mọi nơi. Lời đồn thường mang kịch tính, giật tít, hấp dẫn, bất ngờ để lôi cuốn người nghe, nhưng không có nguồn gốc rõ ràng.

Lời dạy thứ tư: Đừng tin vì lý luận

Lý luận ở đây nghĩa là lý luận về điều gì đó siêu hình, không có căn cứ thực tế không ai thấy, không ai đã trải nghiệm thì cho dùng có lý luận hay bằng lời lẽ hoa mỹ cũng không nên tin. Bởi điều đó chỉ đánh thức sự tò mò, ảo tưởng của bạn bởi nó chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ và hiện tại.

Lời dạy thứ năm: Đừng tin vì suy diễn

Suy diễn là một sự việc nhưng qua quá trình tưởng thưởng, nhận định, đánh giá của một người hình thành nên một vụ việc lý kỳ, thú vị.

Lời dạy thứ sáu: Đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ

Tư duy trên mọi lý lẽ nghĩa là lập trường. Một người có lập trường là tốt nhưng mặt trái của nó là nếu khăng khăng bám víu vào lập trường, nhận định của mình hoặc ai đó quá mức thì rất dễ mắc phải sai lầm. Lập trường thường dựa trên những lý lẽ đã xác thực, có căn cứ khoa học, nhưng vạn pháp đều là vô thường.

Có thể điều này đúng ở thời điểm này nhưng lại sai ở thời điểm khác. Vì thế, chúng ta cần phải có sự nhận định, suy xét thường xuyên để linh hoạt trong cách sống, cách suy nghĩ.

Lời dạy thứ bảy: Đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc

Những ý kiến đã được cân nhắc kỹ chưa hẳn có tính đúng đắn và hợp tình hợp lý. Nó có thể mang đến lợi ích cho bản thân, tổ chức cá nhân nhưng vô tình gây hại cho người khác. Hoặc những điều cân nhắc ấy len lỏi những mưu tính ngầm mà đôi khi nghe qua, chúng ta tưởng đâu là chính xác. Cho dù đã cân nhắc nhưng đó chỉ là ý kiến cá nhân.

Lời dạy thứ tám: Đừng tin vì được ghi trong kinh điển

Kinh điển là lời kim khẩu của Đức Phật. Nhưng chúng ta đều biết, thời Đức Phật không có giấy viết hoặc bất kỳ vật gì để lưu lại lời Phật dạy. Các đệ tử của Ngài chỉ nghe, ghi nhớ và ôn lại mỗi ngày để nắm vững bài học và thực hành. Sau khi Phật nhập diệt, mãi đến một trăm năm sau kinh điển mới được kết tập bởi 1200 vị đệ tử của Phật. Do đó, trong mỗi bài kinh đều có câu mở đầu rằng: Tôi nghe như vầy” chứ không phải là “ Đức Phật dạy…”.

Bởi qua thời gian, mọi thứ điều thay đổi theo quy luật tự nhiên của nó. Dù là Thánh đệ tử nhưng sự sai xót dù nhiều hay ít cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giáo Pháp. Hơn nữa qua hơn 2500 năm, trải qua nhiều quốc gia, qua nhiều cách truyền đạo, qua nhiều pháp sư dịch thuật không ai dám chắc rằng những lời kinh điển được nguyên vẹn tuyệt đối lời Phật dạy thuở xưa.

Đó là lý do vì sao có một số bài kinh ngoại đạo, không phải Phật thuyết nhưng vẫn tồn tại hiện nay, đưa ra những lập luận theo quan điểm cá nhân của họ. Điều này vô tình gây ra những tổn hại cho đạo Phật và đến bước đường tu hành của người Phật tử.

Lời dạy thứ chín: Đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền

Chúng ta thường bị chi phối bởi những người có uy quyền. Người có uy quyền chưa hẳn họ có đạo đức và có cách nhìn đúng chánh Pháp.

Đừng vịn vào uy quyền của ai đó mà tin theo những gì họ nói. Uy quyền được tạo nên từ nhiều yếu tố: tài năng, tiền bạc, thân thế,… nhưng không hoàn toàn dựa trên chánh Pháp.

Lời dạy thứ mười: Đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình

Đây là lời dạy rất quan trọng. Đa phần chúng ta thường rất tin vị thầy của mình. Đó là lẽ thường tình nhưng Đức Phật khuyên rằng không nên tin. Chính Đức Phật còn khuyên chúng ta không nên tin vào Ngài nếu chưa thật sự hiểu về Ngài để tránh tội phỉ báng. Còn với các vị thầy, họ cũng là những vị phàm tăng trên bước đường tu học để chuyển hóa thân tâm nên không thể nào tránh những sai lầm. Chúng ta không tin không có nghĩa là chê bai họ.

Nếu không có nhận định, chúng ta rất dễ bị người khác lợi dụng lòng tin. Nhất là những vị thầy tu không đúng Chánh pháp, biến đạo Phật trở nên mê tín, bày biện vẽ vời những cách thức cúng kiến cầu xin thay vì khuyến khích Phật tử tu học, làm việc thiện lành.

Lời Phật dạy về lòng tin giúp ta tránh đau khổ, mất mát và thất vọng

2. Nên đặt niềm tin vào đâu?

Phật giáo không kêu gọi, lôi kéo hay dụ dẫn tín đồ tìm đến, không áp đặt chúng ta phải tin theo, đưa ra những lời hăm dọa nếu mất đi lòng tin gây hoang mang cho tín đồ. Qua mười điều Đức Phật dạy về lòng tin trên đây chắc chắn không ít người đặt nghi vấn: Vậy phải tin ai, tin điều gì và tin như thế nào?

Đức Phật dạy: “Khi nào quý vị tự mình biết rõ: Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau, quý vị hãy từ bỏ chúng. … Khi nào quý vị tự mình biết rõ: Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc, quý vị hãy đạt đến và an trú”.

Niềm tin phải có trí tuệ

Phật giáo không kêu gọi, lôi kéo hay áp đặt chúng ta phải tin theo mà Đức Phật dạy rằng hãy: Hãy kiểm chứng rồi hãy tin, kiểm chứng bằng thực tại những gì trong đời sống để tránh tạo nên niềm tin mù quáng mà rơi vào mê tín.

Điều này được hiểu là chúng ta hãy tin vào những pháp thiện đã được kiểm chứng bởi nhận định của người đời và chính ngay bản thân mình. Nếu pháp thiện mang đến lợi lạc và an vui cho bản thân và người khác thì hãy tin theo, còn ngược lại đừng tin nếu len lỏi sự ngờ vực.

Niềm tin đó phải gắn liền với trí tuệ, không phải vì ai đó trông đáng tin mà ta vội nghe theo, hãy tự thắc mắc, soi xét từng tình huống cụ thể, nhờ vậy mà phát sinh trí tuệ để có hiểu biết chân chính.

Lòng tin của chúng ta phải có cơ sở, mà cơ sở đó được trải nghiệm qua sự quán chiếu tìm tòi. Chính sự quán chiếu đó làm cho ta tăng trưởng thêm sự nhận thức đúng đắn nhờ vậy trong đời sống ta bớt âu lo, căng thẳng hay phiền muộn khổ đau.

Chúng ta tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong những phút giây làm việc để phục vụ cho tha nhân và không phải bận tâm lo lắng nhiều đến kết quả của nó. Lòng tin khi phát sinh trí tuệ đã giúp cho chúng ta giải thoát được cái tôi dính mắc cố chấp vào sự hiện hữu của nó.

Nhưng đến với đạo Phật bằng niềm tin không thì chưa đủ, mà phải có sự nỗ lực tu tập của bản thân thật tu thật chứng mới có được. Ngài không ban cho ta sự giác ngộ giải thoát và cũng không ai có thể ban cho như vậy được.

Phật dạy: “Ai tin Ta mà không hiểu Ta tức phỉ báng Ta”. Chúng ta theo Phật mà không hiểu biết về con người và cuộc đời đức Phật thì niềm tin và sự tôn kính của mình chưa được sâu sắc, vững chãi. Chúng ta học giáo lý của Ngài mà không hiểu rõ đời sống của Ngài, thì sự học hỏi của chúng ta còn phiến diện, thiếu sót, thậm chí có thể hiểu và hành động sai lời Phật dạy.

Mình là chỗ nương tựa của chính mình

Không nên bám víu hay chỉ đặt niềm tin vào một người, nếu người ấy cũng sẽ thay đổi như bất cứ điều gì đang tồn tại trong cuộc sống này, và sẽ có lúc ta mất nơi nương tựa tinh thần và lạc lối.

Đạo Phật được xây dựng trên cơ sở của niềm tin. Nhưng để thành tựu được điều đó, cần phải nỗ lực bằng sự thực hành, tu tập của chính bản thân thì mới có kết quả.

Không phải chỉ tin qua lời nói suông, mà không có sự thực hành bằng hành động, như vậy không đưa đến lợi ích. Một bài học ta có thể tự ghi nhận từ Đức Phật đó là giữa hành động và việc làm của Phật luôn đồng hành cùng nhau, không chống trái nhau.

Ngược lại, nếu niềm tin được xây dựng không vững chắc, hoặc niềm tin có được trên cơ sở nhận thức của cảm tính mà không xuất phát từ lý trí, từ kinh nghiệm thực tiễn trong đời sống tu tập thì sớm hay muộn gì niềm tin ấy cũng bị lung lay, đổ vỡ.

Việc thông tin bị hoán đổi, bóp méo hiện nay đã khiến nhiều người dễ dàng bị lôi cuốn, chạy theo tà đạo, rơi vào mê tín dị đoan, cũng vì không có niềm tin chân chính bền vững.

Đức Phật đã dạy: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy y tựa chính mình, không y tựa một ai khác. Hãy lấy chánh pháp làm ngọn đèn, hãy lấy chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác.”.

Tin vào khả năng giác ngộ của chính mình, tin rằng mình sẽ thành Phật nếu nỗ lực tu hành. Bởi sự giác ngộ là tự mình giác ngộ chứ không ai có thể giác ngộ thay thế được và trong Kinh Pháp Cú có nhấn mạnh: “Các ông phải tự mình nỗ lực, các đấng Như Lai chỉ là người thầy dẫn đường”.

3. Nên đặt lòng tin như thế nào?

Cuộc sống muôn hình vạn trạng, có người tốt kẻ xấu, có những việc thiện, việc ác và chúng luôn diễn ra trong cuộc sống của chúng ta bất kỳ lúc nào mà không theo sự sắp đặt hay suy nghĩ của một ai.

Sống trên cuộc đời này chúng ta từng không ít lần phải rơi vào trạng thái mất đi niềm tin, tuyệt vọng, đau khổ về một ai đó, một việc gì đó mà mình đã hi vọng và nỗ lực rất nhiều để mong muốn mọi thứ theo suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, nếu là người học Phật, chúng ta sẽ hiểu vạn vật trong vũ trụ này luôn có sự chi phối của luật nhân quả, nhân duyên.

Thứ đắt giá nhất trên đời này là lòng tin. Để có được có khi cần rất nhiều thời gian, nhưng để đánh mất thì chỉ cần vài giây ngắn ngủi.

Dù chúng ta là ai, chúng ta đang làm trong ngành nghề gì, ở vị trí nào thì việc chiếm được cảm tình, lòng tin của người khác là một điều nên làm và nên có. Chưa hẳn là việc xây dựng được lòng tin của mọi người dành cho chúng ta thì sẽ làm cho ta thành công, nhưng chắc chắn rằng, bản thân chúng ta sẽ cảm nhận rõ nhất những cái được từ việc một ai đó tin tưởng mình. Đó là sự yêu quý, sự tôn trọng, những cái nhìn chứa đầy những niềm tin, sự ngưỡng mộ… mà chỉ khi nhận được sự tin tưởng, chúng ta mới cảm nhận được.

Từ xa xưa đến nay, liệu có ai đạt được thành công rực rỡ mà bản thân họ lại là người không trung thực, ích kỷ, kiêu ngạo… Hay chúng ta vẫn thường thấy những bậc hiền tài, những vị doanh nhân thành đạt là những người luôn đối xử tốt với mọi người, luôn giữ thái độ ôn hòa, thân mật, xây dựng thành công từ chính sự nỗ lực của bản thân và không ngừng giúp đỡ mọi người…

Lòng tin là chất keo dính để kết nối các mối quan hệ xã hội và để mọi việc trong cuộc sống được vận hành trơn tru. Tin vào những điều tốt đẹp sẽ giúp chúng ta cảm thấy yêu đời và có những động lực.

Nếu bạn tin trong cuộc sống còn những những mảnh đời bất hạnh, thiếu thốn thì tâm bạn lại rộng mở và luôn có những hành động tích cực để san sẻ. Khi ấy, bạn sẽ tự tìm được niềm vui cho chính mình.

Hay bạn tin rằng: Bằng sự nỗ lực, phấn đấu của mình trong công việc hay trong sự tu tập sẽ đạt được thành quả như mong muốn. Từ đó, bạn sẽ có nguồn động lực lớn để vượt qua những thử thách.

4. Vì sao lòng tin bị đánh mất?

Nguyên nhân 1: Do gặp nhiều sự lừa dối trong cuộc sống

Nếu như lòng chân thành là chất liệu để xây dựng nên lòng tin thì sự lừa dối là một cơn bão tố làm sụp đổ đi bức tường thành của lòng tin. Ở đời, người ta dùng sự lừa dối để đạt được lợi ích cho cá nhân, bảo vệ quyền lợi của họ hay để làm đau khổ, trả thù người khác.

Câu chuyện dân gian Tấm Cám, Thạch Sanh Lý thông, Cô bé quàng khăn đỏ hay truyện lịch sử Mị Nương Trọng Thủy… đều cho ta thấy rõ về sự lừa dối vì mục đích cá nhân.

Xã hội càng hiện đại thì dường như tâm con người lại nhỏ hẹp, ích kỷ nhằm bảo vệ cái tôi, bảo vệ những vật chất, quyền lợi mà họ đang sở hữu được mà dễ quên mất đi tình người, tình thân.

Nguyên nhân 2: Ảnh hưởng từ môi trường xung quanh

Đôi khi, những người có tính hoài nghi, mất niềm tin không nhất thiết họ đã từng bị tổn thương về lòng tin, mà do họ bị ảnh hưởng từ môi trường sống trong gia đình.

Một đứa trẻ sống trong gia đình chứng kiến cảnh ba mẹ lừa dối nhau sẽ có thái độ sống phòng ngừa, khép kín hoặc hình thành cách sống hờ hợt vì luôn e sợ người khác sẽ làm tổn thương mình. Ngược lại một đứa trẻ sống trong sự yêu thương, chân thành thì tấm lòng sẽ cởi mở hơn, suy nghĩ tích cực hơn.

Nguyên nhân 3: Thường bị chê trách nhiều

Lòng tin có hai dạng: Tin ở bản thân mình và tin ở người khác. Những người thiếu tự tin là họ không tin vào khả năng bản thân mình khi họ đã rơi vào nhiều lỗi lầm, sai trái hay có những mặt hạn chế mà lại không nhận được sự động viên, chỉ dẫn, ngược lại là sự chê cười, mỉa mai, chê trách. Từ đó, họ sẽ bị áp lực và mất hẳn đi niềm tin ở bản thân, cảm thấy bất tài và tự khép kín mình.

5. Biểu hiện của người mất lòng tin

Lòng tin là nguồn sống của tinh thần, khi một người bị lừa gạt nhiều hay thiếu tự tin, theo bản năng họ sẽ có những hành động để bảo vệ lấy mình như: Thu hẹp mình, ít cởi mở, hòa đồng với mọi người vì tâm lý sợ lừa gạt; Có thái độ nghi ngại trước ai đó hay sự việc nào đó; Có tâm trạng lo âu và những suy nghĩ tiêu cực về các mối quan hệ xung quanh và về chính bản thân mình.

6. Chúng ta có nên đánh mất lòng tin?

Nhiều người luôn khuyên rằng: Tin ai thì tin một nửa, sống đừng quá cả tin. Nghĩa là chúng ta vẫn giữ lòng tin nhưng đừng quá tin, quá đặt hi vọng hoàn toàn để tránh những hậu quả xấu xảy ra hay tránh đi sự thất vọng, đau khổ từ ai đó hay điều gì đó vì mọi thứ luôn có thể xảy ra.

Đức Phật cũng dạy rằng: “Khi nào chứng quả A-la-hán thì mình mới có thể tin vào tâm ý của mình. Nói như vậy để thấy rằng mọi thứ đều tương đối, đều vô thường đổi thay. Mình mà chưa thể tin vào chính mình thì không nên tin tưởng tuyệt đối vào người khác, dù họ là bất cứ ai hay việc gì”.

Dẫu cuộc đời bạn gặp nhiều trái ngang, lòng tin và niềm hi vọng của bạn đôi lần bị tổn thương, nhưng đừng vì thế mà mất hoàn toàn niềm tin vào cuộc sống. Một người sống không có niềm tin sẽ thấy cuộc sống ảm đảm, u tối và dễ sinh ra lối sống tiêu cực, cảm thấy mệt mỏi, chán nản sẽ bao lấy họ. Mỗi lần vấp ngã, hãy xem đó là bài học để có kinh nghiệm sống, để mình trưởng thành hơn, biết cách nhìn nhận sự việc xa hơn, sâu sắc hơn và tránh khi gặp tình huống tương tự.

Làm thế nào để lấy được lòng tin từ người khác? Làm sao để biến nó thành cơ hội tạo dựng thành công?

Đừng bao giờ nuông chiều bản thân, hãy dạy cho chính chúng ta trở thành một người tử tế. Từ ánh mắt, cử chỉ, hành động phải đáng tin cậy, khi làm việc phải có lòng tin, khi giao tiếp với mọi người thì cần phải chân thật.

Tuyệt đối đừng thể hiện những hành động giả dối để che đậy bản chất bên trong với hy vọng sẽ chẳng ai phát hiện ra, không đâu, không có gì là bí mật mãi mãi cả. Vì vậy, hãy chân thành, thành thật ngay từ đầu trong mọi mối quan hệ. Đó chính là điều kiện cần để chiếm được lòng tin, xây dựng thiện cảm đối với mọi người.

Bằng kinh nghiệm của mình, kèm theo những kinh nghiệm của người khác, chúng ta chỉ nên đặt lòng tin dựa trên hành động, kết quả, không nên đặt lòng tin từ lời nói hay lời hứa hẹn. Lòng tin có nhiều mức độ khác nhau, do đó tùy tình huống mà bạn đặt vào để hạn chế hậu quả có thể xảy ra cho bản thân.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên sống trong sự hoài nghi. Một vấn đề chưa có căn cứ để đạt lòng tin, hãy ghi nhận đó, để đó và thời gian sẽ giúp bạn cũng cố có nên tin hay không?

Có câu: Lòng tin như một trang giấy, một khi đã bị vò nát thì khó mà trở lại hoàn hảo ban đầu. Lòng tin rất khó xây dựng nhưng lại dễ làm mất đi. Một người tự làm cho mình mất đi sự uy tín sẽ nhận lại hậu quả khó lường như câu chuyện cậu bé nói dối chăn cừu. Do đó, Đức Phật khuyên người Phật tử hạn chế tối đa việc nói dối để không làm đau khổ cho mình và làm hại chính mình.

Lòng tin là một thứ khó tìm nhất, nhưng cũng là thứ dễ mất nhất. Hãy nhìn vào hành động để tin, hãy để thời gian giúp bạn trả lời câu hỏi có nên tin hay không? Và hãy luôn có những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống: Một lần vấp ngã, bạn sẽ có thêm kinh nghiệm để xây dựng nên chất lượng cuộc sống tốt nhất cho mình.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Bài viết cùng chuyên mục

Phẩm thứ sáu: Cầu Tự – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 30: Bồ Tát tu trì

Định Tuệ

Kinh Kim Quang Minh Quyển 7: Phẩm Thiên Nữ Đại Biện Tài

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 45: Chỉ lưu lại một kinh này

Định Tuệ

Năm nghề buôn bán mà người cư sĩ không nên làm

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 11: Quốc giới nghiêm tịnh

Định Tuệ

Kinh Hoa Nghiêm tập 21: Phẩm Thập Hạnh thứ hai mươi mốt

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 38: Lễ Phật hiện quang

Định Tuệ

Phẩm thứ 22: Bà lão bán nghèo – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ